Phiên toà chánh thức xét xử nghi phạm vụ nổ bom khủng bố Boston Marathon Dzhokhar Tsarnaev vừa khởi sự trong tuần qua vào ngày 10-7-2013 tại toà tiểu bang Massachusetts. Trước đó, một đại bồi thẩm đoàn liên bang (Federal Grand Jury) đã kết tội nghi phạm khủng bố gồm 30 khoản. Trước toà, Tsarnaev tuyên bố vô tội.

Ảnh AP Photo / Steven Senne
Hôm 15-4-2013, giữa cuộc thi chạy đường trường Boston Marathon, với hằng ngàn người dự khán, Dzhokhar Tsarnaev và anh trai đã gài nổ 2 trái bom tự chế, giết hại 3 người và làm bị thương ít nhất 264 người khác. Khủng bố anh Tamerlan Tsarnaev bị hạ sát trong khi chạy trốn cuộc truy lùng của cảnh sát. Phần nghi phạm em Dzhokhar Tsarnaev bị FBI bắt sống sau các vụ bắn nhau với nhà chức trách. Trong ngày 19-4 đó, cả thành phố Boston bị đặt trong cảnh nội bất xuất ngoại bất nhập, với hằng ngàn nhân viên an ninh lục soát từng căn nhà một.
Dzhokhar Tsarnaev năm nay 19 tuổi, là công dân Hoa Kỳ và cư dân thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, từng nhận học bổng $2,500 từ thành phố Cambridge, và vào thời điểm vụ nổ bom đang là sinh viên ngành hải dương học Đại Học University of Massachusetts-Dartmouth. Trước toà, các nhân chứng có thể thấy rõ các thương tích còn trên người Tsarnaev trong vụ đụng độ với cảnh sát: một cánh tay còn treo băng, và mặt y còn sưng. Bảy phút trình diện toà cũng là lần đầu tiên Dzhokhar Tsarnaev xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị cảnh sát bắt giữ.

Xe áp giải nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev đến toà án hôm 10-7-2013. Ảnh AP
Trước toà, bị cáo Dzhokhar Tsarnaev bị khép 30 tội bao gồm: sử dụng võ khí sát thương hằng loạt gây chết người; nổ bom nơi công cộng gây chết người; cướp xe hơi gây thương tích cho chủ xe; gây rối trật tự xã hội và cản trở thương mại qua hành xử bạo lực, v.v… Ít nhất 17 trong các điều khép tội có thể đưa đến bản án tử hình hoặc tù chung thân. Phe công tố và ngành an ninh Hoa Kỳ có thể thúc đẩy án tử hình, nhắm đến răn đe những phần tử bạo động vẫn lét lút mưu đồ ám hại đời sống yên bình của dân Mỹ.
Trong vụ này, có thêm nhiều người bị liên luỵ. Ngay sau khi Dzhokhar Tsarnaev bị bắt giữ, hầu hết sinh viên niên khoá 2011 của Đại Học University of Massachusetts-Dartmouth đã bị cảnh sát và FBI thẩm vấn. Cá biệt trong số này, có 3 thanh niên cùng nhập học trường U-Mass cùng thời điểm học kỳ mùa thu 2011 và là bạn thân thiết với nghi phạm Tsarnaev là Dias Kadyrbayev, Azamat Tazhayakov, và Robel Phillipos — cùng 19 tuổi. Cả ba đều bị bắt vì liên đới đến vụ nổ bom. Kadyrbayev và Tazhayakov bị cáo buộc đã phá huỷ hoặc cất giấu tang chứng giùm nghi phạm Tsarnaev, gồm có máy tính laptop, túi xách, pháo bông… Ban đầu, cả 2 bị toà di dân câu thúc vì tội trễ hạn thông hành sinh viên (Student Visa). Sau đó, công tố tiểu bang khép tội hình sự. Nếu bị tuyên án có tội, 2 thanh niên này có thể ngồi tù 5 năm, và nộp phạt $250,000 mỗi người. Còn Robel Phillipos bị cáo buộc nói dối thám tử điều tra, dự trù sẽ ra trình toà ngày 12-8-2013 tới đây.

Cảnh sát và chuyên viên cấp cứu trên đường Boylston Street cứu giúp nạn nhân vụ nổ bom Boston Marathon hôm 15-4-2013. Ảnh AP/Charles Krupa
Sau vụ nổ bom, viện lý do bảo vệ an ninh quốc gia, sở di trú Hoa Kỳ cũng thắt chặt kiểm soát các thường trú nhân tạm thời mang thông hành sinh viên; việc cấp và gia hạn các thông hành loại này cũng khắt khe hơn truớc nhiều lần.
Cũng trong tiến trình điều tra, nhân viên an ninh bắn chết Ibragim Todashev, cư dân Orlando, Florida, khi đang tra hỏi người này về các quan hệ với anh em nghi can khủng bố. FBI tiếp cận Todashev sau khi phát giác nhiều cuộc điện đàm qua lại giữa y và anh em nhà Tsarnaev. Trong một cuộc tiếp xúc, Todashev định tấn công nhân viên công lực nên bị bắn chết tại chỗ.
Võ khí sử dụng trong vụ nổ bom khủng bố là những trái bom tự tạo từ các nồi áp suất (Pressure Cooker) được nạp thuốc nổ lấy từ pháo bông, chèn đinh, và các loại miểng sát thương khác. Đáng chú ý, từ năm 2004, Bộ Nội An Hoa Kỳ (Department of Homeland Security) đã cảnh báo về nguy cơ xuất hiện bom tự chế từ nồi áp suất. Trên internet, nhất là tại các trang “thánh chiến” của các phần tử Hồi Giáo cực đoan, lâu nay đã loan truyền rộng rãi cách thức chế bom từ nồi áp suất.

Các xe cứu thương tại hiện trường cấp cứu nạn nhân sau vụ nổ bom Boston Marathon hôm 15-4-2013. Ảnh Reuters/Dominick Reuter
Cũng vì chuyện nồi áp suất, đã xảy ra ít nhất 1 tai nạn an ninh khiến dư luận chú ý. Sau vụ nổ bom không lâu, một người đàn ông trung niên người Ả Rập khi du lịch sang Hoa Kỳ đã bị FBI câu lưu chỉ vì trong hành lý có một nồi “Pressure Cooker”. Trên thực tế, ông ta chỉ mang sang làm quà cho người con trai đang du học ở Mỹ.
Một đề tài gây tranh cãi nhiều sau vụ nổ bom là chuyện các phim ảnh thu được tại hiện trường được sử dụng để trợ giúp cuộc điều tra của FBI. FBI chỉ mất 3 ngày để xác định hung thủ nhờ các camera gắn ở các tiệm bán hàng chung quanh hiện trường. So sánh với vụ nổ bom khủng bố London năm 2005, phải mất hằng ngàn thám tử xem xét từng mẫu phim, phải mất nhiều tuần lễ. Có thể thấy, kỹ thuật hình ảnh, các nhu liệu software và thuật toán đã tiến triển nhiều trong 8 năm qua.

Tang chứng #15: Vỏ pháo bông tìm thấy tại phòng của nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev ở ký túc xá sinh viên. Ảnh FBI.GOV
Ngày nay, kỹ thuật camera tân kỳ có thể giúp nhận diện bất kỳ ai dễ hơn xưa rất nhiều. Kỹ thuật nhận dạng (Facial-Recognition) có thể định dạng màu sắc, hình dáng, kích cỡ của người hoặc vật, có thể đọc biển số và định dạng xe cộ, có thể ước lượng tuổi tác, giới tính, chủng tộc, thậm chí tâm trạng buồn vui của khách bộ hành… Các chương trình máy tính cũng có thể tự điều chỉnh camera thu hình cận ảnh một khi “thấy” có phần tử khả nghi. Các nhu liệu tân tiến tới mức có thể tự phân tách hình ảnh, có thể “hiểu” chuyện gì xảy ra, rồi tự động lưu trữ vào bộ dữ liệu trung tâm. Những thành phố lớn luôn có nhiều chuyên viên an ninh trực tiếp điều hành hệ thống này, giúp kiểm soát người, vật, xe cộ liên tục 24 giờ mỗi ngày. Một thí dụ: Ngành an ninh có thể dễ dàng tìm ra bất cứ ai dừng lại ở bất cứ cây xăng nào trong một khoảng thời gian nào đó. Nếu muốn, họ có thể lọc ra hình ảnh và tất cả những lần một người nào đó đến tiệm Walmart trong cả năm qua chẳng hạn.
Việc sử dụng phim ảnh điều tra cũng có cả hai mặt lợi và hại. Kỹ thuật “security camera” có thể giúp bảo vệ tư gia, cơ sở thương mại, khiến dân chúng cảm thấy an toàn hơn. Các phần tử bất hảo khó lộng hành vì luôn bị nhiều con mắt điện tử theo dõi. Tuy nhiên, có lo ngại là sự riêng tư và quyền tự do cá nhân bị ảnh hưởng. Một ngày nào đó, hằng triệu, hằng tỉ máy quay phim chụp hình sẽ được nối kết, và dữ liệu hình ảnh gom về một chỗ, với kỹ thuật xác định nhân dạng tối tân nhất, thì thật sự nhất cử nhất động của bất cứ cá nhân nào: đi bất cứ đâu, làm bất cứ gì… đều có thể bị giám sát. Sự lạm dụng có thể dễ dàng xảy ra, và đây là mối quan ngại không nhỏ.

Vụ nổ bom Boston Marathon có sự cộng tác điều tra của hằng ngàn chuyên viên an ninh đủ các cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương. Trong ảnh: Sau khi bắt được hung thủ Dzhokhar Tsarnaev, tư lịnh đặc nhiệm FBI Richard DesLauriers (giữa) bàn giao hiện trường tội phạm cho cảnh sát thành phố Boston. Ảnh FBI.GOV
Cũng có hồ nghi về sự hữu hiệu của hệ thống máy quay phim an toàn. Thống kê bên Anh Quốc cho thấy chỉ 1 tội phạm nhẹ bị phát giác cho mỗi 1,000 máy quay phim. Tốn kém là một lo ngại khác. Chỉ trong năm qua, việc gắn máy quay phim an ninh khắp nước Anh tốn $800 triệu.
Ngoài ra, vụ nổ bom khủng bố còn đặt ra nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Vai trò của các tổ chức khủng bố như thế nào, huấn luyện ra sao, ảnh hưởng cách nào lên 2 anh em nghi phạm. Cũng không ai biết chuyện gì xảy ra trong chuyến Tamerlan Tsarnaev đi đến vùng Dagestan và Chechnya năm 2012.
Vụ nổ bom Boston Marathon cũng nhắc nhở nước Mỹ về những mối đe doạ xưa nay. Thời 1960 có nỗi lo sợ các vụ thế chiến với chiến tranh hạch tâm với Nga sô, sau đối đầu vụ “hoả tiễn Cuba”. Rồi đến khủng bố 9-11, nổ sập toà tháp đôi ở New York, đã thay đổi đời sống và xã hội Mỹ hoàn toàn. Vụ 9-11 cũng có thể có những ảnh hưởng quyết định đến kỹ nghệ tài chánh và nền kinh tế thế giới, mà nhiều năm sau này người ta mới có thể xác định chính xác.
Vụ nổ bom Boston Marathon lại đưa ra công luận vấn đề an ninh cho Hoa Kỳ và cho người dân Mỹ. Chắc chắn an ninh sẽ đuợc thắt chặt hơn nhất là tại các nơi công cộng. Ngày nay, hầu như bất khả chuyện quý vị đến những nơi công cộng (siêu thị, nhà hàng, nhà băng, rạp chiếu phim…) mà không bị quay phim chụp hình. Sự riêng tư cũng không còn khi thư từ, điện thư, điện thoại đều bị kiểm soát, có thể bị an ninh xem hoặc nghe lén bất cứ lúc nào, thậm chí không cần trát toà.
Giới thông thạo pháp đình dự báo các trạng sư biện hộ cho nghi phạm em Dzhokhar Tsarnaev sẽ chạy tội cho y bằng cách đổ hết tội cho khủng bố anh Tamerlan Tsarnaev đã chết, và rằng y không phải chủ mưu, chỉ là kẻ hùa theo. Biện hộ này có thể gợi nhắc về một số người trẻ sống bàng quan, lạc lõng, vô trách nhiệm, vô đạo đức, vùi mình trong những trò chơi video bạo lực v.v… Họ có thể là những đe doạ ngầm cho xã hội. Nhiều trẻ vị thành niên, thiếu nhận thức về đúng sai, lẽ phải, gia nhập các nhóm băng đảng chỉ để “cho vui”. Nhiều người sợ rằng, còn rất nhiều những thanh thiếu niên ở ngoài kia, dễ bị ảnh hưởng bởi ai đó — người anh trai trong trường hợp nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev — dễ bị dẫn dắt vào con đường đưa đến thảm hoạ.

Giám Đốc FBI Robert Mueller (thứ 2 từ phải) và các cố vấn cao cấp giải trình với Tổng Thống Obama (ngồi xoay lưng vào ống kính) về vụ nổ bom khủng bố Boston Marathon. Ảnh White House Photo / Pete Souza