Menu Close

Đi đêm có ngày gặp… ma-nual (Kỳ 51)

Tôi vẫn còn nhớ một đêm mát trời năm xửa năm xưa ngay Bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn. Lần đầu tiên được Mẹ tôi dắt đi xem pháo bông; thật là một kỷ niệm khó quên. Tiếng pháo nổ đùng đùng cùng với những tia sáng muôn màu tỏa ra trong màn đêm không khỏi gây nên cảm giác rạo rực (xao xuyến??) trong lòng một đứa trẻ mới biết đi… xe đạp.

Cho đến ngày nay, mỗi lần có lễ lộc với buổi bắn pháo bông, tôi khó kềm chế phải đi xem và chụp ít nhất vài cuộn phim (hoặc thẻ nhớ). Tôi nghĩ nhiều bạn đọc cũng có những kinh nghiệm tương tự với tôi. Để giúp các bạn có được những tấm ảnh pháo bông đẹp mắt và lưu lại trong kỷ niệm, tôi xin chia sẻ vài bí quyết sau đây:

 

Chọn một địa điểm tốt

Cố gắng xác định khoảng không gian nơi pháo bông sẽ nổ rồi tìm một chỗ đứng với góc cạnh không cản trở tầm nhìn của bạn. Nếu chương trình bắn pháo bông thu hút rất nhiều người, bạn sẽ phải đến nơi sớm để giành chỗ tốt. Định hướng chiều gió và lên trên hướng gió để ảnh của bạn khỏi bị che bởi khói bị thổi tới chỗ bạn đứng.

 

 

alt

 

Vị trí đặt máy cũng là một điều quan trọng khi đi chụp pháo bông. Tại Orlando, Florida, người viết đã sử dụng tàn cây và mặt hồ cùng các tòa building để thêm vào bố cục của Lễ Độc Lập 2011.

 

Để máy lên chân 3 cẳng

Một điều chắc chắn khi chụp ảnh pháo bông – bạn không muốn ảnh bị mờ. Vậy nên dùng chân máy 3 cẳng để giữ máy vững. Chụp ảnh pháo bông đòi hỏi tốc độ chụp rất lâu, vậy chân máy là dụng cụ cần thiết nhất. Đừng kéo ra đoạn chân ở giữa chân máy. Cố gắng giữ mọi vật thấp gần mặt đất và giữ máy càng vững càng tốt.

Trong đám đông, bạn nên cẩn thận về vị trí của chân máy để tránh một ai vấp ngã, khỏi vừa bị nghe mắng, vừa bị hư ảnh.

 

 

Thà dư hơn bị thiếu

Bạn không bắt buộc phải có máy ảnh chuyên nghiệp, nhưng cần phải có tánh kiên nhẫn. Nhiều máy ảnh số, loại bỏ túi hiện nay, có những chế độ chụp riêng biệt, như chụp pháo bông. Khi bạn đổi qua chế độ “pháo bông”, máy ảnh sẽ “chỉnh” phần mềm để thích nghi với điều kiện ánh sáng ban đêm và tốc độ khá chậm. Ngoài ra, máy cũng tự chỉnh cho màu sắc thêm phần sặc sỡ.

Tuy nhiên, dù bạn dùng loại máy bỏ túi hoặc loại máy DSLR, bạn cũng nên “thí nghiệm” với nhiều góc cạnh, bố cục, tốc độ cửa chập, độ nhạy…v.v. Điều cần thiết là, chụp càng nhiều càng tốt. Mặc dù bạn sẽ không tránh có những tấm ảnh bị “hỏng”, nhưng đó cũng là một cơ hội để bạn tự học hỏi từ những cái sai.

 

 

alt

 

Thường khi đi chụp pháo bông, tôi đem theo bốn ống kính, 70-200mm, 24-70mm, 14-24mm, và chú ốc tiêu của gia đình mà có con mắt “to như cái nhà” – ống 10.5mm f2.8 tôi đã dùng để lấy khung cảnh tổng quát gồm hàng trăm khán giả và những chùm pháo hoa “khổng lồ” họ đang xem.

 

 

Vài vấn đề kỹ thuật

Trừ những máy ảnh tự động (bỏ túi) với chế độ chụp pháo bông (fireworks), khi người chụp không cần lo về việc chỉnh máy, chỉ cần nhắm rồi bấm thôi; với những máy có chế độ chụp “manual” thì bạn cần biết vài điểm để chuẩn bị máy của bạn cho việc chụp pháo bông. Theo kinh nghiệm bản thân tôi, bạn nên chỉnh những nút bấm lúc còn sớm, vì sau khi trời tối, bạn sẽ khó nhìn thấy những nút chỉnh trên máy. Và cũng dựa theo kinh nghiệm, tôi thường đem theo cái đèn pin nho nhỏ.

 

 

alt

 

Một trong những thử thách trong nhiếp ảnh pháo bông – sự phân biệt giữa những màu sắc trong ánh sáng. Điều này được người viết kiểm soát bằng cách “phơi sáng”, hoặc một kỹ thuật được gọi là “vẽ với ánh sáng” (painting with light).
Giữa hàng trăm hàng ngàn phong pháo nổ liên tiếp, sự khó khăn là tách rời từng yếu tố để có bố cục hẳn hòi. Trong ảnh này, người viết đã “trồng” được hai cây cao giữa nền trời đêm.

 

 Cách lấy nét trong bóng tối

Đây có thể là một “bửu bối” đáng giá và là một bí quyết mà tôi ít khi “truyền nghề” cho ai. Đó là cách tận dụng cả hai mode lấy nét – automatic và manual. Trước tiên, bạn chỉnh mode lấy nét tự động, và nhắm vào những chấm sáng lấp lánh từ xa. Sau khi máy đã lấy nét của điểm đó, bạn có thể đổi qua manual mode. Bạn có thể dùng độ nét này như một “điểm mốc” để chụp đến khi nào pháo bay lên và khi pháo nổ thì bạn có thể đổi trở lại automatic mode rồi lấy nét ở điểm sáng của pháo. Lần này thì bạn có thể yên tâm 100 phần trăm là bạn đã lấy chính xác độ nét của pháo bông, và đổi qua manual mode một lần cuối cùng. Từ khoảnh khắc này cho đến cuối chương trình, bạn sẽ không cần lấy nét thêm nữa, vì tất cả những quả pháo đều được bắn và nổ ở cùng khoảng cách tương đối, không đủ chênh lệch để bị mờ. Voila! Bây giờ bạn có cảm giác như một phó nhòm Pro chưa?

 

 

alt

 

Và đây, kết thúc của một trong những buổi bắn pháo bông được coi là “đồ sộ nhất nước Mỹ”. Hơn 500 cái pháo đã được bắn lên hàng loạt trong khoảng thời gian 45 giây. Tôi và “đệ tử” Nikon D3 trung thành của tôi đã được một bữa “buffet pháo bông” no nê!

 

 AN – Jul ‘13
Trang nhà: www.wildwingsphotography.com
Facebook: www.facebook.com/BetterBirdPhotos