Menu Close

Sắc màu cuộc sống

Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

 

 

alt

 

Làng màu sắc Gamcheon thuộc Busan thu hút rất nhiều khách du lịch đến xem (xin xem hình màu tại baotreonline.com)

 

 

Kỳ 18

 

Mùa hè đến. Công việc dạy học của tôi mỗi ngày có tiến bộ hơn. Học sinh rất thích những giờ đến lớp với cô giáo trẻ. Có lẽ cùng màu da và tôi trẻ nhất trong số các cô giáo nên được học trò yêu mến, nhất là nam sinh Trung học Phổ thông. Thế nhưng, khoảng thời gian làm việc ở Hàn không còn bao lâu nữa. Thời gian này tôi cố gắng tạo mối quan hệ giữa Kim và Irene để khi mãn hợp đồng, tôi có thể giới thiệu Kim với hiệu trưởng. Kim có ước mong xin dạy ở đây. Irene biết Kim qua vài lần gặp cô đến thăm tôi. Vì thế, hôm nay sẵn dịp chúng tôi tổ chức đi chơi ngày Dano Festival (Tết Đoan Ngọ) tại làng Gangneung, là cơ hội cho Kim thể hiện khả năng và sự giao tế để tạo mối quan hệ của mình với cô trợ lý chuyên môn của ông Peterson.

Irene có ý muốn xem phong tục truyền thống ở những vùng làng được truyền hình quảng cáo, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa tại Hàn quốc. Kim đề nghị nên đi Gamcheon thuộc thành phố Busan vừa thăm viếng những ngôi làng xưa trang điểm bằng tranh vẽ tường đầy màu sắc vui nhộn, tiện thể có tổ chức lễ hội Dano vui không kém những nơi khác. Hơn nữa đường đi Busan, Kim rành rẽ hơn. Đoạn đường từ Daejeon đến hai nơi tính ra bằng nhau. Irene tỏ vẻ ngạc nhiên những gì Kim nói “nghe hấp dẫn, một công hai ba chuyện, ai thích tắm biển cứ vui chơi thỏa thích. Tôi sống ở đây hai năm rồi chỉ biết mỗi bãi biển Busan chứ chưa bao giờ nghe nói đến làng Gamcheon mang đậm sắc màu cuộc sống đẹp đến như vậy”.

Xem ra Irene và Kim rất hợp trong những câu chuyện lan man trên đường. Irene thích tìm hiểu về đất nước và con người Hàn quốc thì Kim quả là đối tượng để Irene kết bạn. Cách sống gia đình cha mẹ Kim còn truyền thống. Kim hiền lành, tốt bụng, cầu tiến trong công việc, luôn nhìn đời qua lăng kính màu hồng với những ước mơ. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân Anh ngữ, dạy ở trường “Mầm non Quốc tế” có phí phạm năng lực quá không. Bản thân mỗi con người luôn phải tìm mảnh ghép đúng của riêng mình để hoàn thiện bức tranh ghép tổng thể trong cuộc sống. Còn không, hãy khuấy động nó lên. Cuộc sống cũng giống như một tách cà phê vậy. Bạn nhấp nháp thứ nước đen thơm tho ấy và thấy rằng nó đắng chứ không ngọt ngào. Bạn băn khoăn và mất thì giờ đi tìm câu trả lời tại sao tôi bỏ đường rồi mà nó vẫn cứ đắng cho đến khi uống cạn tách cà phê mới thấy đường không tan dính ở đáy cốc. Đừng mất thì giờ. Khuấy động cuộc sống lên, chính bạn sẽ làm cho cuộc sống của mình đầy hương vị, hãy tận hưởng tách cà phê cuộc sống của mình.

Người ta nói cuộc sống của người Hàn luôn gắn liền với màu sắc. Nhưng hầu hết sắc màu trong các món ẩm thực, trang phục hay trang trí ngôi nhà, mái chùa hay đơn giản hơn chiếc xe hơi đều mang màu nóng, lạnh. Khó tìm những màu trung tính làm dịu mắt, làm nhẹ nhõm tâm hồn con người vốn chi phối bởi ngoại cảnh xung quanh. Cũng như ngôi làng Gamcheon và Dongpirang ở Busan nếu không nhờ ý tưởng của nhóm TY Agenda 21 (nhóm thiện nguyện công tác xã hội bảo vệ môi trường sống) thì ngôi làng đẹp đẽ này có lẽ đã bị san bằng từ lâu nhường chỗ cho một công trình nào đó. Họ khuấy động cuộc sống bằng những mảng màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, tím, vàng… từ nóc nhà đến những con hẻm nhỏ, từ các bức tường đến các ô cửa sổ. Người ta gọi đó là cuộc sống trong những bức tranh và nhờ những sắc màu vui tươi ấy mà bao nhiêu ngôi nhà thoát khỏi cảnh khó nghèo giữa cuộc sống giàu nghèo muôn mặt trong xã hội kinh tế phát triển cao của Hàn quốc.

Chúng tôi ngồi quán cà phê vỉa hè trên con đường làng Gamcheon thưởng thức không khí tươi vui của ngày lễ Tết Đoan Ngọ. Đoàn người mặc áo Hanbok (trang phục truyền thống của người Triều Tiên) rực rỡ sắc màu diễu hành trên phố. Irene khuấy khuấy cốc cà phê, tiếng chiếc muỗng va vào thành tách nghe leng keng như tiếng chuông gió reo vui vọng lại từ xa. Tiếng lạch cạch của những đôi guốc mộc vang trên đường nhịp nhàng như nhạc điệu hợp tấu đưa chúng tôi lạc vào xứ sở thần tiên, trong những con hẻm mê cung sắc màu tô vẽ trên tường vách của hàng trăm ngôi nhà xếp hộp chồng cao dần lên đỉnh đồi làm du khách say lòng trong biển màu cuộc sống. Một bức tranh màu sắc lập thể và hiện thực do cuộc sống tự sáng tạo. Một đoàn xe lửa đi qua cầu, trời biển xanh tươi; dưới chân tường đàn cá tung tăng bơi lội, trên rào giậu bầy chuồn chuồn khổng lồ cứ đậu mãi. Tôi lấy tay nắm cánh chuồn vàng ối dưới bóng nắng mùa hè đang nhảy nhót trên tay. Màu vàng tượng trưng cho sự khám phá và tràn đầy hy vọng, đầy khí lực và tâm hồn lạc quan. Con chuồn chuồn đậu mãi không bay và những con chim xanh xanh cúi đầu nhìn xuống từ trên mái nhà như thầm mách bảo: “Hãy thả con chuồn về đồng xanh cỏ ngát. Hãy thả nó về bầu trời rộng mở tự do”.

 

 

alt

 

Phụ nữ Hàn mặc trang phục truyền thống Hanbok với trò chơi bập bênh dân gian trong ngày Tết Đoan Ngọ

 

Thực chất Gamcheon không phải là ngôi làng dành cho khách du lịch. Làng đã có mặt từ thời chiến tranh Triều Tiên. Nhiều thế hệ cư dân sống trong những mái nhà bê tông chật hẹp và nhiều người phải dùng chung nhà vệ sinh của làng. Nói chung, Gamcheon là một ngôi làng nghèo như bao làng nghèo trên đất nước Nam Hàn. Thay vì phá bỏ, người ta biến Gamcheon thành một không gian văn hóa bằng những sáng tác tự do, bằng những mảng màu sắc vui tươi để biến cuộc sống đơn điệu của cư dân làng được cải thiện tốt hơn như một giá trị xã hội dành cho làng.

Trên đất nước Hàn quốc, những ngôi làng như thế tách bạch trong các đô thị bao bọc ngồn ngộn bằng những khối bê tông cao chót vót, và người khá giả xứ Hàn xem như một mốt sống hiện đại. Làng chỉ còn là khái niệm của người già hoặc người nghèo không có điều kiện xa rời ngôi nhà thân thương ẩm thấp, cũ kỹ, chịu đựng qua nhiều thế hệ. Suy cho cùng, chính sách xóa bỏ cách biệt giữa nông thôn và thành thị chỉ có thể thực thi với những người nông dân có đất. Còn làng trong khu đô thị, không đất sản xuất, sống dựa vào công việc bán buôn hàng xén kiếm sống qua ngày, hoặc bán sức lao động trong các công xưởng, thì việc giải quyết nhà ở khang trang, tươm tất lại là một vấn nạn kéo dài muôn thuở. Và người ta cứ sống trong những ô hộp như thế cho đến khi nào trong ngôi nhà nhỏ vắng lặng còn lại mỗi nỗi niềm mong manh của những người già neo đơn, không ai chăm sóc.

Tuần rồi, Joanna gọi điện tán gẫu với tôi, sẵn tiện báo tin bà cụ bán rau cải dưới tầng chung cư chỗ tôi ở lúc trước đã mất rồi. Nghe nói bà cùng ông cụ cư trú trong một xóm lao động nghèo, con cái đi làm ở Seoul, một năm mới về thăm đôi ba lần. Seoul cách Daejeon bao xa, phương tiện đi lại dễ dàng nhưng gần như người già luôn bị con cái bỏ quên. Ông cụ tiếp tục công việc bà cụ để lại với mớ hàng xén rau củ kiếm sống và đối mặt với cuộc sống xế chiều cô độc. Chế độ an sinh xã hội họ được hưởng gần như rất ít, ngoại trừ những người có đóng góp từ thu nhập lao động, được hưởng lương hưu. Chênh lệch giàu nghèo tại Hàn quốc thuộc hàng cao nhất thế giới thì thật khó mà tưởng tượng. Người già có phước được con cái chăm sóc hay bất hạnh phải tự đi bươn chải. Tôi nhớ khuôn mặt nhăn nheo in màu thời gian cùng nụ cười móm mém tưởng chừng hạnh phúc khi tôi ghé xuống chỗ bà tìm rổ cà chua hay dưa leo mới hái.

Irene kéo tôi về với những ngôi làng ở Seoul, thành phố hiện đại xa hoa, bộ mặt hào nhoáng của xứ sở kim chi luôn tỏa sáng trên những bộ phim truyền hình nhiều tập. Irene kể ở Trung tâm Seoul có ngôi làng Ewha cổ xưa hấp dẫn giới trẻ đến thưởng thức cà phê đường phố trên những con dốc quanh co bậc thang. Nơi này được xem như ngôi làng họa sĩ bởi khắp nơi từ trong nhà ra đến bờ tường đều trang trí bằng những bức tranh màu sắc sinh động. Cạnh làng gần nhà ga Hyehwa tập trung nhiều sân khấu kịch nghệ nổi tiếng biểu diễn ngoài trời, thu hút khách du lịch đến Seoul rất đông.

Kim giải thích những ngôi làng màu sắc ở Busan, Seoul hay các thành phố khác có được như hiện nay là nhờ phong trào “Cải thiện môi trường sống” của chính quyền thành phố. Tuy vậy, không phải chính sách cải thiện nào cũng thành công. Ngay trong quận Gangnam giàu có ở Seoul vẫn tồn tại một khu ổ chuột (shanty town) tồi tàn, rách nát. Hầu hết dân cư trong khu ổ chuột đều lớn tuổi, neo đơn. Trước kia họ là những người vô gia cư từ khắp nơi đổ về Seoul kiếm sống, cắm dùi, xây cất tạm bợ không có giấy tờ. Đến năm 1988, Seoul chuẩn bị tổ chức Thế vận hội, họ bị di dời đưa về khu Guryong, tiếp tục sống lây lất dưới những mái lều lụp xụp. Đến thế giới này, bạn chỉ thấy toàn màu đen tối, một thế giới tận cùng của người nghèo khổ. Guryong tựa như một thế giới bị bỏ quên sau một phần tư thế kỷ. Ấy vậy mà ngày nay nó lại là khu đất vàng ngay giữa quận Gangnam hào nhoáng. Chính quyền tiếp tục cho di dời, nhưng người dân phản kháng không chịu ra đi. Đã xảy ra những vụ tranh chấp cưỡng chế dẫn đến xô xát chết người giữa cảnh sát và dân thường. Nghe đâu chính quyền Seoul đang có kế hoạch xây dựng chung cư nhà ở xã hội để giải tỏa khu ổ chuột này. Hôm nào chúng ta có dịp đến Guryong một chuyến cho biết.

Cuộc sống muôn đời vẫn là thế, một bức tranh màu sắc xen kẽ niềm vui và nỗi buồn. Màu tối tăm của khu ổ chuột Guryong cũng chỉ là một mảng màu đen lẻ u sầu chưa được khuấy động lên với những gam màu tươi sáng khác. Rồi nó sẽ được thay đổi. Nhưng chừng nào thì có trời biết.

Chúng tôi ra biển chơi. Tết Đoan Ngọ cũng là ngày khởi đầu của mùa hạ. Người Busan kéo nhau ra biển tắm và đón ánh nắng ấm áp rất đông. Theo các nhà khoa học, vào ngày này mặt trời gần nhất với trái đất vào đúng giờ Ngọ (12 đến 1 giờ trưa). Bằng mắt thường nhìn lên bầu trời sẽ thấy rõ ông Trời cười tươi (câu này tôi nói). Và nó làm tôi nhớ ngày còn bé, cứ đến mùng Năm tháng Năm, bà Nội thường hay nhắc tôi nhìn lên ông Trời chớp mắt ba lần, sẽ không bị bệnh đau mắt đỏ. Tôi xoay sang bảo Kim và Irene gỡ đôi kính râm, nhìn thẳng vào mặt trời sẽ thấy sắc màu cuộc sống sinh động lắm.

Irene kêu lên: “Ôi chẳng thấy gì. Chói mắt quá! Chỉ toàn màu trắng thôi!”. Chẳng phải màu trắng là màu tinh khôi nhất trong các màu, là màu tổng hợp của các sắc màu đó hay sao.

NL