Menu Close

Nghĩ bên những mộ bia của nghĩa trang Kingfisher

Không hiểu sao, ngày thanh niên mê thơ và đầu óc đầy hoang tưởng, khi nghĩ đến nơi yên nghỉ của người thi sĩ mình yêu mến, như Bích Khê hay Edgar Poe, Nguyễn lại thấy hiện ra trong sọ não mình hình một con quạ đậu trên nấm mồ.

Có thể do Bích Khê sinh thời có một bài thơ nói về chú quạ này, còn Edgar Poe thì có bài The Raven (con quạ). Thực tế e không có vậy. Sau này khi có dịp xem ảnh chụp ngôi mộ của Edgar Poe và Boris Pasternak chẳng hạn, Nguyễn đâu thấy có chú quạ nào đâu mà chỉ thấy có rất nhiều hoa tưởng niệm. Mặt khác, xem hình ngôi mộ của James Dean, Nguyễn cũng chỉ thấy hoa và những cục đá. A, những cục đá, người ta nói rằng đó là của những người viếng mộ để lại để tưởng nhớ.

Trên là những ý nghĩ về các ngôi mộ của danh nhân. Bây giờ, Nguyễn tiếp tục những ý nghĩ tản mạn về những ngôi mộ trong nghĩa trang của người Mỹ.

Từ ngày tới xứ Hoa Kỳ, Nguyễn có dịp đi ngang qua nhiều nghĩa trang. Ở Oklahoma, Texas, Cali… Đi ngang qua thôi chứ chưa vào thăm bao giờ. Cách đây mấy năm (vào thứ ba, 27 tháng 2. 2007), Nguyễn mới được dịp đến viếng một nghĩa trang của người Mỹ.
Chẳng là một người bạn của gia đình -mục sư Earl Bengs- mời Nguyễn và hiền nội về Oklahoma dự lệ tưởng niệm (memorial) bà mẹ vừa qua đời. Buổi lễ tổ chức trong vòng gia đình và bạn bè (chừng 30-40 người) ở nghĩa trang của thị trấn Kingfisher.

Cũng như ở nhiều nghĩa trang khác mà Nguyễn cũng như các bạn đã có dịp đi qua và nhìn thấy, các ngôi mộ đều giống nhau, từ diện tích, kích thước nhỏ to, bia mộ và trang trí. Từ ngoài nhìn vào rất đẹp, đẹp ở cả bốn mùa. Cho dù lúc này là mùa đông, cây cối đều trụi lá, cỏ xác xơ, ngọn vàng ngọn đỏ -thế nhưng toàn cảnh vẫn nổi lên vẻ hiu quạnh rất là nên thơ. Mộ nào cũng cắm hoa rực rỡ, hoa giấy, cố nhiên. Những tấm bia có kích thước và hình dạng như nhau, cách trang trí cũng vậy. Mộ chồng mộ vợ nằm cạnh nhau, cùng một tấm bia hình chữ nhật, đặt nằm ngang và hơi xuôi. Hàng trên cùng của tấm bia ghi dòng họ của gia đình -như Newer, Bengs, Bishop, Faulkner… Phía dưới, chia làm hai cột -một bên ghi tên họ, ngày sinh, ngày tạ thế của người chồng, bên kia là phần người vợ. Cuối tấm bia, ghi ngày thành hôn của đôi vợ chồng. Chỉ chừng đó, không có hoa hòe hoa sói gì cả, mà cũng chẳng có đề thơ như một số ngôi mộ trong nghĩa trang tu viện Westminster ở bên Anh mà nhà văn Đinh Linh đã có lần nói đến. Hầu hết các bia mộ trong nghĩa trang đều giống nhau. Chỉ có một ngôi mộ duy nhất của Milton Alvere là có thêm một tấm bia đề cấp bậc đơn vị và thời gian phục vụ của người quá cố (Trung Sĩ I, Hải quân, Thế Chiến II).

pic

 

Mộ Thi sĩ Edgar Poe

Như đã nói ở trên, nghĩa trang rất đẹp. Tất nhiên, Nguyễn biết có người sẽ cho là bằng phẳng và đơn điệu. Dẫu sao thì ý riêng Nguyễn vẫn thích vẻ đẹp và cách bố trí của nghĩa trang người Mỹ. Tất cả các ngôi mộ đều y như nhau, điều này nói lên rằng con người nếu sinh ra là bình đẳng thì lúc chết cũng bình đẳng như nhau. Có thể lúc sống anh có nhà to tôi nhà nhỏ, anh có xe đẹp tôi xe thường, anh ngồi trên cao tôi dưới thấp, anh ăn nhà hàng sang tôi ngồi quán vỉa hè v.v… Thế nhưng lúc chết, trở về với đất, chúng ta đều như nhau, đều bình đẳng trước cao xanh. Điều Nguyễn muốn nói thêm ở đây là lễ tưởng niệm tổ chức rất đơn giản và thân tình. Tất cả ngồi dưới một mái lều ở chỗ ngôi mộ hoặc đứng chung quanh. Phần nghi lễ rất đơn sơ mà ý nghĩa -vị mục sư đọc lên tiểu sử người quá cố, cầu nguyện và trích đọc đôi câu thích hợp từ trong Thánh Kinh. Tất cả diễn ra không tới mươi phút. Sau đó, vị chủ gia đình mời bạn bè lên nhắc lại một hai kỷ niệm và cá tính của người quá cố. Những kỷ niệm này đều vui và cảm động, rất chân tình, thường làm bật lên những tràng cười. Không khóc than, có lẽ vì người ra đi đã tới tuổi (95) hoặc những giọt nước mắt đã rơi trong tang lễ tiễn đưa.

pic

 

Mộ James Dean

Một chiều ở nghĩa trang Kingfisher của người Mỹ. Nhìn những ngôi mộ ngay hàng thẳng lối và đều như nhau, Nguyễn nghĩ tới thành phố Lăng Mộ ở làng An Bằng của Huế bây giờ. Ôi, vô cùng hoành tráng và kinh dị.