Menu Close

Chơi Tết Đài Loan

Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

 

 

alt

 
Đêm Ba Mươi Tết trên đường phố Đài Loan

 

 

Kỳ 14

 

Tết Tây xong, thoáng cái Tết ta lại đến. Những ngày lễ cuối năm dồn dập, vẻ mặt mọi người lúc nào cũng hân hoan.

Thế mà tôi đành làm buồn lòng Kim do cái tính ham chơi, thích những điều mới lạ. Nói đúng ra, tôi đứng giữa lời chèo kéo của Kim và Irene. Kim muốn tôi ăn Tết tại nhà cô cho vui. Có Thi cũng gần gũi hơn với tình đồng hương xa xứ. Irene muốn đi Đài Loan chơi Tết cho biết vì năm rồi “Tết gì buồn muốn chết, cứ ru rú trong nhà”. Xét cho cùng, tôi thấy Irene có lý. Tết Nguyên Đán là thời điểm giữa mùa Đông của xứ Hàn, thời tiết lạnh âm độ kéo dài nhiều ngày, mây trời ảm đạm dễ khiến cõi lòng thổn thức. Xa nhà đã buồn, nhìn cảnh Tết như thế lòng càng buồn hơn. Đài Loan khí hậu ôn hòa, mùa Đông lạnh không đến nỗi co ro trong lớp áo ấm dày cộp. Thế là chúng tôi bay đi Đài Bắc.

Nhưng người đáng buồn nhất chính là tôi trong nỗi niềm của cái Tết xa nhà, xa quê hương dù Me tôi trách “sao không ráng bay thêm nửa đoạn đường là về đến Sài Gòn ăn Tết với người thân trong nhà”. Muốn lắm chứ. Nhưng tôi chẳng thể làm con chim viễn xứ nửa lòng phiêu lạc nơi đất khách, nửa lòng nghĩ đến quê cha và mặt thì ngoảnh ra trùng dương khơi xa, dõi mắt bên bờ nơi kia có mái nhà êm ấm âm thầm chờ mong bước chân đứa con phiêu linh trở về. Thời gian có hạn. Hãy cứ vui chơi khi ta không có điều kiện vui chơi vì công việc bù đầu và lễ hội Tết nhất ở Hàn vỏn vẹn chỉ có ba ngày (nhiều nơi mùng Hai đã đi làm) nên ai cũng tận dụng thời gian họp mặt gia đình, bà con họ hàng trong những ngày Tết đến. Còn mỗi mình bơ vơ đất lạ quê người chẳng buồn tủi lắm sao. Và sao cứ phải ràng buộc mình với nỗi niềm sum họp của người xa quê để rồi trong ta chợt nghe tiếng thở dài của nỗi nhớ.  

Hai năm rồi Irene đón Giáng sinh và Tết Tây ở Hàn quốc. Còn tôi, đây là lần đầu tiên xa nhà và là lần đầu tiên tôi đi chơi Tết ta tại một đất nước láng giềng gần với quê hương, gần gũi phong tục tập quán nên có chút gì đó thấy ấm áp trong lòng. Chúng tôi được nghỉ hai ngày Tết. May là Ba Mươi rơi vào Thứ Năm nên nghỉ chẵn bốn ngày tính luôn hai ngày cuối tuần. Nghĩ đi nghĩ lại, với thời gian ngắn ngủi đó, về Sài Gòn chưa được bao tiếng đồng hồ rồi lại ra đi. Chán chết! Và hơn hết chi phí vé bay đắt đỏ vì mùa Tết, người Việt xa quê làm ăn sinh sống ở Hàn về thăm nhà rất nhiều.

Theo chương trình vạch sẵn, chúng tôi bắt taxi về khu chợ Shilin (Sĩ Lâm). Đây là khu chợ đêm lớn nhất ở Đài Bắc. Nghe nói chợ mở cửa đến bốn năm giờ sáng, buôn bán đủ thứ từ hàng bình dân đến các mặt hàng cao cấp, là nơi ưa thích không chỉ của người dân địa phương mà còn cả du khách nước ngoài muốn đi chợ mua sắm hay tìm kiếm những món ăn vặt rất ngon và lạ mắt. Sĩ Lâm không phải tên riêng của chợ mà là một quận của thành phố Đài Bắc. Từ xưa đã rất phồn thịnh. Đủ tầng lớp con người sinh sống tại đây, kể cả người ngoại quốc. Người châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản tập trung riêng thành một khu vực sung túc. Hơn nữa hầu hết Lãnh sự các nước đều đặt văn phòng quanh quận Sĩ Lâm nên chúng tôi yên tâm hơn về vấn đề an ninh khi chọn Sĩ Lâm làm điểm đến. Tóm lại, đến Đài Bắc tức thấy hết cuộc sống và con người của xứ đảo Đài Loan.

Từ đây, rạng sáng ngày mùng Một chúng tôi đi chơi mũi Dã Liễu ngắm mặt trời mọc giống người Hàn chào đón Năm Mới (cả Âm lịch và Dương lịch) bằng cách đến thăm bãi biển phía Đông nơi họ nhìn thấy tia sáng đầu năm của mặt trời mọc vào ngày đầu tiên trong năm. Chiều trở về Đài Bắc. Mùng Hai đi thăm thắng cảnh Cố cung và đến xem thiên đường nhà sách Eslite nổi tiếng nhất châu Á mở cửa suốt hai mươi bốn tiếng.

Ngồi cạnh ghế tôi là chàng trai trẻ với gương mặt hạnh phúc của người về quê ăn Tết. Anh ta giới thiệu là kỹ sư làm việc cho hãng Samsung về Taichung (Đài Trung) đoàn viên gia đình. Anh nói: “Người ta có thể tha hương cả ba trăm sáu mươi ngày, nhưng không muốn làm một kẻ tha nhân trong ngày Giao thừa cuối năm bên gia đình đầm ấm”. Câu nói vô tình chạm đến nỗi lòng của tôi nhưng thấy khuôn mặt dễ nhìn và vô tư nghĩ suy như đứa trẻ của anh nên tôi cười trừ tha thứ. Anh kể nhiều về những phong tục ngày Tết Đài Loan nghe tương tự ngày Tết của người Việt, chỉ các món cúng trong ngày Ba Mươi là khác đôi chút.

Nhờ anh chỉ dẫn, chúng tôi về đến nhà trọ bình dân gần khu chợ Sĩ Lâm bằng xe buýt chỉ tốn một phần hai mươi cước phí taxi. Tôi đưa mảnh giấy cho Irene mà lúc xuống máy bay Wen Xi đã dúi vào tay tôi. “Nếu các cô không ngại, chiều tối mùng Hai tôi có mặt tại Sĩ Lâm đón các cô về nhà ba má tôi ăn Tết cho vui. Sáng hôm sau, chúng ta sẽ đi Kaohsiung (Cao Hùng). Tôi tự nguyện làm hướng dẫn viên đưa các cô đến FoGuangshan (Phật Quang Sơn), Thánh địa Phật giáo lớn nhất Đài Loan, chiêm ngưỡng tượng Phật cao 120 mét, lễ chùa cầu bình yên trong năm mới. Yên tâm, tôi sẽ đưa các cô trở về nhà và ra sân bay đúng giờ. Nếu các cô xem tôi là bạn gọi số XXX. Còn không thì chúng ta sẽ là những người tha hương trên cùng chuyến bay trở về Hàn quốc”. Irene cười ha ha. Vậy là chúng ta có dịp rong chơi miễn phí rồi đấy nhé!

Về đến nhà trọ, chúng tôi kiểm tra sơ phòng vệ sinh, nhà tắm xong, lại xách ba lô lần dò ra phố. Đi chơi nhiều, ngủ nghỉ bao nhiêu, mười lăm đô một ngày cho hai người như thế đã là quá được. Irene không muốn phụ lòng anh chàng xứ Đài nên chương trình mùng Hai của chúng tôi có nhiều thay đổi. Cố cung, nhà sách ưu tiên trước cho đến chiều tối. Quay về lang thang chợ đêm cho đến Giao thừa.

Lâu lắm rồi tôi chưa đi chợ đêm Ba Mươi kể từ ngày xa xứ. Những cái Tết ở Mỹ đối với tôi thoáng qua như những ngày lễ bình thường trong năm. Nó bình lặng, không chút xôn xao như vài cái Tết ngày xưa còn bé được Ba Me chở đi chơi chợ Tết Sài Gòn dù chỉ chạy xe long rong, ghé chỗ này, chỗ kia một chút chụp mớ hình gọi là kỷ niệm. Có thể khi người ta lớn, cảm xúc cũng dần thay đổi theo môi trường hoàn cảnh. Những ấn tượng ngày trước trong đầu chỉ còn là hoài niệm, lâu lâu đem ra nhắc lại cốt để cho đời thêm vui.

Tôi đứng lại lắng nghe tiếng pháo đây đó giòn tan vui tai rồi mất hút vào những âm thanh xí xô xí xào của kẻ mua người bán. “Nghe nói năm nay chính quyền Đài Bắc cấm đốt pháo. Tiếng pháo cô vừa nghe được phát ra từ máy đĩa CD”. Tôi giật mình ngạc nhiên nghe chị bán xúc xích nướng bên góc đường nhìn tôi vừa nở nụ cười như nói chuyện với một người quen biết. “Sao chị biết tôi là người Việt?”. Câu hỏi ngớ ngẩn, mình là người Việt sao còn hỏi lại. “Nhìn cô chắc chắn không phải người từ trong nước sang. Tết nhất ai lại ra nước ngoài đón Tết”. “Chúng tôi từ trên trời rơi xuống”, tôi nói đùa cho vui, góp chuyện ấy mà.

Nhưng chuyện của chị Hồng là một câu chuyện buồn nhiều tập tận mãi đến khuya khi những sạp hàng đóng cửa và người đi chợ tản mác về nhà chờ đón Giao thừa. Tôi bùi ngùi lắng nghe và cảm nhận được chị rất đau khổ, không phải một mà là đau khổ nhân đôi của một người tha hương và bị nhà chồng hất hủi phải bỏ nhà ra đi kiếm sống. Trải qua tám năm rồi, tình cảm của chị giờ đây chai sạn, đã cạn khô dòng nước mắt. “Thế mà bây giờ, trong thời khắc thiêng liêng của đêm Giao thừa lại có những người bạn không quen từ phương trời xa, bỏ cả những cuộc vui, ngồi đây lắng nghe nỗi buồn riêng vô cớ. Điều này làm tôi cảm động. Vui lắm!”. Rồi chị bỗng nấc lên tiếng khóc hòa với tiếng pháo hoa đì đùng sáng tỏa trên bầu trời đón chào năm mới.

Lúc bé, cứ tưởng cười là vui. Nhưng bây giờ tôi mới biết có những giọt nước mắt còn vui hơn cả trận cười. Chúng tôi ngồi trên bệ xi măng bồn hoa bên lề đường, trước mặt lẻ loi chiếc xe đạp với cái lò than hoa còn cháy đỏ. Chị đứng lên lấy mấy củ khoai từ trong chiếc túi vải treo bên hông xe, dúi vào tro nóng. “Nghệ An quê xứ tôi nghèo lắm. Chỉ có món khoai lùi là thích nhất trong đêm đông rét mướt như thế này. Các cô không chê, ăn thử cho biết khoai lùi Đài Loan”.

Ôi! Cái mùi khoai lùi! Tưởng chừng ngủ quên từ lâu lắm rồi trong khứu giác nhạy cảm của tôi, giờ dậy lên thơm lừng. Củ khoai nhảy tưng trên tay, tôi nói với Irene vừa ăn vừa bóc như thế này mới sướng.

Đã quá một giờ sáng, chúng tôi chia tay. Chị Hồng lầm lũi dắt xe vào con hẻm nhỏ. Tôi và Irene ái ngại nhìn theo chiếc bóng cô đơn lầm lũi của chị khuất dần trong bóng tối.

Trên đường, Irene thong thả kể tôi nghe câu chuyện trong một tác phẩm văn chương nào đó không nhớ rõ đại thể về nỗi niềm tha hương của người nô lệ da đen sống cùng gia đình chủ từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành ở một nông trại tại Ohio. Năm tháng trôi qua, người da đen bấy giờ đã trở thành một người đàn ông trung niên không vợ không con và vẫn trung thành với chủ trong những công việc đồng áng tưởng chừng cứ êm đềm như thế đến hết cuộc đời. Thế nhưng ngày nọ, trong tâm trí ông chợt trỗi dậy những nỗi niềm trăn trở về nguồn cội quê hương mà chính bản thân ông cũng không biết mảnh đất đó ở đâu trên trái đất rộng lớn này. Lòng không nguôi thôi thúc, ông bỏ nhà chủ trốn ra thành phố tìm việc với mong muốn có tiền để thực hiện ước nguyện trở về nơi chôn nhau cắt rún, đoàn tụ với bà con quyến thuộc. Cứ tưởng thành phố đông đúc, công việc bận rộn khỏa lấp nỗi lòng. Nhưng cảm giác cô đơn lạc lõng sống giữa chợ đời làm ông thêm tiều tụy. Thế rồi, một ngày trời Đông giá rét, ông trở về làng cũ, lần mò đến ngôi nhà chủ với ý định xin chủ thứ tha. Khi ông đến gần nhìn qua cửa sổ thấy cảnh gia đình êm ấm sum vầy bên ánh nến lung linh của đêm Giáng sinh cùng tiếng hát thơ ngây của đàn cháu nhỏ. Ông đứng lặng người, trong lòng như đang dằn vặt điều gì, rồi lặng lẽ bỏ đi. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy xác ông ngồi tựa lưng vào ụ rơm cho bò ăn trên cánh đồng làng bên cạnh.

Một bi kịch có khác chuyện buồn của chị Hồng trong cái Tết tha hương? Tự dưng làm tôi nhớ đến ca từ: “Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương / Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha phương…” (Đêm đông – Nguyễn Văn Thương).

 

 

alt

 

Chợ đêm Sĩ Lâm

 

NL