Về mặt sinh hoạt văn chương nghệ thuật tại hải ngoại, thì chương trình “Triển Lãm và Hội Thảo Phong Hoá Ngày Nay Và Tự Lực Văn Đoàn” (xin gọi tắt là chương trình TLVĐ) do Diễn Đàn Thế Kỷ thực hiện trong hai ngày 6 và 7 tháng Bảy, 2013 tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt, Quận Cam, là một biến cố tầm vóc. Nhưng nếu nhìn về ảnh hưởng và tác dụng định hướng của nó, thì chương trình này quả là một công trình quan trọng cho những sinh hoạt văn chương nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại, lẫn trong nước.

Quang cảnh buổi hội thảo Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt, Quận Cam
Một công trình
Phần triển lãm rất công phu, với hình ảnh, nội dung, họa phẩm liên quan đến hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và nhóm TLVĐ. Bên cạnh đó, BTC còn sưu tầm được chân dung thành viên và cộng tác viên TLVĐ và hai tờ báo, gồm có: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Gia Trí, Trọng Lang, Nguyễn Cát Tường, Phạm Cao Củng, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Bùi Hiển, Huy Cận, Thanh Tịnh, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, vv. Ở phía gần khán đài có trưng bày một số sách do nhà xuất bản Đời Nay – TLVĐ – xuất bản từ thập niên 1930, và các sách TLVĐ được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga. Bên cạnh đó, còn có một số hình ảnh về y phục Phụ nữ cải cách trên Phong Hóa Ngày Nay, do họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu, và các mẫu nhà Ánh Sáng do nhóm Phong Hóa Ngày Nay đề xướng để cải thiện cuộc sống dân nghèo.
Chương trình hội thảo ngày Thứ Bảy, 6 tháng 7, là một mâm cỗ thịnh soạn, được những “đầu bếp văn học nghệ thuật” trứ danh nấu nướng: Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Giáo sư Trần Khánh Triệu, Nhà văn Phạm Thảo Nguyên, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiền, Họa sĩ Ann Phong, Nhà báo Đỗ Quý Toàn, và cô Aki Tanaka – sinh viên đại học ngoại ngữ Tokyo. Cử toạ đã được thưởng thức các đề tài đa dạng như: những bản nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam trên báo Ngày Nay, Le Mur Nguyễn Cát Tường và vấn đề cải cách Y phục Phụ nữ, sự thành hình của phong trào kịch mới Việt Nam – đóng góp của TLVĐ, sáng tạo mỹ thuật trong việc trình bày, vẽ bìa, hí họa, minh họa của báo Phong Hóa Ngày Nay, và phong trào Nhà Ánh Sáng, một hoạt động xã hội của Phong Hóa Ngày Nay.
Chương trình ngày Chúa Nhật, 7 tháng 7, phong phú và độc đáo với những diễn giả và thuyết trình viên danh tiếng: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, Giáo sư Minh Thu, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang, Giáo sư Kawaguchi Kenichi (Giáo sư Danh dự Đại học Ngoại ngữ Tokyo tại Nhật Bản), Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc (Đại học Victoria, Melbourne, Úc Châu), Nhà văn và biên khảo Phạm Thảo Nguyên, Nhà văn Trần Doãn Nho, Nhà thơ Trần Mộng Tú, Nhà văn Đặng Thơ Thơ, Nhà văn Ngự Thuyết, và Giáo sư Trần Huy Bích.
Trong phần cuối chương trình các đề tài quan trọng và thú vị đã được khai thác: TLVĐ và Văn học Cận đại Việt Nam, đánh giá lại TLVĐ, câu chuyện về TLVĐ và những điều chưa nói, TLVĐ và chuyện văn phong, tình yêu trong tiểu thuyết TLVĐ, Hoàng Đạo như một nhà văn đương đại, thử đánh giá lại Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, và ảnh hưởng của TLVĐ đối với phong trào Thơ Mới.

Nhà văn Phạm Phú Minh thuyết trình
Một nghe, trăm thấy
Nhà phê bình Thuỵ Khuê đã viết về hai cái bất hạnh của văn học Việt Nam: bị xâu xé bởi chiến tranh, và không có một nền phê bình (Sóng Từ Trường III, Tựa). Tôi nghĩ, còn nhiều cái bất hạnh khác trong hoàn cảnh hải ngoại: không có một văn khố chính thức cho việc nghiên cứu và trao đổi về văn học Việt Nam và văn học tiếng Việt hải ngoại, không có những sinh hoạt triển lãm hay hội thảo quy củ và thường xuyên để tạo một văn hoá sáng tạo cho những người cầm bút và giới phê bình, không có những tạp chí văn học chuyên đề chuyên nghiệp để tạo đất dụng võ và miền thách đố cho người làm văn thơ (báo Văn, Văn Học, Hợp Lưu, vv đều đã đình bản hay xuất bản rất giới hạn).
Năm 2013, lần đầu nghe Mai Thảo trong bài phỏng vấn ngày 20 tháng 10 năm 1991 được lưu trữ trên thuykhue.free.fr, tôi cảm mến ông ngay và cảm thấy gần hơn với chữ nghĩa của ông. Trong giọng nói ấy, tôi gặp cả Hà Nội mà Mai Thảo tưởng như đã bỏ lại sau lưng, nhưng thật ra vẫn hiện diện trong ông. Cái cung cách ôn nhu được bộc lộ qua âm hưởng của giọng nói, sự từ tốn trong suy nghĩ và ứng xử, cái bao dung chân tình, cả cái hơi hướm của một thuở xa xưa đọng lại trong ngôn từ. Tôi biết ơn Thuỵ Khuê, vì nhờ âm thanh từ trang mạng, tôi đã ‘gặp’ Mai Thảo, dù ông đã không còn với chúng ta.
Tuy vậy, dù kỹ thuật thông tin có đi xa đến đâu và làm cho khoảng cách địa lý nhỏ lại, thì con người vẫn cần đến với nhau, gặp gỡ bằng xương bằng thịt. Nên tôi biết ơn trang mạng và người lập trang, nhưng cũng muốn được diện kiến những tên tuổi văn chương Việt tại hải ngoại khi có dịp. Người ta nói, “Một bức ảnh thì bằng một ngàn lời nói.” Trăm nghe không bằng một thấy. Nhưng tại chương trình TLVĐ, một nghe chính là trăm thấy, bởi mỗi câu mỗi chữ đều chứa cả ngàn vạn hình ảnh trong đó. Đó là do cái ma thuật của những người thợ rèn chữ, đúc văn thơ.
Cùng gia đình đến xem triển lãm và dự hội thảo, tôi biết ơn Nhà văn Phạm Xuân Đài vì ông đã cho tôi gặp những hậu duệ của TLVĐ, và qua họ, tôi được thăm viếng toà soạn ngày nào qua những mẩu chuyện thú vị của Giáo sư Nguyễn Tường Triệu, được ‘gặp’ Tự Lực Văn Đoàn qua thế hệ văn nhân kế thừa, được hưởng cái không gian chữ nghĩa của thuở trước qua âm hưởng và âm sắc của những thuyết trình viên cách tôi vài thế hệ. Lần đầu nghe Nhà (nho) văn Doãn Quốc Sĩ nói về nhạc phụ, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, tại chương trình TLVĐ, tôi được gặp đến hai người: Tú Mỡ trào phúng, và Doãn Quốc Sĩ khôi hài duyên dáng. Nhà văn Doãn Quốc Sĩ mà tôi đã ‘nghe’ ở những nơi khác trước đây thì rất trang nghiêm, đúng nghĩa của một nhà nho, không bị ‘lây’ cái hài hước cha vợ như lần này.
Những bài thơ như “Tú cưỡi xe bình bịch” hay “Khóc người vợ hiền” vừa hé mở một khung cảnh xưa, vừa toả ra những nụ cười duyên dáng ý nhị, không bao giờ lỗi thời. Tú Mỡ bắt chúng ta cười khi nghe những bài thơ này, vì “Nhân gian bất động, bất anh hùng,” và dầu có sinh ly tử biệt, thì “Mai về cực lạc lại tôi với bà.” Và cười trong khẳng khái, cái khí thế của người trí thức không sợ cường quyền:
Đồng chí chết cũng ra ma,
Quần chúng chết cũng đưa ra ngoài đồng,
Cứ gì có thẻ Đảng viên,
Kè kè vác túi mới nên con người.
Gần một thế kỷ sau, cái hài hước và châm biếm của Tú Mỡ vẫn không cũ. Và cái văn tài của TLVĐ cũng thế, như nhà biên khảo Nguyễn Thảo Nguyên đã nói,
Cái thuở ban đầu Phong Hoá ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên…
Trong giới hạn của bài viết này, tôi không thể viết hết những cái “một nghe bằng trăm thấy” tại chương trình TLVĐ. Mong sẽ có dịp viết thêm về những thú vị quý hiếm này.

Nhà văn Phạm Phú Minh trả lời các hãng thông tấn báo chí
Và những vị giáo làng…
Đến dự chương trình TLVĐ, tôi được nhận một phần gia phả của văn học Việt Nam vẫn còn đang bị chối bỏ ở quê nhà.
Tôi cảm thấy mình như người đi trễ chuyến tàu. Tôi ước chi mình có ba đầu sáu tay, và ba ngàn sáu trăm năm mươi ngày trong một năm để ‘đọc-nghe-gặp’ những người cầm bút tại hải ngoại thuộc thế hệ trước và cùng thời với tôi. Có nhiều vị đã ra đi mà chúng ta không có một phóng sự nào để lưu lại hình ảnh và kinh nghiệm của họ. Mặt khác, tôi lại cảm thấy mình cứ phải cong giò chạy theo những chuyến xe tốc hành, vì không đủ thời gian để đọc hết những tác phẩm giá trị trong văn học Việt Nam. Chưa nói đến sách in đã mua và bồng bế theo mỗi lần dọn nhà, nếu cứ bookmark những trang mạng mình muốn đọc, thì không biết đến bao giờ mới đọc hết, nhất là những trang được cập nhật bài vở mới thường xuyên. Đó là một điều vui, vì vẫn có nhiều cây bút bền bỉ với công việc sáng tác.
Nên hình ảnh những quyển sách nhỏ được bày một cách khiêm tốn trên chiếc bàn gần sân khấu làm tôi mủi lòng. Nhà văn Phạm Xuân Đài cũng giống như một ông giáo làng. Ông hiền lành, đầy uy tín, và miệt mài với chữ nghĩa. Ông đủ khôn ngoan để nhìn ra những việc phải làm, và ông thực hiện ngay, dù điều kiện còn giới hạn. Ông đủ uy tín để thu hút những bậc tài danh cùng thực hiện công trình này với ông. Ông là cái thiện của làng. Một cái thiện cần thiết để gìn giữ cái hồn của văn học Việt Nam.
Chúng ta cần nhiều nữa những vị giáo làng để gìn giữ di sản văn chương tiếng Việt. Phạm Xuân Đài, Thuỵ Khuê, Lê Thị Huệ, Mặc Lâm, Nguyễn Mạnh Trinh, Bắc Phong, v.v… đã gieo những hạt giống thật tốt. Chắc chắn nó sẽ nẩy mầm và trổ cành lá xum xuê, nhất là vì ở “làng Little Saigon” tại Quận Cam và những thôn làng Việt hải ngoại đông dân khác, chúng ta may mắn vẫn còn nhiều ông bà giáo làng, ngày ngày miệt mài với chữ nghĩa, nghệ thuật.
Để Tự Lực Văn Đoàn, sau tám mươi năm, càng rực rỡ. Và văn học tiếng Việt mãi lâng lâng vạn nẻo, ngàn năm.