Menu Close

Đậu xe ở chỗ dành cho người tàn tật trong parking lot

Minh Hải

Câu hỏi của một độc giả cho bà Emily Post: Tôi có tấm bảng (license plate) với dấu hiệu tàn tật cho phép đậu xe ở chỗ dành cho người handicapped trong bãi đậu xe. Thế nhưng đôi khi tôi gặp phải cái nhìn hằn học và những lời mỉa mai khó chịu của một vài người vì họ không nhìn thấy sự khuyết tật trên người tôi. Tôi phải phản ứng như thế nào đây, thưa bà?

alt

Trả lời: Vì không nhìn thấy dấu hiệu của sự khuyết tật trên người bạn, cho nên một vài người nghĩ rằng bạn đã lạm dụng chỗ đậu xe của người khuyết tật trong parking lot. Bạn không cần nói năng hay có thái độ gì cả, cứ im lặng làm như không hề biết tới. Cho dù làm như vậy có thể tổn thương tự ái của bạn và không ngăn ngừa được sự nghi ngờ và nghĩ xấu của người khác. Hơn nữa, phản ứng của bạn có thể làm cho tình hình căng thẳng và tồi tệ hơn. Tuy nhiên nếu như bạn thấy cần trả lời lại người kia thì hãy nên lịch sự và nói bằng giọng bình tĩnh, dễ thương: “Ông/bà trông có vẻ bực bội. Dạ thưa, có vấn đề gì không ạ?” Hãy dịu dàng, khoan dung chứ đừng cáu gắt. Và nếu bạn ăn nói lịch sự thì may ra có thể làm người kia hiểu ra và thông cảm, tránh được sự cãi cọ không nên. Hoặc bạn thử làm như sau xem sao: Cho in một tấm bảng ghi rõ hoàn cảnh của bạn rồi trưng lên kiếng xe: “Tôi bị viêm khớp kinh niên. Mặc dù ông/bà thấy tôi có vẻ bình thường nhưng thực ra chỉ cần bước từ xe vào tới cửa tiệm thôi cũng làm cho tôi vô cùng đau đớn. Do đó mà tôi được cấp license đậu xe chỗ người tàn tật.” Tất nhiên, có thể một vài người không quan tâm chút xíu nào tối sự đau đớn của bạn. Họ không có lòng thông cảm, vậy bạn cũng đừng để ý tới họ làm gì.

alt

Vậy phải đối xử với người tàn tật như thế nào:

Con số những người khuyết tật tại nước Mỹ này có thể lên tới 17% tổng số dân, nghĩa là chiếm một số đông đáng kể. Bạn vẫn thường gặp họ ở nơi này nơi khác và nên đối xử với họ với tinh thần hiểu biết và thông cảm.

1. Đừng quá chăm chú nhìn họ, cho dù là kín đáo.

2. Giữ sự chào hỏi bình thường

3. Đừng tỏ ra ân cần, chăm sóc quá đáng. Nếu bạn muốn giúp một người khuyết tật thì nên hỏi họ trước. Những người đã sử dụng thành thạo xe lăn, cặp nạng… và không cần tới máy nghe hay loại kiếng đặc biệt, họ thường tự hào về sự độc lập của mình. Hãy để họ tự lo hoặc người săn sóc họ (caregiver) giúp đỡ.

4. Hạn chế những câu hỏi về tình trạng cá nhân của họ. Nếu họ muốn tâm sự tự khắc họ mở lời.

5. Đừng tỏ ra áy náy hay thương hại người khuyết tật. Nếu tự họ không cho tình trạng của họ là bi thảm thì bạn cũng đừng nên tỏ ra quá thương xót.  Mọi sự sẽ ổn thôi.

alt

MH
(theo Emily Post)