Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Xa rồi những ngày dạy học và vui chơi ở Hàn quốc
Kỳ 19
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, tiệc vui nào rồi cũng sẽ tan.
Joanna, Stanley, Kim, Irene và tôi họp mặt chia tay quanh bàn thịt nướng. Chai đế trắng loại nhẹ nấu từ gạo nếp của xứ sở kim chi vơi dần với những câu chuyện cười trong nghề dạy học. Và chúng tôi cũng cạn dần những lời nói vui tai thay vào đó là khoảng lặng tràn đầy tình cảm long lanh lên khóe mắt. Không phải rượu làm chúng tôi tăng nhiều cảm xúc mà lời biệt ly nồng nàn làm cay nơi sống mũi. Buông sầu làm chi để xao xuyến người đi kẻ ở. Nhưng lời tạm biệt luôn cần thiết với bạn bè cũ mới trước khi ta có thể gặp lại nhau. Bao giờ, lâu hay mau chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai chưa biết.
Ngày mai đây, Stanley sẽ rời Hàn quốc. Tôi cũng vậy. Chỉ có khác Stanley về với quê hương Louisiana làm công việc trợ giảng theo lời mời của một trường đại học. Tôi bay về Sài Gòn thân thuộc vui chơi ba tuần, rồi bắt đầu cho chuyến viễn du các nước Châu Âu một tháng. Chương trình đã lên lịch, mọi thứ hành trang chuẩn bị xong, có điều chiều mai tôi sẽ ra sân bay Incheon một mình như lần mới đến cũng một mình trên chuyến xe buýt về Daejeon lạ hoắc. Thú thật, cảm giác của người ra đi kỳ lạ lắm, trái ngược cảm giác lần đầu tôi đến đây trong tâm trạng nửa lo âu nửa háo hức. Cái cảm giác vô hình giằng co níu kéo bước chân người ra đi cũng khác lần tôi bị sa thải tại trường chị Young, một đi không trở lại. Cảm giác đó xen lẫn chút tự hào, hãnh diện vì mình đã làm được điều gì đó có ích. Có thể, tôi được đặt đúng chỗ và có cơ hội phát triển khả năng dạy học mà trong thâm tâm tôi luôn cho nghề sư phạm không phải ý nguyện của mình khi theo đuổi ngành quan hệ quốc tế.
Cách đây mấy hôm, ông Peterson nhẹ nhàng thuyết phục tôi ký thêm hợp đồng một năm nữa với ưu ái, cấp vé khứ hồi bay về Mỹ hai tuần thăm gia đình và trở qua bắt đầu cho công việc năm học mới. Ông chìa ra những lá thư kiến nghị của học sinh mời tôi ở lại để tụi học trò được nghe những câu chuyện ngoài những gì có sẵn trong sách giáo khoa. Từ chuyện sông nước quê nhà, đi tu, té sông, cảm nhận cuộc sống, công bằng xã hội cho đến những câu chuyện có vẻ mang tính lý thuyết về khát vọng tuổi trẻ tôi lượm lặt trên mạng đem ra kể trong những giờ dạy học để kéo học trò gần hơn trong cuộc sống hiện thực. Tôi làm theo sự mách bảo của trái tim và trực giác với ý định mang chút sáng tạo vượt ngoài tầm giáo án cũng là điều tối kỵ trong khuôn khổ thời gian lên lớp. Với những định kiến khác cứng ngắc về giáo án, tôi có thể phạm sai lầm và một lần nữa bị sa thải vì không làm theo nguyên tắc. Nhưng với tấm lòng bao dung của ông Peterson và tình yêu mến của học sinh đã cho tôi tiếp tục đứng trên bục giảng.
Hiệu trưởng nói tôi có khiếu sư phạm sao không đi theo con đường dạy học. Thu nhập từ nghề dạy tiếng Anh ở Hàn không cao nhưng đủ cho mình tạo lập một cuộc sống nhẹ nhàng và học được nhiều điều từ một nền văn hóa tương đối gần gũi về lối sống vừa hiện đại vừa mang âm hưởng truyền thống Châu Á.
Tôi hoàn toàn không có ý kiến về thu nhập vì đối với tôi nó không quan trọng trong những vấn đề quan trọng nhất, mặc dù sau một năm làm việc tôi dư dả nhiều hơn những gì tôi tiết kiệm tại Mỹ. Nhiều giáo viên nước ngoài sống tại Hàn cả chục năm. Ban đầu chỉ “ham vui” đến xứ xa dạy kiếm tiền thoả mãn ý muốn du lịch đó đây, rồi ở lại, say mê với công việc. Joanna hay Irene chẳng hạn. Nhưng tôi là tôi. Tôi muốn làm điều gì đó để thử sức mình. Một năm dạy học trải qua có những lúc tưởng chừng như thất bại trong cuộc đời khiến tôi nghĩ tới định mệnh mình như vậy. Và nếu như xem năng khiếu dạy học là định mệnh trời cho thì tôi không coi đó là định mệnh “trời bắt tôi làm cô giáo”. Tôi cho đó là sự quyết tâm đối diện với khó khăn, với thử thách để chứng tỏ khả năng của mình. Tôi muốn chứng minh lòng tin có thể đánh bại tất cả. Khi người ta có lòng tin, làm những điều mình muốn làm, đi đến những nơi mình thích, sẽ thực hiện được những gì gọi là hoài bão. Thường thì người ta cho đó là sự thành công, là tìm được chỗ đứng của mình. Có một câu nói đại ý rất đáng cho ta suy gẫm “chỗ bạn đứng không quan trọng bằng hướng đi bạn muốn tới”.
Có lẽ khi đứng ở vị trí người khác đánh giá tôi có thể làm tốt công việc dạy học. Sao lại bỏ cơ hội mà những người khác từng hoài mong. Joanna từng thố lộ là thích công việc tại một ngôi trường nhà giàu. Kim không quan tâm đến lương bổng nhưng cố gắng tìm môi trường sinh hoạt ngôn ngữ ở một trường quốc tế. Ai cũng có mục tiêu mình hướng tới. Còn tôi, đến giờ phút này, tôi tự hỏi mình mong muốn điều gì, mình có mục tiêu nào trong cuộc sống, mình có kế hoạch nào đi tìm một nghề nghiệp thật tốt chưa? Chưa. Tôi vẫn loay hoay xây dựng giấc mơ của mình. Nói đúng ra, chưa tìm ra cho mình một lối đi. Tôi chưa xác định điều mình muốn tìm. Những mục tiêu trong đầu tôi chỉ mới nhen nhóm. Nó có thể thay đổi theo hoàn cảnh và tôi học được gì trên mỗi bước đường đi. Người ta ví von lối đi ngay dưới chân mình. Cụ thể là thế. Nhưng dưới chân tôi là một thảm cỏ xanh, không có lối mòn. Tôi đứng lại ngắm nhìn, mông lung suy tư. Tôi có ba phải với những suy nghĩ trong đầu lắm không.
Tôi chỉ có tính liều lĩnh khi bắt tay vào một công việc không phải sở trường của mình. Stanley bảo đó là dũng khí. Không biết anh chàng nói ra điều này có phải cổ vũ tính khí sôi động của tôi hay một lời nhận xét chân tình đối với một người bạn đã tốt nghiệp đại học mà vẫn còn phân vân chưa thấy con đường mình phải tiến thân. “Kiến thức đại học chỉ là nền tảng bước chân vào đời. Không nhất thiết học ngành gì, ra trường phải làm ngành đó. Có rất nhiều người phát triển ở lĩnh vực khác không dính líu chút nào đến mớ kiến thức nhà trường đã dạy”, Stanley muốn chứng minh điều gì đó và tự dưng nó trở thành đề tài sôi nổi xóa tan cái khoảng lặng trong buổi tiệc chia tay đang buồn rã ruột.
Irene là một ví dụ. Thạc sĩ tâm lý đi dạy tiếng Anh. “Được thôi. Cuộc sống bỗng nhiên lái hướng đi của tôi theo một con đường khác. Tôi không quay đầu bởi không có chướng ngại nào cản trở. Có gì phải sợ. Tôi cảm thấy trạng thái tự do bay bổng trong thời gian ra nước ngoài dạy học. Tôi không còn phải đắn đo với tiền bạc, thời gian suốt bao năm đầu tư cho mảnh bằng đại học. Rồi tôi quên nó, hăm hở lao vào công việc mới mẻ như bao thầy cô giáo đến Hàn quốc. Người đến, người đi nhưng tôi ở lại. Đến bao giờ tôi đi, chưa biết. Tôi chỉ biết rằng tôi làm được những gì là giá trị nhất cho cuộc đời mình”.
Tôi biết Irene nói điều này nhằm trấn an Kim. Kim muốn dạy tại Britain English Academy nhưng lòng lại do dự liệu mong muốn của mình có thành hiện thực không. Trường của ông Peterson từ nào giờ chưa ký hợp đồng với người bản xứ. Có mạo hiểm lắm không khi chấm dứt dạy trường của chị Young. Kim thiếu máu liều như tôi. Nếu sợ thất bại mà không dám liều, ta sẽ chẳng bao giờ biết đến thành công. Đường đi của Kim đã vạch sẵn ngay từ lúc đầu định hướng nghề nghiệp. Khác chăng môi trường, không thể phát triển bản thân theo mong muốn. Kim chơi với chúng tôi dần dần thay đổi những nghĩ suy co cụm trước đây rất nhiều. Bạo dạn hơn, chuyển hóa đầu óc linh hoạt hơn và không hài lòng với những gì mình đang có. Phải thay đổi liên tục, không dừng lại ở bất cứ khái niệm nào về cuộc sống. Hãy làm theo ý muốn của mình.
Hiệu trưởng Peterson cho Kim cái hẹn phỏng vấn vào chiều mai, cùng lúc tôi sẽ rời xa Daejeon bay về phương Nam. Tôi siết chặt tay Kim, hãy mạnh dạn tin vào khả năng của mình. Điều tôi làm được cho người bạn thân thiết đã giúp đỡ tôi rất tận tình trong thời gian tôi sống ở Hàn quốc chỉ có bấy nhiêu. Giới thiệu một người có thể thay thế vị trí của tôi với ông Peterson xem như đạt được năm mươi phần trăm thành công. Phần còn lại thực sự không khó với một người cầu tiến như Kim, luôn cố gắng tìm ra hướng đi cho tương lai. Irene đồng ý với cách nhận xét của tôi. Có thêm ý kiến trợ giúp của cô, Peterson chắc hẳn hài lòng với cô giáo mới người bản xứ. Kim là nhân tuyển thích hợp. Lúc trước ông cho tôi là một trường hợp đặc biệt, thì trường hợp của Kim cũng sẽ không ngoại lệ.
Mới cách đây một hai tiếng đồng hồ, tôi còn làm cô giáo. Tiết học cuối cùng, học trò bày tỏ tình cảm khi tôi phải xa rời lớp học thật cảm động muốn rơi nước mắt. Bọn nhỏ đề nghị ngày mai tổ chức một buổi đi chơi dã ngoại. Tôi đành cười trừ vì thời gian không còn nữa. Không còn thoải mái như hồi đi dã ngoại chia tay ở Thanh Đa trong lần tôi về Sài Gòn làm cô giáo phụ dạy tiếng Anh. Nhớ lần đầu tiên nghe học viên lớn tuổi hơn gọi mình là cô giáo. Tôi thấy hãnh diện không khác những lời đề nghị của thầy hiệu trưởng thuyết phục tôi ở lại. Nếu ở lại năm nữa, liệu cuộc đời tôi có thay đổi chăng, và nó có thể khiến tôi thành cô giáo thật sự? Không có gì xa xôi bằng cách đây một phút.
Đến Hàn dạy tiếng Anh đối với tôi là một cuộc vui như tôi đã nói từ đầu. Là cách thỏa mãn cho kế hoạch một chuyến đi xa và cũng là muốn trắc nghiệm cuộc sống một cách hiện thực. Va chạm cuộc sống, đấu tranh với những lúc tuyệt vọng, thành công và hạnh phúc. Tất cả những điều đó làm cho tôi trưởng thành hơn trên bước đường đời.
Chúng tôi cụng chén, chúc cho mọi người đều may mắn, thực hiện được điều mong ước. Còn lời nào hay hơn thay cho cuộc biệt ly. Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, tiệc vui nào rồi cũng sẽ tan.
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, tiệc vui nào rồi cũng sẽ tan.
NL