Menu Close

Vô tri hay vô cảm?

Thuở nhỏ, hễ ai đã từng đọc truyện của Andersen thì suốt đời không thể quên câu chuyện Bộ quần áo mới của Hoàng đế. Chuyện kể có ông vua nọ rất khoái ăn diện; suốt ngày cứ thay hết bộ này đến bộ khác. Một hôm, có hai gã tự xưng là thợ may đến yết kiến và xin may cho nhà vua một thứ quần áo đặc biệt; hễ kẻ nào ngu ngốc thì không tài nào thấy được bộ quần áo này cho dù đứng gần bên. Nghe thế vua mừng quá bảo chúng may liền một bộ. Vua ban nhiều vàng bạc để chúng đóng khung dệt và mua một loại tơ (bảo là) rất nhẹ; dệt thành vải mặc vào mà cảm giác như không mặc gì. Trong thời gian dệt vải, vua thường sai nhiều cận thần đến xem xét. Ai xem về cũng tâu lại là vải trông đẹp tuyệt vời. Đến khi tự vua đến xem thì thấy khung cửi trống không mặc dù vẫn thấy hai gã kia loay hoay… dệt vải. Vua sợ mọi người nghĩ mình ngu nên cứ khen đẹp đẹp rồi còn ban thêm vàng bạc cho hai tên này. Vải dệt xong thì hai gã thợ may đo đo, cắt cắt, khâu khâu (trông) rất công phu. Vua cứ nóng lòng đợi áo quần may xong để mặc đi dạo khắp kinh thành. Dân chúng nghe tin đồn về bộ quần áo cũng nôn nao chờ cơ hội được ngắm nghía. Hôm ấy, theo lời hướng dẫn của hai gã thợ may, vua cởi hết quần áo rồi mặc bộ ấy vào, đi bộ ngoài đường phố cho thần dân chiêm ngưỡng. Mọi người đứng hai bên đường và… im lặng nhìn. Không ai muốn để lộ cho người khác thấy mình ngu ngốc đến cỡ nào. Khi vua đi ngang qua một đứa bé được mẹ bế ra đường xem thì nó la lớn vua đang ở truồng. Vua lập tức leo lên xe ngựa thả rèm kín rồi về lại cung điện. Chuyện tưởng chỉ có trong tiểu thuyết nhưng ai ngờ lại thật sự đã xảy ra ở Trung Quốc mới đây.

alt

“Sư tử Phi Châu” của sở thú Henan Trung Quốc – nguồn npr.org – photo Scott Neuman

Vị hoàng đế này được xem là vua hoang mạc châu Phi. Ngài ngự ở một… sở thú của tỉnh Henan, trong một cái chuồng được gắn bảng hiệu “Sư tử Phi châu”! Có một cậu bé được mẹ dẫn đến chơi đã kinh ngạc thốt lên: “Sư tử gì mà rống như… chó (sủa) vậy?” Bà mẹ nghe (kỹ) thấy con mình nói có lý. Hóa ra, đấy là một con chó thuộc giống Tây Tạng. Chuyện vỡ lở khiến sở thú này phải (tạm) đóng cửa. Điều khó hiểu là tại sao nhiều người khác cũng đi sở thú ấy mà không ai nói gì? Đâu cần phải chờ nó… sủa mới biết đấy không phải là sư tử? Hơn nữa, sao ban quản lý sở thú lại dám liều lừa phỉnh người dân như thế? Phải chăng trình độ suy xét của người dân (sống tại) Trung Quốc bây giờ tệ đến thế sao? Nếu ở xứ sở có trình độ dân trí cao, không ai dám lường gạt như vậy vì biết chắc không thể lừa bịp được ai. Lẽ nào dân Trung Quốc (bây giờ) “vô tư” đến nỗi người ta nói gì, viết gì đều tin cả hay sao? Hay là dân chúng mắc phải chứng bệnh “đã có nhà nước lo” mà sinh viên Nguyễn Phương Uyên gọi là “bệnh vô cảm”?

Kể từ khi Cộng sản nắm được chính quyền ở Trung Quốc, họ đã thiết lập chế độ độc tài toàn trị. Ở Đài Loan cũng là chế độ độc tài, nhưng không… toàn trị. Cộng sản thường lợi dụng sự khác biệt hệ trọng nhưng ít người để ý này để tuyên truyền cho sự độc tài của họ. Họ bảo rằng các nước như Đài Loan, Nam Hàn… nhờ chế độ độc tài mà tạo được sự ổn định để phát triển kinh tế. Đúng là các nước ấy từng có chế độ độc tài nhưng thời ấy người dân vẫn còn có quyền tự do tư tưởng. Chính sự tự do ấy là mầm mống của sự sáng tạo làm cơ sở cho sự phát triển (về mọi mặt) sau này. Ở Trung Quốc, ngược lại, Cộng sản dùng mọi thủ đoạn để ngăn ngừa người dân… suy nghĩ. Lâu dần trở thành thói quen phổ biến trong dân chúng: nghĩ gì cho… rắc rối! Rắc rối này là rắc rối với… chính quyền. Lỡ nghĩ gì trong đầu mà bạn bè hoặc những người thân cận biết được đi tố cáo thì mình chỉ có đi… cải tạo! Thêm vào đấy, chính quyền luôn áp dụng chặt chẽ chính sách “đã có nhà nước lo” nên người dân không có nhu cầu… suy nghĩ chuyện gì, ngoại trừ những chuyện trực tiếp liên quan đến bát cơm, manh áo của bản thân và gia đình. Có người muốn phản biện nói rằng nếu dân Trung Quốc bị chứng “vô cảm” thì tại sao họ đã phẫn nộ phản đối Nhật Bản (cả bằng vũ lực) về mấy hòn đảo Điếu Ngư đang bị tranh chấp? Nhiều người cũng không để ý trong các chế độ toàn trị, người dân bị mất quyền làm chủ không những về tư tưởng mà còn cả cảm xúc nữa. Nói cách khác, cảm xúc cá nhân mỗi người dân cũng… “đã có nhà nước lo”! Cho nên, chuyện gì nhà nước muốn nhân dân phẫn nộ thì dân chúng mới được phép phẫn nộ. Chuyện gì “đã có nhà nước lo” thì dân chúng không được… lo. Ai mà lo thì lo mà… vô tù! Từ “vô lo” rồi trở nên “vô tư” đến độ “vô cảm”. Bị ban quản lý sở thú lừa phỉnh mà người (lớn) nào cũng “vô cảm” như nhau.

Suy cho cùng vì hai gã thợ may ấy. Không phải trong truyện cổ Andersen! Mà là hai gã đã dệt ra cái ảo tưởng về một thiên đường… Cộng sản.