Đó là một buổi sáng, ở Starbucks, đứng lặng nhìn ra ngoài trời. Gió thổi mây qua những mái nhà. Hàng cây phong đầu phố đang thả bay những chiếc lá đỏ, vàng, nâu. Sáng nay, mở TV chưa thấy báo động tornado nhưng
tuyết tháng mười đã rơi đâu đó, ở Pittsburg, Boston, Falls Church… A, gần tới Thanksgiving rồi. Không khí se lạnh của mùa thu đôi khi cũng chợt ấm lên với những cuộc họp mặt bạn bè và thân nhân. Riêng Nguyễn, nhìn ra ngoài mưa gió trong mùa Thanksgiving này, lòng xao xuyến nghĩ đến bao điều trong cõi nhân gian rộn ràng của vùng trời lưu lãng…
Gió thổi. nắng bay đi
những bông hải đào cuối mùa
bay đi
và cũng. bay đi
tiếng cười. của buổi đầu gặp gỡ. chiều tara
những ngày vui. tắt
bây giờ. còn lại
phố. mưa
với mảnh trăng. rét. trên cây
khung cửa đóng kín
anh đứng. co ro. dưới mái hiên
nguyền rủa
buốt. giá
chợt nhớ. đôi bàn tay. ở quán cà phê. ly thơ
nhớ ánh lửa. từ ngôi nhà
trên đồi quạ
(Phố mưa)
Nghĩ tới bạn bè và Giang Hữu Tuyên ‘Trời Mưa Đi Phát Báo’
Trước hết, xin được nhắc lại đôi điều đã viết về ngày Thanksgiving. Thời gian này, ở các gia đình người Mỹ, thân nhân và bạn bè – có khi ở cách xa nhau cả ngàn dặm – sẽ đoàn viên hạnh phúc trước bàn tiệc gồm các món ăn truyền thống như gà tây quay, bánh táo, xúp dâu, và những món làm từ bắp, bí ngô.Và rồi những lời cầu nguyện tạ ơn, những lời chúc tụng và tiếng cười hân hoan rộ lên, át cả tiếng mưa, tiếng gió bên ngoài. Trong tâm cảm của một người di dân, Nguyễn cũng muốn vui chung với mọi người. Do đó, cứ mỗi mùa Thanksgiving thế nào Nguyễn và bà xã cũng tới khu chợ Central Market mua gà tây và rau, đậu, khoai, bí về ăn. Và trong bữa ăn sẽ không quên rót cho mình ly rượu đỏ thật đầy, vừa uống vừa mời bạn bè trong tưởng tượng.
Tranh: Bảo Huân
Ới bằng hữu ơi, Nguyễn và anh em có mặt trên nước Mỹ đã qua bao mùa Lễ Tạ Ơn rồi. Cũng như những người trên con tàu May Flower của năm 1620, chúng ta đến từ một vùng đất bị ruồng đuổi và đầy bóng tối đe dọa. Nhiều người đã chết trong hành trình, không bao giờ được nhìn thấy vùng đất của tự do và sự sống. Mới ngày hôm qua đây, nghe trên đài RFA, cứ ba người vượt biên là có một người chết trên rừng hoặc dưới biển. Những người sống sót cặp được bến bờ và trải qua những ngày nương thân ở một trại tị nạn nào đó trên đất Mã Lai, Nam Dương hay xứ Thái. Buồn, bơ vơ và nhớ và xót xa: Chiều về trên xứ lạ / Cười nụ cười Anglais / Buồn qua hơi thuốc Thái /Thèm một phin cà phê… Dừng chân nơi quán lạ / Thèm cơm chiều hương quê / Mẹ cha ơi đừng đợi / Chiều nay con không về… (ôi, thơ của Tưởng Năng Tiến đó). Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ cũng là những ngày khó khăn, đầy thách thức. Đến đây lạ đất lạ người, không đến nỗi “con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh”, nhưng cuộc sống và ngôn ngữ, mọi thứ nơi đây hoàn toàn khác ở quê nhà. Phải phấn đấu từng giây phút, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, làm việc ngày đêm mới tạo dựng được cuộc sống cho mình và gia đình.
Vâng, khi ta đến nơi này, cái gì cũng lạ. Nhất là con gà Tây. Nhà báo Giao Chỉ đã viết rất hay: “Những người di dân Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu khi xây dựng cuộc đời đã ăn những con gà Tây đầu tiên cùng với các gia đình bảo trợ (cô Kathleen ơi, cô còn nhớ Thanksgiving đầu tiên ở Tallahassee FL. không?), và với các họ Đạo trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Thế rồi những bức hình và những lá thơ liên tiếp gửi về quê nhà trong suốt 10 năm khốn khổ sau 75. Cho đến khi di dân Việt Nam trải qua 10 lần dự tiệc tạ ơn tại Hoa Kỳ thì những thùng quà gửi về đã làm cho cả đất nước hồi sinh. Từ cây kim sợi chỉ, từ chai thuốc tây đến thước vải. Những tờ giấy đô la nằm trong hộp thuốc đánh răng với lời thư dặn dò đầy nước mắt. Nào là “thuốc đánh răng này tốt lắm. Cố giữ lại mà dùng, đừng bán đi.” Có thư viết “chỉ bán vải, bán xà phòng, bút bi các thứ, nhưng phải giữ lấy cái thùng giấy mà xài.” Hiểu được ý nghĩa lá thư người Sàigòn liền tháo hết vỏ thùng để tìm một hai tờ giấy đô la giữa hai lớp bìa cứng. Và cứ như thế, dưới nhiều hình thức, những con gà Tây của lễ tạ ơn Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam.”
Vâng, từ những con gà Tây như biểu tượng đầy ý nghĩa nói trên, người Việt di dân tị nạn đã đứng lên và xả thân làm việc xây dựng lại cuộc sống cho mình và gia đình. Nhọc nhằn khuya sớm với những công việc tầm thường – rửa bát, giặt giũ quần áo, lau dọn vệ sinh, sắp xếp kho hàng, đứng bán cây xăng, đi bỏ báo, phát flyers, làm tài xế xe tải, lái xe lunch…- trải qua trăm cay ngàn đắng mới dần dần sắm xe, mua nhà, xây dựng cơ ngơi, cho con cái đi học, dựng vợ gả chồng cho con, tạo lập cuộc sống ổn định và sung túc. Riêng Nguyễn, trong tiết trời se lạnh và lại có mưa thưa vào những ngày của mùa lễ Thanksgiving này, lòng thường xô nghiêng và chùng xuống. Nghĩ tới những chặng đường đã đi qua. Tàn cuộc chiến. Những lán trại mịt mùng trong sương. Miếng cơm, bát nước nơi xứ người. Và bè bạn xa gần, còn mất. Ờ, những ngày của tháng 11 và 12 này đánh dấu sự ra đi của Giang Hữu Tuyên, Cao Đông Khánh, Như Phong. Nhất là trước đây khi còn làm báo Phố Văn, những lúc trời mưa, tay ôm chồng báo chạy vào một khu thương mại người Việt để giao, lại nhớ Giang Hữu Tuyên với bài thơ của anh: Trời Mưa Đi Phát Báo.
Mới đó mà đã sáu năm rồi ư? Giang Hữu Tuyên chia tay bạn bè đã sáu năm! Thật ra, Nguyễn không quen Giang Hữu Tuyên. Quả là đáng tiếc, nhất là khi anh không còn nữa. Rồi tự hỏi hay là mình không có duyên với nhau. Nếu không, mấy lần lên chơi Washington, D.C. với bằng hữu viễn phương, ắt hẳn Nguyễn phải gặp anh. Bởi vì một con người như thế, nhiều tài năng và nhiệt huyết, nặng tình với đất nước, hết lòng với anh em, không phải là dễ kiếm ở đời này.
Nguyễn được biết đôi chút về Giang Hữu Tuyên là qua Trần Nghi Hoàng. Một buổi sáng trời mưa như sáng nay ở Garland, bỗng nhiên thèm nghe tiếng nói của bạn bè, bèn gọi điện cho Hoàng hỏi thăm thời tiết ở bên ấy. Trước đó, Nguyễn có đọc đâu trên lưới tin Giang Hữu Tuyên bị suy tim phải vào bệnh viện cấp cứu. Và như điện xẹt, Nguyễn nghĩ tới trái tim tưng tửng của mình. Bèn hỏi Hoàng là có quen Giang Hữu Tuyên không. Hoàng cho biết là chính Hoàng là người sau cùng nói chuyện với Tuyên qua điện thoại. Hôm ấy, ngày 4 tháng 11. 2005, nhân có Nguyễn Trọng Khôi tới D.C. triển lãm tranh, Quảng Đức và Phan Thị Ngôn Ngữ mời anh em văn nghệ tới nhà họp mặt, Hoàng gọi điện bảo Tuyên cùng đến. Đang nói thì Tuyên ho như hụt hơi và buông máy. Được chở vào bệnh viện, Tuyên rơi vào hôn mê. Thế là chấm hết một cuộc đời sôi nổi, với những mộng tưởng và tâm tình thật đẹp.
Giang Hữu Tuyên là người làm thơ và làm báo. Nếu chỉ có thế thôi thì sẽ không có những dòng này. Ở đây, thiếu gì ông làm thơ và làm báo. Nhưng họ không giống Tuyên. Với Tuyên, thơ và báo là tất cả, là đời sống và hơi thở của Tuyên. Có người cho là Tuyên dại. Chẳng những dại mà còn liều nữa. Thân phận di dân cù bơ cù bất, sang tới Mỹ, sao không đi học làm một thứ gì khác có phải kiếm được nhiều tiền không, làm thơ chi cho lao tâm khổ trí, có bán được đồng xu nào đâu. Chẳng những thế còn tốn tiền thết đãi bạn bè nghe thơ, rồi sớm cà phê tối rượu, đàn đúm lu bù, bị vợ con mè nheo, người yêu dọa nghỉ chơi. Còn làm báo, cái nghề kiếm sống bấp bênh nhất trong xã hội, lại còn đòi phen bị búa tơi bời. Nghe nói đã có lúc Tuyên tính đi làm thêm job buổi tối để có tiền chi phí cho tờ báo. Ôi, báo với bổ, chán mớ đời. Thế nhưng Giang Hữu Tuyên cứ nhất quyết làm thơ làm báo. Hễ có dịp cụm lại với bạn thơ bạn báo là Tuyên vui. Mặc dù cũng nghèo, Giang Hữu Tuyên không bao giờ bỏ bạn. Nhiều người -như Hoàng Khởi Phong, Vũ Ánh (và nghe đâu có cả Nguyễn Xuân Hoàng nữa?)… – những ngày đầu tiên mới qua Mỹ, chưa có công việc làm nhất định, đều ghé đến Hoa Thịnh Đốn Việt Báo của Tuyên. Cánh cửa luôn mở, và anh em lúc nào sướng khổ cũng có nhau. Chuyện làm thơ làm báo của Giang Hữu Tuyên đúc kết lại trong bài thơ Trời Mưa Đi Phát Báo. Trời mưa đi phát báo, ôi, sao mà cảm khái làm vậy.
Mười mấy năm làm tên phát báo
Lòng buồn theo thành quách xa xưa
…
Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi
Sáng chưa đi chiều lại mưa về
Mưa ngã năm từ năm bảy ngã
Ngã nào cũng mưa và mưa thôi
Gió vẫn thổi. Mây bay qua. Và mưa. Hồi tưởng lại một mùa Thanksgiving cách đây mươi năm, bọn chúng tôi – Cao Đông Khánh, Trần Nghi Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Xuân Thiệp…, cũng như Giang Hữu Tuyên, đều qua cảnh đi phát báo dưới trời mưa để sống qua ngày. Vậy mà rồi những bài văn, những bài thơ ra đời tạo thành những vẻ đẹp. Âu cũng là một việc tốt lành.