Menu Close

Nỗi buồn hoa phượng

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn, không nên đọc tiếp câu chuyện thật là không đâu này. Nó không thơ mộng hay gợi đến một điều gì đó khiến lòng man mác buồn như nhạc sĩ Thanh Sơn đã gửi gắm trong một ca khúc của ông. Tuy nhiên, nếu ai đã từng học trung học (high school) ở Mỹ, có thể cảm thấy tiếc nhớ một chuyện đã làm hoặc không hề làm. Chuyện mới xảy ra vào hôm Thứ Tư cuối Tháng Bảy vừa qua tại Daytona Beach ở tiểu bang Florida.

Chuyện chỉ có hai người. Có lẽ họ mới tốt nghiệp trung học; cậu Vincent Ewell chỉ 18 còn cô Lindsay Longbottom mới vừa 19. Hai người chở nhau ngang qua trường trung học Mainland thì bỗng thấy buồn… buồn. Không rõ có phải là trường cũ của họ? Nếu là trường cũ cũng không biết lúc trước họ đã từng hò hẹn với nhau gì chăng? Cũng chẳng rõ họ có hỏi lá hỏi hoa như nhạc sĩ Duy Khánh năm xưa. Họ chỉ thấy im lìm vì trường đang còn nghỉ Hè. Họ xuống xe đi vòng quanh trường và thấy một cánh cửa quên khóa. Cả hai vào bên trong rồi làm cái chuyện mà nhiều người đã từng là học sinh trung học ở Mỹ thường cảm thấy tiếc nhớ đã làm hoặc không hề làm. Họ làm chuyện đó như thể:

Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!

Đến nỗi, sau đó, họ phải phá một máy bán nước tự động trong trường để thỏa mãn cơn khát. Đến khi cả hai vui vẻ chuẩn bị lên xe ra về thì cảnh sát vừa ập đến. Lindsay khai với cảnh sát rằng họ phải vào trong trường làm chuyện đó để bạn trai (là người khác) của cô không biết. Lý do này có khả tín hay không nhưng chắc chắn đã không làm cho cảnh sát cảm động. Thành ra, cả hai bị bắt giam với tội ăn trộm. Nhiều cảnh sát Mỹ cũng có lòng trắc ẩn. Đôi khi giải thích có tình có lý họ cũng lơ cho hoặc không làm sự việc trầm trọng thêm. Lẽ ra, cô có thể khai rằng suốt mấy năm ở trung học hai người phải lòng nhau… âm thầm đến khi tốt nghiệp mới biết. Giờ họ phải giã biệt bạn lòng vì nay xa cách rồi mà muốn nhớ mãi một kỷ niệm nhưng không có. Nghe vậy thế nào cũng có cảnh sát viên cảm thấy buồn nhớ, luyến tiếc những chuyện chính mình đã làm hoặc không hề làm thuở còn đi học. Nhìn cậu Vincent và nghe cô Lindsay… ỉ ôi, nhiều khi cảnh sát suy bụng người ra bụng ta mà cảm động không nói nên lời, hất tay ra dấu… đi đi!

altalt

Vincent Ewell và Lindsay Longbottom tại nơi tạm giam.

Dĩ nhiên cơ hội gặp được một viên cảnh sát lãng mạn như vậy không dễ nhưng xác suất một thanh thiếu niên Mỹ có tâm hồn lãng mạn để có thể nghĩ ra một lời khai như thế lại càng thấp hơn. Chuyện tình cảm của những cô cậu học trung học Mỹ thời nay không được vẻ thơ mộng như những thế hệ trước. Tâm hồn họ như bị kỹ thuật hóa, điện số hóa. Hình như đấy cũng là trào lưu hiện nay trên thế giới; ngay như ở Việt Nam bây giờ cũng thế. Có học sinh nào còn thấy màu hoa phượng thắm như máu con tim, tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng? Văn hóa học đường giờ đã khác; phản ảnh sự thay đổi của xã hội. Cho nên chẳng phải nói thậm xưng, không phải nhạc sĩ Thanh Sơn mà chính văn hóa thời ấy đã sáng tạo ra Nỗi Buồn Hoa Phượng. Không phải Quốc Hùng chế ra bài hát Con Gái Bây Giờ (thích làm duyên) hay như Ngọc Lễ tạo ra bài hát Con Gái (nói có là không). Chính văn hóa (và giáo dục) đã đẻ ra chúng.

Nói gì thì nói, nếu ai đã từng học trung học ở Mỹ, khi nghe câu chuyện của cô cậu Lindsay và Vincent, có lẽ sẽ cảm thấy tiếc nhớ không… chừng!

Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu
Giờ như nước trôi qua cầu…