Nhiếp ảnh gia Justin Maxon (Photojournalist) trong lời mở đề của project hình ảnh “Mùi và Phả” (Hà Nội, Việt Nam – 2007) Anh viết:
“Những hình ảnh được ghi nhận về hai nhân vật Mẹ/con. Mùi, một Phật tử, đã sống vô gia cư trong 5 năm trên đường phố Hà Nội với con trai năm tuổi của mình, Phả. Ở Việt Nam, đời sống của người phụ nữ phụ thuộc vào chồng, và không may Mùi đã mất đi hai người chồng trong quá khứ. Cha Phả chết vì sử dụng ma túy, và người chồng thứ hai của Mùi đã được đưa vào viện tâm thần. Nếu không có một người đàn ông để bảo bọc, họ phải tự thân nuôi sống. Họ ngủ trên những manh chiếu rách trên sàn đất lề đường, vơ vét thức ăn ở những đống rác. Và dù phải đối mặt với những thử thách hàng ngày, họ vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc trong tình cảm dành cho nhau…”

Say giấc – Nhiếp ảnh gia Justin Maxon
Với tác phẩm này, Justin Maxon giành được giải World Press Photo về thể loại đời sống thường nhật.
Như mỗi hình thức nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng, nhiếp ảnh là một nghệ thuật không lời nhưng thể hiện đầy đủ những cảm xúc phức tạp nhất của con người. Những tác phẩm của Justin Maxon, với tôi không mang lại những cảm giác “xé lòng”, dẫu những trần trụi về một đời sống vô gia cư nghèo khổ vẫn luôn đem lại sự cảm nhận đầy thương cảm. Những tác phẩm của Justin Maxon, ẩn chứa trực cảm tinh tế từ mọi góc cạnh đời sống homeless. Hình ảnh mẹ con chị Mùi tắm sông, chị Mùi “cạo” đầu cho nhóc Phả; cho con “tè” trong cái tô nhựa… hay ảnh xin ăn trên đường phố. Qua góc nhìn của Justin Maxon, những con người khốn khổ ấy, vẫn cứ vô tư với hạnh phúc đơn giản bằng tình cảm mẹ con chân chất. Những ngữ ảnh thật của một cuộc đời bên lề xã hội đã chẳng lấn át đi “thông điệp” của một tình cảm sâu xa của một người mẹ “tâm thần”. Thế giới của Phả chỉ có mẹ và mỗi ngày được tắm sông đến tám tiếng đồng hồ. Với chị Mùi thì, “…Và trong cái tình cảm mẹ con nà có một núc ôm con mà cảm thấy thương con đến lồng làn, có một núc như thế. Phả nà nhất…” (Lời kể của chị Mùi qua đoạn ghi âm của Justin Maxon). Một “bố cục” hình ảnh cu Phả lưng tựa tường gạch cũ, mắt ngóng dòng xe cộ xuôi ngược. Cái cảm giác cô độc của tuổi thơ không nhiều vô tư, không mái ấm; man mác buồn, những cảnh đời rất thường gặp như thế ở VN.

Kỳ lưng cho Mẹ
Justin Maxon, sinh năm 1983 ở thị trấn nhỏ miền Bắc California. Khi học trường báo chí tiểu bang San Francisco, mơ ước của anh là khám phá những ẩn số khác nhau về sự thật trong sự tồn tại đầy những mâu thuẫn của nhân loại. Tuy nhiên, gần đây, công việc đã chuyển hướng khám phá những vấn đề riêng tư hơn, nơi mà trí tưởng tượng người nghệ sĩ đã trở thành đại diện cho một trường phái “trừu tượng” của cuộc sống chính mình.
Những điều Maxon “thấy”, không lạ. Vẫn là đề tài chân thực về những vấn nạn của xã hội. Trong project “Addiction and Reckoning” Maxon viết, “Cuộc sống là sự tàn phá trong một chu kỳ nghiện ngập của những con nghiện ma túy ở quận Tenderloin, San Francisco. Project nhiếp ảnh này đã khám phá sâu xa những rối loạn tâm sinh lý của những con nghiện nơi này. Thời niên thiếu, tôi đã mắc phải vòng nghiện ngập. Những bóng ma của quá khứ vẫn còn lai vãng trong tiềm thức. Để gắng vượt qua, tôi sử dụng kinh nghiệm của những ‘dân nghiện’ để phản ảnh hồi ức của chính mình…”

Đăm chiêu
Tự bạch bằng những suy cảm của ngữ ảnh. Nghệ thuật nhiếp ảnh của Justin Maxon đầy những ám ảnh về góc cạnh đen tối của xã hội. Tôi nhớ đến bài phóng sự, đề tài là project hình ảnh của một con nghiện ma tuý tên Wu Guilin, vật vờ trong 19 ngày cuối cùng của cuộc đời. Những hình ảnh lê lết, nằm gục trên lề đất, đến cả nơi trú ẩn trong căn phòng hoang tồi tàn. Wu Guilin và cái chết cô độc. Những dòng chữ cuối cùng trên mảnh giấy nhỏ, trong góc phòng chỉ còn kim tiêm và máu. Xác của Wu được đưa về nhà xác Huidong.
Khác với Herri Cartier-Bresson, người được xem là “the godfather” của thể loại photojournalist, ông “khai nhãn” thế giới qua lăng kính bằng cái nhìn “See the world like a painter”. Cái nhìn về thế giới quanh ông là cái đẹp của một tuyệt phẩm hội họa, không u ám. Nghệ thuật nhiếp ảnh cũng có những “ám ngữ” riêng, ví như một “họa phái lập thể”. Ở đó, đối tượng được mổ xẻ, phân tích, và kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Ở những tác phẩm của Justin Maxon là lập thể của những mảnh sắc đen tối từ những mảnh đời tận cùng của xã hội.
Giá trị nghệ thuật của một tác phẩm là một điều khó lý giải. Bởi nghệ thuật không là quy tắc, định luật. Nó thuộc về “bản năng” của người nghệ sĩ. Nghệ thuật sử dụng cảm xúc nhiều hơn tri thức.
Thế giới của người nghệ sĩ không giới hạn. Nó có thể đi rất xa, hoặc chỉ cách vài bước nơi họ ở. Nhưng ưu điểm của nghệ thuật nhiếp ảnh, không để “biến” một NAG thành một nghệ sĩ, mà để thúc đẩy họ tìm kiếm những khía cạnh mới lạ…
Có người hỏi tôi rằng, làm thế nào để phân định một tác phẩm nghệ thuật. Tôi thường ngắm trăng vì hai lý do rất đơn giản: một, là vì nó sáng đẹp, hai là vì ta chẳng thấu hiểu (quái gì) về nó cả!

Màn trời chiếu đất
Website. www.hanhphoto.com