Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Bánh mì baguette sáng
Kỳ 21
Tôi đến sân bay Charles De Gaulle sau chuyến bay dài hơn 13 tiếng. Nhìn từ trên cao Paris như một bàn cờ khổng lồ xanh rì nhưng thật bình yên không một quân cờ di động. Tất cả ngăn nắp, được xếp đặt gọn gàng thật đẹp. Paris trong tôi chưa từng biết đến. Tôi chỉ biết qua sách báo, những câu chuyện kể của người từng đi du lịch luôn làm tôi ấn tượng trong đầu về một Paris kinh đô của ánh sáng, văn hóa và cả cách sống. Thu Minh đến đón đúng giờ. Sự thân thiện và hiếu khách của người bạn tình cờ quen trong một ngày tu tập tại Hàn quốc, làm tôi tin tưởng hơn nữa tính cách của người Paris.
“Cảm ơn bạn xem Minh là người Paris. Nhưng Minh chưa bao giờ nghĩ mình là Parisian vì chưa bỏ được thói quen ăn nước mắm. Bây giờ hay trong tương lai vẫn thế. Chỉ mong bạn không chê cái phòng nhỏ bé bề bộn của mình thì muốn ở bao lâu tùy thích. Tuy thế ban ngày mình không thể đưa bạn đi chơi hết ngõ ngách Paris do công việc. Chiều tối thì Ok. Cuối tuần thoải mái muốn đi đâu cũng được. Mà bạn cũng chẳng cần đi đâu xa, nội trong cái quận 18 cũng có nhiều điểm vui chơi cho bạn thỏa thích. Khu Montmartre có nhiều quán cà phê. Nổi tiếng nhất là Flore nơi đến của giới văn nghệ sĩ”. Thu Minh rất đơn giản không màu mè rào đón, giống tính cách của tôi. Có lẽ điều đó làm chúng tôi hạp nhau và thân quen dù mới gặp nhau trong một thời gian ngắn. Chúng tôi vẫn thường liên lạc qua email tâm sự những chuyện buồn vui trong cuộc sống thường nhật.
Theo chương trình du lịch một tháng Châu Âu, tôi lưu lại Pháp một tuần. Để hành lý tại nhà Thu Minh, một mình một ba lô tung tăng đến các nước khác bằng phương tiện nào rẻ nhất. May là có Thu Minh giúp đỡ chỗ ở nên tiết kiệm một ít chi phí. Và tôi hy vọng trong thời gian ngắn ngủi cưỡi ngựa xem hoa, sẽ hiểu thêm đôi chút về đất nước và con người Pháp hơn những gì nhìn thấy bằng đôi mắt hạn hẹp của mình.
Thu Minh cười ha hả. “Chẳng lẽ bạn nhìn cuộc sống Paris bằng kính hiển vi sao. Đừng soi mói mọi chuyện. Cứ vui chơi thoải mái theo ý thích mình đi. Bạn muốn đi đâu bạn đi, muốn làm gì thì cứ làm. Chẳng phải bạn đang sống cho mình đó sao. Nữ văn sĩ Pháp Françoise Sagan có viết đại khái thế này, cuộc sống là một sự sắp xếp sao cho ta cảm thấy hài lòng nhất. Bà này là học trò của nhà triết học Jean Paul Sartre – một trong những người khởi xướng chủ nghĩa hiện sinh ở Châu Âu nổi lên như một học thuyết sau Thế chiến thứ hai”.
À thì ra cô nàng cũng là fan ái mộ Sagan. Cuốn “Bonjour tristesse” (Buồn ơi, chào mi) để trên bàn nói lên tất cả. Tôi có đọc tác phẩm này qua bản dịch tiếng Anh. Ha ha, cô nàng đang yêu hay đang rong chơi trong tình yêu, hoài nghi về sự hiện hữu của con người mà muốn đi sâu vào triết lý hiện sinh. Cuốn tự truyện trong đó nàng thiếu nữ Cécile chưa định hướng được cuộc sống, hoài nghi những quy ước xã hội, tâm hồn trống vắng, hụt hẫng, nổi loạn trước vô vị nhàm chán của xã hội để khẳng định bản thể tự do với sự hiện hữu bản thân.
Thu Minh dường như hiểu ý khi thấy tôi chạm tay vào cuốn sách. Anh Jean bạn trai mình tặng đấy. Chốc nữa anh ấy đến chơi, đưa chúng ta đi ăn tối. Jean bảo, chính chủ nghĩa hiện sinh tạo nên cách sống của người Pháp. Họ biết thụ hưởng cuộc sống, biết giải trí bằng những tiết tấu cuộc sống vui tươi, không cần phải lo âu thấp thỏm. Mấy tháng trước mình có người bà con ở Mỹ sang thăm, vô tình so sánh nhà cửa, đường sá ở Pháp nhỏ hơn ở Mỹ. Bạn biết Jean nói sao không. “Vâng. Tôi biết nước Mỹ to, nhà cửa rộng. Nước Mỹ giàu có nhưng hình như người Mỹ không biết cách sống”. Tôi hiểu ý Thu Minh ngầm nhắc nhở tôi cẩn thận không nên đem sự vật ra so sánh một cách chủ quan mà làm mất vui bữa ăn tối nay.
Tôi nghĩ Jean là người nhạy cảm. Nhưng khi gặp mới biết thêm anh ta là người vui tính và có máu hài hước, tuy lớn tuổi hơn Minh khá nhiều. Jean quản trị một chi nhánh tài chánh ở Paris, lại có máu văn nghệ qua vài ba bài thơ được đăng báo. Sau bữa ăn tối nhẹ, chúng tôi ngồi ngoài trời ở quán cà phê Flore. Không khéo người ta còn tưởng chúng tôi là những văn nghệ sĩ quốc tế họp mặt với những câu chuyện về các nhà văn, họa sĩ nổi tiếng từng đến đây. Thu Minh đùa: “Thì đây này, tưởng gì nữa. Nhà thơ chưa từng có tên nhưng có tuổi đang ngồi trước mặt chẳng là gì”. Jean phá lên cười sặc sụa. “Không phải chúng ta ngồi đây muốn người ta hiểu lầm hưởng chút hư danh mà chúng tôi đến Cafe de Flore như thành một thói quen. Một khách hàng thân thuộc, gặp những khuôn mặt thân quen với vài cái bắt tay, vài câu xã giao làm ta không thấy lạc lõng giữa chốn đông người”.
Cafe de Flore quán cà phê nổi tiếng ở quận 18
Đúng là Paris đông thật. Quận 18 phía Bắc Paris, nằm ngoài rìa trung tâm nội thành, tám chín giờ tối người vẫn còn đông trên phố. Người địa phương, khách du lịch nhìn qua dễ dàng phân biệt. Chúng tôi chia tay Jean. Thu Minh muốn cùng tôi đi dạo trên những con phố nhỏ có vỉa hè lát đá dẫn bước chúng tôi về nhà. Tháng Chín, tiết trời Paris se se lạnh. Từng cơn gió cuốn trên mặt phố, phả vào không gian một mùi thơm quen thuộc. Mùi bánh mì nướng lẫn quất đâu đây. Tôi đứng lại. Thu Minh cũng chợt nhận ra điều gì. “Mình vừa đi ngang Boulangerie Mauvieux, lò bánh mì baguette năm nay được giải thưởng Bánh mì ngon nhất Paris. Ngoài giải thưởng, chủ lò được vinh dự ký hợp đồng cung cấp bánh mì cho điện Elysée một năm. Paris không chỉ đông người mà còn có nhiều lò bánh mì hơn bất kỳ thành phố nào khác. Riêng quận 18 có nhiều lò bánh nhất”.
Giải thưởng bánh mì ngon với tôi không hấp dẫn. Ông Tổng thống Pháp hay người dân thường ăn chiếc baguette đều có mùi vị như nhau đâu có gì lạ. Nhưng mùi bánh mì nướng mới lạ, mới hấp dẫn khiến tôi bước chân ghé vào tiệm. Có thể mẻ bánh cuối ngày ra lò dành cho những người nghèo mua về dùng bữa tối. Vài người đàn ông lớn tuổi ăn vận lịch sự, khoác lên mình chiếc áo vest len xám sờn cũ, đội mũ beret bước ra, nách cắp chiếc bánh nóng giòn, vừa đi vừa bẻ đầu bánh mì cho vào miệng nhai thích thú. Bánh mì mới ra lò có vị ngon một cách khác thường. Nó gợi cho ta hình ảnh ấm cúng của một gia đình sống trong no đủ và hòa thuận. Không biết có phải vậy không? Dẫu sau, những khuôn mặt của người cầm trên tay chiếc bánh mì nóng thơm giòn, có nét gì đó vui mừng như trẻ con, hào phóng như người triệu phú.
Mấy ngày sau tôi tự thưởng ngoạn Paris một mình. Thu Minh trao cho tôi một chiếc chìa khóa và tấm bản đồ. Bạn nên để những thứ giấy tờ quan trọng ở nhà và cẩn thận khi đi vào những chỗ đông người chen lấn. Nhiều du khách đến Paris khóc ròng vì mất passport và tiền bạc đấy. Bạn cứ rong chơi thỏa thích, muốn về lúc nào thì về, nhưng hãy để cho mình làm chủ nhà một cách trọn vẹn. Bạn phải có mặt ở nhà trước sáu giờ chiều cùng mình ăn tối, rồi đi dạo đồi Montmartre. Đứng trên đồi có thể nhìn toàn cảnh Paris lung linh về đêm đẹp lắm. Anh Jean hỏi cuối tuần có muốn đi vùng ngoại ô chơi cho biết, vui hơn nội thành với những vườn nho nho nhỏ và những lễ hội nông thôn. Ở đó có những thứ giá trị hơn cái nhìn tháp Eiffel, Khải hoàn môn hay bảo tàng Louvre”.
Hay quá! Tôi được chạm vào Paris một cách trọn vẹn để cảm nhận và nhìn ngắm hội hè miên man mà Ernest Hemingway từng miêu tả. Tôi nhớ một đoạn nhận xét: “Nếu bạn có may mắn sống ở Paris thời tuổi trẻ, sau đó ra đi trong suốt phần lớn cuộc đời mình, thành phố vẫn ở lại trong trái tim bạn. Paris luôn là một ký ức đẹp không thể xóa nhòa, một điều bạn luôn tìm kiếm mà không thấy ở Mỹ. Chỉ có hai nơi trên thế giới mà chúng ta có thể sống hạnh phúc: ở nhà và ở Paris”.
Với cái tính ham vui ham chơi của tôi thì ở nhà không phải là cách tôi chọn. Có thể vào lứa tuổi này những suy nghĩ về gia đình của tôi thật hời hợt. Và chính điều này tôi thường làm cha mẹ lo âu. Ngay cả khi xa nhà một năm đi dạy ở Hàn quốc kết thúc rồi mà tôi vẫn chưa về nhà, rong chơi cuối trời quên lãng. Nhưng Paris không trách móc với tôi điều đó. Có quá nhiều điều đáng xem trong thành phố vừa cổ điển vừa hiện đại vừa tinh tế, sang trọng và một chút kiêu sa. Người Pháp có thể bỏ hàng giờ đồng hồ nhỏ nhẹ từng chút cho bữa ăn trưa mà không thấy chộn rộn. Họ ngồi ăn với phong cách thư thái như tận hưởng một thú vui ăn uống tao nhã. Tuy có hơi cầu kỳ nhưng tôi thật sự khó bắt chước. Chẳng lẽ Jean nói đúng “người Mỹ không biết cách sống”. Bao năm rồi tôi cứ vội vàng ăn uống trên xe ngay cả khi đi học hay đi làm.
Hình như người Paris không biết vội vàng. Họ nhàn nhã với tẩu thuốc trên môi, ngồi uống cà phê đọc báo dọc trên phố sông Seine. Có thể họ là người về hưu hay người trung niên thất nghiệp. Lại có thanh niên rỗi nghề hoặc trốn học la cà quán xá. Cũng có thể là du khách đến đây tìm kiếm một không gian tĩnh lặng mơ màng nhấp nháp cà phê nhìn Paris bằng con mắt lãng mạn. Ngay cả mấy bà đầm, các cô gái tự nhiên ngã mình trên bãi cỏ công viên tắm nắng. Họ là ai đi nữa, nghèo nàn hay giàu có, về hưu hay đang làm việc, chính cái phong thái ung dung nhẹ nhàng đã đi vào nếp sống làm tôi thực sự thích thú. Nhưng đó chỉ là một cảm nhận mơ hồ qua những mảnh ghép hết sức nhỏ bé và bình thường về người Paris. Tôi đang cố tìm thêm nhiều mảnh ghép khác.
Hôm nay rong chơi Paris về sớm. Tôi chuẩn bị mấy món ăn kiểu Mỹ chiêu đãi cả nhà. Jean sẽ tới chung vui. Ngày mai chúng tôi sẽ đi chơi ngoại ô trước khi tôi rời Paris đáp chuyến tàu nhanh Liên châu Âu đến xứ Catalan bên bờ Địa Trung Hải đầy nắng gió.
NL