Menu Close

Chiếc ghế cũ

Hồi mới qua Mỹ, hiền nội là Dung và Tim Nguyễn này thường đi garage sale để tìm mua đồ cũ. Chân ướt chân ráo tới một xứ giàu sang, thấy cái gì cũng ham nhưng làm sao có tiền mua nên phải đi mua đồ người ta bỏ ra vậy. Cái giá để báo cũ, đồ để napkin, những bình nến còn y nguyên, cái khung hình, ngọn đèn đầu giường ngủ v.v… Trong số những đồ mua được có cái túi xách da bò, Tim xách đi za-zu ta bà tám hướng có tới vài năm, và đặc biệt một cái ghế cũ mà vợ chồng Tim rất thích.

 

 

Cái ghế ấy bằng thứ gỗ màu vàng rất chắc, lên nước thật đẹp, lưng ghế hơi cong, mặt ghế lõm xuống một chút nên ngồi êm lưng, êm mông vô cùng. Cái ghế đối với tụi này rất đỗi thân thương. Buổi sáng vợ Nguyễn thường ngồi trên ghế, bưng tách trà thơm, uống từng ngụm nhỏ, có lẽ nàng đang mơ màng với những kỷ niệm êm đềm. Còn Tim này thì gần gũi với cái ghế nhiều hơn: chiều, tối, đêm khuya – lúc trăng lên, tuyết xuống, hoàng hôn nhuộm tím chân trời, trận thunderstorm ầm ầm kéo đến… Ngồi với tách cà phê hay ly rượu đỏ trên tay. Những bài thơ ở phần cuối của tập Tôi Cùng Gió Mùa phần lớn là làm trên chiếc ghế gỗ ấy có bóng vợ hiền và bạn bè thấp thoáng trong đó: Cây Redbud và Chim Tháng Tư, Con Chim Màu Đỏ, Hoa Bluebonnet và Nắng Thơ Tôi, Tempe… Thơ Qua Hoang Mạc… Nay hiền nội không còn nữa, thỉnh thoảng Tim vẫn ngồi trên cái ghế cũ, nghĩ tới bóng mây hạnh phúc đã qua.

Cái ghế mua ở garage sale ngày ấy còn gợi Nguyễn nhớ tới nhiều điều. Một hôm, cách đây có đến mười lăm năm, Tim và Dung đọc Reader’s Digest thấy đăng một cái truyện thật ngắn. Truyện in hình một người đàn ông ngồi trên cái ghế giống hệt cái ghế của Nguyễn, ông ta ngồi cô đơn trong chiều tà. Chuyện kể người đàn ông có vợ vừa mới chết, ông cứ ngồi yên lặng như thế trong lúc hoàng hôn xuống qua rất nhiều ngày. Tới một hôm cả người đàn ông và cái ghế bốc cháy. Tim Nguyễn nói đùa với vợ: sau này em chết trước, anh cũng sẽ bốc cháy như người đàn ông kia. Vợ cười: Nói xạo, cái miệng nghe dẻo quẹo, thấy ghét. Nay vợ không còn nữa, Tim này nhủ thầm nếu nhớ thương mà có thể làm người ta bốc cháy thì anh đã cháy tiêu từ lâu. Một cái hình nữa cũng làm Tim lưu ý và xúc động: Hình Boris Pasternak lúc lên 8 lên 10 ngồi chăm chú chép bài trên một chiếc ghế giống hệt ghế của Nguyễn. Cậu ngồi thật dễ thương, hai chân chéo lại dưới ghế. Bao năm qua rồi, với tuyết rơi nắng đổ, rồi chia ly và cái chết, tấm hình vẫn còn trong cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Pasternak. Và trong trí nhớ của Tim này.

Vẫn chuyện về chiếc ghế cũ, chuyện đã đăng trên báo Trẻ một số trước. Một hôm John đi học về, mẹ đang nấu ăn trong bếp, ông nội Pop-Pop đang đứng nhìn đất nhìn trời. Chợt ông nói: “Khi con chim sơn ca hót…” Ông dừng lại. Mẹ của John nối lời ông. “Mùa xuân đã về.” Và bà bảo John ngày mai là ngày nghỉ, John sẽ phụ bà dọn dẹp nhà cửa đón mùa xuân. John đồng ý.

Ngày hôm sau, mẹ và John ra công quét dọn. Mẹ bảo John giúp mẹ khuân cái ghế cũ của ông để ra ngoài lề đường để xe rác chở đi. Ông đứng gần đó thấy thế vội la lên: “Không được! Các người không được mang cái ghế của tôi đi.” Mẹ năn nỉ ông: “Cái ghế đã cũ và hư. Bỏ nó đi Pop-Pop ơi, rồi con mua cho ông một cái ghế mới.” Ông nhất định không chịu, cố gắng kéo cái ghế về chỗ cũ, nói: “Tôi không cần ghế mới. Tôi chỉ muốn cái ghế của tôi thôi.” Cố gắng thuyết phục không được, mẹ đành chịu ông. “Thôi được, để đó, John. Tối cha con về mẹ sẽ bàn lại.”

Pop-Pop thở ra nhẹ nhõm, đến ngồi trên chiếc ghế và nhắm mắt lại.

John nhìn ông, hỏi: “Sao ông không bỏ chiếc ghế ấy đi. Nó cũ lắm rồi.”“Con không hiểu được đâu.” Ông lắc đầu nói. Một lát sau, ông kể cho John nghe những chuyện đã xảy ra có liên quan đến chiếc ghế: Ông đã ngồi trên chính chiếc ghế này khi tỏ tình với bà nội. Rồi cũng trên cái ghế này ông nóng ruột ngồi đợi đứa con đầu lòng là cha của John cất tiếng khóc chào đời. Nhiều năm sau ông cũng lại ngồi trên chính cái ghế này khi bác sĩ báo tình trạng bệnh nặng của bà. Rồi khi bà mất, ông vô cùng đau đớn nhưng cái ghế này đã mang lại cho ông sự ấm áp và an ủi. Giọng ông như vỡ ra khi nhắc lại chuyện cũ.

Giờ thì John đã hiểu. Chiếc ghế chính là người bạn của ông, đã cùng ông trải qua những buồn vui suốt một đời người.

Nhưng đêm ấy, khi Pop-Pop và John ngủ say thì bố mẹ lén khiêng chiếc ghế ra vệ đường. Trời có tuyết rơi. Buổi sáng, ông đứng bên cửa sổ nhìn ra đường, thấy cái ghế tuyết đã phủ trắng nằm chơ vơ. Ông chợt hiểu và khóc nấc lên. John vội chạy đến nói với mẹ: “Mẹ ơi, xem ông khóc kìa. Ta đem chiếc ghế vào cho ông đi mẹ,” Mẹ chạy tới ôm vai ông: “Con sẽ mua cho ông cái ghế mới mà!” Ông vẫn nức nở: “Không. Không. Ông chỉ muốn cái ghế này thôi.”

Cuối cùng, mẹ và John phải chiều ông, đi khiêng cái ghế vào đặt lại ở phòng khách, trước lò sưởi. Lạ chưa, căn phòng có cái ghế cũ bỗng ấm cúng và thân mật hẳn lên.

 

 

alt

 

Bảo Huân

 

(còn tiếp)