Menu Close

Tôi sẽ không mần thơ nữa…

Z., bạn tôi, là một tay thi sĩ vỉa hè, một hôm tuyên bố rằng, “Tôi sẽ không mần thơ nữa ông à.” Nghe hắn tuyên bố như thế, tôi vội rú lên, “Mẹ kiếp, đừng bất công với cái thi tài tráng lệ của cậu chứ! Nhưng vì sao lại quyết định nông nỗi như thế?” Hắn đáp, “Vì thi ca không đủ để nói lên cái mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, cái mâu thuẫn giữa tâm hồn tuyệt đẹp và sự thô mộc của hình dáng bên ngoài của một phụ nữ đáng kính.” Rồi vài hôm sau, hắn rù rì tâm sự riêng với tôi như thế này:

“Ngày xưa, nhà nàng ở cạnh nhà tôi, tên nàng là Lài, Bùi Thị Xuân Lài, bố mẹ nàng là những kẻ thức thời, đang ăn nên làm ra, bây giờ thì ổng làm to lắm ở ngoài trung ương. Mặc dù là hàng xóm từ thuở nao thuở nào, biết nhau từ bé, thậm chí tôi còn là bạn với tay công tử bán giời không mời thiên lôi, nổi tiếng phá gia chi tử, là anh ruột của nàng, nhưng khi lớn lên thì chẳng còn thân thiết nữa, vì sự cách biệt gia cảnh của hai bên, bên ngụy bên cách mạng. Thật lòng mà nói, thì ngày ấy nhan sắc của nàng hơi kém mặn mà, còn tôi thì ông thấy đấy, chắc chắn đẹp giai hơn cậu Chí Phèo; rồi nhà nàng cũng dọn đi nơi khác cho xứng với vị thế của họ, không còn ở trong khu lao động xóm tôi nữa. Rồi tôi nghe nói, như mọi thế gia vọng tộc thời này, Lài đi du học, ở bên Tây. Sau mấy năm ở bển, nàng vinh quy về làng với một phong thái phụ nữ hiện đại: tự tin, trí thức, năng động, với một tương lai đầy hứa hẹn.

Một tối nọ, tôi đang ngồi trong quán cà phê quen thì Lài bước vào. Thấy tôi, nàng chào. Bất ngờ, nhưng tạm quên đi cái thân phận công dân hạng hai của mình, nhớ lại ân tình thuở xưa, tôi nhã nhặn ngỏ lời mời nàng ngồi chung bàn cho vui, nếu tiện. Tưởng nàng từ chối vì chắc có hẹn với ai khác, nhưng nàng kéo ghế ngồi thật. Sau một lúc trò chuyện về những ký ức tuổi thơ khi nhà ở cạnh nhau, tôi ngạc nhiên vì lối nói chuyện của Lài. Tuy là dòng dõi con ông cháu cha, mà nàng lại nói chuyện rất duyên dáng, tự nhiên, có phần dung dị, làm tôi hơi bất ngờ, rồi có thể kết luận như cái kiểu mà người ta hay nói đểu “Tuy con cái nhà đảng viên, nhưng lễ độ!”

Lài tỏ ra am hiểu nhiều lãnh vực, có óc mỹ thuật và khôi hài. Nàng bảo có đọc những thứ tôi viết trên mạng. Nàng nói về những bài thơ cóc nhái của tôi, đưa ra nhiều nhận xét xác đáng và khen hay. Tôi cảm động quá, nghe nàng nói mà tôi cứ sướng rêm, hồn lâng lâng như phê thuốc lắc, không ngờ rằng nàng lại quan tâm đến sự nghiệp văn chương của mình như vậy. Nàng bảo năm ngoái tình cờ đọc được, và “phát hiện” ra tôi là bạn của ông anh, rồi từ đó theo dõi những gì tôi viết, và âm thầm trở thành một fan bí mật của tôi. Rồi nàng kể cho tôi nghe đời sống của nàng ở bên Tây, thời nàng còn đi du học. Nàng nói rằng nàng chán mấy ông du học sinh cùng lứa, bọn đang đua đòi bắt chước lối sống Tây phương. Nàng khoái về VN, khoái lúa má mùa màng với đời sống thôn quê, vì dẫu sao cha mẹ nàng cũng xuất thân từ giai cấp bần nông, nên thấy rất hạp.

Càng nghe nàng nói tôi càng thấy nàng bớt xấu, và sau cùng, tôi lại thấy nàng duyên ơi là duyên, thậm chí còn rất quyến rũ nữa kìa. Cái mũi hơi to là do tạo hóa tặng sao thì nàng để vậy, điều đáng kể là nàng không màng đến việc đi thẩm mỹ sửa lại như kiểu các cô Hàn quốc. Làn da sạm đen với những lỗ chân lông luôn rịn mồ hôi là biểu hiện của sự chân chất, hồn hậu, không cần phải đi tắm trắng lột da. Đôi môi dầy là hứa hẹn những nụ hôn nồng nàn, say đắm. Đôi vai lực lưỡng là dấu hiệu của thể lực dồi dào. Đôi mắt “hiếng” thì rất là lẳng lơ, tình tứ; tôi mong sao nàng cứ để vậy, chẳng cần phải cắt mí làm chi cho rách việc. Eo nàng nở nang đầy đặn là bảo đảm cho sự mắn con (các bà cụ xưa đầy kinh nghiệm đều nói thế, không phải sao?) Mọi khiếm khuyết trên thân thể nàng đều được tôi tìm ra lý do để bào chữa cho sự có mặt chính đáng của chúng, và nhan sắc ấy rất xứng đáng để tôi đưa vào thi ca, vào văn học sử lắm chứ.

Quán sắp đóng cửa, tôi buột miệng cà rỡn, “Lài có biết một phụ nữ tuyệt vời sẽ làm gì vào lúc nửa đêm không?” Nàng trả lời, “Vào nửa đêm thì 99% nhân loại đã ngủ rồi. Nhưng em nghĩ có người tỉnh dậy để đi tè, có người dậy để cho con bú nếu có con, nhưng cũng có người phải đi về nhà một mình nếu không có ai rủ đi đâu khác.” Nói xong, nàng cười phá lên, đứng dậy trả tiền cà phê cho cả hai, rồi  kéo tôi ra khỏi quán. Chuyện gì xảy ra sau đó, ở một nơi nhân gian không cần phải biết, thì ông cũng có thể tưởng tượng ra rồi; nhưng sáng ra, khi chia tay nhau, thì tôi hiểu là cuộc đời tôi có một khởi đầu mới.

Càng ngày chúng tôi càng thân nhau. Trong vài tuần, chúng tôi lang thang nhiều nơi thơ mộng, ưu tiên cho những nơi ít có khả năng gặp người quen, lý do là chúng tôi chưa muốn công khai mối quan hệ này. Và thi ca, đúng vậy, thi ca là chứng bệnh hay lây, Lài bắt đầu đưa tôi xem những bài thơ nàng sáng tác, những bài thơ diễm tình về nỗi niềm của người con gái nghĩ rằng mình không đẹp. Tôi nói với nàng rằng ngày xưa, ở miền Nam vào thập niên 60, có một nữ sĩ tên là Lệ Khánh, đã làm rung động hàng ngàn trái tim độc giả với tập thơ “Em là con gái trời bắt xấu”. Và nàng thì dứt khoát là không xấu, chỉ có điều có vẻ như đàn ông xứ này đều có vấn đề về thị giác, vì ngoài tôi ra thì chưa mấy ai nhận ra được vẻ đẹp của nàng thôi. Hãy vào thử những nơi tôn nghiêm mà nhìn mấy pho tượng đi. Không có vị thánh nữ, thần nữ, tiên nữ nào răng hô, mắt toét, mũi cà chua cả. Đã thế, chân các bà còn dài, vòng một vòng hai vòng ba đều cực chuẩn, chuẩn không cần chỉnh. Nói ra thì e rằng bị cho là báng bổ, là bất kính, chứ nếu các bà đầu thai xuống trần dự thi hoa hậu chắc chắn sẽ vào vòng chung kết tất. Và, em Lài, nữ sĩ Bùi Thị Xuân Lài, đang là một bà Thánh, tất nhiên, trong mắt tôi.

Một hôm, thấy tôi rầu rĩ, nàng hỏi vì sao. Tôi kể lại chuyện tôi bị giam chiếc xe gắn máy cà tàng. Tối qua nhậu với mấy thằng bạn, lúc về bị công an giao thông chặn lại vì xe hỏng đèn, thấy có hơi men nên tôi bị cho cái giấy quyết định giam xe một tháng và tổng số tiền phạt lên tới cả triệu đồng. Nghe xong, Lài nói, “Chuyện có thế mà anh cũng xoắn lên làm gì! Để em lo. Chút nữa anh lên đồn lấy xe về.” Tôi ngạc nhiên, không tin rằng chuyện dễ dàng như thế, nhưng Lài hỏi số xe, số giấy biên bản, rồi rút điện thoại ra bấm nhoay nhoáy. “Hê-lô (nàng nói “hê-lô” chứ không “A-lô” như 99% phần còn lại của 80 triệu dân Việt chúng ta)! Chú Ba Y. ơi, cháu là Lài, con ông Tám X. đây. Chú nhớ Lài rồi héng? Chú thím khỏe chứ? Dạ, đúng rồi, cháu đâu dám vòi vĩnh gì đâu. Số là cháu có anh bạn tên là Phạm Văn Z., tối qua đi làm về, có nhậu chút chút, mà xe bị hỏng đèn, rồi ảnh bị mấy anh giao thông thổi ở ngã tư vòng xoay, rồi mấy ảnh giam xe… Dạ, xe Yamaha màu xanh nước biển, bảng số 08976… Dạ, nói ảnh ra sở cảnh sát giao thông đóng phạt tượng trưng hả chú? Dạ, cháu sẽ nói với ảnh làm như vậy. Dạ, cứ nói tên chú Ba Y. là sẽ xong. Dạ, cháu hiểu rồi, chút nữa ảnh lên. Cám ơn chú nhiều. Chiều Chủ Nhật tới chú rảnh ghé nhà cháu lai rai nghen. Cháu sẽ đi chợ làm mồi đãi chú một chai. Dạ, cháu sẽ nói lại với ba cháu ở nhà tiếp chú, ổng cứ nói sao dạo này không thấy chú ghé chơi… Dạ, cám ơn chú nhiều.”

Vậy mà êm thiệt. Khi tôi lên đồn, các anh công an niềm nở quá xá. Một anh còn nói, “Sao anh không nói anh là người nhà của ông Tám? Trời ạ, anh em trong nhà cả mà đâu có biết nhau! Lần sau nhớ nói để nhận ra nhau nghen cha.” Tôi đóng 300 ngàn tiền phạt thay vì cả triệu, rồi hững hờ chìa tay, các anh công an bắt tay tôi nồng nhiệt. Tôi nhận ra rằng Lài thật đáng tôn kính.

Hôm qua là lễ tình nhân, tôi ăn mặc thật lịch sự, ôm một bó hoa hồng và một hộp kẹo sô-cô-la, đánh bạo sang thẳng nhà Lài chứ không hẹn như trước. Tôi định làm một cú ra mắt bất ngờ và thật đẹp với bố mẹ nàng luôn, nếu gặp họ. Nhưng khi đứng tần ngần trước cổng ngôi biệt thự sang trọng, có lính bảo vệ bồng súng gác oai nghiêm, bất giác ngó lại thân thế mình, tôi bắt đầu rét, quyết định là chưa phải lúc để gặp họ. Tôi nhác thấy bà ô-sin đi chợ về, bèn nhờ bà mang quà vào trao nàng giúp. Vậy mà, tới lúc này là đã hơn 24 giờ rồi mà tôi vẫn chưa có tin gì từ nàng, dù đã nhắn cả 100 tin nhắn nhưng nàng tắt di động rồi. Ông nghĩ giúp nhé, bây giờ tôi phải làm như thế nào đây?”

Tất nhiên, lúc này thì tôi đồng ý với quyết định tạm thời bỏ làm thơ của hắn, và hãy kiên nhẫn chờ thêm. Nếu nàng xuất hiện trong 24 giờ nữa, thì hắn nên trở thành một nhà phê bình văn học, tập trung vào sự nghiệp chuyên phê bình thơ của nữ sĩ Bùi Thị Xuân Lài, biết đâu nàng sẽ nghĩ lại, nghĩ lại giấc mơ hai thiên tài cùng nắm tay dắt nhau vào văn học sử. Còn nếu nàng vẫn biệt tăm, và biến mất vĩnh viễn, thì đành phải tiếp tục làm một thiên tài với những vần thơ cóc nhái lâu nay. Chứ biết làm sao bi giờ?

ND