Menu Close

Mark Zuckerberg & tham vọng kết nối mạng toàn cầu

Thứ Tư tuần qua, sáng lập viên và CEO của công ty Facebook, Mark Zuckerberg, tung ra một dự án lớn lao. Phối hợp với Nokia, Ericsson, Qualcomm, MediaTek, Opera, Samsung, và nhiều công ty khổng lồ khác của kỹ nghệ truyền thông và kỹ thuật cao, Facebook muốn mở rộng mạng lưới máy tính toàn cầu. Tham vọng của Zuckerberg: làm cho mỗi một người trên hành tinh này đều có thể tiếp cận Internet. Điều này có nghĩa thêm khoảng 5 tỉ người sử dụng Internet trong tương lai.

alt

Đọc báo giữa sa mạc Phi Châu. Ảnh Ed Darack/Corbis

Kết nối mạng toàn cầu thoạt xem có thể thích hợp nhu cầu và thời đại Internet ngày càng phát triển, kỹ thuật ngày càng tân tiến. Lượng người sử dụng Internet ngày càng nhiều, ngược lại Internet cũng ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Một dự án to tát, táo bạo như của Facebook cũng không khỏi tránh nhiều hoài nghi về tính khả thi, và đủ loại cản trở kỹ thuật, tài chánh, văn hoá, chánh trị…

Ngày nay, người ta có thể dùng Internet để liên lạc, trao đổi, quảng bá thông tin, mua bán hàng hoá, tìm việc làm, kết bạn, đi học, chơi game, đọc báo, v.v… Tính đến tháng 10-2012, các trang mạng địa chỉ “.net” chiếm nhiều nhất, lên đến gần 375 triệu trang. Thứ nhì là địa chỉ “.com” với 200 triệu trang, trong đó có trang web riêng của Trẻ tại “baotreonline.com”. Toàn cầu cũng có trên 13.7 triệu trang mạng liên quan đến giáo dục với địa chỉ kết thúc bằng “.edu”.

Từ đầu thập niên 1990 đến nay, mỗi tháng lượng thông tin đi lại trên mạng lưới máy tính toàn cầu tăng lên theo cấp số nhân. Đến đầu thế kỷ 21, thông tin đã cao gấp 200 lần. Khoảng 1 thập niên sau, lượng thông tin trao đổi lại tăng thêm 137 lần. Riêng tại Hoa Kỳ, năm 2011, người ta chuyển tải lượng thông tin gấp 4 triệu lần năm 1990.

alt

Một tiệm thuê mướn Internet di động chạy bằng năng lượng mặt trời, tái chế từ một toa chở hàng phế thải, cách Nairobi (Kenya Phi Châu/Africa) khoảng 25 km.
 Ảnh Tony Karumba/AFP/Getty Images

Theo trang web “Internet.org” do Facebook và các hãng phối hợp vừa thiết lập, dự án mở rộng Internet có nhiều cơ hội thành công vì lý do kỹ thuật, tài chánh, lẫn nhu cầu thực tế. Kỹ nghệ thông tin và kỹ thuật cao dự báo, chỉ trong 5 hoặc 10 năm nữa, sẽ chuyên chở lượng thông tin gấp 100 lần ngày nay. Trên lý thuyết, các công ty phát triển mạng lưới truyền thông, các dịch vụ điện thoại vô tuyến, và cả các nhà sản xuất thiết bị điện tử cao cấp sẽ cộng tác với nhau đưa đến mọi bên đều có lợi: dịch vụ cung cấp Internet được thêm khách hàng; nhà sản xuất máy tính, điện thoại smartphone sẽ bán thêm nhiều sản phẩm, v.v…

Hiện nay, theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), chỉ 35% dân số toàn cầu (chừng 2.7 tỉ người) được sử dụng Internet. Tính chung qua thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, số người sử dụng Internet toàn cầu đã gia tăng hơn trước gấp 5.5 lần. Lùi lại thời gian vài năm trước, năm 2005, lúc dân số toàn cầu là 6.5 tỉ, còn đến 85% nhân loại chưa hề dùng Internet; năm 2010 dân số lên 6.9 tỉ, vẫn có 70% không biết Internet; đến 2013 cả thế giới tăng lên 7.1 tỉ người, nhưng số người chưa sử dụng qua Internet giảm còn 65%.

alt

Tỉ phú Mark Zuckerberg công bố dự án Internet toàn cầu. Ảnh Jeff Chiu, Associated Press

Riêng tại Hoa Kỳ, số người và hộ gia đình thiếu Internet dao động trong khoảng từ 20 đến 30%. Bắc Mỹ ổn định nhất về tăng trưởng Internet vì đã mở mang hệ thống này từ mấy thập niên qua, nay có khoảng 274 triệu người dùng Internet, chiếm 80% dân số, độ tăng trưởng 150%. Tương tự Hoa Kỳ, các thị trường tân tiến khác như Âu Châu và Úc Châu / Đại Dương Châu cũng tăng trưởng đều nhưng không cao (gấp 4 lần và 2 lần so với một thập niên trước).

Còn nhiều quốc gia nhỏ, chậm phát triển, có rất ít người từng nghe biết đến Internet. Đây cũng là những vùng tăng trưởng Internet cao nhất thế giới trong vòng thập niên qua. Số người Phi Châu (Africa) sử dụng Internet tăng gấp 36 lần, từ 4.5 triệu lên 168 triệu người, chiếm 15% dân số. Vùng Trung Cận Đông (Middle East) tăng trưởng sử dụng đến 26 lần, nay đạt 90 triệu người, khoảng 40% dân số. Vùng Mỹ Châu La Tinh và các hải đảo Caribbean tăng trưởng Internet gấp 13 lần, nay có 255 triệu người sử dụng Internet, khoảng 43% dân số. Á Châu (Asia) có khoảng trên 1 tỉ người sử dụng Internet, nhưng tỉ lệ so với tổng dân số chỉ cao hơn Phi Châu (27.5%).

Ngoại trừ đảo quốc bé nhỏ Bermuda lừng danh với kỹ nghệ du lịch và New Zealand kề cận Úc, danh sách những quốc gia khác có trên 90% biết dùng Internet đều thuộc về Âu Châu: Iceland, Na Uy (Norway), Thụy Điển (Sweden), Hà Lan (Holland), Đan Mạch (Denmark), Luxembourg, Phần Lan (Finland), và Liechtenstein. Nếu tính về số lượng người sử dụng Internet, các quốc gia sau đây dẫn đầu thế giới: Hoa Lục với 568 triệu (42% dân số); Hoa Kỳ 255 triệu (80%); Ấn Độ (India) 152 triệu (12%); Nhật Bổn (Japan) 100.5 triệu (80%); Brazil 99.5 triệu (50%); Liên Bang Nga (Russian Federation) 76 triệu (53%); Đức Quốc (Germany) 68.5 triệu (85%). Theo số liệu bán chánh thức, nước Việt Nam xếp hạng thứ 16 với hơn 36 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 40%.

Về ngôn ngữ sử dụng trên Internet, tiếng Anh bá chủ với 55%; kế tiếp là tiếng Nga 6.1%; tiếng Đức 5.3%; tiếng Tây Ban Nha (Spanish) 4.8%; tiếng Hoa 4.4%; tiếng Pháp (French) 4.3%; và tiếng Nhật 4.2%. Có thể nói Anh ngữ là ngôn ngữ Internet toàn cầu, vì chiếm đến 55% trong khi số người sử dụng Internet ở các nước nói tiếng Anh chỉ chiếm 27%. Ngược lại, cứ mỗi 4 người sử dụng Internet  thì có 1 người Hoa, nhưng tiếng Hoa chỉ được dùng khá khiêm tốn.

alt

Ngoài Facebook, còn các nỗ lực mở rộng Internet khác. Hãng Google có dự án “Project Loon” thử nghiệm truyền Internet vô tuyến bằng cách thả khinh khí cầu điện tử trên trời. Người sử dụng được gắn những chiếc bong bóng điện tử như trong ảnh, có thể tiếp nhận sóng Internet vô tuyến miễn phí.

Có nhiều nghi vấn như ai sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống liên kết toàn cầu, với phí tổn nhiều tỉ Mỹ kim mỗi năm, theo đề xướng của Facebook. Dự án cũng đòi hỏi nhiều đầu tư để cập nhật, thay đổi máy móc, nhu liệu, bảo đảm vừa mở rộng hệ thống thông tin vừa bảo đảm tốc độ lẫn hiệu quả. Tính khả thi của dự án trước hết gặp phải những vấn đề thuần kỹ thuật và pháp lý. Thí dụ trường hợp Phi Châu với đa phần đường truyền dẫn Internet phải thông qua Âu Châu: có khi đơn giản vì thiếu cơ sở, có khi vì độc quyền thương mại. Tuy nhiên, còn phải kể những vấn đề sâu xa như kinh tế, tài chánh, văn hoá, dân trí, v.v… Các khảo sát thị trường tiết lộ ba lý do chánh ngăn cản người ta dùng Internet: không có nhu cầu; tốn kém quá cao; hoặc thiếu phương tiện máy móc computer. Về lý do thứ nhất, đã có không ít khảo sát xã hội cho thấy những nguồn cơn sâu xa có thể bắt nguồn từ giai cấp xã hội, chủng tộc, hay học thức. Việc người ta có sử dụng Internet hay không khác biệt rất lớn giữa các sắc tộc, giữa các trình độ học vấn, giữa các bậc thu nhập cao thấp khác nhau…

Nỗ lực mở rộng Internet của Facebook cũng sẽ đụng độ bức tường thép từ những hệ thống chánh trị bảo thủ, độc tài. Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới (Reporters Without Borders) mỗi năm vẫn thiết lập danh sách “Kẻ Thù Của Internet” (Enemies of the Internet) bao gồm những quốc gia từng ban hành nhiều cấm cản, kiểm duyệt việc sử dụng cũng như bỏ tù người sử dụng Internet. Việt Nam nằm trong số này, cùng với Trung cộng, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Miến Điện (Burma)… Hà Nội “khoá cửa” nhiều trang web chỉ trích nhà cầm quyền, các trang của các tổ chức chánh trị hải ngoại, các tổ chức nhân quyền, v.v… “Công an mạng”, hay CAM, thiết lập “tường lửa”, kiểm soát dịch vụ Internet. Họ kiểm duyệt các chương trình chít chát như “Yahoo! Messenger” và có thể tự động xoá lập tức những dòng trao đổi giữa cá nhân với nhau mang tính cách “nhạy cảm” đối với nhà cầm quyền. Nhiều nhân vật từng dùng Internet bày tỏ chánh kiến đã bị tù đày như “Anh Ba Saigon” Phan Thanh Hải, Paulus Lê Sơn, “Điếu Cày” Nguyễn Văn Hải, hay Tạ Phong Tần cộng tác viên của Trẻ, v.v…

alt

Một tiệm “Internet Cafe” tại Hoa Lục ngày nay.

Cũng đã có nghi vấn rằng dự án mở rộng Internet của Facebook có phải là nỗ lực cho nhân loại hay đơn giản là tham vọng bành trướng thương mại. Chỉ mới 9 năm hiện diện trên thương trường, nay Facebook đã thu hút trên 1 tỉ thành viên. Facebook muốn gia tăng con số thành viên nhưng số người sử dụng Internet còn hạn chế, vậy giải pháp bắt buộc là phải mở rộng mạng lưới toàn cầu. Liệu sẽ có ngày Facebook sẽ kiểm soát không gian mạng lưới toàn cầu? Vì sao danh sách những công ty phối hợp với Facebook hoàn toàn vắng bóng những anh khổng lồ trong kỹ nghệ máy tính hiện đại như Google, Microsoft, Apple, v.v… ? Có người thậm chí so sánh tham vọng của Mark Zuckerberg với nỗ lực thúc đẩy chánh phủ mở mang đường sá quốc gia của tỉ phú Henry Ford trước kia. Với ông Ford, đường sá khang trang giúp đưa xe hơi Ford chiếm lãnh thị trường. Nhưng mặt khác, một phần vì điều này mà đến nay sự phát triển hệ thống giao thông công cộng tại Hoa Kỳ bị tụt hậu.

Trên thực tế, không chỉ Facebook – mà Ford, Microsoft, Google, hay bất cứ tên tuổi thương mại nào, đều chỉ bắt tay đầu tư vào một dự án nếu thấy có lợi nhuận về lâu dài. CEO Mark Zuckerberg là một người trẻ, mới 29 tuổi, nhưng đã kịp làm nên sản nghiệp khổng lồ trên $16 tỉ. Zuckerberg cũng đã yên bề gia thất với Priscilla Chan, xuất thân từ một gia đình người Việt gốc Hoa rời Việt Nam trước ngày Sài Gòn thất thủ tháng 4-1975. Nay nếu Zuckerberg muốn chinh phục thế giới với hãng Facebook do chính mình tạo lập, cùng lúc mang lại lợi ích cho nhiều tỉ người khắp hành tinh, cũng là điều tự nhiên và đáng ngưỡng mộ.

TD