Là con người, có lẽ ai cũng hơn một lần cầm trên tay một quyển sách mà mình thích. Theo dòng đời, mỗi người có những thời điểm để yêu một loại sách nào đó; tùy người, tùy trình độ, không giống nhau nhưng có cùng sở thích là được đọc những trang sách mới còn thơm mùi mực đầy hấp dẫn khi vừa mua về.

Người nhà quê thì thường đọc thơ hậu, truyện Tàu, tuồng cải lương, truyện đời xưa, ca dao, tục ngữ, hò, vè… Hoặc có theo học chữ Nho thì lại luôn luôn có trên tay những bộ sách Minh Tâm Bửu Giám, Kinh Thi, Kinh Lễ. Và họ đã mê những loại sách này in trên những loại giấy xấu màu ngà ngà, rồi kẹp giữa hai miếng tre, dùng cọng gai, sợi chỉ mà nẹp lại; giữ gìn cẩn thận như người sang trọng mê những bộ sách quí.
Đất trời thì có thời tiết, nắng mưa. Vạn vật, cỏ cây cũng có mùa màng để những nụ hoa khoe sắc, khoe hương, để bướm ong chực chờ bay lượn. Chim muông lại có thời kỳ cất cao giọng hót lanh lảnh ngút ngàn. Cá tôm cũng tùy theo sự chuyển vần của vũ trụ mà sanh sôi nẩy nở muôn trùng… Loài người lại có lúc trẻ, lúc già; lúc suy, lúc thịnh; lúc cực, lúc nhàn; khi mạnh khỏe, lúc yếu đau… mà tâm hồn cũng biến dịch theo từng thời kỳ như sách vở cũng tùy theo từng thời kỳ mà biến dịch, đổi thay…

Khởi đi từ những ngày ấu thơ chạy giặc Tây, khi được cha mẹ cho đi học tại một lớp học nhà quê trong ngôi nhà lầu bị sập đổ của một người chủ điền gốc người Tàu, tôi nhớ hoài quyển sách vần Quốc Ngữ với hình bìa là con gà trống oai vệ. Nào vần xuôi, vần ngược, những lối tập đồ, tập viết với ngòi viết lá tre chấm vào bình mực tím hoặc những lằn viết chì nguệch-ngoạc như những lối mòn khai mở đầu óc u tối của tôi những ngày thơ dại ấy!
Rồi lớn thêm chút nữa, vào lớp đồng ấu, lớp dự bị…, quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư là người bạn, người thầy thân thiết cận kề. Ngày này qua tháng nọ, trong khắp mọi làng quê, tại các lớp học trường làng, thế hệ chúng tôi cùng cất cao giọng đọc những bài học thuộc lòng, mà phần lớn là ca dao, êm đềm, nhịp nhàng với giọng khởi xướng của thầy giáo xen kẽ những tiếng roi mây đập mạnh vào bàn, vào bảng đen khi có nhiều tiếng xì xào thơ ngây của đám học trò trẻ nhỏ chúng tôi. Chúng tôi lấm la lấm lét mà xanh mặt mỗi lần thầy kêu lên trả bài. Đứa nào đứa nấy ngồi xếp de, im thin thít; nhưng có một điều kỳ lạ là hôm nào không thuộc bài y như là thầy biết được và khi thầy rà ngòi viết đến tên mình rồi dừng lại ở đó như tìm ra thủ phạm. Kết quả sau đó là lãnh “trứng vịt ung”, rồi nằm dài xuống đất với mấy lằn roi mây đau điếng mà tản thần hồn. Nhưng rồi cũng không rời được Quốc Văn Giáo Khoa Thư dù sau này qua khỏi lớp đồng ấu, lên lớp nhì, lớp nhất. Trẻ con thế hệ tôi, khi về nhà nằm võng đưa em, hoặc trưa yên tĩnh, ngoài vườn nắng xuyên qua cành lá xao động do một vài con chim trao trảo chuyền trên những trái chín cây tìm kiếm mùi thơm, rồi nằm trên tấm vạt tre dưới bóng xoài cũng cầm trên tay quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư giấy vàng khè, bìa sách gấp lại, được nẹp kỹ lưỡng bằng hai miếng tre với những sợi dây gai, dây chỉ, mà đọc ê a hết bài này qua bài khác không biết mệt.

Một bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư
Tôi còn nhớ như in những bài học, những bài tập đọc, những câu cách ngôn cùng những hình vẽ phụ họa kèm những lần bị thầy đánh đòn như những kỷ niệm êm đềm của những ngày thơ ấu. Trang này là ngọn núi, trang kia là dòng suối với những nét vẽ thô sơ mà hàm chứa cả cái ngọn nguồn của con người; những hình tượng biểu trưng công cha nghĩa mẹ cao ngất như núi Thái Sơn, xuyên dài bất tận mà tươi mát ngọt ngào như dòng nước trong nguồn. Mấy lời của bài học thuộc lòng năm xưa sau đây, “Khuyên Hiếu Đễ”, tôi vẫn thuộc như lúc nhỏ:
“Cha sinh, mẹ dưỡng,
Đức cù lao lấy lượng nào đong.
Thờ cha mẹ, ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.
Chữ đễ nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.”
Những bài tập đọc về gia tộc, về yêu mến, kính trọng, vâng lời, biết ơn và giúp đỡ cha mẹ luôn luôn hằn sâu trong tâm trí, trong lòng tôi đến bây giờ.
Rồi thêm biết bao những điều ích lợi khác, đọc đi đọc lại hoài rồi nhớ, rồi thuộc suốt đời. Nào là “Học trò biết ơn thầy” kể câu chuyện ông Carnot nghiêng mình kính cẩn chào thầy nhân dịp đi ngang qua trường làng cũ cùng mấy lời nhắn nhủ đám học trò nhỏ hết sức đơn giản, bình dị mà để đời: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta làm nên sự nghiệp ngày nay.”
Những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích nhằm khuyên răn trong việc ở đời rất gần, rất thật mà hữu ích, trẻ nhỏ nhà quê chúng tôi thuở ấy dù khờ khạo nhưng cứ mang máng hoài. Nào là chuyện “Một Quả Cam” với lòng thương yêu lẫn nhau giữa những người thân trong gia đình như cha, mẹ, con cái, vợ chồng.
Hoặc như chuyện kể về “Ông già và bốn người con” với cách dạy con của một người cha về sự đoàn kết, hợp quần qua việc bẻ bó đũa bằng lời lẽ ôn tồn, tha thiết tự đáy lòng: “Này các con, như thế thì các con biết rằng: muốn có sức mạnh thì phải hợp quần. Khi ta chết rồi, thì các con phải nhớ đến chuyện bó đũa này. Các con phải thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau, thì mới đủ thế lực mà đôi với người ngoài”. Tôi còn nhớ bên cạnh những lời khuyên dạy ấy là hình một cụ già với khăn đóng áo dài tươm tất, chỉnh tề, ngồi ngay ngắn nơi chiếc bàn, tay cầm bó đũa mà phía trước mặt là bốn người con cũng chỉnh tề khăn đóng áo dài đang nghe lời cha dạy.
Đến câu chuyện kể về “Đạo bằng hữu”, tôi nhớ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư nhắc lại điển tích, đại khái: “Ngày xưa ông Dương Tiêu Sơn là bậc trung thần, thấy người Nghiêm Tung chuyên quyền làm bậy, ông bèn dâng sớ hạch tội, bị Nghiêm Tung bắt bỏ ngục. Các quan đều sợ hãi, không ai dám vào thăm. Chỉ có Từ Từ Dữ đem cho cơm, rượu. Dương Tiêu Sơn bảo Từ Từ Dữ rằng: “Anh chớ hay lại thăm tôi, e rồi liên lụy”. Từ Từ Dữ nói rằng:
“Bạn hữu với nhau, chỉ quí về lúc này mà thôi. Đạo luân lý của ta cốt trọng về lòng trung nghĩa, mà bây giờ anh bị kẻ gian thần ức hiếp, lẽ nào tôi lại bỏ anh hay sao? Anh cứ để tôi đi lại thăm anh, dẫu có làm sao nữa, thì tôi cũng chẳng thiết gì quan chức đâu, xin anh đừng ngại!” Thật là quí biết dường nào những người bạn chí tình, thủy chung trọn vẹn trong cõi đời như vậy!

Chuyện “Con Mèo và Con Chuột”
Rồi nào là câu chuyện “Con mèo và con chuột”, “Chuyện anh em họ Điền”, “Con hổ và con chuột nhắt” và còn biết bao nhiêu mà kể cho xiết về những bài học khai tâm mà giá trị cứ chói lọi, rực rỡ này. Sau này, mỗi ngày mỗi lớn, có phước là được cha mẹ mặc dù làm ruộng, sống ở nhà quê mà hy sinh một đời để cho con cái đi học, nên tôi đã học thêm cho tới lớn khôn. Nhờ đó mà có nhiều cơ may đọc thêm nhiều sách vở. Từ văn chương đến truyện này, truyện nọ bao la không biết đường đâu mà nhớ cho hết. Nghĩa là thời nào, giai đoạn nào, tiện đâu tôi đọc đó; đọc để học hỏi thêm mà cũng để nghiệm lại đời mình có thu nhận được gì từ sách vở song hành với đời thường qua những công việc nhọc nhằn bằng tay lấm chân bùn ở ruộng nương, bằng thăng trầm phù thế trong dòng đời như vậy. Ngay cả những ngày cơ cực, nhục vinh, vinh nhục, tôi cũng mượn sách vở cũ làm bạn. Nhiều lần soạn lại tập vở cũ với những nét chữ ngoằn ngoèo thời “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” mà nghe như bao kỷ niệm cứ theo nhau hiện về, thương nhớ những ngày thơ ấu biết bao nhiêu!
Mỗi trang sách, ở đó cho ta những bài học hiển hiện hoặc hàm chứa rải rác đầu này, chỗ kia, mỗi nơi một chút; mà mỗi người ai cũng nhận ra theo cảm nhận của mình không nhiều thì ít. Nhớ lại một vài bận, lúc còn học trung học, tôi thích quyển “Nói Với Tuổi Hai Mươi” của Nhất Hạnh, và đã phải mua đến năm lần; vì mua về rồi thấy bạn mình thích lại tặng, lại mua về. Một vài quyển sách khác mà tôi thích, phần lớn của Nhất Hạnh như Nẻo Về Của Ý, Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Ở đó, vào những ngày tâm tư không được yên vì khó khăn từ bên ngoài xã hội, từ đời sống xáo trộn muôn mặt, những điều lý thú trong những trang sách vừa kể đã làm lòng tôi lắng xuống, êm dịu đi nhiều lắm. Tủ sách cũ ở nhà tôi trước khi tôi rời quê sang đây còn khá nhiều, mặc dù những ngày loạn ly tủ sách này cũng bị thất điên bát đảo nhiều bận kể cả thất tán ra chợ làm giấy vụn gói đường, gói muối trong những quầy tạp hóa. Ở những lúc loạn lạc, mạng người còn chưa yên, nói gì đến sách vở. Thôi thế đã là may mắn rồi! Tôi luôn tự an ủi mình như vậy để mà sống, dù nhiều lúc nhớ lại những trang sách mà tiếc hùi hụi!


Một bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư
Người đời thường hay dùng từ ngữ “thời thượng” để chỉ những loại sách được ưa thích nhất thời như một thứ trang sức dùng để làm dáng cuộc đời, để rồi sau đó nó bị loại khỏi những nhắc nhở như một cách lãng quên thật “lịch sự”, như khi người ta đón nhận nó cũng hết sức “lịch sự” giả tạo vậy. Tôi thì không có may mắn để chọn những loại sách “thời thượng” ấy vì bản tính bẩm sinh, mà cũng vì túi tiền nữa. Nhà nghèo mà! Cha mẹ cho ăn học là quí rồi; “thời thượng, thời thiết” gì nổi nữa!
Còn một thành ngữ nữa, đó là “sách gối đầu giường”. Loại sách này luôn luôn có bên mình người chủ của nó như một loại gia bảo kề cận, không rời; lúc nào cũng để bên đầu nằm như chiếc gối trong nghĩa đen vậy. Thật tình mà nói, tôi làm gì mà có quyển sách nào để “gối đầu giường”. Đọc sách là đọc cho biết vậy thôi, chứ mê mẩn thì chưa đủ bản lãnh để mê mẩn. Vắng sách thì thấy nhớ nhớ như thiếu một chút gì đó cho đời sống, một chút gia vị vậy mà!
Thật tình, sách vở như khu rừng, mà độc giả giống như người tiều phu, chỉ nhìn thấy được những cây cối gần gũi với mình, chung quanh mình; còn lại có biết thiên, vạn, ức nào những cây quí hiếm khác làm sao mà mình có thể đi tới, nhìn ngắm mà chọn lựa để đốn xuống mang về. Đó là chưa kể, trong khu rừng ấy lúc nào cũng có những loài hoa hiếm hoi như các loại phong lan nở những cánh đủ sắc màu từ tím đến vàng, muôn vẻ, muôn hình… Và cũng có cả những loài cây ăn thịt sống với những chiếc lá xòe ra để nhử con mồi đậu lại, rồi từ từ chiếc lá biết xếp lại để giết chết con mồi làm thịt. Thêm chút nữa, rừng nào mà không là “rừng thiêng, nước độc”, rồi còn thú dữ, cây độc, trái độc…khó mà lường trước những hệ lụy, những hậu quả ghê hồn. Còn thêm cái nạn lạc đường nữa chứ, lẩn quẩn không tìm được lối ra. Sách vở cũng tương tự như vậy, không khéo lại đi lạc vào khu rừng chẳng có giống cây gì đáng để tìm, mà chỉ gặp toàn gai, lại khốn khổ cái thân tiều phu héo hắt giữa rừng hoang rậm. Một yếu tố rất cần thiết nữa là người đọc còn cần phải có trình độ nhận biết, phân biệt ở chừng mực nào đó. Mà nói tới trình độ, nói tới phân biệt là nói tới giới hạn, trở ngại, khó khăn rồi! Người tiều phu hay người đọc sách đều gặp những giới hạn như nhau nếu nhận thực rằng đọc sách hay đi tìm những loài cây quí hiếm trên rừng đều là những nghệ thuật thưởng ngoạn cái đẹp, tìm kiếm cái quí với điều kiện phải có một trình độ nào đó; nếu không có, sẽ không đi xa được.

Tôi cũng ở vào hoàn cảnh như vậy! Không đi xa được, thôi đành trở lại căn nhà năm xưa của mình, trở lại lớp học trường làng ngày xưa với thời ấu thơ, với mái tóc khét nắng vì suốt ngày chạy giỡn ngoài đồng, tay ôm chiếc cặp bằng đệm bàng mà bên trong có bình mực tím pha bằng trái mồng tơi, có cây viết với ngòi viết lá tre, có trái xoài sống vừa mới lượm bên đường, có gói muối ớt, có cả quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư, xuất bản vào năm 1948, cách nay tròn năm mươi năm. Ở đó nó thân thương hơn, giản dị hơn, mộc mạc hơn mà cũng hữu ích, thiết thực hơn nhiều.
Giống như một kẻ lữ hành, sau bao năm tháng dặm trường mệt mỏi, nhìn thấy dòng đời qua từng bước chân đi, để rồi mới nhận ra rằng Quốc Văn Giáo Khoa Thư là bến bờ còn lại của cuộc lữ hành tìm kiếm cái đẹp, cái cao siêu, cái lý tưởng… Một bến bờ êm đềm nhất trong mọi nơi chốn mà tôi đã đến, đã đi qua, thật tuyệt diệu!
LTT