Menu Close

Edward Snowden – Người hùng hay kẻ phản bội

Cuối tuần qua, báo giới quốc tế lại rộ lên thông tin các nước Venezuela và Bolivia đồng thuận cấp quy chế tị nạn chánh trị cho ông Edward Snowden, và Nicaragua cũng có phản ứng thuận lợi. Đây đều là các nước Mỹ Châu La Tinh thiên tả, lâu nay vốn không ưa gì người Mỹ. Ông Snowden 29 tuổi, từng làm việc hợp đồng với NSA (National Security Agency) thuộc ngành quân báo Hoa Kỳ, là người bật mí các thông tin tuyệt mật, bao gồm các chương trình nghe lén khổng lồ.

 

 

alt

 

 

Vụ này lôi cuốn sự chú ý của công luận thế giới suốt mấy tuần qua. Thông qua tờ Guardian của Anh Quốc, Edward cho đăng nhiều kỳ các tiết lộ động trời, có thể là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất xưa nay. Hiện tại, Snowden đang mang theo kè kè bên người 4 chiếc máy tính laptop chứa thông tin tuyệt mật. Các bản copy cũng đã được trao cho tờ Guardian đề phòng  trường hợp xấu xảy ra.

Những thông tin đã tiết lộ, dù tờ Guardian đã nói chỉ là một phần nhỏ, cũng đủ cho thấy NSA  nghe lén những cuộc điện thoại, các trao đổi điện thơ (e-mail), nói chung là nhất cử nhất động của bất kỳ người Mỹ nào trên thế giới ảo “online” cũng có thể bị theo dõi. Chánh phủ HK có một chương trình tuyệt mật tên “PRISM”, từ hơn 6 năm qua chuyên thu thập thông tin ngay tức thời (real-time) từ bất cứ người sử dụng internet nào, ở bất cứ nơi đâu. Đặc biệt, NSA theo dõi liên tục 120,000 người sử dụng internet được liệt vào thành phần bất hảo, có thể biết ngay lập tức khi những người này gởi email, hoặc chít chát. Trung tâm dữ liệu của sở quân báo có thể ghi âm và lưu giữ 1 tỉ cuộc điện thoại mỗi ngày. NSA cũng kiểm soát hệ thống email và chít chát của các công ty internet lớn nhất như Google, Microsoft, Facebook, Apple, Skype, Paltalk, AOL, v.v…

 

 

alt

 

Tổng hành dinh của sở quân báo NSA ỏ căn cứ Fort Meade, tiểu bang Maryland.

 

Theo tiết lộ, Washington còn nghe lén cả đồng minh Liên Hiệp Âu Châu cũng như thâm nhập hệ thống máy tính của họ. Mục tiêu gồm các văn phòng của EU và ít nhất 38 đại sứ quán hoặc các sứ bộ ngoại giao lớn nhỏ tại Washington DC, New York, và Brussels (thủ phủ EU). Hoa Kỳ cũng xâm nhập hệ thống máy tính của Đại Học Tsinghua University ở Bắc Kinh, vốn là 1 trong 6 nơi đặt để hệ thống internet toàn Hoa Lục, phục vụ hằng triệu người Hoa.

Tung ra các thông tin này, Edward Snowden tức khắc bị tước sổ thông hành, trở thành như người không xứ sở. Tiếp xúc với tờ Guardian lần đầu tiên, Snowden đã nói muốn đến tị nạn chánh trị ở băng đảo Iceland. Nhưng đến nay số phận ông vẫn chưa rõ ràng. Ít có chánh phủ nào thích ra mặt thách thức Uncle Sam. Theo WikiLeaks, tổ chức đang trợ giúp Edward Snowden trên đường đào thoát, ông Edward Snowden đã xin tị nạn chánh trị tại 21 quốc gia khác nhau. Ecuador là nước đầu tiên đón nhận Snowden, thậm chí cấp giấy tờ tị nạn để ông bay từ HongKong sang nước Nga (Russia), nhưng trước áp lực của HK, có vẻ nay Ecuador đã muốn thoái lui. Chánh phủ nước này nói Snowden phải đặt chân lên Ecuador rồi mới xin tị nạn. Những nước bác bỏ thẳng thừng gồm có: Brazil, Ấn Độ (India), và Ba Lan (Poland). Cũng như Ecuador, những nước hầu như đã đóng cửa với Edward Snowden (không từ chối thẳng mặt, nhưng lại nói anh phải đặt chân đến nước tôi rồi mới được xin tị nạn — một điều kiện hầu như bất khả thi): Áo Quốc (Austria), Phần Lan (Finland), Ireland, Hà Lan (Netherlands), Na Uy (Norway), Tây Ban Nha (Spain), Thuỵ Sĩ (Switzerland). Và cuối cùng là nhóm quốc gia chưa tỏ thái độ rõ ràng: Trung cộng, Pháp Quốc (France), Đức Quốc (Germany), Ý Quốc (Italy). Xứ cộng sản Cuba thì lên tiếng hậu thuẫn quyết định của các nước Mỹ Châu La Tinh thuận cho Edward Snowden tị nạn chánh trị.

Nếu ngược dòng lịch sử, có thể thấy Edward Snowden chỉ là cái tên mới nhất trong chuỗi những nhân vật từng hé lộ bí mật quốc gia. Tháng 11-2010, Binh Nhất Lục Quân Bradley Manning chuyển  thông tin tuyệt mật cho trang WikiLeaks, bao gồm 250,000 tài liệu ngoại giao và 500,000 phúc trình chiến trường. Manning bị kết án nhiều tội trong đó có tiết lộ bí mật và trợ giúp kẻ thù. Phiên toà bắt đầu tháng 6-2013. Năm 2004, Joe Darby là nhân vật giúp khám phá các vụ bê bối tại nhà tù Abu Ghraib (Afghanistan), với chuyện binh sĩ Mỹ bạo hành, làm nhục tù binh Hồi Giáo. Không chỉ Quân Lực HK mà nhiều người, kể cả thành viên gia đình, đã gọi Darby là kẻ phản bội, nhiều lần đòi… xin tí huyết. Đến nay ông vẫn phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Năm 2005, khi đã 92 tuổi, nhân vật từng là Phó Giám Đốc cục điều tra liên bang (FBI) Mark Felt mới tiết lộ chính ông là người đã rò rỉ các thông tin mật dẫn đến vụ bê bối Watergate. Bằng cách ẩn danh, ông trợ giúp 2 ký giả điều tra của tờ Washington Post đăng tải nhiều kỳ về các che đậy của nội các chánh phủ TT Nixon trong vụ đột nhập ăn trộm thông tin tại tổng hành dinh của đảng Dân Chủ trong kỳ tranh cử 1972. Các bài báo đưa đến cuộc điều tra mở rộng của Quốc Hội, cuối cùng khiến chính TT Nixon phải từ chức năm 1974. Trước đó nữa, năm 1971, một chuyên viên quân báo HK, ông Daniel Ellsberg, tung ra 7,000 trang tài liệu mật sau này được gọi là “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” (Pentagon Papers) liên quan chiến cuộc Việt Nam. TT Nixon khi đó tấn công ông Ellsberg dữ dội, bao gồm đặt máy nghe lén và lục xét văn phòng. Cuối cùng, ông Ellsberg ra đầu thú nhà chức trách. Tuy nhiên, trước toà tất cả tội phạm “gián điệp” bị huỷ bỏ. Cuối đời ông sống lặng lẽ, viết sách và làm giáo sư đại học được nhiều người nể vì.

Trên chánh trường Hoa Kỳ, lâu nay có không ít yếu nhân làm đến bậc Thượng Nghị Sĩ, nắm quyền lực tại Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện, lắm khi còn… bó tay trước các phương pháp lạm dụng của ngành tình báo. Chuyện gì đang chờ đợi một “tép riu” như Snowden 29 tuổi? Với một quyết định, cuộc đời vĩnh viễn thay đổi. Ông mất công ăn việc làm thơm tho, tài chánh suy kiệt. Ông có thể vào tù ra khám, có thể phải sống đời lưu vong trên xứ lạ quê người, không biết tiếng nói, không thân quyến hay bằng hữu. Ông có thể còn gặp nhiều trắc trở trong đời, bị xem là kẻ nguy hiểm, kẻ phản bội, mất trí… Khó lường cái giá phải trả khi anh chống lại Uncle Sam, với bộ máy chánh quyền và an ninh hùng mạnh nhất hoàn vũ. Dù ông Snowden rời được Moscow đến Mỹ Châu La Tinh tị nạn, sở quân báo NSA, tình báo CIA, và nhiều tổ chức an ninh tuyệt mật khác vẫn dễ dàng lùng ra ông. Những quấy nhiễu đã bắt đầu. Ký giả Glenn Greenwald của tờ Guardian đã bị ăn cắp sạch dàn máy tính tại tư gia ở Brazil. Greenwald là người đầu tiên đưa các thông tin của Snowden ra công luận.

Nhiều người chỉ trích Edward Snowden nói nếu muốn chống bê bối, ông đã có thể đi những con đường khác, kín đáo hơn, mà không… vạch áo cho người xem lưng. Lắm người hồ nghi ông, vì sao muốn đề cao tự do mà lại nhờ vả Trung cộng, nước Nga, kết bạn với Ecuador, và cả Cuba — đều là những nước không thuận thảo với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vẫn không thiếu yểm trợ cho rằng ông Edward Snowden không có chọn lựa nào khác ngoài sử dụng tự do báo chí, rằng ông không phải là kẻ phản bội quốc gia, mà chỉ muốn góp tay cải cách nó. Đạo diễn lừng danh Oliver Stone công khai gọi Snowden là một người hùng. Ngay tại Mỹ, cũng có không ít người xem Snowden như vậy, ca ngợi ông đã gióng lên tiếng nói tự do, phơi bày những lạm dụng nhân quyền của chánh phủ. Họ gọi ông là người thổi còi (Whistleblower), người hành động vì lương tâm và trách nhiệm, khi bắt gặp điều sai phạm quá kinh khủng trong bộ máy công quyền, như vi hiến, hoặc phí phạm, hoặc lạm dụng lớn lao… Trang thỉnh nguyện thơ của Toà Bạch Ốc có bản đòi hỏi ân xá Snowden mang tên “Pardon Edward Snowden”, đến nay có gần 130,000 chữ ký ủng hộ ông.

Đúng Ngày Lễ Độc Lập 4-7 “Independence Day” vừa qua, hằng ngàn người đã xuống đường trên khắp quốc gia bày tỏ thái đội bất ưng đối với sở quân báo NSA. Họ thuộc phong trào gọi là “Restore the Fourth”, mục tiêu đòi hỏi vãn hồi tu chánh hiến pháp #4 – cấm nhà chức trách lục soát và tịch thu tài sản người Mỹ một cách vô nguyên cớ. Người biểu tình nói các chương trình tuyệt mật của chánh phủ HK như “PRISM” là vi hiến. Họ cũng yêu sách sở quân báo NSA chấm dứt các chương trình do thám rình rập dân chúng.

Qua vụ Edward Snowden, cũng cần thiết nhớ gián điệp hay kiểm soát internet không phải là trò chơi mới. Hệ thống cáp ngầm dưới đại dương, đường truyền dẫn internet toàn cầu, do Hoa Kỳ và Tây Phương thiết kế xây dựng, và nắm kiểm soát hoàn toàn. Chỉ riêng tại Á Đông, hệ thống fiber-optic nối kết các quốc gia trong vùng từ Hong Kong, Trung cộng, Nam Hàn (South Korea), Đài Loan (Taiwan), Nhật Bổn (Japan), đến VN, Philippines,  Singapore… Trong nhiều năm, Hoa Kỳ thông qua CIA, NSA, và nhiều sở tình báo khác của Tây Phương có thể ghi lại bất cứ thông tin nào họ muốn, khi chúng đi qua các đường cáp này.

 

 

alt

 

Màn hình TV chiếu tin tức Edward Snowden tại một khu mua sắm ở Hong Kong. Ảnh Vincent Yu, Associated Press

 

Giới tình báo cũng biện hộ các hồ sơ mật có lý do chính đáng của nó — không phải để rình rập hay lạm dụng dân Mỹ — mà để tránh kẻ thù, như Iran hay Bắc Hàn (North Korea), biết được sức mạnh thật của người Mỹ. Cựu giám đốc CIA Michael Hayden cũng xác nhận các quốc gia Tây Âu đều có hoạt động tình báo thu nhập thông tin từ HK. Tình báo Pháp từ lâu đã nghe, đọc lén điện thoại, điện thơ, hầu hết tin nhắn qua điện thoại, các cú điện đàm, các trao đổi trên Facebook, Twitter… đều được lưu trữ. Đây có thể là lý do vì sao Pháp Quốc khá kín kẽ, trong khi các nước Âu Châu khác phản ứng Washington một cách dữ dội.

Các bật mí của Edward Snowden chẳng những làm xấu mặt TT Obama và ngành tình báo, mà còn có thể gây phương hại cho nước Mỹ. Snowden bị kẹt lại phi trường Sheremetyevo ở Moscow từ ngày 23-6 đến nay. Đáng nói là từ khi Snowden đáp xuống phi trường Sheremetyevo Terminal E, không ai thấy tăm hơi bóng dáng ông ở bất kỳ đâu: trong nhà ga phi trường, trong nhà vệ sinh, nơi các tiệm thức ăn nhanh… Không ai biết chuyện gì xảy ra trong suốt thời gian này.

TT Nga Vladimir Putin vẫn từ khước không chịu dẫn độ Snowden về Mỹ. Ngoài mặt, Putin tuyên bố chấp nhận cho ông Snowden tị nạn chánh trị với điều kiện… ông phải ngừng tiết lộ tài liệu mật “gây phương hại cho phía bạn Hoa Kỳ”. Putin cũng nói ngành an ninh Nga không khai thác Snowden. Tuy nhiên, có lẽ không mấy ai tin lời biện hộ của Putin, một tay cựu tình báo KGB. Vài chánh khách HK đã ra mặt công kích nước Nga và Putin nặng nề. Nhiều người khác nhắc lại cuộc đối đầu Nga-Mỹ trong thời Chiến Tranh Lạnh. Cho đến khi có nước nào đón Snowden, có thể nói ông nằm gọn trong tay Putin. Snowden sẽ không dễ được buông tha trước khi tình báo của Nga moi hết thông tin ông cầm giữ. Tình thế có lẽ cũng tương tự khi Snowden còn kẹt ở Hongkong. Chắc chắn Trung cộng không bỏ lỡ cơ hội lấy hết thông tin mật, trước khi thả ông sang Nga.

 

 

alt

 

Vụ Edward Snowden khiến bang giao Nga-Mỹ càng thêm lạnh lẽo.

 

Trong tuần qua, trước khi Venezuela, Bolivia, và Nicaragua hứa hẹn đón nhận Edward Snowden, đã xảy ra các vụ bê bối ngoại giao khá đình đám. Có tin đồn Edward Snowden đã đào thoát trên phi cơ của TT Bolivia Evo Morales sau chuyến Âu du. Thẩm quyền không lưu Bồ Đào Nha (Portugal) từ chối không tiếp xăng cho bay tiếp. Phi cơ phải nằm lại Áo Quốc (Austria). Pháp, Tây Ban Nha, lẫn Ý Quốc cũng từ chối cho phi cơ bay ngang không phận nước họ… Và như vậy, câu chuyện tình báo mang tên Edward Snowden, khó sớm có hồi kết. Ông có thể là người hùng của dân chúng Mỹ, của quyền tự do, chống lại bạo quyền hay lạm dụng. Edward Snowden cũng có thể là kẻ phản bội — ngoại trừ trường hợp ông chỉ… tình cờ ghé Hong Kong, vô tình giữa đường… bị kẹt giữa Moscow, để hết Bắc Kinh rồi Moscow… tiện thể rút hết “bí mật Mỹ” — trong một ván cờ khác, lớn hơn rất nhiều, của Uncle Sam.

TD