Bác sĩ ơi
Mấy cháu nhỏ nhà tôi chúng không chịu ăn rau, vậy phải làm sao bây giờ. Bác sĩ chỉ cho tôi cách nào để các cháu ăn rau nhé. Liên Trần
Đáp
Đây là một “vấn nạn” của nhiều cha mẹ: ‘con nó không chịu ăn rau’. Mà rau lại là thực phẩm cần cho sự tăng trưởng của cháu bé.
Có cháu nhất định không ăn một chút rau nào, mặc dù cha mẹ tìm đủ mọi cách. Có cháu không ăn loại rau có mầu xanh hoặc mầu đỏ. Có cháu nhìn thấy rau là lắc đầu, bỏ chạy. Khiến cho bố mẹ bực mình. Nhưng xin hãy kiên nhẫn với các cháu. Chúng không ăn rau chẳng phải vì bướng bỉnh, chê bai, mà theo các nhà chuyên môn cũng có một phần thừa hưởng từ người mẹ. Nếu khi cho con bú mà mẹ ăn những thực phẩm khác nhau trong đó có rau, thì sữa mẹ mà con bú cũng có chút rau này và con sẽ quen đi. Và đa số đều sẵn sàng ăn rau. Chứ mà các cháu nuôi bằng thực phẩm chế biến theo formula, bữa nào cũng như bữa nào thì chúng không làm quen với rau, cho nên cần thời gian để thích nghi.
Sau đây là mấy gợi ý để giúp các cháu ăn rau:
1. Cho con ăn thử một món ăn rau. Nếu cháu từ chối thì bỏ qua, không nài nỉ giải thích bực tức. Vài ngày sau thử lại với món ăn khác.
2. Cho con thấy mình enjoy ngấu nghiến ăn rau như thế nào, con nó sẽ tò mò “mẹ cho con thử”…
3. Bắt đầu cho cháu ăn rau có vị ngọt, hấp dẫn như cà rốt. Trẻ ưa ngọt mà.
4. Hỏi xem con muốn nấu rau như thế nào.
5. Rủ con cùng rửa rau, cắt rau nấu nướng.
6. Ngay từ lúc còn bé (mấy tháng) đã bắt đầu cho cháu nếm các loại rau.
7. Cho cháu chơi nghịch với một miếng rau sống hoặc đã nấu chín vừa phải, còn giòn, chấm với mayonnaise, yogurt;
8. Đặt cho rau một tên đặc biệt vui nhộn nào đó để gợi tò mò và ý thích của cháu.
Bà con còn mẹo nào khác xin vui lòng góp ý.
Hồi hộp
Chào bác sĩ Ý Đức
Năm nay cháu 24 tuổi, mới lập gia đình. Từ mấy tháng nay, cháu thấy tim nhiều khi hồi hộp đập thình thịch. Mỗi lần như vậy nó chỉ kéo dài dăm phút là hết. Bác sĩ cho cháu biết có phải là cháu bị đau tim không, và phải chữa ở đâu?
Cháu cảm ơn bác sĩ. Lisa Nguyễn.
Đáp
Chào cháu Lisa.
Trước hết là phải chúc mừng hôn nhân của vợ chồng Lisa và cầu mong hai bạn sẽ “trăm năm đầu bạc” bên nhau. Mới thành hôn, chắc là nếp sống của hai cháu cũng có nhiều đổi thay, hy vọng là vui nhiều hơn buồn. Và cũng hy vọng là những hồi hộp mà Lisa mới cảm thấy là do những hành động trìu mến không biết trước mà chồng cháu mang đến cho cháu.
Cháu nói mấy tháng nay, cháu bị hồi hộp. Vậy thì bác cháu mình thử tìm hiểu coi hồi hộp nó là cái gì nhé, rồi tìm cách “xử lý”.
Hồi hộp là cảm giác khi thấy trái tim của mình đập mạnh và nhanh.
Tim giống như một cái bơm. Mỗi nhịp tim đập là tim bơm máu đi khắp cơ thể. Khi ta vận động thì tim ta có thể nghe và cảm thấy trái tim đập mạnh, nhanh hơn. Đó là chuyện bình thường. Nhưng khi hồi hộp, thì ta thấy tim đập nhanh, dù ta có ngồi nghỉ hoặc di chuyển nhẹ nhàng.
Có nhiều hoàn cảnh có thể gây ra hồi hộp mà một số có liên quan tới trái tim, số khác không phải từ tim. Tuy nhiên đôi khi không tìm ra nguyên nhân.
Hồi hộp do tim có thể là trường hợp nhịp tim bị rối loạn hoặc các van tim bị hở hoặc khép kín.
Hồi hộp không do tim có thể là bị một xúc động mạnh, vận động quá sức, tác dụng của caffeine, nicotine, khi bị nóng sốt, thay đổi hormone khi có kinh, mãn kinh, do một số dược phẩm như thuốc trị bệnh suyễn, chống nghẹt mũi. Hồi hộp cũng là triệu chứng của bệnh cường tuyến giáp, bệnh thiếu hồng huyết cầu…
Nói chung, hồi hộp không nguy hiểm, ngoại trừ khi do bệnh tim.
Để chẩn đoán, bác sĩ căn cứ vào lời khai của bệnh nhân, nghe khám tim rồi ghi điện tâm đồ EKG hoặc cho bệnh nhân đeo một máy theo dõi nhịp tim trong vài tuần lễ.
Ngoại trừ khi bác sĩ tìm ra nguyên nhân hồi hộp do tim mà ra thì bác sĩ mới điều trị, còn các trường hợp khác thì bác sĩ đưa ra các lời hướng dẫn để tránh bị hồi hộp, như là đừng dùng các loại thuốc có tác dụng kích thích cũng như cà phê, rượu; giảm thiểu căng thẳng giận dữ…
Về trường hợp của cháu, bác đề nghị nên đến bác sĩ gia đình để được tìm hiểu nguyên nhân đưa tới hồi hộp. Nếu hồi hộp của cháu mà do bệnh tim, thì cháu sẽ được giới thiệu tới bác sĩ tim mạch để điều trị.
Chúc vợ chồng cháu, hạnh phúc bên nhau.
Thuốc trị tiểu đường
Bác sĩ vui lòng cho tôi biết là đã có thuốc mới để trị bệnh tiểu đường type 1 chưa? Văn Chi-Arlington.
Đáp
Trước khi trả lời câu hỏi của ông, xin nhắc lại một chút về bệnh tiểu đường.
Tiểu đường, Diabetes, là bệnh trong đó đường glucose trong máu lên quá cao (trên 126mg/dL). Đường là do thực phẩm ta tiêu thụ mà ra và được Insulin từ tụy tạng chuyển vào tế bào, tạo ra năng lượng cho các sinh hoạt của cơ thể. Bình thường đường huyết thay đổi từ 70 tới100 mg/dL.
Bệnh tiểu đường được chia ra làm 2 loại chính.
– Loại 1, thường thấy ở trẻ em, là do hệ miễn dịch trong cơ thể, vì một lý do nào đó, lại tấn công hủy hoại chức năng sản xuất insulin của cơ quan này. Không có insulin, glucose lên cao. Cho tới nay, điều trị căn bản là bổ sung bằng cách chích insulin. Hiện nay đang có nhiều nghiên cứu coi xem có thể điều chỉnh tác dụng hủy hoại tụy tạng của hệ miễn dịch, nhưng chưa thành công.
– Loại 2, hay thấy ở người lớn tuổi là do insulin không công hiệu hoặc quá ít, do đó đường huyết lên cao. Điều trị có thể là insulin, thuốc viên hạ đường huyết, dinh dưỡng và vận động cơ thể.
NYD