Chẳng biết nguyên do gì mà ở Việt Nam, năm 2013 này được mệnh danh là “Năm Gia Đình”. Chỉ biết, nhờ vậy, cuối Tháng Sáu vừa qua ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn, nhiều hoạt động kỷ niệm chủ đề gia đình đã được tổ chức. Từ đó, nhiều vấn đề gia đình được xới lên, nhìn lại.

Hậu quả của tan vỡ gia đình- Các trẻ bị bỏ rơi (được Sư trụ trì chùa Mía nhặt làm con nuôi)
Thiệt thòi phụ nữ
Một trong các vấn đề gây đau đầu nhất có lẽ là vấn đề “hậu hôn nhân, tiền ly dị” phức tạp của các gia đình. Ngày xưa lấy nhau qua mai mối, không có tình yêu, không có tự do, nhưng vợ ra vợ chồng ra chồng, sống có thể không hạnh phúc nhưng nền nếp, ít ly dị. Bây giờ tí tuổi đầu đã tự do yêu đương, quan hệ. Bất chấp người lớn đồng ý hay không, tự lấy nhau, có con, hơi giận lên là cãi cọ, đánh đập nhau tàn nhẫn. Anh chủ nhà trọ khu công nghiệp Bình Chiểu kể, quận vùng ven Thủ Đức của anh, nơi đông công nhân nhập cư, sinh viên trọ học, hiện tượng lấy đại kiểu “lửa cần rơm, rơm thèm lửa” khá phổ biến. Trường hợp có hai cặp “góp gạo thổi cơm chung”. Cặp thứ nhất, chàng là sinh viên nghèo, bù lại có mã, có học; nàng là công nhân xa nhà có tiền, nhưng thiếu người đưa đón, khi quạt điện hư, cầu chì đứt không biết sửa. Họ trọ cạnh nhau. Vậy là… bùng! Cặp thứ hai, chàng và nàng đều là công nhân, cùng “độc thân vui tính, tròn ba năm lính”. Ở chung, đi làm chung, rồi dần dà ngủ chung, có con chung…. Tuy không cưới xin, lập hôn thú, nhưng thực tế cũng coi như đã thành vợ chồng. Chỉ khi một sư tử Hà Đông từ Cần Thơ lên đánh ghen, thì mới vỡ lở. “Thằng tệ bạc” chưa kịp trốn, đã bị hai mụ đàn bà xông vào giằng xé quyết liệt. Rốt cuộc, vợ cái con cột vẫn thắng. Phần thiệt thòi thuộc về mẹ con kẻ đến sau. Tội cho đứa nhỏ, đang có mẹ có cha, bỗng thành phận con hoang. Mái ấm gia đình hóa thành “mái lạnh”.
Những “mái lạnh”, hiểu theo nghĩa gia đình không trọn vẹn, không hạnh phúc, con cái bơ vơ, không chỉ là “đặc sản” của những địa bàn nhiều công nhân, sinh viên, mà có thể bắt gặp ở bất kỳ địa phương nghèo khổ, mất mùa, thiên tai nào trên dãi đất hình chữ S này.

Tần tảo gánh hàng rong nuôi gia đình
Dẹp tệ nạn bạo lực gia đình, không dễ!
Đời sống càng ngày càng khó khăn, giá học phí, viện phí, cái ăn cái mặc, xe cộ, điện nước leo thang vùn vụt. Nhà hai vợ chồng, hai đứa con đi học, ít nhất mỗi tháng xài không dưới 10 triệu đồng. Áp lực cuộc sống đè nặng khiến người chồng hóa ra bẳn tính, cục cằn, người vợ hay ca cẩm chì chiết. Bữa cơm gia đình mất vui. Sau giờ làm chồng không muốn về nhà, vợ nổi ghen. Nhiều lần như vậy, đơn ly dị manh nha xuất hiện, bát chén vỡ loảng xoảng, con chạy sang hàng xóm, vợ vớ lấy chai thuốc sâu…
Để phòng tránh những cảnh xô xát, những cái chết oan uổng dẫn tới sẩy nghé tan đàn thương tâm. Cũng có nhiều chương trình mở ra nhằm “mách nước” cho người trong cuộc về 1001 tình huống dễ đưa tới tan vỡ gia đình. Các cẩm nang hạnh phúc, bí kíp giữ lửa yêu thương dưới nhiều hình thức; dù to nhỏ, sớm trễ, ngắn dài, hay dở mặc lòng, đều gặp nhau ở thiện ý vun trồng hạnh phúc gia đình. Tiếc thay, trong thực tế, thiện ý và hiệu quả không mấy song hành.
Dù số thanh niên lập gia đình tại địa phương tăng nhanh nhưng do trình độ học vấn thấp, nhận thức kém đưa tới cách hành xử gia trưởng của nhiều ông chồng nhậu xỉn dạy vợ bằng dao, đánh bạc bán đất, đốt nhà như cơm bữa tại địa phương. Phụ nữ Hòa Hiệp đa số làm rẫy, làm rừng, ít giao tiếp, ít hiểu pháp luật. Nên dù có nghe tiếng kêu khóc chửi đánh không bao giờ người ta đến cứu ngay. Cứ phải có máu chảy, nhà cháy, nếu không, chỉ vài cái tát, xé áo xé quần, trói đánh bêu riếu, thì chỉ là “yêu cho roi cho vọt”, là “chồng nựng vợ thôi mà”. Bản thân người bị hại, không mấy khi thưa kiện, coi chuyện ăn đòn là số kiếp nên cứ lặng thinh chịu đựng; cho tới khi con giun xéo lắm cũng quằn, lăn ra chết! Một bà mẹ từng bị đòn chồng thành thương tật, có con gái sắp “chống lầy”, đã cho rằng hôn nhân đối với đàn bà chỉ là đẻ và hầu- hầu bố mẹ chồng, hầu chồng, hầu con, ngoài ra không có tiếng nói, không có quyền lợi. Dù làm ra tiền nuôi cả gia đình vẫn bị coi là người ngoài, là “cơm nguội”, là “phận dưới”. Tốt nhất đừng lấy chồng. Còn đã phải duyên phải số, thì ráng chịu khổ cả đời.
Tỷ lệ gia đình trẻ hạnh phúc và gia đình trẻ ly dị gần như là 1-1, cứ hai cặp lấy nhau, sẽ có một cặp không trụ nổi trong 5 năm đầu của cuộc sống chung, vốn nhiều thử thách gay go nhất. Nếu có bố mẹ “chia lửa”, bạn bè xúi khôn, hàng xóm can ngăn, con cái giúp “hạ hỏa” thì đỡ, nếu không, 80% có cơ sẩy nghé tan đàn.Và tất cả thiệt thòi, lại vẫn muôn thuở, đổ lên đầu phụ nữ.
Trong hôn nhân, phụ nữ thành thị cởi mở, cứng cỏi, bản lãnh hơn phụ nữ nông thôn. Họ không thích làm dâu, không thích ăn bám, không thích kiếp “đẻ và hầu”. Nhiều phụ nữ sẵn sàng “đi biển mồ côi một mình” để vừa được tự do.
Một ý tưởng khôi hài cho rằng, gia đình không hạnh phúc sẽ sản sinh ra hàng loạt triết gia, anh hùng, tu sĩ, nhà văn, nhà thám hiểm, nhà khoa học, nhà từ thiện…

Con cái những gia đình kém hạnh phúc, bị đẩy ra đường sớm, đôi mắt lạnh lùng, oán hận,