Làng truyền thông thế giới trong tuần chú trọng nhiều đến cuộc hội nghị thượng đỉnh “G20 Summit” đang diễn ra tại thành phố St. Petersburg, phía bắc nước Nga (Russia). Nhóm G20 bao gồm 20 quốc gia hùng cường nhất thế giới. Các kết quả thương thảo giữa họ có tầm ảnh hưởng cả thế giới, đặc biệt trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng tại Syria hiện naỵ
G20 hay “Group 20”, là nhóm 19 quốc gia kinh tế cường thịnh nhất, cộng thêm đại diện Liên Hiệp Âu Châu (EU). Thành viên G20 gồm 7 đại diện Âu Châu: Anh Quốc (UK), Pháp Quốc (France), Đức Quốc (Germany), Ý Quốc (Italy), nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Liên Hiệp Âu Châu. Năm đại diện Á Đông (Asia) gồm: Nhật Bổn, Nam Hàn, Ấn Độ, Trung cộng, Indonesia. Bắc Mỹ có 3 thành viên: Hoa Kỳ, Canada, và Mexico. Nam Mỹ Châu La Tinh có Brazil, Argentina. Vùng Trung Cận Đông với Saudi Arabia, Đại Dương Châu (Oceania) với Úc, và Phi Châu (Africa) với Nam Phi (South Africa) mỗi nơi có một thành viên đại diện.
G20 nhóm họp phiên đầu tiên vào những ngày cuối cùng của thế kỷ 20. Ban đầu giới hạn các cuộc hội họp ở cấp bộ trưởng tài chánh, hoặc cấp chuyên viên. Các tra khảo, tham vấn, nghiên cứu với tham vọng đem lại các chánh sách kinh tế tài chánh ít mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên, cùng lúc thúc đẩy sự ổn định tài chánh toàn cầu. Lúc đầu, G20 chỉ họp các bộ trưởng tài chánh và các thống đốc ngân hàng trung ương. Đến năm 2007-08, trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, mới nảy sinh “G-20 Summit” là hội nghị thượng đỉnh bao gồm các nguyên thủ quốc gia thành viên. Sau năm nay, các hội nghị thượng đỉnh sắp tới được tổ chức tại Úc (2014) và Thổ Nhĩ Kỳ (2015).
Nhóm G-20 quan trọng và tiếng nói của họ có trọng lượng vì gộp lại 20 nền kinh tế này chiếm đến 80% lượng hàng hoá sản xuất khắp thế giới. G20 cũng nắm đến 80% thương mại thế giới, và chiếm 2/3 dân số thế giới. Uy tín của G-20 ngày càng lên cao đến mức sau khi cuộc hội nghị thượng đỉnh 2008 tại Washington kết thúc, các nhà nguyên thủ công bố từ thời điểm đó, G20 sẽ trở thành nơi hội họp chánh của các cường quốc, thay thế một diễn đàn giới hạn hơn là “G8”.
Mạnh mẽ như G20, với những sách lược tung ra có thể ảnh hưởng vận mạng toàn cầu, nhưng nhóm này vẫn không tránh được nhiều chỉ trích. Phi Châu chỉ có 1 đại diện bị xem là quá ít ỏi. Nhiều người cũng biện luận, dùng các con số thống kê kinh tế tài chánh phức tạp, rằng Indonesia, Argentina, nước Nga (Russia) và Mexico không nên được bao gồm thành viên G20. Những quốc gia xứng đáng được mời mọc hơn là Thuỵ Sĩ (Switzerland), Singapore, Na Uy (Norway) hoặc Malaysia. Nhiều người cũng xem uy tín lên cao của U20 là tổ hại thanh thế của các tổ chức quốc tế lâu nay như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân Hàng Thế Giới World Bank, hay chính Liên Hiệp Quốc (United Nations)…
Ngoài nhóm G20, trên thế giới lâu nay vẫn có nhiều diễn đàn mang ít nhiều mục đích tương tự: cộng tác phát triển kinh tế, trao đổi thương mại, v.v… Nhóm “Group of Eight” hoặc G8 đáng kể nhất. Đây là nhóm 8 nước trong số 11 cường quốc kinh tế thế giới hiện đại (không được mời vào: Brazil, Ấn Độ, Trung cộng. Nhóm này manh nha từ một hội nghị đồng minh Tây Phương năm 1975 gồm có Pháp Quốc, Đức Quốc, Ý Quốc, Anh Quốc, Nhật Bổn, và Hoa Kỳ. Năm 1997 có thêm Canada nhập hội, rồi sau đó đến nước Nga. Các nước nhóm G8 chiếm 14% dân số thế giới, nhưng chiếm đến 60% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới. Về quân sự, năm 2007, nhóm G8 cấp ngân sách $850 tỉ, gần như bằng 3/4 tổng ngân sách quốc phòng toàn thế giới. Các cuộc họp của nhóm G8 thường mở rộng và rất chi tiết, bao gồm các bộ trưởng tài chánh, ngoại trưởng, bộ trưởng về môi trường, v.v… Tuy nhiên, ảnh hưởng của G8 ngày nay không còn lớn lao như trước kia. Đặc biệt từ khi cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, và sự góp mặt của Ấn Độ, Brazil, Trung cộng… giúp nâng uy tín của “G20”, dần đưa tổ chức này thay thế G8.
Ảnh lưu niệm kỳ họp thượng đỉnh nhóm G-20 lần đầu tiên năm 2008 tại Washington.
Những năm vừa qua cũng có thuật ngữ “BRICS”, viết tắt của 5 nền kinh tế đang phát thịnh mạnh mẽ: Brazil, Russia (Nga), India (Ấn), China (Trung cộng) và Nam Phi (South Africa). Trước khi Nam Phi gia nhập nhóm này được gọi là “BRIC”. Đặc điểm chung của các nước này là quốc gia mới kỹ nghệ hoá, kinh tế phát triển nhanh. Cả 5 nước gộp lại bao gồm đến 3 tỉ người., GDP trên $14,800 tỉ. Hiện nay, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị hồ sơ gia nhập, trong khi Ai Cập (Egypt) và Nigeria cũng đã có các bước thăm dò.
Trở lại với cuộc họp thượng đỉnh G20 năm naỵ Vì tình hình chiến sự Syria cấp bách, trên thực tế các đề tài kinh tế đã phải lùi bước vào hậu trường. Trước khi sang Nga dự họp, Tổng Thống Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ tấn công Syria có giới hạn. Chánh phủ Hoa Kỳ cáo buộc phe quân đội Syria trung thành với Tổng Thống độc tài Bashar al-Assad đã dùng võ khí hoá học tấn công giết hại 1,429 người ở ngoại thành Damascus hôm 21-8-2013. Phe Tổng Thống Assad thì đổ lỗi cho phía quân phản kháng đã đạo diễn vụ tấn công
Lần này, Tổng Thống Barack Obama muốn dùng diễn đàn G20 để tìm sự hậu thuẫn chánh trị và quân sự trước khi tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Syria. Hiện thời, chỉ có Pháp Quốc và Hoa Kỳ là 2 quốc gia duy nhất tại G20 sẵn sàng hành động quân sự chống Syria. Trong khi đó, số nước chống lại can thiệp quân sự nhiều vượt trội.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2013.
Điểm qua thái độ các nước chánh yếu. Nước Nga (Russia) quyết liệt chống biện pháp quân sự, luôn luôn phủ quyết các nghị quyết Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt Syria. Tổng Thống Nga Vladimir Putin thậm chí đòi đưa tàu chở võ khí sang cho Syria nếu phía Hoa Kỳ động binh. Trung cộng và Ấn Độ cũng theo chân nước Nga, một mực đòi phải có giải pháp chánh trị cho Syria. Trung cộng cũng có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ấn Độ thì khích lệ các bên tham chiến Syria mở cuộc đàm phán.
Ngoài Hoa Kỳ và Pháp Quốc cứng rắn đòi sử dụng võ lực kềm chế, còn vài nước khác lời lẽ khá cứng rắn. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ giải pháp quân sự càng sớm càng tốt. Vị trí Thổ gần sát Syria, có thể họ trở thành đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ nếu chiến sự bùng nổ ở Syria. Saudi Arabia là một nước Ả Rập hậu thuẫn giải pháp quân sự. Đây cũng là nước lâu nay ngấm ngầm lẫn công khai quân viện võ khí cho phe đối lập Syria. Chánh phủ Úc từ chối tham chiến, nhưng tuyên bố hậu thuẫn nỗ lực của Hoa Kỳ và đồng minh.
Nhiều nước đồng minh Tây Phương khác còn lưỡng lự. Mặc dù Quốc Hội Anh Quốc đã bỏ phiếu chống tham chiến, chánh phủ của đảng Bảo Thủ vẫn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ, và sẽ đóng vai trò yểm trợ. Thủ Tướng Đức Quốc Angela Merkel cũng tuyên bố không tham chiến, cùng lúc kêu gọi một phản ứng đồng bộ toàn thế giới về vấn đề Syria. Ý Quốc rạch ròi hơn, chống hành động quân sự, và cấm luôn quân lực Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự trên đất Italy trong trận tấn công khi xảy ra. Brazil thì nói tấn công Syria mà thiếu nghị quyết Liên Hiệp Quốc là vi phạm công pháp quốc tế.
Trên thực tế, cuộc nội chiến Syria đến nay đã kéo dài trên 30 tháng. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 100,000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh và hằng triệu người tị nạn. Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ CIA thì tiết lộ chánh quyền Syria có những kho võ khí hoá học khổng lồ, và kỹ thuật sử dụng tối tân có thể thả từ phi cơ, đầu phi đạn, hoả tiễn, v.v… Ước tính kho võ khí hoá học của Syria lên đến 1,000 tấn, cất giấu rải rác ở 50 thành phố và thị trấn khắp nước. Nếu Hoa Kỳ và đồng minh tấn công, phe quân đội trung thành chánh phủ độc tài cũng có thể dùng thường dân làm lá chắn “human shield”, gây cảnh thiệt hại ghê rợn, khiến quốc tế áp lực Hoa Kỳ dừng tay. Chưa rõ thượng đỉnh G20 lần này sẽ kết thúc ra sao giữa các cuộc mặc cả của các siêu cường. Đây cũng có thể là cú thử thách bản lãnh và hiệu quả của tổ chức G20 đối với vận mệnh thế giới.
Vài nguyên thủ phu nhân G20 dành thời giờ viếng thăm Học Viện Ballet của nước Nga.
TD