Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Trường học Việt Nam trên hồ Tonle Sap
Tôi lại bắt đầu một chuyến lang thang Chùa Tháp sau một đêm ngủ đầy giấc.
Những mệt mỏi suốt một ngày đi bụi cầu sông Kwai hôm qua tự dưng biến đâu mất, đầu óc tỉnh táo và tâm hồn tràn đầy vui tươi. Hình như không chỉ mình tôi, hầu hết hành khách Tây, Thái trên xe buýt cũng đều vui vẻ cười nói xôn xao trong chuyến hành trình sang Campuchia huyền bí hấp dẫn với các đền đài hoang phế. Xe dừng tại Poipet làm thủ tục xin visa cho khách. Từng đoàn xe nối đuôi nhau qua cổng biên giới dẫn vào quốc lộ 5 trực chỉ đi Siem Reap. 40 đô la cho mỗi visa (có thể từ nước khác rẻ hơn), một số tiền gấp ba lần so với tiền vé xe buýt. Nhà nước Campuchia biết khai thác tối đa đô la từ ngành công nghiệp không khói, kể cả biết “móc túi” kiếm tiền từ sòng bài ăn theo dọc biên giới.
Xe dừng tại thị trấn Sisophon cho hành khách ăn trưa. Sisophon nhỏ như lòng bàn tay loanh quanh chừng mươi con phố. Từ đây, dễ nhìn thấy cuộc sống thật của một đất nước còn nghèo khó hiện ra trên những khuôn mặt nhếch nhác của người dân dang nắng kiếm sống bên gánh hàng rong và những con bò trơ xương sườn buồn bã lơ nhơ gặm miếng cỏ khô đồng cháy. Thú thật, nhìn những con bò gầy còm vì thiếu dinh dưỡng, tôi lại liên tưởng đến những con bò lơ thơ của người Khmer lang thang trên những con đường làng ở tỉnh Trà Vinh mà có lần về quê, Ba dẫn tôi đi Ao Bà Om chơi cho biết. Tôi từng tự hỏi, trời sinh giống bò nó thế hay tại cỏ không tốt hoặc con người còn không đủ ăn thì lấy chi nuôi bò. Tại sao cứ bò của người Campuchia là phải ốm o thân xác.
Quốc lộ 6 nối tiếp, nắng nóng như thiêu cháy trên những mảnh đất ruộng khô cằn kéo nhau dài hun hút cả trăm cây số, không một cánh rừng, không một con sông, nhà cửa lưa thưa dưới vài tán cây thốt nốt. Một khung cảnh thiên nhiên buồn tẻ thiếu sinh khí hơn Thái Lan rất nhiều với ruộng đồng xanh ngát. Xe giảm tốc đột ngột và dừng hẳn. Mọi người bị đổ dồn về phía trước. Một con bò qua đường đột nhiên đứng lại, dùng dằng cho dù thằng bé chăn bò gầy nhom cởi trần đen nhẻm đã cố hết sức la hét ghị sợi dây thừng kéo cổ nó qua. Con bò cứ đứng giữa đường, lúc lắc cái đầu không chịu đi, rống cổ kêu lên những tiếng kêu kéo dài nghe thật bi thảm. Dường như nó muốn nói “tôi đang bấu víu vào cuộc sống” hay chứng tỏ một thứ gan lì không chỉ có ở con người mà ngay loài vật cũng có mức gan lì không kém. Tôi chực nghe lòng mình có điều gì đó mơ hồ buồn thương cho những số phận con người nổi trôi giữa cuộc đời mênh mông.
Tôi nhớ đọc đâu đó bài báo khoa học nói về số phận con người có liên quan nhất định giữa ngày tháng sinh. Nội dung có thể nói chẳng tháng nào xấu mà chỉ nói rằng mỗi tháng đều có ưu và nhược điểm của nó. Có điều là biết được những gì có thể xảy ra để điều chỉnh lại cách sống và chủ động đối phó với những rắc rối cuộc đời. Nói chung, tháng nào, mùa nào tôi thấy cũng tốt. Thí dụ, tôi sinh vào mùa Đông thì “theo các nhà tâm lý học, những người sinh vào mùa Đông thường là những người thành đạt, năng động, có tài và có ý chí. Biết cách làm việc, tự tin trong hành động, gạt bỏ những khó khăn trên đường đời do vậy dễ thành công. Tuy nhiên, trẻ em sinh vào mùa Đông thường cứng đầu, khó dạy hay cãi lại bố mẹ”. Rõ ràng phần đầu không đúng, chỉ đúng phần cuối. Gan bướng, cứng đầu cứng cổ của tôi giống y con bò đứng cản đường chiếc xe. Bác tài bước xuống, giúp thằng bé kéo con bò vào bên lề đường.
Vậy bạn có tin vào số phận không? Và làm thế nào để thay đổi số phận chứ chẳng lẽ cứ than thân “biết làm thế nào được, giày dép còn có số, số phận nó thế”. Có một câu danh ngôn: “Số phận cho chúng ta không phải là rượu thất vọng, mà là ly rượu cơ hội. Vì thế, chúng ta không nên sợ hãi, hãy nắm giữ số phận một cách vui vẻ”. Victor Hugo hài hước hơn: “Khi số phận đưa đến một quả chanh chua là muốn ta pha chế nó thành nước chanh”. Dù rằng những người khốn khổ lúc nào cũng mong ước có được cuộc sống sung sướng nhưng người ta vẫn thường có khuynh hướng chối bỏ khả năng thay đổi kết quả số phận bởi điều đó giúp họ cảm thấy an toàn. Một sự mâu thuẫn giữa “người tính không bằng Trời tính”. Người ta không thể thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng có thể thay đổi những gì thuộc bản thân để biến kết quả tốt đẹp hơn nhiều lần.
Gia đình nơi tôi ở trọ đêm nay tại thành phố Siem Reap trước kia rất nghèo. Vợ chồng cô chủ nhà người Miên gốc Việt kể rằng, hồi thời Pol Pot, hai vợ chồng bồng bế hai đứa con nhỏ phải bỏ nhà bỏ cửa, giả điên giả khùng sống lây lất qua ngày quanh đền Angkor Wat. Đến khi được trở về nhà, nhà chỉ còn lại cái nền đất nham nhở. “Mỗi ngày tôi đạp xe chục cây số đến Biển Hồ đi bán từng lon bia, lon nước ngọt cho khách du lịch. Ông nhà tôi thì chạy xe đạp ôm, chưa được cái xe lôi như bây giờ. Sáng tôi nấu nồi cơm để đó, rồi hai vợ chồng đi kiếm sống đến tối mịt mới về đến nhà. Hai đứa nhỏ tự lo mọi chuyện cơm nước học hành. Nhưng có lẽ chúng nó biết suy nghĩ, năm nào cũng được trường gởi giấy khen. Sau này có ít vốn, tôi mở quán bán bún nước lèo trước cửa; dành dụm ít tiền sắm chiếc xe lôi cho ổng chở khách du lịch theo yêu cầu. Mấy năm trước, hai đứa con học hành ra trường đi làm, có vợ có chồng ra riêng cả. Con nhỏ Út bảo tôi sửa lại nhà cơi thêm phòng trọ giá rẻ cho khách du lịch Tây ba lô kiếm thêm chút tiền cho tuổi già. Mọi chuyện đặt phòng thu tiền nó làm giùm tôi qua mạng Internet” Cô dừng lại, nhìn tôi: “Cô không phải từ Việt Nam sang sao?”.
Nhà có ba phòng cho thuê, phòng hai người, mỗi người bốn đô, vị chi hai mươi bốn đô một ngày. Tôi nói, “vậy cô giàu rồi”. Cô khoát tay: “Ậy, đâu phải lúc nào cũng có khách, mỗi ngày kiếm chừng chín, mười đồng đã là mừng lắm rồi. Buôn bán, cộng thêm ông nhà chạy xe lôi, cuộc sống có dư chút đỉnh. Bây giờ nghĩ lại chuyện bơ vơ không nhà, một nách hai con dại trước đây tôi còn thấy rùng mình”.
Đối với chị, đó là một giấc mơ, là may mắn mỉm cười với số phận. Nhưng tôi cho là ý chí của chị thay đổi cuộc đời của mình trong hoàn cảnh khốn khó rất đáng khâm phục. Chồng chị chở tôi và một cô khách người Nga đi Tonle Sap cách nhà chục cây số. Chú kể: “Nước hồ mùa này còn cạn, chừng ba bốn tháng nữa mưa dầm dề, hồ thành biển nước mênh mông không bờ bến. Bà con người Việt mình sống trên hồ mưu sinh bằng nghề chài lưới. Vài xóm nhà nổi của người Việt nằm trong cụm nhà nổi chung với người Chàm và người Campuchia lên đến vài ngàn người”. Nói rồi chú chỉ tay sang phía những mảng bè chấp chới mái bạc nylon màu xanh nước biển ở phía eo hồ, ghe thuyền qua lại tấp tập không khác gì các chợ nổi ở Thái Lan. Khung cảnh trời nước buồn man mác với những phận người nổi trôi không quê hương, không tổ quốc. “Tôi không biết làng nổi có từ bao giờ, chỉ biết từ khi tôi sinh ra là đã có làng nổi này rồi”, tự dưng chú chủ nhà trả lời câu hỏi trong đầu tôi đang nghĩ.
Tôi trả hai mươi đô để được lên thuyền du lịch. Cô khách người Nga ngồi cạnh ghế tôi kể chuyện xứ cô có người Di-gan sống du mục rày đây mai đó, không một nơi nào là quê hương. Chợt cô hỏi tôi về “Những người Việt sống trôi nổi trên hồ Tonle Sap sao không hồi hương về quê sinh sống?”. Tôi thật sự không biết giải thích như thế nào. Tôi nghe nói họ là những người không có một mảnh giấy tờ tùy thân, sống không khai sinh, chết không khai tử, không căn cước nhân thân. Chính quyền Campuchia không cản trở họ mưu sinh và sinh sống trên những làng bè từ lâu lắm. Có lẽ chính quyền thấy họ làm lợi cho ngành du lịch và cuộc sống sông nước có thể nuôi sống được họ cho nên bỏ lơ. Họ tự cho phép mình trở thành người ly hương tự do, muốn được sống giữa đất trời thiên nhiên, và cứ thế đời này qua đời khác chấp nhận cuộc sống long đong vô định như những đàn chim chích bông chao nghiêng đôi cánh sà xuống trên mặt nước tìm mồi.
Thuyền tấp vào trường học Việt Nam cho nhóm khách người Việt trong nước ghé thăm và tặng hàng chục thùng mì gói, tập bút cho lớp học trẻ con ê a trong giờ tập đọc. Nghe đâu vị hiệu trưởng người từ An Giang sang đây lập trường trên chiếc bè với mong muốn mang chữ nghĩa đến cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường trên đất liền.
Những khuôn mặt trẻ con ngây ngô sống ở Biển Hồ mong chờ lòng thương cảm của khách du lịch
Tôi nhìn những khuôn mặt nhỏ đang chăm chú nắn nót từng nét chữ trên quyển vở một cách mệt nhọc nghe nghẹn trào trên mắt. Cô người Nga lấy từ trong chiếc xách những hộp bút bi đóng góp lòng từ thiện. Tôi lại nghĩ đến những đứa học sinh của mình, một tháng học phí đủ để lớp học tình thương xoay xở trong sáu tháng. Cuộc đời luôn có những bất công.
Những chiếc ghe con càng lúc càng nhiều, tấp vào mạn thuyền du lịch. Tiếng mời mua, tiếng năn nỉ ỉ ôi nhao lên mọi phía. Những khuôn mặt lớn nhỏ nhễ nhại mồ hôi đang chờ lòng thương cảm của khách du lịch ngó ngàng đến món hàng rao bán với nụ cười nửa vời bí hiểm chực hiện trên môi. Tôi nhìn tấm ảnh tượng thần Vishnu trên tháp đền Bayon Angkor in trong tờ quảng cáo du lịch. Cũng với nụ cười bí hiểm ấy không sao giải thích. Là nụ cười thân thiện, nụ cười an tâm hay nụ cười mỉa mai cuộc đời ô trọc trên đống hoang tàn đổ nát thành quách một thời xa xưa.
Thuyền quay mũi hướng về những mảnh làng nổi, tắt máy thả trôi từ từ. Khói bếp lam chiều trên các ghe nhà ai lan tỏa trên sóng nước bập bềnh. Lại hàng chục chiếc thuyền nan nhỏ bé từ các nơi lao ra chèo tới. “Mua giùm con chai nước đi cô. Từ sáng đến giờ con chưa bán được đồng nào, về nhà má đánh con chết!”. Bé gái chừng bốn năm tuổi đầu đánh tay chèo nhanh chiếc ghe con cập sát mạn thuyền vừa nói vừa thở hổn hển. Đứa khác thì không bán buôn gì, chỉ xin tiền mua cơm vì bụng đói meo. Ba má mấy em ở đâu? Sinh ra chúng sao không nuôi dưỡng chúng. Tôi băn khoăn giữa đám nhà lá xiêu vẹo trên những ghe thuyền bùng nhùng, giữa tiếng âm thanh hỗn độn. Lời ru từ câu ca dao buồn vợi từ đâu bay theo cơn gió: “Con chim se sẻ nó đẻ cột đình / Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi…”. Nghe thật bùi ngùi.
Mặt trời to lừ thấp xuống mặt hồ. Bầu trời ửng hồng trông thật kỳ lạ. Thuyền về bến, chấm dứt một ngày lang thang trên đất nước Chùa Tháp. Chương trình ngày mai, đền đài hoang phế một thuở huy hoàng thời Trung cổ Vương triều Angkor lại chờ đón bước chân người con phiêu lãng.
NL