Menu Close

Nguyễn Đình Toàn. qua những chặng đường…

Nguyễn Đình Toàn là nhà văn, nhà thơ, người nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề năm xưa, người ngồi ở báo Văn chọn bài trong nhiều năm, là nhạc sĩ viết ca từ và sáng tác ca khúc. Vâng.

Tất cả những điều vừa kể sẽ có người diễn giải và chứng minh. Riêng với Nguyễn, Toàn là người bạn rất gần, dù ít gặp nhau. “Bạn bè như lửa ấm chiều hôm” đó mà.

Xin trở lại từ đầu… Không biết do cơ duyên nào mà Nguyễn được gặp Nguyễn Đình Toàn. Những năm đầu thập niên 60, ở Sài Gòn Nguyễn đã đọc Chị Em Hải và Giờ Ra Chơi và tập thơ Mật Đắng của Nguyễn Đình Toàn. Thỉnh thoảng được trông thấy Toàn ngồi hút pipe, uống cà phê với bạn bè ở La Pagode (Quán Chùa). Nhìn thấy thôi, chứ chưa có dịp gặp nói chuyện. Mãi tới sau 1965, khi Nguyễn đã làm ở đài phát thanh Đà Lạt, có dịp về ghé qua đài Sài Gòn chơi, gặp lúc Toàn đang thâu chương trình Nhạc Chủ Đề có sự tham dự của Hà Thanh. Trước đó chắc là qua sự giới thiệu của bạn bè   Sơn hay Cường?- Nguyễn đã có gặp Nguyễn Đình Toàn đôi lần. Toàn là người cởi mở và thân ái. Hà Thanh với Nguyễn lại là đồng hương. Do vậy mà buổi gặp rất vui vẻ, thân tình. Dịp này, Toàn giới thiệu Trọng Khương là tác giả bài Về Miền Nam rất nổi tiếng.

Dòng đời trôi đi, ầm ĩ rã rời. Tới năm 1975 thì miền Nam tan hàng, anh em mỗi người một ngã. Mãi tới sau 1982, đi tù về mới gặp lại Nguyễn Đình Toàn trong thân thể gầy gò (ai hồi ấy chẳng gầy trơ xương, có lẽ chỉ trừ “đám chủ mới”), gầy nhưng đôi mắt vẫn sáng sau kính cận thị. Vẫn là Nguyễn Đình Toàn của Áo Mơ Phai và Nhạc Chủ Đề. Anh em chúng tôi trong thời vô vọng ấy, thỉnh thoảng lại gặp nhau bên chung trà, tách cà phê, ly rượu đắng. Một hôm mấy người gồm Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hà Thượng Nhân, Tô Thùy Yên và Nguyễn tôi chở nhau bằng xe đạp vượt xa lộ qua Làng Báo Chí thăm Toàn. Nhà Toàn đúng là nhà hàn sĩ (lời Hà Thượng Nhân). Gian giữa, nơi tiếp khách, chỉ có một cái bàn gỗ tạp, với mấy cái ghế chỏng chơ và phích nước, ấm tách… Toàn kể sau 1975, có thời gian vợ chồng Toàn phải nuôi ong lấy mật bồi dưỡng. Dịp này, Toàn đọc bài thơ Tự Do Tự Do của Động Đình Hổ Nguyễn Hữu Nhật. Bài thơ lời lẽ mạnh mẽ như một tuyên ngôn. Giọng đọc của Toàn sắc cạnh, hùng hồn, vẫn còn mang âm hưởng của chương trình Nhạc Chủ Đề. Ngôi nhà của Toàn để lại trong trí óc người viết những ấn tượng sâu sắc. Sau này sang Mỹ được nghe Tuấn Ngọc hát Căn Nhà Xưa, lòng thấy bồi hồi, thương bạn thương mình và một thời thật đẹp tiếp theo bao khốn khó:

Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe
Nắng ròn trên mái
Ở đó có những lũ sên bò quanh
những vết nứt rêu tường xanh
Ở đó có lá cuốn dây ngoài song
có giếng nước soi trời trong
có gió mát đêm bình yên
có những tiếng chuông gần lắm
từng ngày nghe đã quen…
Ở đó có những tháng năm buồn tênh
khốn khó quyết nuôi tình duyên
đã trốn thoát qua nhiều phen
Ở đó ngó thấy nghĩa trang kề bên
có tiếng khóc hơi đèn nhang
có những sớm em tìm đến
với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm
Ấy là nhà của Toàn và của ai nữa. Hay nhà tôi:
tôi gởi lại
căn nhà. gió động cây đàn gỗ chùng dây. cửa sổ nhìn ra sông. hoàng hôn tím màu hoa đồng thảo
hồn tôi. suốt bao đêm. cùng đốm lửa vườn xưa. thức trong cây và đất
đợi chờ ai. hừng đông mưa
phượng đỏ. một lời yêu dấu cũ
là lúc chia xa

Sang Mỹ, chúng tôi lại gặp nhau. Lúc đầu, Toàn ở trong căn nhà dưới Huntington Beach, có lẽ gần với Lê Uyên Phương. Tôi lái xe đến thăm. Toàn ở nhà một mình. Anh lấy đàn và xấp nhạc hát cho tôi nghe. Không ngờ sau 75, Toàn làm nhiều nhạc đến thế, trong đó có nhiều bài hay và thấm thía. Sau đó, chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần -đi ăn sáng ở Tài Bửu (?), đi chơi ở Huntington Beach có cả Nguyên Khai và Bích Huyền cùng đi. Năm 2007, tổ chức Festival Văn Hóa ở Dallas, tôi có mời Toàn, Lê Uyên và Quỳnh Giao sang tham dự. Đó là những ngày vui, không bao giờ còn có nữa. Toàn nói với tôi qua điện thoại: moi bây giờ mỏi mệt lắm rồi, e không sang chơi được nữa, toi rảnh qua đây mình gặp lại nhau. Tuy nhiên, có tin vui giữa giờ buồn bã: Các bạn trẻ trong Hội Việt Học tới đây, ngày Dec. 03, sẽ tổ chức vinh danh Nguyễn Đình Toàn và trình diễn 20 bài nhạc của Toàn tại Hội trường báo Người Việt… Buổi diễn ngoài những bạn trẻ trong Hội Việt Học còn có một thành phần tuyển chọn của ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

 

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn

Nhưng trước khi nói về buổi diễn, chúng ta hãy nghe Phan Đăng Sơn trên báo Người Việt viết về Nhạc Chủ Đề cũng như ca khúc Nguyễn Đình Toàn. Từ sau năm 1963, Nguyễn Đình Toàn lập chương trình Nhạc Chủ Đề trên Đài Sài Gòn, đặc biệt với lời dẫn nhập do chính ông viết và đọc cho mỗi bài hát. Theo Quỳnh Giao: “Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong ông cổ điển, khác với lời viết của Mai Thảo, hay lời nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc. Chương trình ăn khách và tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ của Nguyễn Đình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu”  như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy lời thì thầm với riêng mình những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng, điệu nghệ, để người nghe chuẩn bị đón nhận. Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên các ca sĩ sau này là những tên tuổi lẫy lừng như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu.”

Ngoài biệt tài văn chương và làm phát thanh (Nhạc Chủ Đề) Nguyễn Đình Toàn còn được biết là người đã viết lời cho hai ca khúc “Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi” nhạc của Vũ Thành An trước năm 1975, và về sau này bản “Còn Tiếng Hát Gửi Người” nhạc của Trần Quang Lộc.

Ông còn là nhạc sĩ sáng tác khá nhiều ca khúc trong những năm về sau, nhưng biến cố 1975 đã làm chìm khuất đi. Đặc biệt có một bài hát về thành phố Sài Gòn được người trong nước lẫn ngoài nước biết đến nhiều nhất. Hãy nghe lời kể của Khánh Ly: “Tôi nhận được nhiều bài hát từ người vượt biển. Cùng thời gian đó, từ Pháp gửi qua cho tôi một số bài hát ký tên Hồng Ngọc, trong số có bài  Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên.   Thực tế bài hát đó có tựa nguyên thủy là Nước Mắt Cho Sài Gòn. Ông Võ Văn Ái đã đổi tựa và viết thêm lời. Hồng Ngọc là bút hiệu của Nguyễn Đình Toàn.” (Hồi ký Khánh Ly)

Sau khi định cư tại Mỹ, ca khúc Nguyễn Đình Toàn được giọng hát Khánh Ly trình bày qua 2 CD “Hiên Cúc Vàng” và “Mưa Trên Cây Hoàng Lan”; và CD “Tôi Muốn Nói Với Em” gồm nhiều giọng hát như Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Anh Dũng, Mai Hương…

Như đã nói trên, các bạn trẻ trong nhóm thân hữu Viện Việt Học miền Nam California có nhã ý tổ chức một chiều nhạc thính phòng Nguyễn Đình Toàn, vừa để vinh danh nhạc sĩ, vừa để giới thiệu lần đầu thông điệp nghệ thuật phản ảnh nhiều cảm xúc thời đại của một người đã từng trải cuộc đời qua những giai đoạn đầy biến động đau thương của đất nước.

Với sự đồng ý của tác giả, lần đầu tiên gần 20 ca khúc sẽ được gửi tới khán giả quận Cam, sẽ được diễn tả bằng các giọng hát mới đã được chọn lọc từ các buổi trình diễn nhạc thính phòng tại Viện Việt Học, hay được mời từ ban nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, ban Ngàn Khơi các giọng hát Mộng Thủy, Anh Dũng, Vương Lan, Mai Dung, Bích Huyền, Tạ Chương, Hàn Phúc, Thanh Thúy, Khang Huy, Quang Thái, Ái Phương, Khắc Hiền, Ngọc Thủy. Phần guitar sẽ do Lê Từ Phong và phần piano sẽ do Quốc Vũ phụ trách. Phần điều hợp chương trình gồm có Mai Dung, Bùi Đường và Ngọc Thủy.

Một giọng hát tiêu biểu trong chiều nhạc Nguyễn Đình Toàn là của ca sĩ Anh Dũng. Anh được các bạn trẻ trong nhóm thân hữu Viện Việt Học mời, vì đây là giọng ca nam đóng góp nhiều ca khúc trong CD nhạc Nguyễn Đình Toàn, qua đó Anh Dũng đã thành công xuất sắc trong “Tình Khúc Thứ Nhất” là một ca khúc rất kén giọng nam; và bài “Trăng Mòn” bằng thể điệu Blues rất đặc sắc.
Lần đầu tiên trên sân khấu quận Cam, Anh Dũng sẽ cống hiến người nghe 2 bài này.

Cũng theo Phan Đăng Sơn, giọng hát Mộng Thủy là một khám phá lớn của nhạc sĩ Phạm Duy vào những năm sau cùng ông còn lại trên đất Mỹ. Mộng Thủy là tiếng hát duy nhất trong CD “Trăm Năm Bến Cũ” nhạc của Phạm Duy, trong đó ông đặc biệt dành một số bài hát lần đầu tiên cho tiếng hát này trình bày. Giọng hát Mộng Thủy đẹp và óng chuốt. Cô tốt nghiệp ngành âm nhạc tại đại học Hoa Kỳ. Là một trong những giọng ca từng cộng tác với Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ. Hiện cô là giáo sư dương cầm. Cô sẽ là giọng nữ đầu tiên trình bày trên sân khấu bài “Còn Tiếng Hát Gửi Người” một sáng tác chung của Nguyễn Đình Toàn và Trần Quang Lộc, là bài hát vốn gắn liền với giọng ca nam trầm ấm Duy Trác. Và cô sẽ trình bày thêm một bài nữa của Nguyễn Đình Toàn có nhan đề “Quê Hương Thu Nhỏ” một bài ca thật cảm động, diễn tả tâm trạng buồn nhớ quê hương của những mảnh đời lưu vong. Giọng hát Tạ Chương, con trai của cố họa sĩ Tạ Tỵ, là một giọng nam truyền cảm. Anh hiện cư ngụ tại San Diego. Tạ Chương sẽ trình bày 2 bài “Dạ Khúc” và “Một Cánh Hoa Rơi” của Nguyễn Đình Toàn.

Riêng bài hát một thời đã làm xúc động biết bao người Việt tỵ nạn ở khắp mọi nơi trên thế giới, bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” (tên tác giả đặt là Nước Mắt Cho Sài Gòn) sẽ được song ca bởi 2 giọng nam Khang Huy và Quang Thái, cả 2 đều thuộc thế hệ chào đời ngay sau lúc Sài Gòn bị mất tên.

Như thế đó, và còn hơn thế nữa với nhiều giọng ca và ca khúc sâu lắng thiết tha, buổi trình diễn ở Hội trường Người Việt hứa hẹn sẽ đem đến cho thính giả tham dự những xúc động của nghệ thuật và tâm hồn của người nghệ sĩ thời đại. Ôi, nhiều bạn bè của Toàn đã ra đi – Mai Thảo, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Cao Đông Khánh, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Quang… Diễn trường và cuộc đời chúng ta đã vắng bóng đi nhiều người. Buổi nhạc thính phòng của Toàn sẽ làm sống dậy một thời kỳ mà nghệ sĩ viết nhạc và làm thơ trong cảnh đói nghèo, bị truy bức đến tận cùng. Toàn ạ, rất tiếc tôi không đến dự được nhưng sẽ cố gắng nhờ Huy Phương hoặc Quỳnh Giao (có lẽ Quỳnh Giao thích hợp hơn) ghi lại không khí và một vài nét trong buổi chiều đẹp đẽ ấy để có thêm bài viết nữa về bạn.