Menu Close

Clapton’s Crossroads Guitar Festival

Vừa qua, một festival âm nhạc kéo dài 2 đêm được tổ chức ở Madison Square Garden, New York. Cái tên đứng trước hết trong tên liên hoan này giúp người ta dễ dàng hình dung được nội dung chươngtrình: Eric Clapton’s Crossroads Guitar Festival.

alt

Đây là lần thứ 4, liên hoan Crossroads được tổ chức, 3 năm một lần kể từ năm 2004. Crossroads, trước hết là tên một bài hát, đầy đủ là Cross Road Blues, một sáng tác của Robert Johnson, tay guitar nhạc blues với huyền thoại đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lại tài năng chơi guitar. Được phát hành năm 1936, đến năm 1968, nhóm Cream đã diễn lại ca khúc này với phần “sắp xếp lại” của Eric Clapton, lúc đó là một thành viên của nhóm Cream. Phần cover này cũng ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử âm nhạc, ví dụ như xếp hạng 409 trong danh sách 500 ca khúc xuất sắc nhất mọi thời của tạp chí Rolling Stones hoặc hạng 10 trong danh sách 100 cây guitar solo hay nhất của tạp chí Guitar World.

Kể từ đó, Eric Clapton có nhiều duyên nợ với “crossroads” ví dụ như đây là tên của một boxset 4 đĩa tung ra năm 1988 của ông. Quan trọng hơn nữa, ông đã chọn Crossroads làm tên một trung tâm cai nghiện do ông lập ra trên đảo Antigua ở Caribe. Trong cuộc sống của mình, Eric Clapton từng phải chống chọi với sự nghiện ngập, cả rượu lẫn các loại ma túy. Trong quyển hồi ký của mình, ông từng viết: “Trong giai đoạn khủng hoảng nhất của tôi, lý do duy nhất mà tôi không tự tử là vì tôi sợ mình sẽ không còn được uống rượu nữa nếu như mình chết (!)”. Với rất nhiều cố gắng và nỗ lực, Eric Clapton đã gượng dậy được từ những khủng hoảng cá nhân và khi bình phục trở lại, ông nghĩ ngay đến việc lập một trung tâm cai nghiện lấy tên là Crossroads. Năm 1999, ông tổ chức bán đấu giá một số cây đàn của mình và thu được hơn 5 triệu đôla, đưa hết vào quỹ của trung tâm Crossroads. Đến năm 2004, ông lại tiếp tục bán đấu giá cây đàn Blackie huyền thoại của mình, chỉ riêng cây này thôi đã thu vào gần được một triệu đôla. Chưa dừng lại ở đó, cũng trong năm này, Eric nảy ra ý định tổ chức festival, cũng để tìm nguồn tài chính hỗ trợ cho trung tâm Crossroads. Và liên hoan Eric Clapton’ s Crossroads Guitar ra đời từ đó.

alt

 Liên hoan Crossroads năm nay có sự tham dự của khoảng 30 tay guitar, hầu hết đều xuất hiện trong các liên hoan trước như Buddy Guy, B. B. King, Jeff Beck, nhóm Los Lobos, John Mayer, Robert Cray, Vince Gill… Các cầm thủ này tập hợp để có dịp gặp gỡ, chơi nhạc, trao đổi qua lại các cây guitar của mình và hầu hết là sự ngẫu hứng. Đây là một sự kiện có vẻ dành riêng cho cánh đàn ông, thỉnh thoảng có các ca sĩ nữ hát, nhưng 2 đêm với gần 10 giờ chơi nhạc, chỉ có nhóm của Jeff Beck là có nữ chơi nhạc cụ. Dòng blues giữ vai trò chính yếu nhưng nhiều thể loại khác cũng được hòa trộn, từ soul, country, rock nroll trong một không khí đua tài hết sức thân thiện.

Liên hoan có những câu chuyện đan xen khá thú vị. Thứ nhất là việc nhạc blues đã trở thành cuộc đối thoại vượt qua Đại Tây Dương. Các tay guitar người Anh như Eric Clapton và khách mời đặc biệt, Keith Richard của nhóm Rolling Stones đã tìm thấy tình yêu ở thể loại âm nhạc đậm chất Mỹ này. Họ biến blues thành kiểu nhạc của họ, âm lượng lớn hơn, nhiều chất pop hơn và tập trung nhiều vào guitar solo. Và rồi, ý tưởng của họ được các nghệ sĩ nhạc blues và rock ở Mỹ noi theo.

Thứ hai là cuộc đối thoại giữa các thế hệ hoặc trong cùng một thế hệ. Các bậc lão làng như B.B. King, 87 tuổi chơi nhạc với Buddy Guy, 76 tuổi và việc song tấu guitar của họ giống như một cuộc trò chuyện: mỗi người một giọng, một cách chơi, thi nhau ứng tấu. Đặc biệt, Buddy Guy dẫn theo một đệ tử chân truyền là Quinn Sullivan, năm nay mới 14 tuổi nhưng đã xách đàn rong ruổi khá nhiều với sư phụ.

Buổi diễn được ghi hình lại để phát hành thành DVD và dĩ nhiên, là đĩa không thể thiếu đối với dân mê guitar bởi việc quay cận cảnh chạy ngón hoặc bấm phím còn nhiều hơn các gương mặt nghệ sĩ.

alt

NV