Menu Close

Hoài cổ nhạc Soul

Tờ New York Times đã đặt tựa “Yesterday’s Style, Today’s Hits” (Phong cách của hôm qua, bài hit của hôm nay) khi viết về Robin Thicke.

alt

Robin Thicke trình làng trước công chúng cách đây cỡ một thập niên, khi anh ấy đạp xe đạp dọc ngang Manhattan trong MV đầu tay, tóc dài lãng tử lõa xõa bay trong gió. Đó là bài “When I Get You Alone”, lấy lại câu nhạc từ bài “Fifth of Beethoven”, bài disco pha trộn nhạc cổ điển của Walter Murphy từ năm 1976 (bài này thì lấy câu nhạc từ bản symphony số 5 rất quen thuộc của Beethoven). Bài hát đạt được một số thành công nhất định, lọt vào bảng xếp hạng ở châu Âu và châu Úc nhưng không cách nào lọt được vào thị trường Hoa Kỳ, đơn giản vì phong cách của anh hoàn toàn khác với những gì thời thượng lúc đó.

alt

Bìa Album “Blurred Line”

Tua nhanh tới bài “Blurred Lines ”, bản nhạc xếp đầu top Billboard nhiều tuần lễ liền và cũng vừa được trình diễn tại lễ trao giải VMA của MTV vừa qua. Ca khúc này đã đẩy Robin từ một ca sĩ da trắng hát nhạc soul được vài người tò mò trở thành ngôi sao của làng nhạc. MV của ca khúc này thể hiện một Robin Thicke sành điệu trong bộ vest được may đo khéo léo, lắc lư cùng các cô người mẫu ăn mặc rất mát mẻ (có một bản MV trong đó các cô gái gần như không mặc gì). Trông Robin có vẻ rất hài lòng và hưởng thụ những gì cuối cùng anh đáng được hưởng. Nhưng vẻ hiện đại trong MV này không thật sự phản ảnh tính chất của bản nhạc: Blurred Line vẫn hoài cổ giống như bản nhạc đầu tay của Robin, chỉ có điều hấp dẫn và hợp thời hơn. Disco và soul kiểu xưa đang là xu hướng thịnh hành và dù cho Blurred Lines có thêm những âm thanh hiện đại từ Pharrell Williams hay giọng rap từ T.I., Robin vẫn không thể che giấu được rằng anh yêu ngày hôm qua hơn là ngày hôm nay. Trong album cũng có tên là Blurred Lines phát hành giữa tháng 7, có nhiều ca khúc giống như được ra đời cách đây 30 hay 40 năm. Với việc hòa âm đầy đủ thành phần của một ban nhạc soul, nhắc nhớ tới thời của disco và trước đó, album này mạnh mẽ minh chứng cho nền tảng cho phong cách bảo thủ của nhạc soul da trắng. Hoài cổ là một dấu ấn quen thuộc của các nghệ sĩ nam da trắng khi thử sức trong các dòng nhạc của người da màu. Đó là một cách tỏ rõ sự tôn trọng và hiểu biết muốn thay đổi hình thái cả dòng nhạc. Đương nhiên, không phải ai cũng đủ hiểu biết để có được sự tôn trọng với người đi trước như vậy.

alt

“When I Get You Alone”

Trong vài năm gần đây, một số ca sĩ da trắng như Robin Thicke, Mayer Hawthorne, Eli (Paperboy) Reed, Allen Stone, Nick Waterhouse, Jamie Lidell giữ vai trò những người gìn giữ một di sản âm nhạc. May mắn cho Robin là năm 2013 có lẽ là năm hợp nhất để trở thành người gìn giữ nhạc soul da trắng, phần lớn nhờ vào… Justin Timberlake. Sau khi rời nhóm ‘Nsync, Justin giữ vai trò tiên phong của kiểu nhạc pop pha R&B. Với việc hợp tác cùng Timbaland, Justin tạo ra kiểu pop sáng tạo nhất nhì ở hiện tại. Nhưng khi bước qua độ tuổi 32, Justin không còn là kiểu ngôi sao tuổi teen nữa. Danh tiếng của anh giúp cho phong cách bảo thủ, hoài cổ trở nên thời thượng.

alt

Robin Thicke – nguồn idolator.com

Trong album “Blurred Lines”, bài Blurred Lines là track hiện đại nhất. Gần như toàn bộ album đều theo hình mẫu mà Robin đã theo đuổi cách đây 10 năm: kiểu hát nhẹ nhàng, ngân nga, đệm nhạc dày kiểu soul, nhịp điệu của disco, hát về tình yêu, sự quyến rũ… Rõ ràng là Robin không hề có tham vọng thay đổi hay cải tiến dòng nhạc này. Anh có thể là nghệ sĩ nổi bật ở hiện tại nhưng chỉ là người truyền lại phong cách cũ xưa cho các bạn trẻ đương thời. Đĩa đơn thứ 2 được tung ra là bài “Give it 2 u” (cũng được biểu diễn tại VMA 2013) với khách mời Kendrick Lamar mở đầu cũng mới mẻ nhưng cách hát vẫn rất truyền thống.

Với Mayer Hawthorne và album vừa tung ra, “Where Does This Door Go”, những âm thanh disco và soul của các thập niên trước còn được thể hiện rõ nét, dày dặn hơn và một phần chuyển hướng thành jazz rock, kiểu nhạc của Steely Dan (như ở Wine glass woman). Bài hát dẫn đầu album này, “Her favorite song”, là một bản nhạc rất dễ chịu. Allie Jones hay The only one đều khiến bạn gật gù theo còn muốn ballad nhẹ nhàng, có thể nghe All better. Việc Mayer không giữ trách nhiệm sản xuất đĩa như ở hai album trước mà nhường lại cho một loạt các producer danh tiếng đã giúp album có được sự đa dạng rất cuốn hút.

Có thể tiếng tăm không bằng Robin Thicke nhưng với cá nhân người viết, đĩa “Where Does This Door Go” của Mayer Hawthorne hấp dẫn và đáng nghe hơn.

alt

“Give it 2 u”


NV