Menu Close

Đau gan bàn chân

Xin phép cho tôi được hỏi 2 trường hợp sau:

1. Cách đây vài năm ở VN do kinh doanh bán hàng nhiều khi phải đứng cả ngày nên tôi thường bị đau ê ẩm 2 lòng bàn chân. Buổi tối trước khi ngủ, tôi massage thì sáng dậy không đau nữa, chân trở lại bình thường, chỉ khi nào đứng nhiều nó lại đau. Những lúc đứng lâu tôi phải mang dép mềm, loại dép chúng ta thường mang vào mùa Đông cho ấm chân. Hai năm sau, tôi đã sang Mỹ, không thường xuyên đứng nhiều chân tôi không thấy vấn đề gì. Khoảng mấy tháng gần đây, ban ngày và ban đêm ngủ thì không sao cả, nhưng sáng thức dậy, hai chân vừa đặt xuống thì gót chân rất đau. Sau khi tập thể dục vài phút thì hết đau, trở lại bình thường. Nhưng gần 1 tháng nay, sáng dậy thì cả 2 gót chân đều đau, ban ngày khi đi cũng vậy, khi nào không đi mới không đau (tôi mang dép thấp và mềm)

2. Khoảng thời gian gần đây, thỉnh thoảng tôi bị hoa mắt, mắt mờ đi vài giây rồi trở lại bình thường, thường bị nhiều hơn khi đọc báo, xem tivi… khi trẻ tôi bị cận 2.75 độ, bây giờ đeo kính lão 2 độ. Năm nay tôi 60 tuổi, lúc ở VN nặng 90 lbs, giờ 100 lbs, từ trẻ đến giờ sức khỏe tốt, chỉ bị bệnh vặt, tập thể dục thường xuyên từ 15 tuổi, ăn uống điều độ như lời bác sĩ khuyên và sức khỏe vẫn tốt.

Kính xin bác sĩ cho biết nguyên nhân 2 căn bệnh nói trên và cách chữa trị.

Đáp

Chào ông Nhan Thanh,

Trước hết xin chúc mừng ông ở tuổi 60 mà sức khỏe vẫn còn tốt. Được như vậy chắc  nhờ ở gen di truyền tốt từ các cụ tiền bối nhà ta và nhờ ở nếp sống lành mạnh, thể dục thể thao đều đặn, dinh dưỡng hợp lý và tinh thần tích cực của ông.

Về câu hỏi số 1: trước đây bàn chân ông đau khi phải đi lại đứng lâu vì công việc làm ăn thì bây giờ gót chân lại đau khi ngủ dậy sau một đêm chân không cử động. Cuộc đời thực phức tạp ông nhỉ, nhưng cũng có lý do.

Theo tôi nghĩ trước đây bàn chân đau khi ông đứng lâu đi lại nhiều có nguyên nhân như sau: dưới bàn chân có một sợi dây chằng chạy dài từ gót chân tới các đầu ngón chân. Dây có nhiệm vụ giữ cho các xương cấu tạo bàn chân ở vị thế cong, nhờ đó ta đi nhún nhảy lại dễ dàng. Tuy nhiên khi ta đứng lâu, đi lại nhiều thì dây này luôn luôn ở tình trạng căng và bị đau. Vì thế buổi tối khi về nhà, ông massage 2 bàn chân thì hết đau, vì bàn chân trở nên thư giãn được nghỉ ngơi. Giá mà khi đó ông ngâm hai bàn chân trong nước nóng ấm pha thêm chút muối hoặc thoa chút dầu Vick vapor rub thì bàn chân sẽ thoải mái bớt đau nhiều hơn. Hoặc đi đứng lâu đau gan bàn chân mà lấy 2 chai nước nhỏ chứa nước đông lạnh lăn hai bàn chân lên chai nước, cũng giảm đau khá nhiều.

Mới đây, gót chân đau khi ông bước xuống sàn nhà sau một đêm dài ngủ, thì cũng lại là do phần dưới cái dây chằng từ gót lên đầu các ngón chân nó bị viêm sưng. Viêm sưng này thường xảy ra về ban đêm, cho nên sáng ra, khi đặt bàn chân xuống sàn nhà cứng là nó đau kinh khủng.

Ông nên đi khám bệnh và xin bác sĩ chụp X-ray bàn chân coi có gì bất thường hay không, rồi điều trị. Trong khi chờ đợi:

– Giúp cho chân được nghỉ ngơi, giảm sinh hoạt khiến bàn chân đau; tránh đi chạy nhảy trên mặt bằng cứng.

– Để giảm đau và sưng: chườm cục nước đá lạnh lên gót chân, uống vài viên Advil, Motrin

– Tập co dãn gân gót chân nhất là khi mới thức giấc buổi sáng;

– Mua giày mới có độ cong nâng đỡ lòng bàn chân.

Câu hỏi số 2: hoa mắt, mắt mờ nhất là khi đọc sách, coi computer lâu thì tại mắt điều tiết nhiều bị căng, nước mắt khô. Y học có tên gọi rối loạn này là Hội chứng rối loạn thị lực do máy vi tính computer vision syndrome gây ra vì mất cân bằng căng duỗi của các cơ làm mắt chuyển động, thị giác kém mà không được điều chỉnh. Các nhà chuyên môn y học có lời nhắc nhở là khi làm việc với máy vi tính, nên điều chỉnh lại ánh sáng cho đầy đủ; đừng ngồi quá gần màn hình của máy; lau màn hình sạch sẽ để nhìn chữ cho rõ; key board vừa tầm tay. Ngoài ra áp dụng phương thức 20x20x20: Mỗi 20 phút nhìn máy vi tính thì ngưng khoảng 20 giây và  nhìn vào vật ở xa khoảng 20 feet, chớp mắt mấy lần để cho mắt thư giãn. Ông cũng nên đi bác sĩ chuyên khoa mắt để coi xem thị lực có thay đổi, áp suất mắt có cao và thủy tinh thể có bị mờ đục.

Chúc ông và gia đình được bình an.

 

Tại sao da xuất hiện vết bầm

Chào bác sĩ

Từ mấy tháng nay, tự nhiên trên da cánh tay của tôi nổi lên mấy vết mầu xanh đậm, kéo dài dăm bảy ngày rồi biến mất. Tôi nhớ là không đụng chạm vào đâu. Tôi không bị sốt, vẫn thấy sức khỏe bình thường. Xin bác sĩ cho biết tại sao có vết bầm này và có trầm trọng không. Tôi có cần đi bác sĩ khám bệnh không?

Cảm ơn bác sĩ.- Tú Lan- Arlington.

Đáp

Chào bà Lan

Vết bầm trên da tiếng Anh gọi là bruise.

Thông thường, bầm xảy ra khi ta va đụng vào một vật cứng nào đó hoặc khi bị ai đó bấu véo mà ra. Bầm là do mạch máu ở nơi đó bị vỡ, máu chảy ra các vùng lân cận, làm da có mầu đỏ tía hoặc xanh sẫm. Bầm kéo dài khoảng vài ngày rồi tự hết, vì cơ thể tái hấp thụ các tế bào máu. Trong đa số các trường hợp, bầm không nguy hại. Tuy nhiên bầm cũng xảy ra trong một vài bệnh như rối loạn đông máu, thiếu tiểu cầu, trong bệnh thiếu sinh tố C scurvy, khi uống thuốc aspirin, prednisone hoặc uống quá nhiều dầu cá, omega-3-fatty acid. Người cao tuổi cũng hay bị bầm, vì ở họ, thành mạch máu mong manh, lại thiếu lớp mỡ bảo vệ cho nên mạch máu dễ bị vỡ rách. Phụ nữ thường bị bầm da nhiều hơn là ở nam giới.

Khi thấy bầm da mà lại có các bất thường khác như chảy máu ở lợi răng, hậu môn hoặc bầm đau không lý do, khi đang bị một bệnh nào đó hoặc khi uống một loại dược phẩm hoặc dược thảo nào đó thì nên cho bác sĩ gia đình hay.

Trường hợp của bà, tôi nghĩ chắc cũng không sao, vì bà nói trong người vẫn bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bầm tái xuất hiện thì bà cũng nên đi bác sĩ để khám coi xem có bệnh gì trầm trọng không.

Nhớ là, nếu mới va chạm vào vật cứng mà bầm da thì nên chườm ngay với túi nước đá lạnh, để bầm khỏi sưng to.

Chúc ông và gia đình bình an.

NYD