Hãnh diện, hài lòng
Năm 1994, khi mới đến Mỹ, tôi đi dạy Việt ngữ tại Trường Việt Ngữ thuộc Cộng Đoàn Westminster. Trong khoá Tu Nghiệp Sư Phạm do Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam Calfiornia tổ chức năm đó, tôi gặp Thầy Quyên Di, và tham gia viết bài cho báo Tuổi Hoa. Tuy tờ báo không còn hoạt động đã nhiều năm, nhưng tôi vẫn nhớ mãi đề tài “Em Hãnh Diện là Người Việt Nam.”

Phái đoàn đến thăm tượng đài Việt Mỹ – Hình: Dân Huỳnh.
Tại Khoá Vietnam Institute 2013 của CSUF, chính các Thầy Cô người Mỹ gốc Việt đã cảm nhận được niềm hãnh diện là người Việt Nam sau khi chuyến viếng thăm Little Saigon. Quý Thầy Cô ‘khám phá’ ra nhiều tổ chức với những nguồn tài liệu quý giá cho việc giảng dạy. Đối với tôi, đây là điểm mấu chốt cho việc duy trì văn hoá ngôn ngữ Việt tại hải ngoại: chính quý Thầy Cô cần có một niềm hãnh diện về nguồn gốc của mình, để có thể tưới tẩm giáo trình và bục giảng với chính nguồn nhiệt huyết đó.
Ban Tổ Chức đã hết sức hài lòng với kết quả của Khoá. Ts Vickki Costa hân hoan nói, “Khoá học là một kinh nghiệm quý giá cho các Thầy Cô. Cho dù kiến thức ban đầu của họ thế nào, các Thầy Cô gốc Việt lẫn các sắc tộc khác đã thu thập thêm nhiều kiến thức về lịch sử Việt Nam, thưởng lãm những kinh nghiệm văn hoá mới lẫn cũ, khám phá nền văn chương và thơ ca sâu sắc của Việt Nam, và tiếp cận những đề tài này từ nhiều cái nhìn khác nhau. Mỗi tham dự viên đã được phong phú hoá bởi văn hoá Việt Nam và lịch sử gian nan của dân tộc Việt. Chúng tôi đặc biệt có ấn tượng đẹp nhất với sự hiếu khách và chào đón của cộng đồng Little Saigon trong chuyến thăm viếng! Tôi nghĩ là chúng tôi đã đạt được kết quả mong ước cho Khoá, và hướng tới việc tiếp tục xây dựng các chương trình Việt Nam học dựa trên những thành quả này.” (“It has been a valuable experience for all institute participants. Regardless of their initial knowledge level, both Vietnamese and non-Vietnamese teachers have added to their knowledge of Vietnamese history, enjoyed a variety of new and familiar cultural experiences, explored poignant Vietnamese literature and poetry, and viewed these topics from multiple perspectives. Every participant has come away enriched and reflective of the rich culture and historical struggle of the Vietnamese people. We were particularly impressed with the graciousness and welcome from members of the Little Saigon community during our fieldtrip! I think we have met our goals for this effort and look forward to building on our accomplishments as we continue work on this project.”)

Phái đoàn gặp gỡ =Thầy Hằng Trường và Hội Từ Bi Phụng Sự tại Integral Taichi Center – Hình: Dyung Lê.
Cô Leslie Alpert, tốt nghiệp từ CSUF năm 2002, nói, “Về mặt cá nhân, tôi như được về thăm nhà khi dự Khoá này. Đại học CSUF và Ban Tổ Chức của Khoá là những bằng chứng ưu việt về chất lượng cao của nền giáo dục tại CSUF. Về mặt chuyên môn, kiến thức mà tôi học được từ Khoá sẽ được đưa vào lớp học và sẽ giúp tôi tạo nên một môi trường học phong phú hơn. Tôi thật sự biết ơn có cơ hội tham dự Khoá.” (“On a personal level, as an alumni of CSU Fullerton, coming to this institute was like coming home. This institute and the people who have created the program are phenomenal examples of the high quality of education offered at CSUF. On a professional level, the knowledge I have learned through this institute will be brought back with me into the classroom and will help me create a richer learning environment. I’m so thankful to have been part of this program.”)
Ts Trang Lê nhận xét, “Tuy chỉ có một tuần nhưng những giáo viên người Mỹ đã được giới thiệu rất nhiều khía cạnh về Việt Nam. Kiến thức này sẽ giúp họ có những phương pháp và kỹ thuật dạy phù hợp hơn ở các trường trung học ở Nam Cali, nơi mà số học sinh người Việt chiếm một tỷ lệ khá cao trong lớp. Đối với những thầy cô người Việt, đây là một dịp để các thầy cô ôn lại những kiến thức này để bổ sung vào việc giảng dạy của họ, nhất là các thầy cô dạy tiếng Việt.”

Cha Thái đang hướng dẫn phái đoàn tìm hiểu về Trung Tâm Công Giáo – Hình: Kính Vũ.
Đứng ngay trong giáo dục dòng chính là một vị thế tuyệt hảo để đưa văn hoá gốc về gần cho các học sinh Việt Mỹ, cũng như giới thiệu văn hoá Việt đến các học sinh khác. Chính các Thầy Cô giáo rất trẻ đã ý thức được điều này. Cô Lynn Nguyễn, thuộc học khu Garden Grove, đã tâm sự, “Làm nghề giáo dạy tiếng Việt là một trọng trách lớn, nhất là dạy lớp tiếng Việt trong môi trường bên Mỹ. Các học sinh không chỉ là người Việt Nam mà còn là học sinh của những sắc dân khác. Bởi vậy, các em dù học cùng một lớp nhưng có trình độ khác nhau. Làm cô giáo, tôi không những có bổn phận dạy các em chữ Việt mà còn có trọng trách giúp các em hiểu biết thêm về lịch sử và văn hoá Việt Nam để giúp các em tự tin và hãnh diện là người Việt Nam. Tôi luôn mong muốn học sinh của mình trưởng thành làm việc hữu ích cho dân tộc Quê Hương Việt Nam mai sau.”
Thầy Kính Vũ, một khoá sinh, đã nói, “Tôi rất vui được tham dự Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm ‘Viet Nam Institute’ tại Đại Học Cal State Fullerton. Qua các buổi thuyết trình và thảo luận, tôi đã học hỏi, tìm hiểu, và chia sẻ với đồng nghiệp về những giáo trình và phương pháp hữu hiệu trong việc dạy lịch sử và ngôn ngữ Việt. Tôi cảm nhận lòng nhiệt thành của ban giảng huấn và cảm thấy mình được khích lệ để tiếp tục công tác phát huy ngôn ngữ, truyền thống, cùng với văn hóa Việt Nam cho các em học sinh tại Quận Cam.”
Nhận xét về Khoá, Cô Nguyễn Thảo Ly nói, “Sau một tuần tham dự buổi “Vietnamese Summer Institute” do trường đại học Cal State Fullerton tổ chức, là một giáo viên dạy Tiếng Việt và là một người Việt, tôi cảm thấy rất cảm kích và biết ơn đến các giáo viên của trường Cal State Fullerton và các cá nhân từ cộng đồng đã góp tay để tổ chức Khoá. Tất cả 28 thầy cô giáo từ các học khu khác nhau đến tham dự đều đồng ý rằng một tuần học vừa qua, chúng tôi đã học hỏi được thêm rất nhiều về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam. Có một số cá nhân đã đến chia sẻ những khó khăn họ gặp phải khi sống ở dưới chế độ Cộng Sản và những đau khổ họ đã trải qua trên con đường đi kiếm tự do đã làm cho tôi và các giáo viên khác không cầm được nước mắt. Đây là những văn chương truyền khẩu mà chúng ta có thể để lại cho con cháu chúng ta sau này để chúng được biết và hiểu rõ thêm về những gì thế hệ trước đã phải trải qua, và hy vọng nó sẽ là một cái cầu giúp nối hai thế hệ đến gần với nhau hơn.”

Phái đoàn gặp gỡ Ban Biên Tập Nhật báo Người Việt – Hình: Dân Huỳnh.
Brendan Newberry, đang giảng dạy tại Trung học El Dorado và là giáo viên huấn luyện (Master Teacher for the CSUF Single Subject Credential Program) đã nói, “Khoá học đã cho tôi nhiều quà tặng: được tiếp cận những nguồn tài liệu phong phú và các chuyên gia đa dạng trong chuyến viếng thăm Little Saigon, các cơ hội học hỏi thêm hay ôn lại những kỹ thuật sư phạm xuất sắc, và những dịp để thảo luận về giáo trình và các vấn đề giáo dục với đồng nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi đã được dịp vùng vẫy trong văn hoá và lịch sử Việt Nam, cho tôi nhiều năng lực để giảng dạy những đề tài này trong lớp mình. Niềm đam mê đó chắc chắn sẽ lây lan đến học sinh của tôi.” (“The institute has given me many gifts: access to a rich set of resources and experts during the fieldtrip, chances to learn about or revisit excellent teaching techniques, and opportunities to discuss curriculum and educational issues with colleagues. Most significantly, I’ve had a chance to wade into the culture and history of Vietnam, which energizes me as I address these topics in my classroom. For my students, that passion is infectious.”)
Những thành quả và nhiệt tình trên sẽ là đòn bẩy, đưa văn hoá Việt đi sâu vào giáo dục dòng chính và vào tương lai Quận Cam. Chúng ta cám ơn các Thầy Cô gốc Việt lẫn các sắc tộc khác đã đảm đang trách nhiệm này với hết tấm lòng. Niềm đam mê giữ gìn và phát huy ngôn ngữ văn hoá Việt Nam nay không chỉ là sứ mạng của riêng cộng đồng chúng ta, mà của cả nền giáo dục Quận Cam và nhiều nơi khác trên nước Mỹ.