Bây giờ là tháng bảy ta. Tháng bảy mưa sa mù mịt những cánh đồng. Đó là thời tiết ở quê nhà vào khoảng thời gian này. Nó làm cho bầu không khí trở nên u trầm buồn bã, khiến ta nghĩ đến nhiều điều: những giọt nước mắt của vợ chồng Ngâu, bóng mẹ sầu u, những dặm đường lê, những kẻ tha hương chân trời góc biển và thập loại chúng sinh cùng văn chiêu hồn của Tố Như.
Trước hết trong tiết trùng thất 7 tháng 7, xin nhớ tới vợ chồng Ngâu. Ôi, chuyện tình của họ buồn quá như chuyện tình của anh và em vậy đó. Chuyện kể tiên cô dệt vải (Chức Nữ) và tiên cậu chăn trâu (Ngưu Lang) vì mải yêu nhau nên biếng nhác công việc, khiến Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi giận mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7. Ngày ấy, bước trên cầu Ô Thước -do đàn quạ đen dang cánh nối kết với nhau mà thành- hai vợ chồng không nói nên lời, nước mắt rơi mưa xuống sông Ngân… Do đó tháng bảy được gọi là tháng Ngâu (Ngưu) vầy.
Tháng bảy, Tim này xin hướng về chùa Già Lam lạy mẹ cha. Với ước vọng những cây ngọc lan vẫn còn trong sân chùa, tỏa hương. Và vầng trăng vẫn sáng như trong một bài văn mình đã viết ngày nào: “Từ bao giờ ý niệm mẹ là mặt trăng, là ánh trăng soi dặm trường, đã trở thành quen thuộc trong trí tưởng Nguyễn tôi. Nhớ lại năm 1979 ở trại tù Thanh Chương Nghệ Tĩnh, khi đi qua thảo nguyên nhớ đến mẹ, mình đã viết:
mai mốt mẹ qua vùng thảo nguyên
mẹ ánh trăng vàng trong truyện cổ
lặng soi trên mặt nước hồ gương
đi lang thang qua hàng bia mộ
khi cúi nhìn một cụm hoa lan
thương ôi. mắt nhung xưa còn mở
Hôm nay, một ngày tháng bảy ta, đọc Xứ Sấm Sét của Võ Đình, lại bắt gặp hình ảnh mẹ qua hình tượng mặt trăng:
…“Mỗi khi nghĩ đến mẹ, tôi thấy một vừng trăng tròn. Tôi vẫn cho đó là một hình ảnh độc đáo, chỉ riêng mình mới có. Mười mấy năm trước đây, đọc Nẻo Về Của Ý của Nhất Hạnh, tôi mừng rỡ thấy tác giả cũng cất giấu hình ảnh đó trong hồn… Nhất Hạnh thấy mặt trăng như một thực tại tuyệt vời. Mẹ còn, mẹ mất, ôi cái cảnh vô thường! Nhưng ngửa mặt nhìn trăng là còn thấy mẹ.”
Nguyễn tôi tự nhủ lòng: “Mặt trăng ơi, sáng mãi trong đời tôi. Cũng như mùi hương ngọc lan trong em mãi mãi gợi lên hình ảnh mẹ khi đi lễ chùa bên về.”
Những ngày này, ở nước ta, trời âm u, và mưa ở nhiều nơi. Mưa tháng bảy. Mưa của đất trời. Mưa trên cõi người. Những tiếng mưa buồn dội xuống mái âm dương, khiến nghĩ đến văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du. Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh buốt xương khô / Não lòng thay buổi chiều thu / Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. Tin bão Utor đang tiến vào Biển Đông làm tối sầm một góc trời quê xa. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy. Tin mới nhất cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, từ đêm 11 và sáng ngày 12 mới đây, Hà Nội hứng những trận mưa cực lớn, khiến nhiều nơi phố biến thành sông. Nguyễn tôi, với cái tâm từ bi vô hạn tiếp nhận được từ Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du, cầu mong đồng bào ở quê nhà thoát khỏi những tai ương do mưa bão gây ra. Nguyện cầu…
Bây giờ, trong tiết tháng bảy mưa gió ngàn trùng này, xin được trở lại với Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh tức Chiêu Hồn Ca. Hiện chưa rõ thời điểm sáng tác của áng văn này. Theo Wikipedia, trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn tràng để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Tuy nhiên, GS. Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết tác phẩm này trước cả Truyện Kiều, tức khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812). Người ta cũng được biết bản văn Chiêu Hồn được phát hiện tại một ngôi chùa ở miền Bắc. Nó mang màu sắc Phật giáo, lưu truyền trong chốn thiền môn; hoà quyện cùng tiếng mõ, lời kinh. Thế mà, càng nghe, càng chiêm nghiệm, ta càng nhận ra âm vang, màu sắc của cõi đời này.
Thật vậy, văn tế thập loại chúng sinh là một bài văn khấn tế, đề cập đến xã hội hồn ma vô cùng thảm thương. Đó là hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế, song khác biệt ở chỗ không có đối lập giàu nghèo, sang hèn. Chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn nên nhà thơ xót thương tất cả… Rõ ràng Nguyễn Du là người có trái tim lớn “chứa được bấy nhiêu tình thương nhân loại” và xã hội Lê mạt chính là nguồn nung nấu để hình thành nên tác phẩm… GS Phạm Thế Ngũ trước 1975 đưa ra nhận định: Bài văn cho ta thấy nơi Nguyễn Du một khiếu tưởng tượng phi thường hòa với một tình đồng cảm thật là bao la. Bao trường hợp chết chóc, bao nhiêu cảnh ngộ thương vong, tác giả phác họa ra, khêu gợi lên với những chi tiết lâm li thảm thiết…Cảnh loạn lạc…nhất là bệnh dịch, phu phen, mất mùa, đói khổ, người chết như rạ là một ám ảnh tai ách thường xuyên ở đời Lê mạt…Chính những thảm cảnh ấy đã là nguồn văn nguồn ý nung nấu thành Chiêu Hồn Ca…Nó khiến ta có thể xác định một lần nữa: Nguyễn Du là thi sĩ muôn đời của Thống khổ và Tình thương.
Nguyễn tôi, trong một bài tản mạn có tựa đề “Đường bạch dương chiều không quán trọ” cũng đã viết: “…đọc lại CHCTLCS của Nguyễn Du, chúng ta đặc biệt xót thương những cô hồn xiêu tán. Trước hết là những người lập chí cao -chí những lăm cất gánh non sông…- nhưng gặp “thế khuất vận cùng, mưa sa ngói lở” để rồi “máu tươi lai láng xương khô rụng rời… “ Với chúng ta ngày hôm nay, đó là những vị tướng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng… đã vị quốc vong thân. Tiếp đến là những cấp chỉ huy trong quân ngũ -Khi thất thế tên rơi đạn lạc / Bãi sa trường thịt nát máu rơi … Và rồi thời gian lạnh lùng trôi qua – Mênh mông góc bể chân trời / Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào? Hơn thế nữa, xót thương biết mấy, vong hồn của những chiến sĩ vô danh trong cuộc chiến dài gần hai chục năm ở quê nhà. Những người từng “Nước khe cơm vắt gian nan / Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời / Buổi chiến trận mạng người như rác / Phận đã đành đạn lạc tên rơi / Lập lòe ngọn lửa ma trơi / Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!..” Mặt khác, CHCTLCS của Nguyễn Du còn nhắc tới số phận oan khốc của những người tù: “Cũng có kẻ mắc đường tù rạc / Gửi mình vào chiếu rách một manh …” Đọc đến đây, chúng ta không thể nào không thương tưởng tới hàng trăm ngàn anh em của chúng ta sau 1975 đã phải chịu cảnh ngục tù Cộng Sản và nhiều người đã gởi nắm xương tàn nơi ven rừng, dốc núi. Cũng vậy, khi Nguyễn Du tả những hồn oan chết sông chết biển -Cũng có kẻ vào sông ra bể / Cánh buồm mây chạy xế gió đông / Gặp cơn giông tố giữa dòng / Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê- chúng ta nghĩ tới hàng trăm ngàn người chạy trốn CS, chấp nhận cái chết giữa muôn trùng sóng dữ… Trong mùa trai đàn, cúng tế này, xin dâng tuần nhang, bát nước cho những hồn u khốc ấy.”
Bây giờ, trong âm hưởng của văn Chiêu Hồn, xin nhắc lại một đoạn viết của Phan Thị Như Ngọc từng đăng trên Phố Văn. Ở những dòng của Như Ngọc viết trong một quán cà phê, ta sẽ thấy hiện lên không khí Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du trong đó có mưa dầm, ngọn đường lê và có lẽ cả “một đóa trăng tàn lẩn lút bay”, như trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Ôi, lòng ta đã nới rộng tới vô biên và đụng tới đáy hồn nhân loại rồi chăng?
“Tôi xin lỗi chàng (nhà báo Tây Âu), cầm tách trà đứng dậy, nhường chỗ cho thằng nhỏ mặc chiếc áo thun xanh chen vào bứt cỏ, đút vô hộp dế. Vạt cỏ ven đường hẻm chỗ thằng nhỏ hí húi, nở đầy hoa xa trục thảo khiêm tốn nhưng óng ánh vàng như mặt trời mới mọc. Tôi nhìn nó cho dế ăn hàng ngày, quen mặt. Hôm nay thằng nhỏ hái nhiều cỏ. Nó bảo con mèo ở nhà đau bụng, mẹ nói hái cỏ về cho mèo ăn với…
“Thằng nhỏ đi với bố. Bố nó không giúp con hái cỏ, không bắt chuyện với ai, ngồi với ly đen ngút khói. Gọi thêm cái đen nữa. Không uống. Nhưng rưới chậm rãi xuống cỏ. Mặt buồn hơn ngày mùa đông ở rừng. Chủ quán và tôi từng thấy nghi thức này. Mấy năm nay một kiểu như vậy, vào một ngày nhất định. Tay nhà báo về từ Tây Âu hất mắt ra ý hỏi. Tôi vắn tắt Cho các bạn ông ấy. Chết rồi sao? Không, nhưng ở bên kia. Thì cũng coi như chết chứ gì…Vạt cỏ lúc nãy thằng con hái những đọt non nuôi dế, chữa bệnh mèo, bây giờ nhớp nháp, lấp xấp cà phê đen. Cỏ chắc vẫn sống. Nhưng lòng người đau gì dai dẳng lạ. Mỗi năm một lần, tháng bảy âm lịch, như kiểu người ta xá tội vong nhân.
“Cuối Tháng Bảy, tivi truyền suốt ngày hình ảnh chiến sự Trung Đông và lụt lội, núi lửa, sóng thần, nắng hạn… Khắp thế giới lòng người sưng tấy cuồng nộ, ruộng đồng rách nát, sa mạc sần sùi kẽm gai hầm hào, thành phố sụp đổ hấp hối. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam bày ra êm ả vô cùng một mùa Vu Lan báo hiếu. Trời bắt đầu ngập ngừng thu, lòng người chùng thấp… Tầm này hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng đây. Sài Gòn không như đất Bắc có mưa dầm sùi sụt, có gió may hiu hắt dặm đường lê nhưng Sài Gòn vẫn có những giọt nước mắt con cái dành nhớ tưởng song thân đã khuất, nhớ tưởng- và cả cầu siêu- cho bao vong hồn uổng tử. Nguyễn Du viết Văn tế xưa kia chỉ kể thập loại chúng sinh mà đã khiến người nghe buồn đau tê tái. Bây giờ thập loại nọ nào thấm thía gì! Trái đất như con quái vật khát nước đói ăn, hàng ngày há miệng uống máu người, nuốt thịt người không chán. Mà cũng chính nó- chao ơi- từng là đất mẹ nuôi cây cối, sông suối, con người… hiền hòa biết mấy!
“Tháng Bảy này ai xá tội cho ai, xá bao nhiêu cho đủ, đọc Văn tế thập loại chúng sinh nữa ư, đọc nơi đâu, cho ai nghe giữa ầm ì đạn pháo và tiếng gào khóc, rú hét điên dại???
“Tôi không muốn tìm câu trả lời trong những cơ sở tôn giáo. Một mình tìm ra ven đồi cỏ, rưới cà phê, nằm xuống, sấp mặt rưng rưng, lời ủ hương hoa hồng trắng Song thân ơi, bạn bè ơi, chúng sinh ơi… chén đắng trên cỏ xanh này một mình xin uống. Kiếp này và muôn kiếp về sau. Nguyện cầu…”
TN