Máy bay đưa chúng tôi từ Beijing sang Seoul, thủ đô của Nam Hàn mất 1 giờ 45 phút bằng China Airline. Thủ tục di trú vào Nam Hàn khắt khe hơn vào Trung Quốc. Sau khi trình chiếu khán, phải lăn tay và chụp hình. Cảm giác đầu tiên khi bước ra khỏi máy bay là không khí trong lành. Tôi không thấy bị vương vướng cổ họng như khi ở China. Đúng là Đại Hàn.

Một góc thành phố nhìn từ New Seoul Tower
Giữa Tháng Tư mà vẫn lạnh ơi là lạnh dù tôi đã chuẩn bị trên người tất cả những quần áo mặc cho mùa Đông. Phi trường Seoul sạch sẽ và lớn như nhiều phi trường của Mỹ. Chúng tôi theo xe bus về khách sạn Sutton khi trời đã tối. Mọi người ngủ sớm để ngày mai bắt đầu chương trình thăm viếng Seoul.

Khách sạn Sutton Seoul – nguồn Flickr.com
Nhiều người dân Nam Hàn nói tiếng Anh hơn và cũng lịch sự hơn dân Tàu. Họ có nước da trắng muốt. Đàn ông đều cao, thanh lịch. Phụ nữ, nhất là những cô ở tuổi 20 – 40 hầu hết có kiểu mũi dọc dừa (sống mũi cao, thẳng, cánh mũi nhỏ), không biết có phải là kết quả của giải phẫu thẩm mỹ hay không. Lối trang điểm nhẹ nhàng làm người nhìn thấy họ đẹp tự nhiên. Trang phục đơn giản, không màu sắc loè loẹt (như dân Tàu) cộng thêm tính hiếu khách càng làm tăng cảm tình của tôi với người Nam Hàn. Cũng không thấy họ ồn ào khi nói chuyện nơi công cộng. Đường phố Seoul cũng có những chiếc xe bán rong thức ăn nhưng sạch sẽ, không thấy xả rác, và cũng không thấy ruồi muỗi gì (có lẽ vì khí hậu lạnh, côn trùng khó sinh sản). Dường như có ít người phạm pháp vì đứng ngay cửa trụ sở cảnh sát tôi không thấy bóng dáng một ông cảnh sát nào dù có ý muốn xem họ ăn mặc ra sao.

Viện bảo tàng Quốc Gia Đại Hàn
Chúng tôi mua vé thăm viếng thành phố Seoul bằng City Tour Bus. Mua một vé người lớn, giá 10 ngàn Won (1 đô la Mỹ bằng khoảng hơn 1,100 đồng Đại Hàn). Bạn có thể lên, xuống xe ở bất cứ nơi nào xe ngừng. Cứ mỗi nửa tiếng lại có xe ngừng ở mỗi trạm (mỗi trạm là một địa điểm thăm viếng). City Tour Bus sẽ đưa bạn đến 27 nơi khác nhau trong thành phố trong một ngày.

Tác giả cạnh “Ngôi chùa 10 tầng Yeongcheonsa”
National Museum là nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm để biết 5 ngàn năm lịch sử của Đại Hàn. Nơi đây chúng ta có thể tìm hiểu về mọi mặt của người Đại Hàn. Từ lịch sử đến cuộc sống, sang lãnh vực văn hóa, rồi nghệ thuật. Những tác phẩm bằng tay, những bức họa từ thời cổ xưa được giữ gìn cho tới ngày nay. Viện Bảo Tàng Quốc Gia Đại Hàn chia làm 3 tầng. Phía bên trái dành cho quá khứ. Bên phải cho hiện tại và tương lai. Tầng dưới cùng là vườn hoa, thác nước, cây cảnh và những bức tượng, ngôi chùa, kỷ vật tìm được. Ở tầng thứ nhất, nơi trưng bày những thứ thời tiền sử có khoảng 4,500 món từ khắp nơi được các nhà khảo cổ Đại Hàn tìm thấy để triển lãm trong 9 phòng. Tầng thứ hai trưng bày 890 cổ vật do tư nhân biếu tặng. Tầng này chia làm 4 phòng dành cho những bức tranh quý, những bút tích cổ còn giữ được. Và tầng thứ ba dành cho những bức tượng điêu khắc gồm tượng Phật hay những tượng nghệ thuật. Đặc biệt, từ cửa vào, ngay dưới đất là tượng “Ngôi Chùa 10 tầng Gyeongcheonsa” ở giữa phòng. Báu vật này có từ năm 1348, đời Vua Chungmok của Goryeo. Năm 1907 bị đánh cắp đem sang Nhật Bản nhưng nhờ người Anh và Hoa Kỳ can thiệp nên năm 1918 đã được hoàn trả cho Đại Hàn.

New Seoul Tower trong sương sớm
Rời Viện Bảo Tàng, chúng tôi lên xe bus đến N Seoul Tower (chữ N mang ý nghĩa mới, New). Nằm trên đỉnh núi Namsan, ở ngay trung tâm Seoul, tháp này cao 236.7 mét. Đây là điểm cao nhất của Seoul. Đứng ở đây, có thể nhìn thấy thành phố bên dưới và những khu vực chung quanh. Nhiều người cho rằng đây là ngôi tháp hay nhất của Á Châu. Riêng tôi, đi bộ lên được ngọn tháp này là khỏi thở luôn. Trời thật lạnh, tuyết đang rơi, những bông tuyết bay phất phới mà mồ hôi tôi vẫn chảy và quá mệt. Ăn thêm cây kem lấy chất ngọt để có sức đi bộ xuống mà vẫn chưa thấy lạnh. Chỉ đến khi ngồi vào trong xe bus mới biết chân tay đang tê trong giày, trong găng. Một ngày qua thật nhanh.

Một gian hàng kẹo kéo
Dậy từ 8 giờ sáng, chúng tôi đi “Chợ Trời Hầm” (Seoul’s Namdaemun Underground Market) tại Namdaemun Market. Chợ rất lớn, bán hầu như đủ mọi thứ (trừ nguyên tử và xe tăng). Giống cách buôn bán bên Mỹ, người Đại Hàn không nói thách. Giá đề bao nhiêu, bán bấy nhiêu. Mua số lượng nhiều sẽ được bớt chút đỉnh. Thêm vào đó, họ không níu kéo người mua nên tôi thấy thoải mái khi mua sắm. Giá quần áo cũng tương đương như Hoa Kỳ. Thức ăn tương đối rẻ hơn. Món nào cũng bỏ đầy ớt, nhiều tỏi, nhiều gia vị. Đại Hàn nổi tiếng về Kim Chi, một loại muối chua. Rau trái nào cũng có thể dùng làm Kim Chi được. Từ rau cải, dưa leo, củ cải, cà rốt đều dùng làm Kim Chi. Có nhiều món ăn giống Việt Nam như chân giò, tai heo, cháo lòng… (có dồi heo nhưng tôi không dám thử). Thức ăn trong quán bán rong ở chợ hay trong nhà hàng đều sạch sẽ như nhau và không có lệ cho tiền phục vụ (tips). Buổi tối, chúng tôi kéo nhau đi lòng vòng dưới phố xem hàng, ngắm người. Ngang qua hãøng làm kẹo Gungjung Tarae (có màu sắc giống kẹo kéo Việt Nam), hai người bán quảng cáo: Gungjung Tarae là một loại kẹo làm bằng mật ong và một loại hạt khô gây men (malt). Ngày xưa Vua Chúa và những người quyền quý dùng kẹo này làm thức tráng miệng khi uống trà. Họ tin kẹo này mang lại sức khỏe, giúp sống thọ hơn, và gặp nhiều may mắn khi ăn nó. Từ một cục bột kẹo, kéo dài ra thành 2 lần, xếp đôi lại, kéo lần nữa thành 4, lại xếp đôi và kéo thành 16, xếp và kéo lần nữa thành 256, cứ thế bình phương lên đến 18 ngàn sợi mỏng như tơ. Kẹo không ngọt lắm, không bị dính răng, giống như ăn bánh bột. Người bán hỏi chúng tôi: Nước chúng tôi có nhiều vị vua, bạn thích vua nào nhất? (Our country have so many Kings. What is your favor King?) Đang lúng túng suy nghĩ câu trả lời thì anh ta nói luôn: my favor king is Burger King (tôi khoái Burger King nhất) làm chúng tôi bật cười với câu trả lời dí dỏm này. Kết quả là tôi mua 1 hộp kẹo với niềm vui buổi tối.

“Chợ Trời Hầm” (Seoul’s Namdaemun Underground Market) tại Namdaemun Market.