Về đại thể, Tây Tạng nằm dưới chân dãy Himalaya hùng vĩ, cạnh các nước Sikkim, Bhutan, Nepal, Ấn Độ. Vùng Tây Tạng toàn núi đồi trơ trọc, khí hậu khắc nghiệt, không khí loãng. Vì thế người già yếu, béo phì, hen suyễn, thiếu máu não, đau xương khớp, yếu chịu lạnh dù muốn cũng khó thể thăm chơi Tây Tạng. Muốn làm một chuyến ngao du ngon lành, thứ nhất phải ‘luyện vai trăm cân, luyện chân nghìn dặm’ để tăng độ dẻo dai. Đâu là Tây Tạng?

Potala Palace – nguồn travelotibet.com
Trên bản đồ Trung Quốc, phía cực bắc, Khu tự trị Tây Tạng nằm cạnh Khu tự trị Tân Cương và Khu tự trị Nội Mông. Nhưng để gặp người Tạng, không cần phải lên tận đó mà chỉ cần đến các Zangzu Zizhizhou (Tạng tộc tự trị châu) thuộc bốn tỉnh Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam (ngày trước vốn là đất Tạng, bây giờ được cắt ra, sáp nhập về bốn tỉnh vừa kể, nằm giáp khu tự trị). Thanh Hải là tỉnh đông người Tạng nhất, 1,2 triệu người, sống quần tụ trong 6 châu tự trị.
Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải. Xuống sân bay Tây Ninh, nếu không chuẩn bị trước, sẽ rất bất ngờ vì chỉ sau vài cái hít thở, người sẽ lập tức khó chịu, choáng váng, buồn nôn, thậm chí chảy máu mũi, ngất xỉu. Tốt nhất là uống thuốc ổn áp, đồng thời nghỉ ngơi, tránh tắm, tránh vận động nặng vài ngày, tập thở chậm hít sâu cho cơ thể quen dần với độ cao trên 4000m so với mực nước biển. (Đà Lạt, Sapa của Việt Nam, cao nhất cũng chỉ 1500m trên mực biển). Ba ngày nghỉ lại khách sạn Tây Ninh, toán chúng tôi đi thăm chơi phố xá. Ngặt nỗi, không có người địa phương dẫn đường, với mớ tiếng Hoa ít ỏi, kèm theo những lo lắng cố hữu kiểu Lý Toét lần đầu ra tỉnh khiến không ai dám mò vào các hộp đêm xem ca nhạc Tây Tạng, cũng không dám ‘thám hiểm’ các khu thương mại đồ sộ, thậm chí băng qua đường cũng ngại vì ‘không giống bên mình’, chỉ dám rủ nhau ‘rửa mắt’ quanh các shop bán đồ thờ tự, nữ trang, quần áo, hàng lưu niệm rẻ tiền. Tại đó, bị thu hút bởi nét độc đáo của váy áo Tạng, hai người bạn trong toán mua mỗi người một bộ váy áo, mặc luôn. Váy áo Tạng truyền thống, không đẹp theo kiểu Tây phương. Vải dầy cộm, thô cứng, chưa kể viền lông thú ở tay áo, cổ áo, gấu áo, trông nặng nề. Trang sức Tạng cũng đơn giản, không thấy nữ trang ngọc vàng quý giá, gia công tỉ mỉ, chỉ thấy bộ mũ đội đầu (với tóc kết bín, vòng đá, rẻo lụa chung quanh), dây đeo cổ, đeo tay bằng đá xanh xanh đỏ đỏ. Mặc trang phục Tạng, đi trên đường phố Tây Ninh như hai bạn tôi, là phụ nữ Tạng có tuổi. Còn thiếu nữ Tạng không mặc đồ truyền thống, chỉ ‘chơi’ đồ jeans, khoác áo jacket bên ngoài. Nhìn phớt qua, nếu ‘gà mờ’ thì khó mà nhận ra sự khác biệt giữa người Việt với người Tạng vì tầm vóc hai bên từa tựa nhau. Nước da cũng vàng nâu, mặt tròn, dầy, tóc đen, mắt đen, môi không dầy không mỏng, sống mũi không tẹt. Điều duy nhất khiến phân biệt người Việt và người Tạng chính là bộ khung xương. Trong khi người Việt ‘mỏng mày hay hạt’, da mịn, tay chân thanh tú thì người Tạng rất vạm vỡ và… hôi khói. Phụ nữ, trẻ em Tạng đều có gò má đỏ au, da dẻ thô tháp, tóc tai ít chải bới sạch sẽ. Nhiều chị mới ngoài 50 tuổi trông đã nhăn nheo, khô sạm, bàn tay bàn chân đen đúa như bà già 70 tuổi. Có lẽ do sống ở núi cao ít mưa (chỉ mưa từ tháng 6- tháng 9), khí hậu khô lạnh, tháng nóng nhất trong năm (tháng 7) chỉ từ 13-19 độ C, tháng lạnh nhất (tháng giêng) nhiệt độ -5 độ C, không thể trồng rau quả, lúa nước mà phải rong ruổi trên thảo nguyên gió cát, vất vả đời du mục nên mới như vậy chăng!
Hồ nước mặn Thanh Hải

Bên bờ hồ Thanh Hải
Không kể ba khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông thì Thanh Hải là tỉnh có diện tích lớn nhất Trung quốc (722,300 km2) và cũng thưa dân nhất (chưa được 6 triệu người, gồm người Hán 54%, người Tạng 23%, người Hồi 16%, người Thổ 4%, Mông Cổ 1,8%….) Những điểm du lịch ở Thanh Hải không nổi tiếng bằng Cam Túc, Tứ Xuyên, Thiểm Tây nhưng cũng có nhiều cái nhất, tỷ dụ như hai con sông lớn nhất Trung Quốc là Hoàng Hà, Dương Tử đều bắt nguồn từ Thanh Hải thuộc cao nguyên Thanh-Tạng, cả sông Mekong chảy qua Việt Nam cũng vậy. Thế giới có 12 ngọn núi cao nhất thì riêng Thanh- Tạng chiếm hết 8 (ngọn cao nhất là Bukadaban thuộc dãy Côn Lôn). Sa mạc lớn nhất Trung Quốc là Taklamacan (Con Đường Tơ Lụa chạy ven rìa phía Bắc sa mạc này), hồ nước mặn lớn nhất Trung Quốc là hồ Thanh Hải cũng đều ở Thanh- Tạng. Khách du lịch, nếu ngại leo núi vì quá cao, không vào sa mạc vì quá nóng, không ‘dò cho tới ngọn nguồn lạch sông’ vì quá xa, thì có thể tới thăm hồ nước mặn Thanh Hải, cũng coi như ‘đáng đồng tiền bát gạo’
Ra khỏi Tây Ninh 100 cây số về phía Tây, đường nhựa tốt, thời tiết được coi là thuận tiện cho việc ngao du sơn thủy. Từ xa hồ Thanh Hải hiện ra, bằng phẳng như một tấm gương soi lớn, in hình những đàn chim bay rập rờn trên nền trời bích ngọc. Xa xa, là những mảng màu vàng ấm áp của cánh đồng hoa cải bạt ngàn. Hồ rộng 4,583km2, nằm ở độ cao 3,200m, nhận nước của 23 sông suối đổ vào, tuy vậy vẫn là hồ nước mặn (lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau hồ Muối Lớn của Mỹ). Để có thể đi hết một vòng hồ, nếu cỡi ngựa, phải mất 18 ngày, còn đi bộ phải gần một tháng. Dịch vụ du lịch ở hồ Thanh Hải không nhiều, nhưng bảo đảm móc túi khách 100%. Đó là bán đồ lưu niệm, cho thuê xe, thuê bò yak chụp ảnh. Những con yak ở đây cao gần hai thước, sừng cong, lông trắng rũ dài, óng mịn như tơ, được trang điểm đủ thứ lục lạc, vòng hoa, tua rua xanh đỏ, bắt mắt. Măc trang phục Tạng, leo lên lưng yak, cười toe toét và…click là điều nữ du khách nào cũng hưởng ứng nhiệt liệt. Lang thang ngắm bốn rặng núi cao viền quanh hồ rộng: phía đông núi Nhật Nguyệt, phía tây núi Tượng Bì, phía bắc núi Đại Thông, phía nam núi Thanh Hải.
Chùa KumBum
Ngoài hồ Thanh Hải, một địa điểm khác cũng rất thu hút khách du lịch, là chùa Kum Bum, ở huyện Hoàng Trung, cách Tây Ninh 26 cây số. Cần nói thêm, có nhiều tu viện Phật giáo ở Mỹ, ở Tạng cũng mang tên Kumbum nhưng Kumbum nổi tiếng nhất, được biết tới nhiều nhất chính là Kumbum Thanh Hải này (người địa phương gọi Kumbum là chùa Tháp Nhĩ). Kumbum tiếng Tạng có nghĩa là 1000 hình ảnh. Tương truyền, tổ sư của dòng truyền thừa Gelug là Tsongkhapa (Tông Khách Ba) đã chào đời năm 1357 tại đây. Lúc cắt rốn, bà mụ đã để một giọt máu rơi xuống đất, từ đó mọc lên một cây đàn hương (sandalwood) có một ngàn chiếc lá, mỗi chiếc đều in một hình Phật. Mẹ chú bé bèn cho xây một điện thờ Phật nhỏ dưới gốc cây. Năm 1560 (tài liệu khác nói năm 1583) Đức Đalai Lama thứ 3 là Sonam Gyatso chính thức cho xây dựng tu viện Kumbum tại địa điểm được cho là linh thiêng này.
Theo thời gian, phạm vi xây dựng to dần, thành một quần thể với nhiều chùa nằm rải rác bên trong. Vì các vị Đalai Lama đều thuộc phái Gelug nên Kumbum có vinh dự đón tiếp nhiều vị đến thăm như Đức Đalai Lama thứ 3, thứ 4, thứ 7, thứ 13, và đặc biệt, gần đây nhất là Đức Đalai Lama thứ 14 đương vị, Ngài Tenzin Gyatso. Cách nay 78 năm, chú bé Tenzin chào đời trong một gia đình nông dân nghèo, cách Kumbum 65km, có tài nhớ và kể vanh vách nhiều chuyện tiền kiếp của mình. Khi được phát hiện là hóa thân của vị Đalai Lama đời trước, chú bé được đưa về Lasa. Trên đường đi, chú đã ở lại Kumbum tu học một năm rưỡi.

Quần thể Kumbum, nhìn từ trên đồi (nhà mái vàng chính là Đại Kim Ngõa Điện)
Bước qua cổng chính Kumbum là lạc vào thế giới kiến trúc Hán- Tạng rực rỡ muôn màu. Tám ngọn tháp to lớn xếp thẳng hàng ngoài sân rộng mênh mông có hình thù rất lạ, không hề giống tháp chùa Việt Nam. Chúng có nhiều tầng. Mỗi tầng mỗi kiểu, không hẳn tròn, không hẳn vuông, mà nửa tròn, nửa chóp cụt, tượng trưng cho một triết lý Phật giáo nào đó, những là tiêu biểu cho hóa thân, báo thân, pháp thân Phật, những là tiêu biểu cho các yếu tố đất, nước, gió, lửa, không khí, thức… người ngoại đạo nghe chẳng hiểu mô tê. Xa xa, trên các đường vòng núi, có nhiều tu sĩ Tạng khoác áo mầu đỏ sẫm rất đẹp, đang tản bộ (gọi là đi kinh hành). Theo chân họ, lên cao, chọn vị trí thích hợp, khách du lịch có thể nhìn tổng quan Kumbum. Đặc biệt, nổi bật trong số những mái chùa cong lợp ngói, là một mái chùa lợp bằng 1600 miếng vàng (có tài liệu nói 1600 lượng vàng) là Đại Kim ngõa điện (Điện Ngói Vàng). Khác với Điện Ngói Vàng phải xem từ xa, từ bên ngoài, quần thể Kumbum còn có một bảo bối, mà muốn chiêm ngưỡng phải tới sát tận nơi. Đó là Đại Lạp Đường (Nhà lưu giữ các tượng bằng sáp). Các tượng ở đó, cha mẹ ơi… thật là hết sức wonderful! Nó tinh xảo, đủ màu, miêu tả người, động vật, hoa lá, cỏ cây… tất cả đều sống động như sắp cười to, sắp bước đi, sắp bung nở, nhảy múa. Cũng từa tựa tò he của Việt Nam làm bằng bột gạo nhuộm màu nhưng khác ở chỗ hệ thống tượng thờ này đều làm bằng bơ con yak. Từ lúc làm xong ở Tây Tạng, mang về Thanh Hải, tới nay sơ sơ mới chỉ có 600 năm. 600 năm mà màu sắc không đổi, bơ không tan chảy, không bị côn trùng gặm nhấm… Khi vào Kumbum là phải mua vé. Theo thời giá hiện nay, tùy chỗ đổi tiền, một Nhân dân tệ Trung Quốc (đọc là Rẩn mỉnh pi). Giá một vé vào thăm Kumbum từ 80 tới 100 rẩn mỉnh pi.
Bất ngờ khá thú vị xảy ra cho nhóm tôi là khi đang bò như cua trên mặt đất, bắt chước hai bà già người Tạng vừa lạy vừa cười khúc khích thì nghe hàng tràng tiếng ‘Sài Gòn mình’ lướt qua. Không bỏ lỡ cơ hội, cả bốn bạn trẻ ào theo nắm áo ‘ới bạn mình ơi’. Bên kia cũng vui vẻ hé lô, hao a du. Hỏi ra mới biết, họ là một đạo tràng, đến từ nhiều nguồn Mã Lai, Đài Loan, Úc, Việt… đang theo vị tu sĩ Tây Tạng cao to mà họ gọi là sư phụ Sonam về thăm tu viện của Thầy ở huyện Ngọc Thụ (Yushu – đọc là Dúy Su). Huyện Ngọc Thụ này, nguyên là một châu tự trị của người Tạng, chủ yếu là người Kham. Cách đây 3 năm, vào tháng 4 năm 2010, từng xảy ra một trận động đất 7.1 độ rích- te, làm chết hơn 2,000 người và 40,000 mục súc, bị thương 13,000 người, mất nhà cửa 100,000 người. Chúng tôi tới gặp sư phụ Sonam xin tháp tùng về Ngọc Thụ làm một chuyến homestay. Ngài gật đầu, ‘no problem’. Vậy là tự nhiên có người dẫn đường, cả nhóm yên tâm lên xe vượt gần 1000 cây số đường, thực hiện một tuần ‘ăn Tạng, ngủ Tạng’ với bao sự kiện ly kỳ đang chờ phía trước…