Menu Close

Nguy cơ khủng bố thời hậu 9-11

Những ngày trong tuần qua, có hằng chục Toà đại sứ các nước Tây Phương tại thế giới Ả Rập đã buộc phải tạm thời đóng cửa vì lý do an ninh, đề phòng khủng bố tấn công. Ở nhiều nơi, ngoại giao đoàn của các nước Anh Quốc (Britain), Pháp Quốc (France), Đức Quốc (Germany), Canada… đều im hơi lặng tiếng.

 

 

alt

 

Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Yemen vẫn còn đóng cửa dưới an ninh nghiêm ngặt.

 

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngoại giao, người ta đã đồng loạt bế kín cửa tất cả Toà đại sứ Hoa Kỳ trên toàn vùng từ Trung Cận Đông (Mid-East) đến Bắc Phi (North Africa). Trong những vùng ảnh hưởng, nhiều đơn vị biệt động quân bị cấm trại, và hằng trăm biệt kích thiện chiến được gởi đi bảo vệ an ninh cho  các Toà đại sứ. Đến ngày Thứ Sáu 9-8-2013, đa phần tái hoạt động bình thường. Duy nhất Toà đại sứ Hoa Kỳ tại Yemen vẫn còn cửa đóng then cài, báo động an ninh cao. Chánh phủ các nước Anh, Đức, Pháp, Hà Lan (Holland) cũng tiếp tục đóng cửa văn phòng đại diện ngoại giao của họ tại Yemen. Cũng hôm Thứ Sáu, Hoa Kỳ đã di tản toàn bộ phái bộ ngoại giao tại Lahore, Pakistan vì quan ngại an ninh.

 

 

alt

 

Cảnh vệ người Yemeni trên xe thiết giáp chận xét mọi người trên các ngả đường dẫn đến Toà đại sứ Hoa Kỳ ở thủ đô Sanaa. Ảnh Mohammed Huwais/AFP/Getty Images

 

Các phản ứng khẩn cấp tiếp theo tin tình báo mạng lưới khủng bố Hồi Giáo cực đoan Al-Qaeda có thể chuẩn bị các vụ phá hoại lớn. Đây là nhóm khủng bố gây nên vụ nổ Toà Tháp Đôi ở New York City ngày 11-9-2001. Nhóm này hiện do Ayman al-Zawahiri, một y sĩ người Ai Cập (Egypt) cầm đầu. Chính từ các liên lạc giữa Ayman al-Zawahiri và thuộc cấp đã dẫn đến những cuộc báo động cao vừa qua. Theo những tin tình báo được tiết lộ ra ngoài, đầu lãnh Al Qaeda đã ra lịnh cho đàn em phải “hành động ngay”.

Al-Qaeda do trùm khủng bố Osama bin Laden thành lập trên đất Pakistan dạo cuối thập niên 1980, chủ trương siêu bảo thủ, chống luật dân sự, muốn thay thế bằng luật Hồi Giáo khắt khe gọi là “Sharia Law”. Chiến lược của Al Qaeda là khiêu khích để Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương đổ bộ chinh phạt một nước Hồi Giáo, nhằm đục nước béo cò, gây lây lan bạo lực sang các láng giềng, xúi giục chiến tranh du kích tiêu hao quân đồng minh. Chinh chiến kéo dài có thể phá sản kinh tế Hoa Kỳ, kéo theo cả hệ thống kinh tế thế giới tuỳ thuộc vào Hoa Kỳ cũng sụp đổ. “Thánh Chiến” (Jihad) nổ ra khắp nơi, dẫn đến thiết lập nền cộng hoà Hồi Giáo trên toàn thế giới. Trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị Biệt Hải Hoa Kỳ hạ sát giữa năm 2011, nhưng khủng bố không vì thế mà chấm dứt. Trên thực tế, các phong trào “Thánh Chiến” có vẻ càng nảy nở, thu hút thế hệ chiến binh mới, đặc biệt tại Iraq, Syria, bán đảo Sinai, Bắc Phi, và vùng hạ Sahara bên Phi Châu.

Phương pháp và chiêu mộ của Al Qaeda. Những cá nhân Hồi Giáo cực đoan theo khủng bố được huấn luyện tại các trại huấn luyện của Al Qaeda ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Sudan, Syria, và nhiều nước khác… Al Qaeda có nhiều phương cách tấn công, phổ biến như nổ bom tự sát, nổ bom xe, nổ bom liên hoàn, gởi bom kèm theo quà tặng vào các dịp lễ, v.v… Các kỹ thuật mới hơn thì gài bom trong ống mực máy in, tẩm chất độc trong dầu thơm. Tình báo và an ninh thế giới cũng nhiều lần cảnh báo việc nhóm này tìm cách tiếp cận võ khí hóa học và võ khí sinh học. Al Qaeda cũng không ít lần thử gởi đi các chất hơi độc như chất “anthrax”, những võ khí có thể giết người hàng hoạt. Mới nhất, ngành an ninh lo ngại về loại thuốc nổ lỏng (liquid explosive). Nó có thể dễ dàng cất giấu trong hành lý xách tay của du khách dưới dạng dầu thơm, keo xịt tóc, y dược phẩm, nước giải khát, kem đánh răng, kem dưỡng da (lotion), v.v… hầu như bất khả phát giác đối với các máy dò kim loại hiện nay.

Mục tiêu thường bị khủng bố nhắm đến: các tuyến đường/trạm xe lửa vì có thể gây thiệt hại nhân mạng cao; các hải cảng, cơ sở năng lượng, cơ sở lọc dầu… có ảnh hưởng lớn đến kinh tế; các phi trường và trụ sở công ty hãng xưởng lớn cũng thường là mục tiêu. Nhưng thường nhất là các Toà đại sứ, bởi chúng là nơi đặt đại diện các sứ bộ ngoại giao, mang tính cách biểu tượng và tâm lý. Các Toà đại sứ của Hoa Kỳ đặc biệt bị để ý như đã thấy qua các báo động mới đây. Đáng nói là an ninh Toà đại sứ thường không siêu chặt chẽ như nhiều người tưởng. Vòng ngoài, bao gồm quán ăn, tiệm tạp hoá, tư gia, v.v… thường chỉ do nhân viên an ninh người bản xứ phụ trách. Chỉ có vòng trong cùng mới do một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến bảo vệ trực tiếp.

 

 

alt

 

Khủng bố nhiều lần thử đặt bom các chuyến bay từ phi trường Heathrow của London đến Hoa Kỳ. Ảnh Corbis Images

 

Đã từng có nhiều vụ khủng bố tấn công lớn nhắm vào Toà đại sứ sau sự kiện 9-11. Ngày 20-3-2002, 9 người chết và trên 30 thương tích trong một vụ nổ bom xe hơi gần Toà đại sứ Hoa Kỳ ở Lima, Peru. Ngày 14-6-2002, một chiếc xe tải đầy bom phát nổ bên ngoài Toà lãnh sự Hoa Kỳ ở Karachi, Pakistan khiến 12 người chết. Ngày 6-12-2004, các tay súng Al-Qaeda tấn công một sứ bộ ngoại giao ở Jeddah, Saudi Arabia, giết hại 9 người. Ngày 17-9-2008, hai chiếc xe bom nổ cùng lúc bên ngoài Toà đại sứ Hoa Kỳ ở thủ đô Yemen khiến 16 người thiệt mạng. Ngày 5-4-2010, khủng bố tấn công Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Peshawar, Pakistan, giết hại ít nhất 8 người. Ngày 11-9-2012, nhiều cuộc tấn công liên tiếp nhắm vào các Toà đại sứ Hoa Kỳ ở Cairo, Ai Cập (Egypt); Benghazi, Libya; Sanáa, Yemen… Thiệt hại nặng nhất khi khủng bố tràn ngập khuôn viên Toà lãnh sự Hoa Kỳ ở Benghazi — giết hại ông đại sứ Hoa Kỳ và 3 người khác.

Ngoài các vụ tấn công nhắm vào các sứ bộ ngoại giao, Al Qaeda còn nhiều vụ khủng bố bất thành khác. Năm 2003, Al-Qaeda toan tính thả hơi độc “Cyannide gas” trong hệ thống xe điện ngầm ở thành phố New York. Âm mưu bại lộ, nếu không khó lường hậu quả vì hệ thống này đưa rước trên 5 triệu lượt hành khách mỗi ngày. Sau vụ này, sở cảnh sát New York NYPD cũng chú trọng tăng cường bảo vệ an ninh cho các trạm xe điện hơn.

Tháng Ba 2004, khủng bố Al-Qaeda đánh bom một lúc nhiều xe lửa ở Madrid, Tây Ban Nha (Spain) khiến gần 200 người chết và nhiều người khác thương tích. Vụ này thậm chí khiến chánh phủ bảo thủ, thân Hoa Kỳ lúc đó, bị sa sút uy tín, mất nhiều phiếu bầu, bị hất khỏi chánh trường. Cũng năm 2004, Al-Qaeda định đánh  bom sàn chứng khoán New York (New York Stock Exchange), tổng hành dinh nhà băng Citigroup ở Midtown Manhattan, toà cao ốc Prudential Building ở Newark, New Jersey, trụ sở Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) ở Biệt Khu Thủ Đô Washington, DC, cũng như các mục tiêu khác ở London, Anh Quốc. Nhóm chủ mưu dự định cho nổ những chiếc xe limousine sang trọng nhưng chứa toàn thuốc nổ, đậu trong các tầng hầm, thậm chí có cả kế hoạch nổ trái bom tiểu hạch tâm còn gọi là “dirty bomb,” có chứa chất phóng xạ. Tám kẻ chủ mưu vụ này đang ngồi tù chung thân.

 

 

alt

 

New York Stock Exchange là một mục tiêu thường xuyên của khủng bố Al Qaeda.

 

 Năm 2010, một khủng bố người Mỹ gốc Pakistan, cảm tình với Al Qaeda, chế bom tính đặt nổ Times Square ở New York City. Bom bị xì trong chiếc Nissan Pathfinder nhưng đã khiến nhà chức trách di tản khẩn cấp hằng ngàn dân chúng. Qua điều tra, mới hay bom xì vì các chất liệu không đúng yêu cầu: khủng bố sợ mua đúng các chất liệu cần thiết sẽ dễ bị nghi ngờ.

Mới năm ngoái 2012, một thanh niên gốc ngưòi Bangladesh dự định nổ tung Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve Bank) ở New York. May mắn, trái bom nặng 1,000 pound là bom giả do nhân viên an ninh chìm của FBI giao cho khủng bố, nay đang ngồi tù chung thân.

Có thể thấy, qua các vụ khủng bố thất bại này, thực lực của Al Qaeda đã suy yếu nhiều. Trong vụ 9-11, nhóm khủng bố nhiều năm sống thoải mái ở Hoa Kỳ để huấn luyện, dùng tài trợ Al Qaeda đưa vào từ ngoại quốc. Ngày nay, cả hệ thống quân sự và tài chánh của Al Qaeda hầu như tê liệt. Al Qaeda chuyển sách lược sang khoét sâu lòng thù hận. Al Qaeda và các nhóm tương tự ngày càng thường xuyên dùng internet để tuyên truyền, lôi kéo các phần tử “khủng bố tại chỗ”. Những người này mắc bịnh… ăn cơm quốc gia thờ ma khủng bố, thường lớn tiếng bài bác Hoa Kỳ, ra mặt binh vực khủng bố. Đa phần không được huấn luyện về bạo lực hay sử dụng võ khí, và cũng không có phương cách để phá hoại. Phương cách phổ biến của FBI là… giăng bẫy chuột, với triết lý thà bắt chuột trước, còn hơn để Al Qaeda tiếp cận họ về sau này. Trong 10 năm từ 9-11, FBI và Bộ Tư Pháp truy tố và kết tội khoảng 150 người nhờ phương pháp dùng an ninh chìm, gài cho những người này bày tỏ âm mưu, rồi cung cấp võ khí, thậm chí trả tiền nhà, cho tiền tiêu xài trong thời gian chuẩn bị cho “Thánh Chiến”. Các vụ “bắt chuột” theo cách này từng xảy ra khắp nơi trên Hoa Kỳ: New York City, Chicago, Miami, Baltimore, Houston, Dallas, v.v…

 

 

alt

 

Một Toà đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Đông đóng cửa im ỉm suốt tuần qua.

 

Trong vụ thắt chặt an ninh mới nhất, xứ Hồi Giáo Yemen là tâm điểm chú ý. Hôm Thứ Tư tuần trước, trong vòng 48 giờ, quân đội xứ này phá vỡ nhiều âm mưu bạo loạn của Al Qaeda: kế hoạch đánh chiếm 2 hải cảng ở miền Nam, và tấn công một cơ sở năng lượng ở Shabua. Trên đường phố, hằng trăm quân xa và binh sĩ tuần tra suốt ngày đêm. Chiến xa và binh sĩ chánh phủ cũng được tung ra bảo vệ các Toà đại sứ, dinh thự chánh phủ, lẫn phi trường. Trong không đầy 2 tuần lễ, các chiếc phi cơ tự động (drone) của Hoa Kỳ đã loại khỏi vòng chiến ít nhất 12 người tình nghi khủng bố. Yemen là một trong hai nước có nhiều thành viên Al Qaeda và cũng thường bị Hoa Kỳ chiếu cố triệt hạ. Từ năm 2002, có khoảng 250 đến 370 tình nghi khủng bố đã bị loại trừ. Chương trình “Drone strike” trên bầu trời Pakistan bắt đầu năm 2004 đến nay cũng triệt hạ 2,500 đến 3,500 nghi phạm khủng bố.

Điểm lại các mưu đồ tấn công bằng mọi giá của khủng bố Al Qaeda để thấy các phương pháp cẩn trọng phòng ngừa của Hoa Kỳ và nhiều nước bạn đồng minh như trong tuần vừa qua không phải là không cần thiết. Nó có thể giúp cứu mạng nhiều người, là một bước cần thiết nữa trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

TD