Hôm có việc ghé chùa Việt Nam ở Houston, tôi tình cờ gặp lại người quen mười lăm năm trước. Thật ra tôi biết gia đình anh vỏn vẹn ba tháng trong thời gian tôi làm việc cho cơ quan USCC Fort Worth về người tị nạn. Đón gia đình anh từ phi trường về đến chung cư vắng lặng, thấy vợ chồng anh có vẻ hoang mang, tôi hỏi anh có cảm giác gì khi đến Mỹ. Anh không trả lời mà hỏi ngược lại: “Ở thành phố này dễ sống không?”. Tôi trả lời rằng, trên nước Mỹ này, chỗ nào sống cũng được, tiện nghi đầy đủ, việc làm không thiếu, không phải lo. Tôi hiểu tâm trạng anh hoang mang không phải vì công ăn chuyện làm mà là vì lần đầu thấy những khu nhà trong thành phố Fort Worth buồn thiu chứ không như những người bạn của anh kể ở California, người Việt đông vui lắm. Ba tháng sau, hết thời hạn trợ cấp thuê nhà, người bạn sống ở phố Bolsa bay sang giúp gia đình anh dọn qua Garden Grove.
Thời điểm cách đây mười lăm năm, việc làm trên nước Mỹ đầy, chỉ sợ mình làm không nổi. Người tị nạn, di dân mới sang, sau vài tuần là có việc làm ngon lành. Gia đình anh bốn người qua Garden Grove được vài bữa đều có việc làm. Năm sau anh mua nhà. Căn nhà tuổi đời 50 năm, giá 170,000 đô. Cả gia đình đứng tên chung để mượn tiền ngân hàng cho dễ. Ở gần chục năm, cơn sốt nhà đất khiến giá tăng vùn vụt. Nhân con trai anh đi Houston chơi, thấy các hãng tiện của người Việt làm ăn ì xèo nhờ gia công cho các hãng khai thác dầu khí, giá một căn nhà gạch trăm hai, trăm ba khiến thằng con trở về Bolsa, bàn bạc bán căn nhà ọp ẹp, đổi lấy ngôi nhà ở Houston khang trang, lại dư tiền mở hãng tiện nho nhỏ, hai cha con làm chủ. Còn người bạn của anh, thấy giá nhà tăng, không bán. Nhà đắt là do giá đất. Đất Texas rộng thênh, rẻ bèo. Thời tiết không sao bằng Cali, mát mẻ quanh năm. Phố xá đông vui, thêm phúc lợi an sinh xã hội thoải mái, dễ xin, dễ cho. Sống nhờ vào mấy khoản này cũng khỏe re. Bây giờ cái nhà của người bạn anh tụt giá hơn phân nửa. Bán không xong, mà còn nợ ngân hàng chục năm nữa mới hết. Coi như lỗ trắng. Chịu khó ở chật, chia phòng cho thuê gỡ gạc.
Nói cho cùng, gia đình anh cũng như bao nhiêu gia đình người Việt định cư trên khắp nước Mỹ. Nhưng anh có được cái may mắn, chộp đúng thời cơ nhờ cách suy nghĩ thoáng “ở đâu sống cũng được, đất lành chim đậu” theo cách anh nói. Thực tế, mỗi nhà mỗi cảnh. Người Việt mình thường quan niệm sống đâu quen đó, không thích di chuyển do cách nghĩ an cư lạc nghiệp. Tất nhiên việc phải di chuyển tìm đất sống mới là chuyện bất đắc dĩ như nhiều người ở New Orleans, sau cơn trú bão Katrina lại chọn Houston, Dallas làm nơi “đến đây thì ở lại đây” cho an tâm vì đã tận mắt thấy cơn bão khủng khiếp trong đời. Hay chẳng hạn, khu “tam giác gà” giữa vùng Houston và Austin có hơn trăm chủ trại người Việt sống ở California, nhanh tay bán nhà gom tiền qua đây mua đất xây dựng trang trại làm ăn sinh sống.
Các nhà thơ, nhà văn thường hay họp mặt mỗi tuần ở quán Nguyễn Ngọ, Houston.
Từ trái:Lương Thư Trung, Nguyễn Hàn Chung, Phan Xuân Sinh…
Chính vì vậy, một thống kê mới đây của Bộ Tài Chánh cho thấy tiểu bang California đang có dấu hiệu suy giảm dân số. Hiện nay dân số Cali là 37 triệu. Năm qua, California đã mất 154,000 cư dân vì họ di cư qua các tiểu bang khác. Nhưng có 132,000 di dân từ các nước khác mới nhập cư. Vì sao tiểu bang này lại thu hút dân nhập cư mới đến? Đơn giản, như trên đã nói, hệ thống an sinh xã hội California quá thoải mái bất chấp khủng hoảng ngân sách hàng năm khiến tiểu bang này rơi vào bội chi nghiêm trọng. Thống đốc Jerry Brown buộc phải đề nghị tăng thuế người dân và doanh nghiệp để kiếm vào ngân sách 6 tỷ USD, trong khi chi phí an sinh xã hội chi cho Medicare, nhà ở và giáo dục lại xài xả láng. Chính quyền tập trung cắt giảm ngân sách. Đóng cửa công viên, giảm cảnh sát, lính cứu hỏa, thả tù trước thời hạn. Một công thức vỗ về cử tri trước các cuộc bầu cử.
Tốc độ phát triển các khu thương mại của người Việt mình ở Houston rất nhanh so với các thành phố như Dallas và vùng phụ cận có số dân trên 71,000 người. Houston là thành phố dầu mỏ, trung tâm kinh tế của vùng phía Nam nước Mỹ. Anh bạn cho biết, số lượng các hãng tiện gia công của người Việt hoạt động cho ngành dầu khí ở Houston lên đến gần hai ngàn cơ sở và số doanh nghiệp thương mại ăn uống, dịch vụ cũng tròm trèm con số đó. Riêng nghề nail có khoảng bảy ngàn tiệm phục vụ cho một thị trường trên năm triệu dân của vùng tam giác Houston – Sugar Land – Baytown. Số tiệm nail nơi đây còn nhiều hơn ở Los Angeles và các thành phố ngoại vi. Ở Houston còn có nhiều khu chung cư của người Việt sống tập trung cả ngàn người, đông vui như làng Thái Xuân, Tết đến, đêm Giao Thừa pháo đốt tưng bừng, khiến ta nhớ một thời xuân xưa.
Rau quả trồng ở nhà mang ra phố bán kiểu nhà quê trong khu Lee’s Sandwiches
Chỗ nào đông thì vui nhưng thường phức tạp. Vấn đề là sự phức tạp đó ở mức độ nào. Nhiều người than phiền, người Việt mình hay tụm năm tụm ba bên hè phố, hình ảnh đó không đẹp. Ngược lại tôi thấy hay hay. Cách sinh hoạt đó không phải của người vô công rỗi nghề mà là đặc tính của người Việt mang theo từ trong nước ra. Ta dễ bắt gặp ở phố Bolsa, San Jose hay như trước một tiệm cà phê Donut ở Boston, thanh niên tụm lại sau giờ đi làm, tay cầm ly cà phê, đứng ngoài bãi xe chuyện trò những việc trong ngày hay khoe mẽ vừa sắm một món gì đó cũng chỉ để chia sẻ niềm vui với bè bạn. Nhất là những người lớn tuổi, cứ hôm nào trời ấm, thả ra những hiên quán café quen thuộc là có thể gặp bạn bè ngồi sẵn uống café tán dóc, hay đánh cờ tướng với nhau.
Hôm hẹn với nhà văn Lương Thư Trung tại quán cà phê Nguyễn Ngọ ở Houston, khi đến nơi đã thấy anh đang ngồi với các anh trong giới viết lách khá đông.
Nhà thơ Phan Xuân Sinh đẩy cho tôi một ly cà phê và ổ bánh mì thịt, ông bảo: “Món paté quán này ngon lắm. Thử đi”.
Được biết cứ mỗi sáng Thứ Bảy, các ông hay tụ đến quán này, uống café là phụ mà gặp nhau hàn huyên đủ chuyện trên đời là chánh. Hầu hết mấy ông đều sống quanh đường Bellaire, không cần đi xe, lội bộ cũng đến. Nhà thơ Phan Xuân Sinh nói: “Ở gần khu Việt Nam cho tiện, muốn ăn món Việt là có ngay, nhất là dễ gặp bạn bè”.