Menu Close

Đi bụi Thái Lan

{jcomments on}{jcomments off}

Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

 

 

alt

 

Con phố cũ ở Bangkok có gì hao hao Sài Gòn

 

 

Kỳ 15

 

Tại Hàn quốc, học sinh các cấp được nghỉ học tuần đầu trong Tháng Ba cũng là tuần chuẩn bị khai giảng năm học mới. Trường Anh ngữ chúng tôi “ăn theo” cho giáo viên xả hơi sau hai tháng tăng giờ do nhu cầu tăng lớp cuối năm. Tôi rủ Kim đi chơi Thái Lan tạ lỗi vì ham vui không chịu ở nhà ăn Tết. Kim hết giận tôi rồi nhưng không muốn đi vì dành dụm tiền mai mốt du học Mỹ. “Chỉ cần hai năm nữa thôi là Kim có thể thực hiện ước mơ của mình. Lúc đó tha hồ ta bà cho biết nước Hoa Kỳ”. Tôi thì thoải mái, không cần tiết kiệm với khoản phụ trội dạy thêm, khoái du lịch ba lô nên đã lên chương trình đi bụi Thái Lan từ lúc chơi Tết Đài Loan trở về.

Irene cho tôi một ít kinh nghiệm về đất nước chùa vàng. Từ Tháng Ba đến Tháng Năm bay về miền Nam Thái Lan chơi là đẹp nhất. Thời tiết dễ chịu, bãi biển Pattaya thật thơ mộng với những hàng dừa. Biển, hẳn tính sau. Hàn quốc đầy biển đẹp tôi còn chưa biết hết nói chi đến Thái. Mục đích chuyến đi là đến Cầu sông Kwai trong một ngày, sau đó trở về Bangkok lấy lộ trình xe buýt qua Campuchia, lang thang Chùa Tháp. Tôi đã đặt phòng trọ bình dân tại hai nơi. Lần đầu tôi “giang hồ” một mình cũng thấy hơi lo, lại là những nước nghe nói có nhiều nơi kém an ninh nên đã thủ sẵn “vũ khí” hơi cay trong túi, lỡ gặp lục lâm thảo khấu hay hải tặc Thái Lan có cái cần dùng.

Chuyến bay khuya từ Incheon đưa tôi đến phi trường Don Muang trước sáu giờ sáng. Rời khỏi phi trường, đón tuk tuk (loại xe lam) về khu phố Tây ba lô Khao San gần nơi tôi thuê phòng trọ. Kinh nghiệm của Irene là nên đến đây. Khu phố này nổi tiếng dành cho khách du lịch bụi nhưng an toàn, gần các danh thắng Chùa Vàng, Chùa Phật Ngọc. Tại khu phố này và các đường phố lân cận có bán đủ loại thức ăn ngon rẻ tiền, đặc biệt đông đúc, vui nhộn suốt đêm với các phòng trà ca nhạc. Hơn nữa bến xe buýt đi các thành phố khác hoặc đi Siem Reap (Campuchia) cũng gần đấy, rất thuận tiện.

Thật ra, “Ta ba lô” tôi không mặn mòi với các con phố hay khu vực gọi là “Tây ba lô” cho lắm. Bởi những phố loại này tôi đã biết qua ở Seoul, Đài Bắc hay phố Tây ba lô ở Sài Gòn. Cũng chẳng có gì hơn cho việc thuận tiện đi lại trong khu trung tâm thành phố. Nhưng trong trường hợp chưa bao giờ đến một đất nước xa lạ nào thì những chỗ tự nhiên tập trung thành phố phục vụ cho khách nước ngoài du lịch bình dân là điều cần thiết tìm đến khi chưa tự mình khám phá ra điều gì mới mẻ.

Tuy nhiên, Bangkok gần gũi tôi hơn. Có lẽ cảnh quan nhà cửa và nét sinh hoạt của con người nơi đây có gì đó giông giống người Sài Gòn-Chợ Lớn mà tôi thấy qua lần về Việt Nam khi tốt nghiệp trung học mấy năm trước. Chỉ có điều khu đô thị phía Đông Bangkok quá sầm uất và hiện đại với rất nhiều tòa nhà cao tầng lừng lững trong ánh nắng ban mai làm nổi bật sự hào nhoáng hơn bên khu phía Tây bờ sông Chao phraya cũ kỹ với kiến trúc nhà ở pha tạp giữa truyền thống phương Đông và phương Tây.

Bảy giờ sáng Khao San vẫn còn vắng lặng, ngái ngủ sau một đêm náo nhiệt với những bước chân lê la của du khách. Trên phố chỉ mỗi mình tôi cõng chiếc ba lô lang thang đi tìm địa chỉ. Người phu quét đường cẩn thận dùng cây bút bi vẽ đường trên tấm tờ rơi nhặt lên từ dưới đất, chỉ dẫn tôi về con phố nhà trọ gần hướng bờ sông. Đúng ra là dọc theo bờ sông về hướng Nam cách phố Khao San khoảng bốn cây số. Lội bộ rã giò mới tìm được đến nơi do tôi nhầm quận Bangkok cùng tên thành phố, làm tôi mất phương hướng. Tai hại hơn là có đến hai quận Bangkok Noi (Bắc) và Bangkok Yai (Nam). Hỏi ai cũng bảo đây là Bangkok với vẻ tự hào lộ trên nét mặt. Đúng là không biết đích đến nên nhiều khi tới rồi mà vẫn chưa hay.

Dẫu sao đó cũng là điều hay cho biết thêm nơi tôi trọ nằm trong thủ đô cổ của Bang Kok ngày nay. Nhà cửa quanh khu vực này đều một tầng gác gỗ, lợp ngói hai mái đều tăm tắp. Một khu phố xưa đích thực. Nhưng điều tôi thích hơn là những quán hủ tíu bò viên, hàng cơm vỉa hè trông rất mộc mạc, giản dị như những con người lớn bé nhàn tản ngồi ăn sáng, xỉa răng, phì phà khói thuốc. Một cuộc sống khác biệt phố Tây Khao San đầy bảng quảng cáo đủ màu hay khu đô thị cao tầng hiện đại phía bên bờ Đông mà tôi đã nhìn thấy. Một cuộc sống êm ả, không ồn ào, tất bật người xe hối hả. Nó lặng lẽ và thơ mộng nơi chốn đời thường hòa hợp cùng hình ảnh các nhà sư khất thực nối nhau đi trên phố, tô vàng bức tranh cuộc sống vô cùng sống động.

Tôi ngạc nhiên nghe người cha gần tám mươi tuổi của chị chủ nhà nói tiếng Anh khá tốt. Ông từng là giáo sư dạy lịch sử của một trường đại học tại Bangkok. Ông kể, ngày xưa nơi này có tên là Thonburi hay Krung Thep (thành phố Thiên thần). Viết đầy đủ là Krung Thep Maha Nakhon. Và đầy đủ hơn phải viết ra một trang giấy mới hết. Một cái tên dài đọc đứt hơi. Thực ra “Bang Kok” ban đầu là tên giao dịch do người ngoại quốc đến Thái từ đầu thế kỷ hai mươi dùng gọi cho gọn, còn trong văn bản người Thái vẫn dùng chữ quốc ngữ viết ra rất dài dòng văn tự đến nỗi thành tên thành phố dài nhất trong sách “Kỷ lục thế giới”. Người Thái lớn tuổi ngày nay vẫn trung thành với cách gọi Krung Thep kể từ triều đại vua Rama I (cách nay hai trăm ba mươi năm) bắt đầu mở rộng Bang Makok (thủ đô nước Siem) qua một phần bờ đông sông Chao Phraya.

Ông kể cho tôi nghe thêm về sử thi Ramayana Ấn Độ có liên quan đến quốc giáo của người Thái. Đâu đâu cũng có chùa chiền, đền đài và người Thái chỉ tôn sùng ba đấng tối cao Phật, Thần và Quốc Vương. Nghe đến đây, tôi không còn hứng thú. Bởi gặp đúng người yêu thích lịch sử nói thao thao bất tuyệt trong khi tôi là dân đi du lịch bụi chỉ thích nhìn và thấy. Và tôi cho rằng cảm nghiệm còn quan trọng hơn điều ta cần phải biết. Tôi hỏi ông bến xe buýt đi Kanchanaburi. Ông đáp ngay: “Cầu sông Kwai phải không, địa danh lịch sử nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Người Thái đi du lịch đến đó được miễn phí. Ngày mai có muốn đi, ông dẫn đường cho”.

Thời gian có hạn, tôi đi ngay sau bữa ăn sáng muộn màng bên hàng cơm cạnh nhà. Ông lấy xe đạp đèo giúp tôi ra bến xe. Có ông đi cùng hẳn là tốt nhưng không có gì chán hơn một cuộc nói chuyện độc thoại mà người nghe chỉ biết giương mắt ếch, ừ, à. Ông bảo “xe buýt rẻ, 110 baht (3.5 đô) có nước uống, có máy lạnh, hai tiếng đồng hồ là tới cây cầu lịch sử”. Cứ tưởng xe buýt công cộng chật ních người, ngược lại thật thoải mái mỗi người một ghế lại còn rộng rinh ngã mình nhìn ngắm quang cảnh phố phường lui dần nhường chỗ cho những mảnh ruộng màu nâu đất cứ tiếp nối nhau từng ô thửa.

Xe xuôi về hướng Tây ngoặt lên hướng Tây Bắc rời xa lộ số 4 bắt vào tỉnh lộ, thẳng về Kanchanaburi đi qua chợ nổi Damnoen Saduak đông đúc thuyền ghe. Ruộng lúa hai bên đường thưa dần, núi đồi xanh mướt hiện ra trước mắt. Tôi nhắm mắt, mường tượng bộ phim nổi tiếng của người Anh sản xuất “Bridge Over the River Kwai” chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Le Pont de la Rivière Kwai” của nhà văn Pháp Pierre Boulle. Bộ phim đoạt 3 giải Quả cầu vàng, 7 giải Oscar năm 1957. Nhưng quan trọng hơn là nó được bảo quản tại Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ vì những ý nghĩa to lớn về tính nhân bản của con người trong chiến tranh. Nhân vật Đại tá Anh Toosey trở thành người anh hùng của trại tù đã giúp tù binh và nhân công làm việc trên công trường hiểu biết được những hoàn cảnh để tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt xây dựng tuyến đường sắt chết chóc từ Kanchanaburi đến Myanmar để vận chuyển lương thực, vũ khí cho quân đội Nhật đánh với quân Anh.

Thực tế, Kachanaburi là một thị trấn nhỏ, có nhà ga xe lửa và bến xe buýt dọc theo con đường chạy song song với sông Kwai. Tay tôi chạm vào chiếc cầu huyền thoại đời thật chứ không phải cây cầu xem qua bộ phim quay tại Sri Lanka, nơi có khung cảnh thanh bình với những làng nổi trên sông bập bềnh. Nói cho cùng, đây cũng chỉ là chiếc cầu phiên bản do người Thái làm mới tái hiện lại khung cảnh lịch sử nơi hàng chục ngàn tù binh quân đồng minh và nhân công người châu Á ngã xuống trong thời gian thực hiện tuyến “đường sắt tử thần”. Cây cầu xưa cách nay bảy mươi năm đã bị liên quân Anh – Mỹ dội bom nổ tung, còn lại vài trụ cầu, không giống cảnh trong phim do lính biệt kích đặt mìn phá hủy.

Tài liệu trưng bày trong bảo tàng tù binh tại nghĩa trang cho biết nơi đây có khoảng bảy ngàn ngôi mộ mang danh tánh tên họ người Úc, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Đức, Thái. Tôi đi dọc theo hàng mộ tìm kiếm một cái tên nào của người Việt nhưng không thấy. Những ngôi mộ làm bằng phiến đá hoa cương ngửa mặt nhìn trời xanh như luôn mỉm cười với cuộc sống, với thế giới con người còn nhớ đến họ. Những đóa hoa mẫu đơn nằm bên cạnh mộ cháy đỏ dưới ánh mặt trời.

Thế nhưng tôi tự hỏi làm thế nào để hấp dẫn người du lịch có thể đến đây để thăm viếng một địa điểm lịch sử chiến tranh chỉ có cây cầu, đoàn tàu xe lửa trên đoạn đường sắt tử thần, nghĩa trang, bảo tàng tù binh và chấm hết. Nó có gì hấp dẫn thu hút người ta bỏ thời gian đến xem những hiện vật chất chứa nhiều nỗi buồn và không có gì để vui cười trong một chuyến đi du lịch. Ấy thế, khách du lịch theo đoàn đến đây khá đông. Họ hào phóng bỏ tiền mua một tour xe lửa huyền thoại xình xịch đi qua cầu, qua những đoạn cua cheo leo hẻm núi sát cửa toa tàu trên đoạn đường ray tử thần. Tôi đứng bên đầu cầu nhìn đoàn xe từ từ đi qua với cái vẫy tay chào nhau của những mái đầu ló qua ô cửa. Tiếng huýt sáo giai điệu vui tươi “la là là la là lá lá la la là…” vang lên trên cây cầu bắc qua sông Kwai.

Lắm khi sự tò mò của tính phiêu lưu luôn kích thích cảm giác con người nhiều hơn quang cảnh nghĩa địa buồn bã thưa người thăm viếng hay sức mạnh điện ảnh thu hút của bộ phim “Cầu sông Kwai” khiến người ta tìm đến. Cũng như nếu Irene không giới thiệu với tôi bộ phim trên thì chưa hẳn tôi bỏ thời gian đi bụi Thái Lan xem chơi cho biết.

 

 

alt

 

Đoàn tàu trên sông Kwai