Menu Close

Uống aspirin ngừa heart attack

Kính gửi bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Mới đây, ông xã nhà tôi, không biết nghe ai, lại uống mỗi ngày một viên aspirin. Ông nói rằng bạn bè trong hội của ổng bảo uống, để khỏi bị bệnh tim. Ông nhà tôi vẫn khỏe mạnh, không cao máu hoặc bệnh đường mà chỉ cao mỡ thôi. Tôi có hỏi mấy ông dược sĩ quen, thì họ nói hỏi bác sĩ gia đình. Vậy tôi nhờ bác sĩ giải thích hộ cho tôi yên tâm nhé và liệu tôi có phải uống không. Cảm ơn bác sĩ. Phạm Linh.

Đáp

Thưa bà,
Thắc mắc của bà cũng là thắc mắc của nhiều độc giả khác, nhất là đối với các bác cao tuổi. Vậy chúng tôi xin trả lời chung để bà con cùng biết.

Từ khi khám phá ra viên aspirin này được mấy chục năm thì thuốc này được coi như thần dược để chữa các bệnh đau nhức cơ thể như nhức đầu, nhức xương khớp, cơ bắp. Thế rồi tới gần đây, các nhà y khoa học lại khám phá thêm ra rằng, aspirin còn có công dụng giúp cơ thể phòng tránh một số bệnh ung thư như là ung thư ruột già, đặc biệt là phòng tránh bệnh tim, tai biến mạch máu não. Về ung thư thì chưa có kết luận chính xác, nhưng với bệnh tim mạch thì các nhà khoa học đều đồng ý với nhau về tác dụng phòng tránh của aspirin. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng việc dùng aspirin trong việc phòng tránh này không phải là cho bất cứ ai, mà chỉ trong một số trường hợp và phải do bác sĩ của mình chỉ định.

 

Bằng cách nào mà aspirin có thể phòng tránh bệnh tim?

Ta biết rằng trong máu có một loại tế bào gọi là tiểu cầu. Các tiểu cầu này có thể kết tụ với nhau thành một cục máu, khi cần. Chẳng hạn như khi ta bị chảy máu vì đứt mạch máu thì tiểu cầu sẽ kết tụ thành cục máu để bít lỗ chảy của mạch máu. Tuy nhiên có nhiều lúc các cục máu này lại gây ra rủi ro cản trở cho sự lưu thông của máu như trong trường hợp người đã bị bệnh tim hoặc tai biến động mạch não. Để tránh rủi ro này, các nhà y khoa học tìm ra lợi điểm của aspirin. Với một liều nhỏ, aspirin có thể ngăn cản sự kết tụ của các tiểu cầu, nhờ đó giảm rủi ro tái phát bệnh tim. Nhưng không phải ai cũng uống aspirin được mà chỉ ở một số người, như sau:

– Đã từng bị cơn suy tim heart attack hoặc stroke

– Chưa bị heart attack nhưng đã đặt stent để thông lòng động mạch tim, hoặc đã giải phẫu bắc cầu động mạch tim by-pass, hoặc đang được điều trị chứng đau ngực do hẹp động mạch tim;

– Chưa bao giờ bị heart attack nhưng có các rủi ro mắc bệnh như hút thuốc lá, bị cao huyết áp, cao cholesterol, tiểu đường, mập phì, gia đình có người bị bệnh tim…

– Nam giới trên 59 tuổi đang bị bệnh tiểu đường hoặc nữ giới trên 60 tuổi bị tiểu đường.

Để an toàn, việc uống aspirin phải được bác sĩ của mình hướng dẫn và chỉ định liều lượng chứ đừng nên tự ý uống hoặc nghe theo bạn bè. Lý do là mỗi người có tình trạng yếu khỏe khác nhau. Hơn nữa, aspirin cũng có thể gây ra một số rủi ro cho sức khỏe, chẳng hạn:

– Mặc dù aspirin có thể giảm rủi ro stroke vì máu cục nhưng lại tăng sự trầm trọng khi bị tai biến não vì đứt mách máu não, máu chảy nhiều;

– Chảy máu dạ dày và loét bao tử;

– Dị ứng vì aspirin;

– Ù tai, giảm thính lực.

Và nếu đang uống omega-3 fatty acid, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đau nhức loại Ibuprofen như Advil, Motrim, thuốc chống đông máu… cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Nói chung, thưa bà: aspirin có khả năng phòng tránh heart attack nhưng muốn uống cần phải hỏi ý kiến bác sĩ của mình, kể cả trường hợp của bà,

Chúc ông bà vui vẻ khỏe mạnh bên nhau.

 

Hôn có lây lan bệnh Lao phổi không

“Xin chào bác sĩ, em đang điều trị bệnh Lao, sau khi nằm bệnh viện 10 ngày. Đến nay em đã điều trị bệnh được hơn 2 tuần lễ với những kết quả khả quan (ít bị ho và mọi hoạt động như bình thường không bị kén ăn). Em được xét định bệnh là: Lao phổi AFB (-) và được điều trị với 5 loại thuốc trừ lao.

Cho em xin được hỏi:

+ Em hôn bạn gái thì bạn gái có bị nhiễm bệnh của em không? (hiện tại em không dám).

+ Đến giai đoạn này thì trong nước bọt của em có còn nhiều vi khuẩn hay không? Em có thể nói chuyện với người khác ở gần được chưa? Có phát tán vi khuẩn cho người đó không?

+ Trường hợp bệnh của em có bị lây lan cho người khác qua tiếp xúc thông thường hay không.

Em xin Bác sĩ dành chút thời gian giải đáp thắc mắc lo lắng của em, vì em còn đi học nên rất sợ bạn bè kỳ thị khi lúc nào cũng đeo khẩu trang khi nói chuyện.

Cám ơn bác sĩ rất nhiều!!!” Kim Nguyễn.

Đáp

Chào bạn Nguyễn

Mấy câu hỏi mà bạn nêu ra rất thực tế vì nhiều người cũng chưa nắm vững được về cách thức lây lan của vi trùng bệnh Lao phổi.

Xin nhắc lại, lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra do loại vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis, mà ta thường gọi là vi trùng Koch, vì do vị bác sĩ Robert Koch tìm ra. Bất cứ cơ quan nào trong cơ thể cũng bị bệnh, nhưng lao phổi là thường thấy nhất. Vi khuẩn thường có trong đàm và trong phổi người bệnh. Vi trùng lây sang người khác qua những giọt nước nhỏ li ti chứa vi trùng lao mà người bệnh phát ra không khí khi họ ho, hắt hơi, nói, hát. Các giọt này bay bổng trong không gian và nếu người khác hít vào thì sẽ bị bệnh. Vi khuẩn có thể sống trong không khí khoảng vài giờ và có thể bị tia mặt trời tiêu diệt. Nếu làm việc chung phòng hoặc sống chung nhà với người mới bị bệnh mà chưa chữa là có nhiều khả năng lây bệnh. Bệnh không lây lan khi bắt tay, dùng chung bàn chải răng, ăn chung đũa bát, dùng chung quần áo, cầu tiêu hoặc hôn nhau. Để gây bệnh, vi khuẩn phải được hít vào qua đường hô hấp để vào phổi.

Trở lại câu hỏi của em: Em đã được điều trị với 5 loại thuốc chính để chữa bệnh trong hơn hai tuần lễ thì khả năng truyền bệnh của em sang người khác rất là ít, kể cả việc hôn người yêu. Vì các dược phẩm này đã tiêu diệt coi như hầu hết vi khuẩn lao rồi. Tuy nhiên để an toàn cho mọi người, em nên dè dặt giữ khoảng cách xa với mọi người, kể cả việc hôn người yêu.

Chúc em mau hoàn toàn bình phục.

NYD