Menu Close

Thỉnh Nguyện Thư kết thúc với gần 150,000 chữ ký

Khoảng 700 người Mỹ gốc Việt tụ tập tại công viên Lafayette trước Tòa Bạch Ốc để hỗ trợ cho những người đang làm việc bên trong. Có những vị cao niên tuổi cửu tuần, các vị linh mục, các vị Thượng Tọa và cả những người đến từ xa như North Carolina, Texas, California, Canada, hay từ những bờ đại dương bên kia của Úc Châu, Pháp… Có những người chống nạng, có người ngồi trên xe lăn...

Bài tường trình của VAHF
Thái Hà & Ngọc Long & Triều Giang

alt

Lm Đinh Xuân Long cùng 20 người đến từ North Carolina

Tâm tình của người tham dự

Chúng tôi ghi lại đây những tâm tình và hình ảnh khó quên này, và xin chia sẻ cùng quý độc giả.

Linh mục Đinh Xuân Long cùng 20 người đến từ North Carolina cho biết Cha đến đây để vận động cho Việt Khang được thả tự do và quyền tự do tôn giáo cho Việt Nam. Chị Bùi Thị Hoa đến từ Nam Cali với chồng là anh Nguyễn Văn Đẹp và Thảo Mi con gái 10 tuổi cho rằng chiến dịch thỉnh nguyện thư là ngọn đuốc tình thương cho đồng bào tại VN.

alt

Khôi Nguyên

alt

Lưu Lê Ngọc và Ngô sĩ Liên

Anh Khôi Nguyễn đến từ San Jose nghĩ rằng hầu hết người Việt đều nghĩ đến quê hương đất nước vì ai cũng, nếu không có cha mẹ, anh em, thì cũng có bạn bè người thân còn ở lại VN. Nay có những người dám đứng lên, nhất là những người trẻ thì chúng ta có rất nhiều hy vọng.

Chị Đặng Kim Hạnh, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Georgia đến cùng phái đoàn 68 người cho biết vấn đề đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam là việc cộng đồng người Việt Hải Ngoại theo đuổi trong nhiều năm qua. Chị không có thì giờ để theo dõi qua truyền hình, phát thanh hay internet để biết về Việt Khang nhưng khi được giới thiệu trong hội Xuân vừa qua chị đã hưởng ứng ngay vì cảm thấy việc bị bắt và giam cầm chỉ vì sáng tác 2 bản nhạc là một đàn áp thô bạo không thể chấp nhận được. Qua hai ngày tham dự chiến dịch, ngoài một ít vấn đề về vấn đề tổ chức không đáng kể, chị và những người trong phái đoàn của chị đều cảm thấy vui và mang nhiều hy vọng. Cuối tuần này tổ chức Cộng đồng VN Georgia sẽ có một cuộc họp để rút tỉa kinh nghiệm và để tiếp tục cuộc vận động trong những ngày tới.

alt

Kim Hạnh,
Đinh Xuân Long, Nhạc Sĩ NV Thanh

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Hà, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Illinois, một cộng đồng có khoảng 30,000 người Việt, phát biểu: “Tôi rất vui mừng khi thấy người Việt chúng ta biết đoàn kết. Tôi cũng hy vọng mọi người hiểu được rằng đây chỉ là sự bắt đầu, và vạn sự khởi đầu nan”.

Tin tức về Việt Khang

Chị Bảo Khánh, phóng viên của đài phát thanh Việt Nam tại Sydney đến từ Úc cho biết: “Vé máy bay của tôi đã được đóng góp bởi nhiều thân hữu, những người rất muốn có mặt ở đây hôm nay nhưng hoàn cảnh không cho phép”. Chị cũng cho biết chị đã tham gia rất nhiều những cuộc biểu tình khắp nơi nhưng chưa bao giờ chị có sự xúc động lạ lùng như lần này, có lẽ bởi vì con số trên 130,000 chữ ký. Chị nghĩ rằng có hàng triệu người đang theo dõi từng bước chân của đoàn người Việt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn với một niềm vui và hy vọng. Chị Bảo Khánh cũng cho biết chị đã liên lạc với gia đình Việt Khang bằng điện thoại và được biết anh hiện bị giam giữ tại Phan Đăng Lưu, một trại giam tại Sài Gòn. Mẹ và vợ anh được phép gửi quà nhưng chưa được gặp mặt.
Anh là ai? và Bạn hãy cùng tôi!

alt

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Hà và Bảo Khánh

Bầu trời u ám và sũng nước của Thủ đô hôm ấy cũng không làm nguội được bầu nhiệt huyết rực cháy trong lòng của những người có mặt tại đây. Họ hát vang hai nhạc phẩm của Việt Khang: Anh Là Ai?, Việt Nam Tôi Đâu?, và những nhạc phẩm đấu tranh khác như Đáp Lời Sông Núi của Trúc Hồ, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang… Tiếng hát vang lên làm ấm lòng người và nóng cả góc phố trước Tòa Bạch Ốc:

“Tôi không thể ngồi yên
Khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng
Tôi không thể ngồi yên
Để đời sau cháu con tôi làm người
Cội nguồn ở đâu?
Khi thế giới này không còn Việt Nam?…”

Họ hô vang những khẩu hiệu “Freedom for Việt Nam”, “Free Việt Khang”, “Đả đảo CS”, “Human right for VN”…

Tiếng nói của nhà quán quân nhân quyền Lê Thị Công Nhân trước Tòa Bạch Ốc.

Phóng viên truyền thanh Bảo Khánh đến từ Úc Châu đã nối đường dây viễn liên với luật sư Lê Thị Công Nhân từ trong nước, mọi người lắng nghe giọng nói đầy xúc cảm của nhà quán quân nhân quyền: “Tôi rất tiếc đã không thể có mặt để cùng đấu tranh với đồng bào hải ngoại. Hoan hô tinh thần đấu tranh của đồng bào và rất mong lửa đấu tranh được tiếp nối …”

Những người bạn của nhân quyền cho VN tại Quốc hội
alt

Trong văn phòng Dân Biểu ILeana Ros-Lehtinen

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 6 tháng 3, 2012, khoảng trên 500 người được tập trung trước Tòa nhà Quốc Hội và Thượng viện. Họ được chia thành nhiều toán nhỏ để có đủ thì giờ đến càng nhiều văn phòng các dân biểu và nghị sĩ càng tốt. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và cựu Dân biểu Louisiana, Cao Quang Ánh đã có mặt tại tòa nhà Rayburn để hướng dẫn phái đoàn gặp một số dân biểu giữ chức vụ quan trọng như bà ILeana Ros-Lehtinen, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại (Foreign Affairs) quyết định vấn đề ngoại giao của Hoa Kỳ với các quốc gia khác. Một điều may mắn là DB Lehtinen là người Mỹ gốc Cuba. Bà tâm tình với phái đoàn rằng bà theo cha mẹ di dân đến Mỹ năm 8 tuổi nên bà rất am hiểu hoàn cảnh của người dân Việt Nam đang phải sống thiếu tự do và nhân quyền và nỗi nôn nóng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt cho quê mẹ ra sao nên khi nào bà còn ngồi trên chức vị hiện tại, bà quyết sẽ đặt nhân quyền vào hàng đầu khi giao dịch với CSVN.

Cuộc gặp gỡ với Thượng nghị sĩ John Mc Cain cũng thật ấm lòng. Vị dân cử từng là tù nhân của CSVN trong nhà tù hỏa lò Hà Nội nhiều năm, hơn ai hết hiểu được đời sống thiếu tự do của hơn 85 triệu người dân VN ra sao. Ông tỏ ra vui mừng khi nhìn thấy người dân Mỹ gốc Việt đoàn kết để tranh đấu cho một Việt Nam tự do, dân chủ. Ông cam kết đứng về phía người Mỹ gốc Việt tại Thượng viện trong cuộc tranh đấu này.

alt

Phòng họp Eisenhower

Trong khi đó, những nhóm khác tiếp tục thăm viếng các Dân biểu và Thượng nghị sĩ tại Thượng viện và ba tòa nhà Rayburn, Long Worth, và Canon của Hạ viện với những thỉnh cầu: khuyến cáo hành pháp áp lực VN, thả trên 600 tù nhân lương tâm, trong đó có Việt Khang, thông qua các dự luật nhân quyền HR 1410 đệ trình bởi DB Christopher Smith, HR 156 chế tài CSVN vì những vi phạm nhân quyền của DB Ed Royce tại Hạ Viện và dự luật S 1051 của Thượng nghị sĩ John Cornyn tại Thượng viện, không phê chuẩn đề nghị cắt kinh phí của chương trình Tiếng Việt tại đài VOA, khuyến khích và tạo cơ hội việc thành lập cầu nối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt để lắng nghe nguyện vọng của họ.

Buổi tiếp tân tại khu giải lao trong tòa nhà Rayburn quy tụ được gần 700 người, Dân biểu Ed Royce đã có mặt để chúc mừng và cam kết sẽ tiếp tục tranh đấu cho nguyện vọng của người Mỹ gốc Việt .
Cuộc trao đổi hơn một tiếng đồng hồ trong khung cảnh thoải mái đã khiến những cử tri Mỹ gốc Việt gần gũi hơn với các vị dân cử và toà nhà Quốc hội. Người Mỹ gốc Việt không còn cảm thấy việc tham gia vào chính quyền là chuyện xa vời không thể với tới. Buổi tiếp tân kết thúc vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày và chiến dịch Thỉnh nguyện thư cũng hoàn tất.

Vài cảm nghĩ của người viết

Ngoài những người Mỹ gốc Việt đổ về từ muôn phương, tám hướng chiếm đầy những hành lang của lưỡng viện, chúng tôi còn thấy những nhóm người khác tuy không đông đảo bằng nhưng trông rất thành thạo, như nhóm của người Mỹ gốc Do Thái, những người mà vị Thủ tướng của quê mẹ họ, ông Benjamin Netanyahu đã được TT Obama tiếp kiến hôm trước tại Tòa Bạch Ốc. Hoặc nhóm cựu quân nhân Mỹ với quân phục, và còn nhiều nhóm khác. Họ đến đây để vận động cho quyền lợi của họ và quê mẹ của họ. Trong một đất nước có hàng trăm sắc dân và có hàng nhiều vạn nhu cầu khác nhau, nếu có những người đến đây thường xuyên để tranh đấu cho quyền lợi và quê mẹ của họ, và nếu chúng ta tiếp tục vắng bóng tại những hành lang này, thì ai sẽ tranh đấu cho quyền lợi của chúng ta và quê mẹ Việt Nam yêu dấu của chúng ta?  

Cơ hội có thể làm một điều gì đó cho một Việt Nam tự do, công bình và nhân ái như trong tầm tay mọi người nếu người Việt chúng ta biết đoàn kết.

TH, TNL & TG
(VAHF) 3/2012