Hôm Thứ Năm tuần rồi, thành phố Detroit, thuộc tiểu bang Michigan, một trung tâm kỹ nghệ lừng danh một thời đã ra toà khai phá sản. Detroit từng được mệnh danh là “thành phố xe hơi” (Motor City), là biểu tượng của thịnh vượng và hùng cường Mỹ Quốc. Dân số Detroit lúc cao nhất đạt đến 1.8 triệu dân trong thập niên 1950 hoàng kim, lúc thành phố có nhiều việc làm lương cao, đóng xe hơi xuất cảng khắp thế giới. Detroit cũng từng là một trong bốn thành phố lớn nhất Hoa Kỳ, có thu nhập đầu người cao nhất quốc gia vào thập niên 1960.
Tòa án liên bang ở Detroit, ngày đầu của phiên điều trần phá sản. ảnh Jeff Kowalsky/ Bloomberg
Phải mất nhiều thập niên sa sút khiến dẫn đến thảm trạng Detroit giờ là thành phố lớn nhất tại Hoa Kỳ từng bị khánh tận. Có nhiều nguyên do: thị trường địa ốc tuột giá, tiền thu thuế giảm sút, giới trung lưu bỏ đi nơi khác. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, sự việc Detroit phá sản cũng có thể chứa đựng mầm hy vọng cho tương lai.
Ngày nay, Detroit như một thành phố bị bỏ rơi. Đa phần thành phố trống rỗng: một phần ba diện tích 140 dặm vuông bỏ hoang. Khoảng gần 80,000 dinh thự, nhà cửa, cơ sở thương mại, thậm chí cao ốc… vắng chủ. Chánh quyền đã phải thuyết phục nhiều người ở các vùng thưa thớt dân di chuyển, hòng tái cấu trúc dịch vụ, nhưng nhiều người từ chối thậm chí cả khi được cấp nhà mới miễn phí.
Một vấn nạn lớn lâu nay là tội phạm. Detroit có tỉ lệ tội phạm cao nhất trong các thành phố lớn ở Hoa Kỳ. Mức tội phạm sát nhân cao gấp 10 lần thành phố New York, khiến Detroit phải mang hỗn danh là “thủ đô sát nhân” của Hoa Kỳ (murder capital of America). Tội phạm hoành hành dữ dội nhất trong thời 1970 và 1980, với nhiều băng đảng khống chế thị trường ma tuý phi pháp. Năm 1984, có đến 800 vụ cố tình phóng hoả khiến Sở cứu hoả đối phó không xuể. Năm 2010 mới đây, nhiều tài xế xe bus đình công không chạy nữa, vì sợ nguy hiểm tánh mạng ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Năm 2012, tạp chí Forbes gọi Detroit là thành phố nguy hiểm nhất quốc gia. An ninh xấu đến mức nhiều nơi cảnh sát phải trương bảng cảnh cáo du khách cẩn thận trước khi vào địa phận thành phố (nguyên văn “Enter Detroit At Your Own Risk”).
Sự thăng hoa lẫn xuống dốc của Detroit cũng có phần đóng góp lớn của kỹ nghệ xe hơi. Ngày nay, khắp thành phố ngổn ngang nhiều toà cao ốc đa tầng bị bỏ phế — những nơi từng là các cơ sở lắp ráp xe hơi nhộn nhịp thời hậu Thế Chiến II. Từ dạo 1960 trở đi, các hãng General Motors, Chrysler, Ford, và hằng trăm công ty hãng xưởng nhỏ chuyên hợp đồng gia công phụ tùng xe hơi, nhất loạt dọn ra các thành phố phụ cận, mở cơ sở nhỏ hơn, với kỹ thuật sản xuất mới, dễ bề cạnh tranh với các xe hơi Nhật thời đó bắt đầu lấn chiếm thị trường. Ngày nay, hầu hết các cơ sở làm xe hơi chánh yếu đều nằm bên ngoài lãnh địa thành phố. Chỉ còn hãng GM đặt tổng hành dinh tại Detroit, nhưng các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, và sản xuất trọng yếu đều đặt nơi khác. Đến năm 2009, kỹ nghệ xe hơi gần như sụp đổ, liên bang phải bơm tiền cấp cứu, càng khiến tình thế Detroit thêm nặng nề.
Dăm khách bộ hành đi ngang một khu kỹ nghệ bỏ hoang phía đông Detroit. Ảnh Carlos Osorio / AP
Lâu nay, dân chúng Detroit vốn thiếu thốn các dịch vụ cơ bản vì thành phố không đủ ngân sách cung cấp. Chỉ 1/3 số xe cứu thương còn hoạt động. Một thập niên trước, Detroit có khoảng 5,000 cảnh sát, nay chỉ còn 2,500, và thêm nhiều người tiếp tục bị cắt giảm. Thiếu ngân sách, hầu hết các đồn cảnh sát nay chỉ mở cửa trong giờ hành chánh, khiến có thống kê gần 1 tiếng cảnh sát mới xuất hiện mỗi khi có cú gọi khẩn cấp 911 (thời gian cảnh sát ứng phó trung bình của quốc gia là 11 phút). Chánh quyền thành phố đã và đang cắt giảm hơn phân nửa trong số 85,000 đèn đường để tiết kiệm điện. Hệ thống trường học công lập đã đóng cửa hàng chục trường. Việc lấy rác cũng thường chậm trễ, vì chánh quyền địa phương thiếu tiền sửa chữa các xe hư hỏng, trả lương nhân viên — có khi đến nửa đêm vẫn còn đi thu rác.
Một lý do khác là dân chúng rời bỏ Detroit với làn sóng người da trắng bỏ đi, còn gọi là “White Flight” thời cuối 1950, nhiều người Mỹ da trắng dọn về các thành phố hướng bắc. Năm 1970 thống kê Census, dân da trắng vẫn chiếm đa số. Đến 1980, theo Census, dân số người da trắng chỉ còn 34%. Ước tính khoảng 1,400,000 trong số 1,600,000 người Mỹ da trắng từng là cư dân Detroit sau Thế Chiến II đã bỏ đi nơi khác.
Đến kỳ kiểm tra dân số Census 2000, Detroit xuống còn dưới 1 triệu cư dân. Cuối cùng, hiện nay chỉ còn khoảng 700,000 người, đa phần là người da đen, nhà nghèo. Gần phân nửa dân số hiện tại hoàn toàn mù chữ. Năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp lên cao nhất gần 25%, ngày nay còn 16.3%, vẫn là con số cao gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc. Từ 2000 đến 2010, khoảng 1/2 công ăn việc làm trong ngành sản xuất đã chuyển đi nơi khác. Ngay cả một số gia đình người Mỹ da đen trung lưu cũng bắt đầu bỏ đi.
Cửa ngõ vào Detroit hoang vu.
Trước khi khai phá sản, trong nhiều năm, Detroit đã phải mượn nợ để chi trả nợ cũ, cùng lúc cáng đáng chi phí vận hành thành phố, trả lương nhân viên. Hơn 5 năm qua, thành phố tiêu xài trung bình $100 triệu nhiều hơn số tiền thuế thu về. Năm nay, Detroit thâm thủng ngân sách khoảng $380 triệu. Có trên phân nửa các chủ nhà không trả thuế địa ốc, gây thất thoát ngân sách trên $130 triệu. Các thành phố phải vay nợ là việc rất bình thường, vì các nhu cầu tài chánh để tu sửa đường sá, trang trải chi phí vận hành, trả lương cho cảnh sát, lính cứu hoả, v.v… Quỹ lương hưu bổng của cựu nhân viên thành phố ngốn đến 1/3 ngân sách mỗi năm. Dù có đến 22,000 viên chức đã hồi hưu, Detroit vẫn là một trong những thành phố có số nhân viên chánh quyền đông nhất cả nước. Thống kê 2011, mỗi 55 cư dân có một nhân viên thành phố — tỉ lệ cao nhất Hoa Kỳ. Ban hành công trái phiếu là một trong những cách phổ biến, giúp các chánh quyền thành phố thu góp tiền mặt, miễn sao kinh tế vững, thương mại phát triển, thu được thuế. Tuy nhiên, trong tình trạng Detroit ngày càng sa sút không lối ra, nay không ai chịu cho mượn nữa.
Đầu Tháng Ba 2013, Thống Đốc tiểu bang Michigan tước quyền điều hành tài chánh của chánh quyền thành phố. Đến cuối tháng, tiểu bang chỉ định một “giám đốc tài chánh khẩn cấp”, với sứ mạng quyết định tương lai tài chánh của Detroit. Đầu tháng 6-2013, thành phố bắt buộc phải ngưng trả khoản tiền nợ hằng tháng khoảng $40 triệu vì cạn kiệt tài chánh. Và đến 4 giờ chiều ngày Thứ Năm 18-7-2013, Detroit khai phá sản trên 16 trang giấy, kê khai tổng số nợ lên trên $18 tỉ. Có 53 chủ nợ lớn và trên 100,000 chủ nợ cá nhân gồm: người hưu trí, nhân viên thành phố, nhà băng, thương gia, chủ nhà, v.v… Giới thẩm quyền hy vọng đơn xin toà cho phá sản sẽ được giải quyết ổn thoả trong vòng khoảng 1 năm.
Cần điểm qua luật phá sản được Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành từ thập niên 1930. Luật phá sản công cộng gọi là “Chapter 9”, áp dụng cho thành phố, các hạt (county), các cơ quan công quyền như học khu, sở điện nước, v.v… Từ khi luật được ban bố đến nay đã có 640 thành phố lớn nhỏ khai phá sản. Từ năm 1980, tỉ lệ lên cao với 270 khai phá sản, trung bình 14 vụ mỗi năm. Có những thành phố lớn, như New York và Cleveland thời 1970, và Philadelphia thời 1990, đã từng đến bên bờ vực khánh tận, nhưng may mắn tìm được giải pháp trước khi phải ra toà phá sản liên bang. Năm 2012, có 13 thành phố xin phá sản. Đáng kể là hạt Jefferson County (tiểu bang Alabama) có dân số 700,000 người và thành phố lớn Birmingham đã phá sản tháng 11 với khoản nợ nần $4 tỉ. Thành phố Stockton (tiểu bang California) có 300,000 dân, khai phá sản vì không trả nổi món nợ $1 tỉ. Thành phố San Bernardino (tiểu bang California) có 200,000 dân cũng phá sản sau đó 1 tháng. Riêng thành phố Harrisburg (tiểu bang Pensylvania) có 50,000 dân, xin phá sản xoá nợ $400 triệu, nhưng đã bị toà bác bỏ.
Một nhóm nhân viên hưu trí của Detroit phản đối kế hoạch thành phố phá sản. Ảnh Bill Pugliano / Getty Images
Sự việc một thành phố phá sản, dù đau lòng và có thể đáng xấu hổ, cũng có thể có mặt lợi. Nó có thể giúp cải tổ, là một cơ hội làm lại, một loại “thuốc đắng dã tật” như cách nói dân gian của người Việt. Quá trình thương lượng phá sản giúp các thành phố xếp đặt thứ tự ưu tiên, chủ động thời điểm và ngân khoản họ có thể trả các chủ nợ. Đang trong thời gian phá sản, thành phố có thể tiết kiệm chi phí, vì thường có ít dịch vụ hơn (chữa lửa, thu gom rác, thư viện công cộng…) Thành phố cũng có thể tăng thuế. Chỉ trong vòng 1 năm, hạt Orange County của California đã hồi sinh mạnh mẽ sau vụ phá sản năm 1994. Và 9 năm sau, hạt này trở lại uy tín tín dụng bậc AAA thượng hạng. Trong thế giới thương mại, năm 2009, hãng GM nhờ một kế hoạch phá sản được liên bang bảo trợ, đã giảm nợ từ $46 tỉ xuống còn $8 tỉ. GM tận dụng cơ hội phá sản, đóng cửa nhiều cơ sở cũ, tốn kém. Kết quả, hãng GM “mới” bớt cồng kềnh hơn, hiệu quả hơn, nay đạt lợi nhuận $17.2 tỉ.
Detroit chỉ có thể trả một số lẻ trong món nợ $18 tỉ. Có 2 nhóm đang tranh giành quyết liệt: giới hồi hưu và giới đầu tư công trái phiếu. Detroit nợ quỹ hưu bổng trên $2 tỉ, nợ sở cảnh sát khoảng $1.5 tỉ. Tiên đoán đa phần các chủ nợ sẽ thua lỗ, hằng ngàn nhân viên hồi hưu sẽ mất một phần quyền lợi hưu bổng. Ngay lập tức, các nghiệp đoàn dọa sẽ kiện vụ này lên đến toà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
Detroit cũng đã có kế hoạch riêng. Năm 2010 Thị Trưởng Detroit đệ trình kế hoạch bình địa 1/4 thành phố. Đến tháng 2-2013, kế hoạch này được đẩy nhanh hơn. Sắp tới, có thể sẽ phải cải tổ hệ thống hưu trí để bớt tốn kém. Đã thấy tin hành lang nói Detroit có thể phải bán hết tài sản nghệ thuật của viện bảo tàng nghệ thuật, hy vọng thu được đôi ba tỉ Mỹ kim. Với quyết định khai phá sản, thay vì trả nợ, thành phố sẽ dùng số tiền này để trả lương cảnh sát, lính cứu hoả, và bảo đảm các dịch vụ cơ bản không bị ngưng trệ. An ninh và dịch vụ tốt hơn có thể thu hút nhiều người trở lại với thành phố, mở mang đầu tư. Trung tâm downtown nay có một khu tên gọi “Midtown” đang có dấu hiệu khởi phát. Phía tây nam Detroit có khu gọi là “Mexicantown” mới phát đạt với đủ loại thương mại, nhà hàng, chợ búa phục vụ thế hệ di dân mới.
Vụ Detroit khai phá sản cũng có nhiều hệ luỵ căn cơ và lâu dài hơn. Các công trái phiếu thành phố “Municipal Bond” mất uy tín, nay có thể phân lời lên cao hơn, vì giới đầu tư ngửi thấy rủi ro. Đây cũng có thể là bước thử nghiệm trên toà phá sản. Nếu Detroit… thoát nạn nhờ phá sản, có thể tạo nên tiền lệ, khiến nhiều thành phố khác theo chân: tái cấu trúc nợ nần, cắt giảm quyền lợi hưu bổng, v.v… Tuy nhiên, nếu quá nhiều thành phố nối đuôi nhau phá sản, có thể Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve) sẽ ra tay cứu vớt “bail out”, bằng cách… in thêm tiền, càng khiến đồng Mỹ kim suy yếu hơn. Các loại quý kim và vàng có thể sẽ lên giá cao trong cảnh đồng Mỹ kim bất ổn, mất uy tín. Sau các thành phố, cuối cùng có thể đến cả chánh phủ liên bang Hoa Kỳ vỡ nợ. Món nợ quốc gia nay đã lên trên $17,000 tỉ. Mỗi năm, liên bang tiêu xài hằng trăm tỉ nhiều hơn tiền thuế thu vô. Đây có thể là những trái bom nổ chậm, tương tự Detroit trong vài thập niên qua.
TD