Hãy đến với nhau bằng lòng tử tế, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và đồng điệu. The Sound of Silence với đoạn mở đầu:

“Hello darkness, my old friend
I’ve come to talk with you again
Because a vision softly creeping
Left its seeds while I was sleeping…”
Vào một đêm của Tháng Hai năm 1964, ở tuổi 22, Simon ngồi trên sàn gạch trong phòng tắm dạo đàn phần nhạc điệu mà chàng đã soạn sẵn rồi, mở vòi nước và nghe tiếng nước chảy hòa với tiếng đàn trong bóng tối tĩnh lặng và để cho trí tưởng tượng phiêu bồng, sinh cảm hứng cho đoản khúc mở đầu. Simon đề cập đến bóng tối là “người bạn cũ” để chàng tâm sự khi chàng giật mình choàng dậy lúc nửa đêm bởi một cơn ác mộng với cảnh tượng lạ lùng, những hình ảnh khổ nạn đáng sợ vẫn còn lảng vảng trong đầu rất lâu.

Simon & Garfunkel thập niên 60 – nguồn weldbham.com
Đoạn lời ca kế tiếp cho thấy cảnh trí nơi cơn ác mộng đã diễn ra: vào ban đêm, chàng bách bộ trên con đường lát đá và dừng chân dưới ánh sáng đèn đường. Cảm giác se lạnh luồn qua sống lưng làm chàng kéo cao cổ áo để tránh bớt cái “lạnh và ẩm ướt.” Ngay lúc đó, một bảng hiệu bằng đèn neon bật sáng lên cho thấy trên thực tế không phải chỉ có một mình chàng, nhưng có “mười ngàn người hay có thể nhiều hơn”, tất cả tụ họp lại trong đêm lạnh:
“… In restless dreams I walked alone
Narrow streets of cobblestone
‘Neath the halo of a street lamp
I turned my collar to the cold and damp
When my eyes were stabbed by the flash of a neon light…
… And in the naked light I saw
Ten thousand people, maybe more…”
Ý tưởng bài nhạc mang tính triết lý và ẩn dụ, mặc cho người nghe giải đoán và hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nói chung, đó là một thông điệp về sự thiếu giao tiếp, thiếu cảm thông giữa con người với nhau hoặc giữa con người với thượng đế. Simon viết lên bản nhạc này trong thời điểm biến động chính trị sau hai vụ Tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng thống John Kennedy bị giết chỉ cách nhau trong vòng ba tuần lễ vào Tháng 11 năm 1963 với tin tức tường thuật dồn dập trên truyền thanh truyền hình.
Simon bắt đầu soạn lời và nhạc một thời gian sau vụ ám sát ấy, nhưng chỉ hoàn tất được những nốt nhạc, còn lời thì vẫn còn lủng củng. Cuối cùng, vào Tháng Hai năm 1964, lời nhạc được hoàn tất và ngay sau đó, Simon & Garfunkel đã trình diễn lần đầu tiên tại một câu lạc bộ ở Nữu Ước. Một tháng sau đó, họ thu âm vào đĩa và phát hành vào Tháng Mười. Nhưng họ không gặt hái được sự thành công với album ấy và đã rã đám ngay sau đó. Năm sau, Simon sang Anh quốc và thường trình diễn đơn ca bản nhạc này tại các câu lạc bộ, thâu âm vào đĩa nhựa lần thứ hai vào Tháng Năm năm 1965.

Trong một cuộc phỏng vấn rất hiếm hoi, Simon cho rằng chàng không cố ý tạo cho lời nhạc mang một ý nghĩa sâu sắc bí ẩn nào cả. Sáng tác bằng cảm hứng; ý tưởng và ngôn từ nảy ra bất chợt. Chàng cho biết lời ca nói lên cảm giác hoang mang lo lắng và thất vọng của tuổi trẻ khiến họ thờ ơ trước những vấn đề xã hội. Nhưng giới nghiên cứu cho rằng Simon, cùng với Garfunkel trong cặp song ca, đều là người Mỹ gốc Do Thái, có tư tưởng sâu rộng thâm thúy và thông hiểu kinh thánh.
Trong khi đó, ông bầu của Simon & Garfunkel tại Columbia Records ở Nữu Ước là Tom Wilson nghe bài nhạc đó được phát thanh tại hai tiểu bang Massachusetts và Florida. Tháng Sáu năm 1965, Wilson mang bản thu âm lần đầu hòa lại với ban nhạc khác. Bản nhạc “remix” này được tung ra thị trường mà không có sự tham khảo ý kiến trước với đôi nghệ sĩ Simon & Garfunkel bởi lúc bấy giờ họ đã tách ra riêng, mặc dù họ vẫn còn giao kèo với Columbia Records.
Simon biết bản nhạc của mình được vào bản xếp hạng đầu chỉ vài phút trước khi anh trình diễn tại một câu lạc bộ tại Copenhagen, Đan Mạch. Cuối thu năm 1965, Simon trở về Mỹ. Cuối năm 1965 và đầu 1966, bài hát đứng đầu trong các bảng xếp hạng tại Mỹ. Simon và Garfunkel tái hợp và cùng nhau chia sẻ nguồn lợi tài chính cao nhất từ sự thành công bất ngờ của bản nhạc đã đưa họ lên đỉnh cao danh vọng. Với hai bài nhạc khác là “I am a Rock” và “Homeward Bound” đều được xếp hạng cao, đôi bạn nghệ sĩ đã dành được ngôi vị đôi song ca ăn khách trong lãnh vực âm nhạc.
Năm 1999, Broadcast Music, Inc. mệnh danh bài The Sound of Silence là bản nhạc đứng hạng thứ 18 trong tất cả những bản nhạc được trình diễn nhiều nhất của thế kỷ 20.
Simon đã rất thông minh dùng nghịch lý cuộc đời, cộng với ngữ cảnh u buồn bí ẩn đã lôi cuốn, thách thức người nghe, và The Sound of Silence trở thành một bản nhạc được ưa chuộng mãi mãi.


Bìa những ca khúc nổi tiếng
PH