Menu Close

Đại Học Chân Đất

Rafea Al Raja là một phụ nữ 32 tuổi gốc Bedouin sống tại một làng ở Jordan gần sa mạc, trong một túp lều với bốn con gái, tuổi từ 3 tới 13 tuổi. Cô có một ông chồng thất nghiệp song lại muốn cưới thêm cô vợ thứ ba, và chỉ thỉnh thoảng mới về nhà vì anh ta sống với chị vợ cả. Rafea được Bộ Môi Sinh của Jordan khuyến khích đi Ấn Độ tham dự khoá huấn luyện sáu tháng tại Đại Học Chân Đất để trở thành kỹ sư năng lượng mặt trời.

alt

Phụ nữ Sudan trong 200 học viên của Đại học Chân Đất canh chừng một hệ thống panô năng lượng mặt trời dùng để nấu ăn.  – Nguồn nazaninlankarani-com

Vốn chỉ được học hết lớp năm vì trong xã hội của chị, con gái học nhiều là một điều “đáng xấu hổ” (song Rafea tự hỏi: con gái học nhiều hay sống một đời vô dụng, cái nào mới là đáng xấu hổ hơn?), nên chị không mong mỏi gì hơn có dịp đi học lấy một nghề để có thể tự tay kiếm ra tiền nuôi con và giúp huấn luyện lại các người đàn bà khác trong làng. Được sự chấp thuận của chồng, Rafea gạt nước mắt dỗ dành các con và giã từ gia đình để lên đường xuất ngoại. Cùng đi với chị có người cô là Um Bader và con trai của bà đi theo tháp tùng hai người đàn bà, vì phong tục Bedouin không cho phép họ đi đâu mà không có một người đàn ông trong gia đình theo giám thị.

Rafea và Um Bader là hai trong 27 phụ nữ từ các làng quê nghèo ở Kenya, Burkina Daso, Columbia, và Guatemala được tuyển chọn theo học khoá huấn luyện sáu tháng về kỹ thuật năng lượng mặt trời tại Đại Học Chân Đất ở Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Rafea rời khỏi ngôi làng nghèo khó để xuất ngoại đi tìm một tương lai sáng sủa hơn cho mình, gia đình và cho cộng đồng của chị nữa. Một khi tốt nghiệp họ sẽ là hai người đàn bà đầu tiên của Jordan từ một làng hẻo lánh xa xôi giáp ranh với Iraq, có khả năng ráp bảng điện (circuit board) và các bảng gương (solar panel) nhằm khai thác năng lượng mặt trời; được dùng cho việc thắp sáng đèn đóm mà không phải dùng tới điện, mà chính làng chị cũng chưa có.

alt

Rafeal trước ngôi nhà lều không điện nước của gia đình chị, nơi chị sống với bốn con, tuổi từ 3 tới 13, mẹ và em gái; ở hậu cảnh là Alian, chồng Rafea.

Đại Học Chân Đất

Đại học Chân không, Barefoot College, nơi đào tạo các bà mẹ quê thành kỹ sư khai thác năng lượng mặt trời do Bunker Roy thiết lập vào thập niên 1970 tại làng Tilonia thuộc tiểu bang Rajasthan ở tây bắc Ấn Độ.Ngoài ra, kỹ thuật tân tiến phải được sử dụng ở làng mạc và nằm trong tay dưới chủ động của dân nghèo để họ không bị lợi dụng và khai thác. Mục đích của Đại Học Chân Đất nhằm huấn luyện các phụ nữ quê mùa chân đất ít hoặc thất học, để giúp họ khả năng tự túc về kinh tế và tiếp tay huấn luyện lại các phụ nữ khác trong làng. Và hầu giúp cho cộng đồng của họ trở nên tự lực và tự lập qua việc sử dụng nhiên liệu sẵn có, như năng lượng mặt trời.

Đại Học Chân Đất, thoạt tiên nhắm vào các làng ở Ấn Độ trong nỗ lực làm giảm bớt chênh lệch giàu nghèo và cải thiện đời sống của dân làng.

Qua những khoá huấn luyện này, các phụ nữ, nhiều người đã là bà nội bà ngoại, học ráp các bảng điện tử và bảng gương để hấp thụ năng lượng mặt trời dùng cho việc thắp sáng, nấu nướng và cả hâm nước nóng. Mỗi khoá kéo dài sáu tháng. Chỉ các phụ nữ mới được nhận vào học, vì ban sáng lập quan niệm rằng phụ nữ tốt nghiệp rồi thường ở lại làng và dùng tiền kiếm được để lo cho con cái và gia đình, cũng như giúp huấn luyện lại các phụ nữ khác trong cộng đồng của họ. Các học viên đến từ các làng mạc hẻo lánh, nhiều nơi chưa hề biết điện là gì, ở Phi Châu, Á Châu, Trung và Nam Mỹ. Họ không cần biết chữ, cũng chẳng cần phải nói tiếng Ấn Độ. Ngôn ngữ chung là ra dấu bằng tay, phương pháp dạy là thực hành (hands-on).

alt

Dưới sự hướng dẫn của giảng viên nói tiếng Hindu, các chị đến từ Fiji và Benin, một nước trong vùng Tây Phi Châu, học cách làm đèn thắp bằng năng lượng mặt trời.

Tính tới cuối năm qua, Đại Học Chân Đất đã huấn luyện được 700 phụ nữ Chân Đất thành kỹ sư năng lượng mặt trời. Họ đến từ 49 quốc gia ở Phi Châu, Á Châu, Trung và Nam Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, họ đã trở về và giúp đem điện từ năng lượng mặt trời thắp sáng 1,015 làng quê. Nhờ việc sử dụng năng lượng mặt trời họ đã giúp cắt giảm 13 tấn chất độc carbon trong không khí, nhờ không hoặc bớt dùng dầu khí kerosene để thắp đèn và than củi để nấu nướng, thường là trong nhà nên cũng giảm ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ. Nhưng quan trọng hơn cả là người lớn nhờ ánh đèn thắp bởi năng lượng mặt trời có thể làm việc thêm ban đêm để kiếm thêm lợi tức, và trẻ con, đặc biệt các em gái, có thể theo học những lớp học tối vì ban ngày chúng phải giúp cha mẹ làm các việc đồng áng.

Đại Học Chân Đất được tài trợ bằng tiền  trợ cấp (grants) và đóng góp của các nhà hảo tâm, hàng năm chi phí khoảng trên dưới 2 triệu Mỹ kim. Chủ trương và trách nhiệm là hàng năm trường cho phổ biến các bản tường trình về thành tựu cũng như chi thu minh bạch tại Web site của trường. (**) Năm nay, Đại Học Chân Đất đã được bầu là một trong 100 tổ chức ngoài chính phủ đứng đầu thế giới về sự hữu hiệu và thành quả đạt được.

alt

Các bảng gương hấp thụ năng lượng mặt trời ở làng Ladakh, nằm ở cực bắc Ấn Độ trong vùng Kashmir

Trở lại câu chuyện của “Solar Mama”Rafea ở Jordan

Đọc tới đây chắc bạn đọc thắc mắc không biết chị Rafea đến từ Jordan có tốt nghiệp không và giờ ra sao? Hai tháng sau khi tới Tilonia để tham dự khoá huấn luyện kỹ thuật năng lượng mặt trời, Rafea nhận được điện thoại của chồng bắt chị phải về nhà, nếu không anh ta sẽ ly dị chị và bắt các con chị đem đi. Rafea không có chọn lựa nào khác đành khăn gói trở về làng, trong khi cô của chị, Um Bader, và người con trai tiếp tục ở lại Tilonia.

Chưa chịu bỏ cuộc, Rafea bắt đầu một chương trình thuyết phục Alian và mọi người trong nhà là việc chị đi học ở Ấn sẽ có lợi cho mọi người. Chính Raouf Abbas, cố vấn cao cấp của Bộ Môi Trường Jordan trách nhiệm về việc dàn xếp và gửi học viên đi Ấn Độ thụ huấn, cũng đích thân can thiệp với chồng của Rafea. Cuối cùng, Rafea được phép trở lại hoàn tất khóa huấn nghệ.

alt

Một lớp học ban đêm cho các em gái dưới ánh sáng của những ngọn đèn nhờ năng lượng mặt trời trữ trong đèn, vì ban ngày các em phải giúp gia đình kiếm sống

Chị Rafea trải qua một cuộc biến đổi sâu xa. Chị và người cô đã trở về nhà trong tư cách là những phụ nữ có học, với những khả năng cho phép họ làm ra lợi tức, và trở nên tự tin. Hai người cũng giúp huấn luyện một số phụ nữ khác trong làng trở nên được như chị. Với dụng cụ do Đại Học Chân Đất gửi đến trong giai đoạn đầu của dự án, trong vòng một tuần lễ; họ đã có thể đem ánh sáng từ năng lượng mặt trời tới cho 80 nhà trong làng. Nữ đạo diễn Mona Eldaief của phim tài liệu “Solar Mamas” là một trong một loạt phim tài liệu nằm trong chủ đề “Why Proverty?” nhằm tìm giải pháp để giảm bớt sự nghèo đói trên thế giới. Phim đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

Đạo diễn Eldaief đã trở lại Jordan đầu năm để tham dự các buổi trình chiếu ra mắt cuốn phim Solar Mamas. Cô cho biết thêm là Rafea và các phụ nữ trong làng đang phải đối đầu với các phong tục tập quán của một xã hội Hồi giáo. Một tập quán đã dành cho nam giới một thứ quyền gần như tuyệt đối trên phụ nữ, và họ không muốn thấy Rafea và các phụ nữ khác trở thành người mang lợi tức về cho gia đình và làm suy giảm quyền hành của họ.

Dù vậy, Rafea và những người đàn bà trong làng, những người được chị giới thiệu kỹ thuật năng lượng mặt trời, họ cho biết sẽ không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục phấn đấu. Đạo diễn Eldaief hy vọng cuốn phim sẽ tạo sự hỗ trợ cần thiết cho dự án đem năng lượng mặt trời đến các làng mạc còn sống trong bóng tối ở Jordan.  

TD