Menu Close

Đêm cuối năm nghe một vài khúc hát

Viết tặng Dung

Đêm. tôi trở về
từ cánh đồng

của những cây gai nhọn.
và nhụy hoa úa tàn
nơi những tiếng ho.
như bầy quạ đen.
đập cánh
trên cao.
trăng thượng tuần.
một nét nghiêng.
tranh salvador dali.
vẽ phác sơn dầu
đường khuya vắng
hàng cây khô. như người ốm.
qua cầu
tôi và dung. tìm bàn tay nhau
chợt nghe từ xa. jingle bells.
jingle bells
jingle all the way
lòng hân hoan
như buổi đầu mới gặp
ở sài gòn
cách nay vừa tròn năm mươi năm

Vâng. Cứ mỗi Giáng Sinh về lại nghe vang lên những khúc hát mừng. Dù là ở Huế. Đà Lạt, hay Sài Gòn, Orange County, Virginia, Garland Texas… Này nhé: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, rồi Joy to the world / the Lord is come, rồi jingle bells jingle bells và White Christmass… Làm sao quên được Dung ơi, các bạn ơi

I’m dreaming of a white Christmas

Just like the ones I used to know

Where the treetops glisten,

and children listen

To hear sleigh bells in the snow

Tôi mơ về một Giáng Sinh trắng

Như những Giáng Sinh tôi từng biết trong đời

với những ngọn cây lấp lánh

và trẻ thơ lặng nghe

nghe tiếng chuông từ những cỗ xe băng băng trên tuyết

White Christmas. Làm sao quên, khi tháng Tư 75 về, và điệu hát này chợt vang lên trên làn sóng phát thanh, và rồi trực thăng cất cánh vội vã, người và người thất lạc nhau…

Giáng Sinh như thế là đã qua, trong nụ cười cũng có nước mắt cũng có. Làm sao quên! Bây giờ là những ngày cuối năm Tây, ở xứ người, ta nghe tiếng hát của ban Abba dội về từ một quá khứ hạnh phúc

Happy New Year

Happy New Year

May we all have a vision now and then

Of a world where every neighbor is a friend

Happy New Year

Happy New Year…

Vâng. Cứ tưởng tuợng tiệc đã tàn. Bình minh màu xám đục bắt đầu. Cả anh và em đều cảm thấy chút gì hoang vắng. Nhưng không giống ngày hôm qua đâu -hiện tại lúc này chính là thời khắc để chúng ta cùng chúc nhau Happy New Year! Happy New Year! Và có lẽ chúng ta có trong trí tưởng một viễn ảnh nào đó về một thế giới mà mọi người đều là bạn của nhau. Và có lẽ chúng ta có cả những hy vọng, ước nguyền để thực hiện. Nếu không như thế, ta sẽ ngã xuống và từ giã thế giới này thôi, cả anh và em!

Vậy, em ơi, nhân dịp này chúng ta hãy mượn những lời trên của ban nhạc Abba để gởi đến bạn bè, bên này và bên kia biển rộng, lời cầu chúc Happy New Year -một năm mới thật tốt lành. Phải chăng, hỡi các bạn thân yêu, chúng ta trong đời viết lách, đã có lúc mơ ước rằng mỗi ông hàng xóm đều là bạn của mình (every neighbor is a friend). Lúc bấy giờ sẽ không còn ngăn cách, hận thù, không còn chiến tranh và những trại tập trung. Vậy đó, nhưng một thế giới như thế bao giờ sẽ đến, và liệu nó có trên trái đất này không. Dẫu sao thì ta vẫn có quyền ước mơ, phải không em?

A, anh quả đã để cho trí tưởng của mình đi qua nhiều ngã đường, trong đêm xám và ánh ngày rạng dần. Bài Happy New Year với âm nhạc và tiếng hát của ban ABBA, mà anh và em đã được nghe ở quê nhà thời khổ nhọc, đang chắp cánh bay trên khắp bầu trời. Bây giờ, xin nói tới bài hát Auld Lang Syne sắp vang lên trên quảng trường Times Square như mọi năm. Vừa mới đêm qua đây thôi, ngồi một mình trong ngôi nhà của chúng ta, lúc bấy giờ không có em, anh đã mở Youtube nghe lại bài hát trong phim Waterloo Bridge tức La Valse Dans L’Ombre (Điệu Vũ Trong Bóng Mờ). Đó là thời gian giữa hai cuộc Thế Chiến, Roy Cronin (Robert Taylor) và Myra Lester (Vivien Leigh) gặp nhau và yêu nhau. Họ trải qua những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi trong âm vang của của ca khúc Auld Lang Syne với tiếng đàn violin. Từng ngọn nến tắt. Và cuối cùng cái hôn bắc cầu cho tình yêu. Nhưng hỡi ôi, tình yêu đã chết bên cầu Waterloo chỉ còn điệu nhạc đêm nào.

pic

 

La Valse Dans L’Ombre

Trong đêm New Year’s Eve sắp tới đây, như thông lệ tại quảng trường Times Square ở Nữu Ước, hằng triệu trái tim người sẽ náo nức, hân hoan và cảm động nhìn trái cầu từ từ rơi xuống và đồng hồ điểm mười hai giờ, để được cùng nhau hát lại bài ca “Auld Lang Syne” của tình bạn ngày xưa thân ái.  Đây, anh xin diễn lại ca từ: “Này bạn ơi, liệu ta có thể nào quên đi những thân tình cũ, và không bao giờ hồi tưởng lại nữa? Không đâu, bạn nhỉ, thời gian trôi qua (và dẫu cho giữa chúng ta là biển lãng quên sóng gào), nhưng chúng ta hãy cùng nâng ly cho tình thân ái ngày xưa.” Đại ý lời của bài Auld Lang Syne là như vậy, về sau người ta còn đặt thêm nhiều lời nữa để diễn tả với nhiều ảnh tượng hơn về những tình thân ái của một thời được gọi “The Old Good Time”.
Chẳng hạn, ca từ nhắc lại thời bạn bè chạy chơi trên các ngọn đồi và hái những bông cúc trắng cũng như  bơi thuyền trên sông hồ từ sáng cho tới chiều hôm. Vậy mà giờ đây xa cách ngàn trùng, nhưng thế nào rồi cũng có lúc bạn bè hội ngộ, nếu không trong thực tại thì cũng trong ý nghĩ tưởng nhớ. Phải thế không Dung?

Và Dung ơi, các bạn ơi, trong đêm New Year’s Eve này, chúng ta hãy nhìn vầng trăng xanh huyền hoặc và nghe lại bài Auld Lang Syne, để cảm nhận thân tình ấm áp từ phương này, tức là từ lòng anh lòng em, gởi tới mọi người… Vâng. Cách xa nhưng ta hằng mong / rồi đây có ngày còn hòng gặp nhau…

TN

Khi ở Garland
21 tháng 12. 2011