Khoảng sân nhà tôi chỉ rộng bằng ba tán cây. Ngày trước, tôi luôn thắc thỏm sao sân nhà mình hẹp thế. Là vì, hồi đó ham chơi. Chạy vài bước là hết sân, chạm tường. Nên tôi thèm một cái sân đủ dài rộng để chơi nhảy lò cò, đuổi bắt và sau nữa để tập xe đạp. Mỗi lần đang chơi, thêm một hai đứa bạn ghé đến, đành phải kéo nhau qua sân nhà khác rộng hơn hoặc ra ngoài đường.

Thắm Nguyễn
Thuở ấy, tôi gọi sân nhà tôi là cái sân cô đơn. Không phải vì nó quá cũ kỹ với lớp áo xi măng xám đen buồn tẻ mà vì không có lấy một cây xanh nào. Dù sao, nó rất cần có cây cỏ làm bầu bạn. Nhưng bao mùa đi qua, cái sân cứ chơ vơ như thế. Mùa Đông, tôi còn chơi được ở sân chứ mùa Hè thì không dám ra vì nóng ran. Chừng buổi tối trời mát, thỉnh thoảng tôi ra sân ngắm sao. Bao giờ tôi cũng thấy sao hôm sáng nhất, rồi những ngôi sao bé xíu xung quanh. Mỗi ngôi sao là một đốm sáng nhỏ lấp lánh, lấp lánh. Tôi tự hỏi vì sao hồi ông bà ngoại tôi cất nhà làm sân, lại không chừa một vài khoảng đất để trồng cây. Cây mít, cây bàng hay một giàn dây leo nở hoa màu cam hoặc tím biếc. Lớn thêm chút nữa, một lần tình cờ tôi phát hiện ra đoạn cuối sân có một khoảng rộng với vết trát mới hơn những chỗ khác. Tôi nghe mẹ tôi nói đó là cửa hầm tránh bom ngày trước. Ngắm nhìn nó, ý niệm về chiến tranh từng xa xôi và mơ hồ trong sách giáo khoa lịch sử giờ vụt bỗng trở nên rõ nét với tôi. Khoảng sân nhỏ đã cho tôi gần lại với một phần của quá khứ. Ôi sân nhà! thật may mắn vì nó chưa phải hứng chịu một trận bom nào. Chỉ còn dấu vết đến hôm nay…
Sân nhà tôi, không phải chỉ là khoảng rộng để ra vào mà nó là một phần không gian mưu sinh của gia đình tôi. Từ lúc bố tôi bỏ đi, mẹ tôi xoay xở đủ nghề. Bắt đầu từ nghề truyền thống của gia đình ngày trước: làm mì gạo. Gạo được ngâm đãi sạch, xay nhuyễn cùng nước thành bột, đem tráng mỏng, trải lên những chiếc phên dài, phơi hoặc sấy cho khô. Sau đó, bánh được cắt thành sợi nhỏ và dài, buộc lại thành bó rồi đem bán. Hàng ngày, mẹ tôi đứng bếp tráng bánh, còn tôi lãnh phần phơi bánh. Phơi bánh là công việc chẳng có gì nặng nhọc và khá dễ với tôi. Chỉ cần đặt một đầu phên bánh áp vào tường gạch, đầu phên còn lại chạm đất chắc chắn là được. Cứ lần lượt xếp từng chiếc phên thẳng hàng và đều nhau như thế. Nhìn hai dãy phên bánh đều tăm tắp đối diện nhau, tôi chợt nhận ra: ờ nhỉ, sân nhà mình đâu có hẹp lắm. Tôi vốn thấp hay vì chiếc phên đủ dài rộng che lấp cả người tôi mà bác hàng xóm mỗi lần gặp tôi ra phơi bánh lại đùa: cứ tưởng cái phên bánh biết đi. Tôi dạ khe khẽ và chạy biến vào trong nhà.
Sau đó vài năm, mẹ tôi chuyển qua làm khô cá. Sân nhà được kê thêm mấy cái kệ gỗ đặt những phên phơi. Những buổi không phải đi học, tôi bê từng mẹt cá đã ướp muối, rửa sạch rồi phơi lên những giàn cao tầm ngang người. Mùi cá tanh nồng chứ không thơm thoang thoảng hương gạo của bánh tráng. Song điều đó chẳng khiến tôi khó chịu, trái lại, tôi có phần thích thú khi được ngắm những con cá đủ loại và màu sắc. Cá phèn khi khô lại màu hồng cam hoặc đỏ au, những khúc cá thu màu trong ngả ánh xanh, cá bơn mồm bẹt màu nâu nâu, cá đao da trơn mướt phớt ánh bạc..v.v. Ngày nắng chỉ vài tiếng là cá khô cong, kịp cho mẹ tôi đi chợ chiều. Ngày mưa thì phải đem cá vào sấy bếp. Mẹ tôi vất vả vào ra canh mẻ cá. Không phải phụ mẹ phơi cá, tôi ra bên hiên nhà ngắm những giàn phơi bỏ không dưới làn mưa. Những giọt nước đọng trên phên rồi rơi xuống như những hạt muối trắng tan ra, trôi theo dòng nước.
Rồi nhà tôi thôi làm khô cá. Những giàn phơi cũng dẹp đi, trả lại khoảng sân trống không có bóng cây. Sân nhà lại im lìm với màu xám buồn buồn. Thỉnh thoảng vài chiếc lá khô từ đâu bay tới bị gió thổi trên mặt sân xào xạc. Đó là lúc cái sân được nghe những chiếc lá trò chuyện. Chắc nó cũng đỡ cô quạnh phần nào. Mãi sau này, để cái sân bớt trống trải, tôi đem về những hộp xốp đổ đất vào trồng cây. Dần dần, cái sân trở thành mảnh vườn nhỏ với những luống rau xanh, chậu hoa cúc chi vàng tươi, hoa sống đời đỏ thắm và một cây chanh bé xíu. Chẳng biết từ khi nào tôi không quên mỗi sáng thức dậy mở cửa sổ ngó ra sân. Chỉ để nhìn xem mấy đóa hoa nở tàn thế nào, những luống rau đã cao đến đâu. Hay ngắm một đàn bướm đang bay rập rờn và vài con chim sẻ sà xuống kêu lích chích. Tự nhiên thấy nhịp sống quanh mình thật bình yên. Cảm giác yên lành, thư thái khi được sống trong ngôi nhà của mình với cái sân cũ kỹ.
Bình yên! Đâu cần mơ về một căn nhà lớn tiện nghi với khoảng sân vườn rộng rãi. Bỗng nhiên tôi thấy yêu sân nhà mình lạ lùng. Một chút kiêu hãnh với ý nghĩ không phải nhà nào cũng sở hữu một khoảng sân. Nhà không có sân, đâu chỉ là cảm giác thiếu một phần không gian sinh hoạt.
Sân nhà tôi, còn nghe vọng lại tiếng cười của tôi cùng bè bạn trong những trò chơi con nít. Có sự vất vả mưu sinh của mẹ, của tôi trong nắng hè trên những giàn phơi. Và nỗi xúc động khó gọi tên khi tôi qua sân để vào nhà mỗi lúc đi xa trở về. Nó khiến tôi chợt nhận ra: yêu thương và nhung nhớ là phép cộng của những gì gần gũi và giản dị luôn hiện hữu quanh mình.