Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Photo Emilio Morenatti/AP
Kỳ 22
Tôi chọn Barcelona làm điểm đến vì nó được đánh giá là một trong mười thành phố đáng sống nhất thế giới. Thời tiết vùng này thật đặc biệt nhờ có bãi biển trải dài và nắng ấm quanh năm thu hút hàng triệu khách du lịch đến đây suốt cả bốn mùa. Liệu bốn mươi tám tiếng đồng hồ ở Barcelona tôi có thể đi đâu, hiểu biết gì hơn về thành phố nằm trong danh sách mười thành phố đáng sống trên thế giới, vượt qua Madrid trở thành đô thị năng động nhất Châu Âu.
Ấy vậy, trên đường đưa tôi ra ga xe điện cao tốc Lyon, Jean tỏ ra không mấy thiện cảm với thành phố biển xứ Catalan này cho lắm. Bởi có lần chiếc ví của anh không cánh mà bay ngay trước sân vận động Camp Nou khi anh đi ủng hộ đội bóng nhà Paris Saint Germain. “Barcelona có vẻ đẹp riêng khác xa Paris, Milan hay London. Có nhiều thứ phải xem. Nhưng cẩn thận với bọn móc túi đấy. Nhất Tây Ban Nha, nhì Ý, ba Pháp”. Ôi cha! Florence chặng dừng chân kế tiếp của tôi cũng lọt vào danh sách đề phòng. Hôm trước nghe Thu Minh nhắc nhở, tôi không để ý lắm. Giờ nghe Jean cảnh báo làm tôi có chút lo âu cho chuyến đi. Jean bảo, “tội móc túi ở Tây Ban Nha xử nhẹ hều nên chẳng thể răn đe. Không đóng phạt cùng lắm nằm bót vài ba bữa”.
Nhưng thôi. Tôi không muốn chuyện không may có thể xảy ra làm mất vui cho chuyến đi Barcelona. Lần đầu tiên được đi tàu điện cao tốc tôi thấy rất thoải mái. Từ Paris đi Barcelona mất khoảng sáu tiếng cho tuyến đường dài một ngàn ba trăm cây số, xem ra phương tiện tàu điện cao tốc rất tiện lợi cho việc đi lại giữa các nước Châu Âu với giá vé tính ra không phải là đắt. Tàu lướt đi vùn vụt. Ngồi trên ghế cứ tưởng mình bay là là trên mặt đất. Cảm giác khác hẳn ngồi trên máy bay chỉ thấy những đám mây lừ đừ trôi ngược.
Một giờ chiều tàu đến Figueres Vilafant, một thành phố nhỏ vùng biên giới Tây Bắc nước Tây Ban Nha. Thủ tục chuyển tàu rất đơn giản. Chỉ cần đưa chiếc vé rồi bước lên toa đến đúng ghế mình ngồi. Năm mươi ba phút sau, chuyến tàu Renfe đến Barcelona chói chang nắng. Cây xanh hai bên phố, công viên không thiếu, thế mà nắng cứ tràn đầy như trên bãi biển. Người ở đâu tụ về đây đông như kiến, kèn trống, cờ xí, tưng bừng khắp các con phố. “Người ta kéo nhau đi biểu tình đòi quyền độc lập tự trị khu vực Catalogne bao gồm nhiều thành phố phía Tây Bắc Tây Ban Nha đó. Chuyện lớn đấy. Chúng ta phải thoát nhanh ra khỏi nơi này, không thôi bị kẹt”. Tài xế taxi cố luồn lách. Xe cộ không lưu thông được, chạy vô đường nào cũng thấy dòng người cầm loa hô vang khẩu hiệu, không khí náo nhiệt nối nhau từng đoàn tụ tập trên các đường phố.
Nhiều xe cảnh sát chốt chặn ở các ngã tư, hướng dẫn các dòng xe cộ đi qua đường khác tránh vào trung tâm. Bác tài phân trần phải đánh vòng ra xa lộ mới có thể về khách sạn. Chịu thôi. Tình hình bây giờ, không thể làm gì khác hơn là theo quyết định của thổ địa. Tất nhiên cứ theo đồng hồ tính tiền. Thế là đi đứt một khoản tiền ngoài dự kiến. Bác tài giải thích chính kinh tế Tây Ban Nha suy sụp, khủng hoảng nợ công, chính phủ muốn tăng thuế cao tại khu vực Catalogne này. Trước đây từng có các cuộc biểu tình nhưng quy mô không bằng hiện giờ. Người Catalan muốn tách rời đòi tự trị riêng khu vực như một nhà nước độc lập có nền văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng.
Ngôn ngữ riêng? Tôi cứ tưởng Barcelona nói tiếng Tây Ban Nha như một ngôn ngữ chính thống. “Không. Chúng tôi có ngôn ngữ riêng nhưng bị cấm sử dụng từ thời chế độ độc tài Francisco Franco từ năm 1939 đến năm 1975. Người dân Catalan bị cấm nói ngôn ngữ riêng của họ nơi công cộng. Sau bảy lăm tiếng Catalan mới được dùng lại trong trường học nhưng mới đây chương trình cải cách giáo dục trung ương muốn đưa tiếng Tây Ban Nha trở lại nhà trường. Chúng tôi phản đối, họ đang công kích vào bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng người Catalan tại đây. Tiếng Catalan cũng được sử dụng ở vài vùng miền Nam nước Pháp giáp giới Tây Ban Nha và cả một vài vùng đảo thuộc nước Ý”.
Còn vài trăm mét về đến khách sạn nhưng taxi không thể nào vào được. Lại hàng đống người cầm cờ qua phố. Tôi đành xuống xe đi bộ. Các cửa hàng buôn bán, tiệm ăn đóng cửa. Hẳn họ sợ những cảnh biểu tình như thế này. Chỉ cần trong đám biểu tình có người quá khích sẽ xảy ra xung đột. Tôi lẫn trong dòng người băng qua con phố đi bộ La Rambla. Khách du lịch biến đâu mất hoặc trở về khách sạn trú ngụ an toàn.
Đứng trên ban công tầng năm khách sạn nhìn xuống rừng cờ di động sọc vàng sọc đỏ của xứ Catalogne hướng về quảng trường trung tâm khu vực tòa thị chính. Bốn bề âm thanh nhốn nháo khiến tôi có cảm giác Barcelona sắp vỡ tung. Mà thôi, mọi chuyện sẽ đâu hoàn lại đó. Cuộc biểu tình ôn hòa có thời gian kết thúc theo như bác tài taxi nói cho tôi biết. Nhưng chắc gì cuộc biểu tình ôn hòa không thể biến thành cuộc biểu tình quá khích có nguy cơ bạo động với cả triệu người Catalan xuống đường. Tốt nhất là hãy lánh xa nơi nguy hiểm. Tôi xuống nhà hàng khách sạn kiếm chút gì cho bữa tối trước khi cuộc biểu tình tan trả lại sự thông thoáng đường phố cho khách du lịch.
Cô hầu bàn đon đả nụ cười như vừa bắt phải khách sộp. Cô hỏi mấy người. Nhưng sau khi nghe “mình tôi” thì khuôn mặt cô bỗng xịu xuống. Nhà hàng ế ẩm, vài ba thực khách lẻ ăn qua loa vài món. Tôi thực sự đói vì bỏ bữa ăn trưa cho đến tận giờ. “Nghe nói hải sản vùng Địa Trung Hải rất ngon, tôi muốn thử”. Cô hầu bàn lại cười tươi mang thực đơn đến. Thấy tôi có vẻ chần chừ, cô đề nghị món này, món nọ đến nỗi tôi sẽ phải thưởng thức một bàn yến tiệc một mình. Tuy sinh hoạt đắt đỏ nhất Tây Ban Nha, vật giá ở Barcelona vẫn rẻ so với Pháp nên bữa ăn tối nhiều món cũng không đáng kể. Ăn không hết mang lên phòng cho vào tủ lạnh. Hơn nữa ngày mai tôi cũng không còn thời gian la cà nơi quán xá.
Tôi trở về phòng xem lại chi tiết “đi đâu ở Barcelona” cho ngày mai. Định xuống phố dạo chơi một chút, thế mà tôi thiếp đi lúc nào. Tiếng guitar Flamenco rộn ràng những âm bổng với tiết tấu vui tươi như từ giấc mơ vọng về. Không. Tiếng đàn tiếng hát vang lên từ dưới đất. Tôi nhìn đồng hồ, mười một giờ đêm quả không an toàn cho những hành khách một mình lang thang trên phố. Một câu hỏi thoáng qua trong đầu, có nên xuống phố. Thời gian quá ít ỏi, phải tranh thủ đi-nhìn-xem-ngắm. Tôi bước ra ngoài ban công, nhìn phố xá sáng trưng ánh đèn. Các con phố Barcelona hiện ra trong ánh sáng rực rỡ đèn màu không khác sân khấu tạp kỹ lộ thiên khổng lồ. Du khách từ đâu kéo về đông như trẩy hội. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không bước xuống nhập vào không khí hội hè.
Phố đi bộ La Rambla giờ này vẫn còn đông người. Một dãy hàng hoa đủ loại. Có thể thấy người Barcelona lãng mạn đâu thua gì người Pháp. Nhưng thử hỏi khuya khoắt thế này người ta mua hoa để làm gì nhỉ. Lại những dãy hàng trái cây tươi rói với tiếng rao, tiếng chào mời không khác cảnh phiên chợ về đêm. Phố đi bộ nổi tiếng phải có gì hay hơn thế nên nhiều người mới kháo nhau “lang thang La Rambla thật thú vị”. Hay là tại tôi quá quen với quang cảnh những phố đi bộ kiểu này ở nhiều thành phố tôi từng đi qua nên thấy mọi chuyện không có gì hấp dẫn. Có chăng những cửa hàng bán vật lưu niệm làm bằng tay khéo léo đáng để xem. Giá khá cao. Thường thì nhiều người tìm mua cho mình vật gì làm kỷ niệm khi một lần đến một thành phố nào đó. Tôi chợt nhớ món quà mọn bộ chuông gió bằng sành hình chiếc nón lá mang theo qua Ý vẫn có ý nghĩa hơn đang cất giữ trong ba lô nên đành thôi không xem nữa. Cô chủ hàng vẫn với cái nụ cười tươi. “Ban ngày La Rambla đông nghịt, vui lắm. Ngày mai nhớ đến xem tượng người rất nghệ thuật”. Tượng người? Nghệ thuật đường phố này cũng không lạ khi người ta dễ dàng tự nhận mình là nghệ sĩ nên tính chất nghệ thuật nó cũng không còn. Cô đang quảng bá cho ngành văn hóa, du lịch xứ Catalan. Thế nhưng cô cũng thẳng thắn cảnh báo những khách du lịch có vẻ ngờ nghệch như tôi. “Cẩn thận. Phố Rambla nổi tiếng tệ nạn móc túi đấy”.
Tôi trở về khách sạn sau ba tiếng đồng hồ loanh quanh vài ba con phố Barcelona về đêm. Những công trình kiến trúc nổi tiếng được chiếu đèn nổi bật trên nền trời đen thẫm. Người ta vẫn ca tụng kiến trúc Tây Ban Nha. Sức ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc này lan tỏa nhiều vùng trên thế giới. Thế mà tôi lại thấy dường như kiến trúc Tây Ban Nha không có nét riêng, pha tạp nghệ thuật kiến trúc qua nhiều thời kỳ lịch sử. Có chăng những công trình hình thể lạ lùng, cầu kỳ đến nỗi hiện nay nhà thờ tháp nhọn Sagrada Familia của kiến trúc sư tài danh Antonio Gaudi hơn một thế kỷ đến nay vẫn chưa xây xong.
Và Barcelona về khuya có những góc phố yên tĩnh, có những nơi náo nhiệt như trong quán bia, quán rượu. Người địa phương, du khách ngồi chuyện vãn ồn ào từ trong ra đến ngoài hiên với chai rượu Sangria trong veo thơm mùi trái cây. Có lẽ ban đêm với họ mới chính thực cuộc sống được thư thái sau một ngày ngổn ngang bao thứ phải lo vì mưu sinh, vì cuộc sống. Đêm với họ là mở ra cuộc sống mới, cuộc sống khác nữa cho dù kinh tế Tây Ban Nha có thể làm ảnh hưởng cuộc sống an vui của họ.
Tôi chỉ còn hai mười bốn tiếng dành cho Barcelona. Làm gì ở Barcelona nếu như vẫn còn tiếp diễn cuộc biểu tình cuồng nhiệt. Biển hẳn cho mình những giờ phút thư giãn an toàn và vui vẻ.
NL