Từ sau Tết Đoan Ngo – mùng Năm Tháng Năm âm lịch, mưa bắt đầu những cung bậc khác nhau, khi xối xả, lúc rỉ rả hắt hiu. Không gian thoắt rộng dài hơn, không khí cũng dịu mát hơn.

Hái nấm mối bằng que tre- nguồnthesaigontimes.vn
Buổi chiều anh Tám đi vườn về, rút chân khỏi đôi ủng cao su, rửa cuốc cào, treo bình xịt thuốc sâu lên vách nhà kho, bước vào nhà, đụng mùi bánh xèo từ bếp bay lên, ấm áp, thơm lừng, bao nhiêu nhọc mệt phút chốc tan biến hết. Con tì con vị xôn xao, náo nức. Trên bàn, tươi rói rổ rau xanh non, đủ mặt đọt xoài, đọt lụa, đọt cóc, húng dũi, húng cây, diếp cá… Một tô nước mắm chua ngọt nổi tỏi ớt, cà rốt, đu đủ bào. Hoành tráng hơn cả là những chiếc bánh xèo gấp đôi, rìa vàng giòn rụm, gối đầu lên nhau trên hai miếng lá chuối xanh thay đĩa… Đám con lau nhau, đói mềm, đã rửa tay sạch, ngồi quanh, chỉ chờ cha mẹ cho lệnh ‘khai hỏa’ là…a lê, bốc, gói, chấm. Anh Tám nhà ta, thực chất cũng chỉ là một đứa trẻ lớn đầu, bốc nhanh, cuốn giỏi, chấm đậm nhất bọn. Vừa ‘làm’ xong miếng thứ nhất, anh quay sang vợ, hỏi ngạc nhiên, cái gì trong nhưn, giòn giòn sựt sựt, hổng phải hành, tôm, thịt, giá, in như… Còn in như gì nữa, thì nó đó. Có rồi ha? Ừa! Ở đâu? Dọc mương nước chớ đâu! Sao hồi sáng, tui cũng ra đó mé nhánh dừa mà chớ thấy. Vậy mới nói, duyên ai nấy gặp đợi chờ uổng công! Được nhiêu? Một “dề”, chừng bốn trăm gam, đủ đổ bánh xèo. Cái ‘nó đó’, cái ‘duyên ai nấy gặp’ mà hai vợ chồng anh Tám chuyện trò lấp lửng, chẳng phải bí hiểm gì, chỉ là ‘cái sự nấm mối’.

Nấm mối loại ngon nhất, thân to, đặc ruột (giống măng Mạnh Tông)
Nấm mối, là tên một loại nấm mọc tự nhiên trong những vườn cây, bờ nước nhiều lá mục ẩm. Ở miền Đông Nam Bộ, từ sau Tết Đoan Ngọ trở đi, người chăm vườn đã có thể lai rai gặp nấm mối, nhưng rộ lên thì chỉ chừng một tuần sau rằm, là hết. Năm nay Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu trúng nấm. Chợ Biên Hòa, chợ Xuyên Mộc, dọc Quốc lộ 13, người bán nấm mối ngồi bán những bịch nấm, những rổ nấm tươi, chân nấm còn lem luốc đất đỏ, đất đen ướt ẩm.
Ngắm một chiếc nấm mối, không gợi cảm giác sạch sẽ, mà cũng không lấy gì làm đẹp mắt. Nấm mối không mập mạp như nấm đùi gà, không xòe mũ trắng nõn như nấm bào ngư, không nhỏ xinh, xúm xít như nấm kim châm, không mềm mại như nấm rơm, không mỏng mảnh đen đen như nấm mèo, không lùn lùn nứt mũ như nấm hương (đông cô) mà nấm mối mọc riêng rẽ từng chiếc, cao từ 3cm tới 5cm, thân cứng cáp, mũ nấm mầu cà phê sữa nhạt. Thân nấm có thể suôn đuột, cũng có thể mập ù, đặc ruột kiểu măng Mạnh Tông. Dân có vườn không ai mua nấm ăn. Họ ra vườn, tìm quanh chỗ ẩm thấp, chẳng mấy khi về tay không. Dư ăn, người ta gọi nhau qua hàng rào, biếu nhau những rổ nấm thơm thảo, kèm theo những công thức chế biến đơn sơ, bao giờ cũng ‘khóa đuôi’ bằng câu, ‘Vậy đó, dễ lắm, làm đi, bảo đảm ngon!’

Mua bán nấm lề đường xã Hòa Hiệp- BR- Vũng Tàu
Từ nấm mối, chị em phụ nữ khéo tay chế đủ món thiên biến vạn hóa. Muốn ăn chay thì ‘chơi’ cháo nấm, nấm xào đọt bí, nấm nấu rau ngót. Thích ăn mặn thì băm nấm chung tôm thịt cuốn chả giò hay đem hấp trứng vịt, đổ bánh xèo… Nói không quá lời, suốt một tuần liền, từ khi nấm mối xuất hiện, thú vui ẩm thực dân dã nhanh chóng phủ sóng toàn vùng Đông Nam Bộ rộng lớn. Các bà nội trợ có thể vài ngày không mất tiền chợ, chỉ bỏ công ‘vạch lá tìm sâu’ vào buổi sáng (lúc mặt trời chưa mọc càng tốt) là ô kê, thậm chí còn có thể giắt túi vài triệu đồng tiền mua đi bán lại nấm mối cho nhà hàng Biên Hòa, Vũng Tầu, Sài Gòn, Bình Phước… Cái gì mà tới vài triệu đồng? Chứ sao! Một chị ăn trầu, giọng Quảng Bình đặc sệt, ngồi thu mua nấm mối trước chợ Hòa Hiệp, cho giá rành rọt: mua tại chỗ, nấm nở 100.000/ký, nấm búp 150, nấm Mạnh Tông 180, 200. Đó là sáng. Chiều nới hơn, còn 80, 120,150… Bạn hàng mua đem lên Sài Gòn. Chỉ mất ba bốn tiếng đồng hồ lái xe, nấm mối đã có thể ‘lội’ trong nồi lẩu nấm Nhật Bản đường Trường Sơn hay nằm thu mình trong chiếc bánh xèo Mười Xiềm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trên đó, họ ăn giá 250.000 đồng tới 300.000 /ký. Đang thao thao, bỗng chuông điện thoại réo rắt. Chị Quảng Bình bắt máy, cau có nói to: ‘Mày nói hắn chê nấm miền Đông không bằng nấm miền Tây thì cứ ở đó chờ tụi Vĩnh Long, Tiền Giang. Nấm tao không bán cho hắn cũng không ế. Mẹ…!’ Nghe nhắc Vĩnh Long, Tiền Giang, kẻ viết bài chạnh lòng nhớ sông nước miệt vườn một thuở…

Nguyên liệu nấu lẩu nấm ngày thường (không có nấm mối)
Hồi đó, chân ướt chân ráo mới xuống nhận nhiệm sở Tiền Giang, được phân về xã An Hữu, rồi về huyện lỵ Cái Bè. Dịp Tết Đoan Ngọ, học trò biếu kẻ viết bài mớ ốc nhỏ mầu trắng kèm lời dặn, má em nói cô luộc lên, lể ra trộn gỏi hay cuốn bánh tráng rau sống với dừa nạo, chấm nước mắm tỏi ớt, ăn rất ‘bắt’. Cô đừng cho ai. Thứ này mắc, chợ không có bán, một năm mới có một lần vào đúng ngày Mùng Năm thôi. Dân Sài Gòn thèm, có tiền cũng không mua được, phải ‘dìa’ cồn Tân Phong mình ăn ké. Nó là ốc gì mà ghê vậy? Ốc gạo!’. Được mươi bữa sau, lại có thứ khác ‘tiến cống’. Lần này là một đùm lá môn, đùm mấy chục chiếc nấm nâu nhạt lem luốc. Người cho, là anh Bốn Xị, một phụ huynh. Anh Bốn lí nhí, đêm qua có mưa. Dậy sớm giăng câu, lúc về ngang vườn, thấy nấm đội lên khá bộn, đem kỉnh (biếu) cô giáo ăn cho biết. Nấm đầu mùa quý, không bán, chỉ để biếu chỗ ân tình… Miệng nói hai chữ ‘ân tình’ mà mắt anh Bốn đảo lia lịa, điệu bộ bứt rứt khiến kẻ viết bài sinh nghi, không biết nấm độc hay lành, ăn chết hay không, bèn ‘ách’ gói lá môn lại, chờ tới trưa, bọn thổ công địa phương đi dạy về, mới trình ra, ‘xin ý kiến’. Ai cũng cười hê hê. Sau đó cùng xác nhận đúng là nấm mối, đúng là đầu mùa, đúng là ngon, là quý. Cái vụ ‘ân tình’ e cũng đúng luôn! Ân tình gì mà… Thì chả nhát, chả mặc cảm nên mới ‘nấm mối đầu mùa’. Thông cảm đi, dân quê mà! Ba chục năm qua, anh chàng Bốn Xị nọ, nếu còn sống bây giờ chắc cũng đã tóc bạc da mồi. Kẻ viết bài, dù đã ‘ri cư’ sang Miền Đông, nhưng ký ức về gói nấm lá môn và kinh nghiệm hái nấm của anh Tư ‘ân tình’ vẫn còn nguyên. Rằng thì là, ‘đi nấm’ nên đi thiệt sớm, đi ‘mình ên’, đừng rủ ai, đừng nói ‘chiện’. Vì hễ đông người ồn ào, nấm nó sợ, không dám lú đầu. Thứ nữa, gặp nấm đừng vội bứt ngang mà phải thọc tay xuống sâu, nhổ. Nhổ không được thì dùng que tre khượi, tuyệt đối không dùng dao kim loại (?). Trúng ổ nấm đôi ba chục tai, nên chừa ít tai bự lại, đừng lấy hết. Có vậy năm sau trở lại chỗ đó, mới có nấm hái…’. Đem kinh nghiệm này phổ biến cho dân Miền Đông, được họ bổ sung: ‘Tìm nấm trong các lô cao su, vườn tiêu, vườn điều, phải xin phép chủ, hỏi kỹ xem xịt thuốc sâu hôm nào để còn biết, tránh ngộ độc. Vì nếu vườn mới xịt thuốc sâu hôm trước, hôm sau có nấm thì dù ngon, dù nhiều, không được hái đã đành, còn phải hủy tại chỗ, để người sau biết là độc, không hái lầm. Bắt được nấm mối, nói có duyên cũng đúng, nói ma đưa quỷ dắt cũng không sai, vì không hiếm trường hợp cùng một chỗ, người đi trước không thấy, năm phút sau, người đi sau ‘vồ’ được cả ký nấm. Chả hiểu làm sao!
Trong thời điểm hiện tại, trong lúc trái đất đang trùng trùng ngút tỏa- chỗ này ngút tỏa khủng bố, chỗ kia ngút tỏa thất nghiệp, chỗ nọ ngút tỏa thiên tai, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo… thì cũng là ngút tỏa nhưng nấm mối và trời đất bé nhỏ phương Nam này lại thơ mộng hơn nhiều. Vì không phải sao, mưa Tháng Năm âm lịch đang tỏa tình trời xuống đất. Đất lại tỏa tình xuống… nấm mối. Tới phiên mình, nấm mối tỏa tình xuống bàn ăn, làm ngon bữa cơm gia đình, ấm ký ức người xa xứ, thêm chút thu nhập cho nông dân nghèo, là gì. Chao ơi! Những tai nấm mộc mạc hiền lành, vừa ngọt giòn, vừa ngon bổ, lại không tốn công chăm sóc, dưỡng nuôi. Sao mà dễ thương đến vậy!

Bánh xèo nấm mối Sài Gòn