Menu Close

Tội Lỗi và Mặc Cảm

Từ một câu chuyện…

Một người đàn ông trong lúc đang đánh bóng chiếc xe của ông, đứa con trai 6 tuổi của ông nhặt một viên đá nhỏ và vẽ nhiều đường lằn lên phía bên hông cửa chiếc xe. Trong lúc giận dữ, người cha đã nắm lấy bàn tay của đứa con và đánh mạnh nhiều lần. Ông đã không nhận ra rằng mình đã dùng một cây vặn vít để đánh con.

Khi đưa vào bệnh viện, đứa con trai của ông đã mất đi hết các ngón tay của mình do quá nhiều chỗ gãy. Và khi đứa con trai nhìn thấy trong đôi mắt cha mình biểu lộ sự đau đớn, vẫn ngây ngô hỏi, “Bố ơi! Khi nào thì mấy ngón tay của con mới có thể ‘mọc’ trở lại?”
Người cha cảm thấy rất đau đớn và không nói được lời nào. Ông trở ra xe của mình và đá thật mạnh vào nó. Trong lúc lương tâm dằn vặt, ông chợt nhìn thấy bên hông chiếc xe, những vết xước là những dòng chữ của cậu con trai viết, “Bố ơi! Con thương bố nhiều lắm!”

Một ngày sau đó. Người đàn ông quyết định tự sát.      

Và một cuốn phim…

Một giờ sáng. Tôi ngồi xem hết cuốn phim. The Reader, cuốn phim đã để lại trong tôi những trăn trở – tội lỗi và mặc cảm – mối quan hệ giữa hai nhân vật chính Hanna và Michael là hiện thân của Nazi và Holocaust (chế độ tàn sát tù nhân chiến tranh ở thời Đức quốc xã). Chàng thiếu niên Michael Berf (Ralph Fiennes) tuổi vừa tròn 15, bị cuốn hút vào cuộc phiêu lưu tình ái với nàng Hanna (Kate Winlest) – một phụ nữ 37 tuổi. Một tình cảm xác thịt của người đàn bà chín muồi và sự trong sáng của tình yêu đầu đời của chàng thiếu niên mới lớn. Michael thường đọc sách cho Hanna nghe, vì cô rất đam mê những cuốn sách. Và một ngày, nàng Hanna bỗng dưng bỏ đi để lại sự hụt hẫng, tiếc nuối nơi cậu trai. Sáu năm sau. Anh gặp Hanna ở phiên toà xét xử. Nàng lúc này đã 43 tuổi, đang là một phạm nhân bị kết tội tàn sát 300 nữ tù nhân ở thời Đức quốc xã. Bà thố lộ rằng những ngày cuối đời trong tù, bà vẫn nằm mơ thấy những bóng ma của nạn nhân Do Thái trở về ám ảnh, chất vấn. Bà đã thốt lên trong phiên toà rằng, “ Ở hoàn cảnh của tôi, các ông, các bà sẽ làm gì?” Rất có thể, Hanna đã biết sám hối. Sự sám hối của bà cũng chẳng thể nào cứu rỗi bà. 20 năm sau, họ gặp lại. Nhưng ở bà vẫn chưa nguôi những mặc cảm tội lỗi và sự ám ảnh. Thái độ lạnh nhạt của Michael làm đau đớn trái tim Hanna, và bà đã treo cổ tự vẫn.  

Từ một câu chuyện và một cuốn phim. Tôi chợt lừng khừng một dấu hỏi: Mặc cảm tội lỗi có là một sự cảm nhận đau đớn của linh hồn?

alt

Đinh Cường

Bernhard Schlink, tác giả của tiểu thuyết The Reader đã khơi lại vết thương quá khứ bằng ký ức, bằng sự diễn đạt hoàn hảo cái cảm giác tội lỗi của nhân vật Hanna là sự hổ thẹn, dằn vặt, đau đớn… Ở đây, mặc cảm tội lỗi thì khác biệt hoàn toàn với “cảm thức tội lỗi”. Cảm thức tội lỗi (Schuldgefühle) là sự cảm nhận và ý thức được điều sai trái và chỉ tồn tại khi người ấy còn vướng mắc tội. Và mặc cảm tội lỗi thì triền miên ám ảnh, đè nặng lương tâm;  dù rằng người ấy đã có những sám hối lỗi lầm.

Câu chuyện của người cha lầm lỡ đánh con. Và sự kết thúc bằng một cái chết đã minh giải rằng-  sự bất lực trong việc cảm nhận đau đớn là một mất mát đầy nguy hiểm trong cuộc sống;  thiếu mặc cảm tội lỗi – lương tâm sẽ là những tác nhân thực hiện những điều xấu. Nữ triết gia Hannah Arendt khi theo dõi một phiên toà xử tên đồ tể Đức quốc xã khét tiếng Adolf Eichmann, đã đề cập đến  “Gương mặt đời thường của cái Ác”- bà lên án những kẻ thừa hành vẫn vô lương tâm với những điều ác.

Khía cạnh tâm lý học – bản chất của sự ý thức tội lỗi – sự cảm thức tội lỗi cũng như sự ray rứt dằn vặt của lương tâm là một dấu hiệu của một lương tâm lành mạnh. Ngược lại, lương tâm trở nên vô cảm thì đó là sự phá sản của cuộc sống tâm linh, cực kỳ nguy hiểm.
Đọc lại những phân tích tâm lý của nhân vật Raskolnikow trong “Tội ác và Trừng phạt” (Crime & Punishment) của Dostoevsky. Tôi vẫn cảm giác về những khổ hình tâm lý như những cây thập tự đời mà con người phải mang vác trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. Trong văn học, nhân vật Raskolnikov là hiện thân tiêu biểu của nhân quả. Gây tội – Sám hối và bị trừng phạt. Là tín đồ sùng bái cuồng nhiệt Napoleon, biểu tượng của tham vọng và quyền lực. Raskolnikov tin tưởng vào triết lý của kẻ mạnh là dùng Ác để trừng Ác. Để phóng thoát những ức chế tâm lý Raskolnikov trở thành kẻ sát nhân, y đã giết chết Alyona Ivanovna, mụ già cầm đồ giàu có và keo kiệt. Và đã bị em gái mụ là Elizabet bắt gặp; Raskolnikov đã giết luôn nhân chứng này để bịt mối. Thực hiện xong tội ác, hắn đã rơi vào trạng thái hoang tưởng và luôn nghi ngờ những người xung quanh đã biết sự thật và sẽ truy tố mình.

Raskolnikov mất niềm tin, nghi ngờ chính những lý thuyết mà hắn đã từng tin. Và để tự hỏi, “ta là con sâu bọ run rẩy hay ta là quyền lực?” Chín tháng sống trong mặc cảm tội lỗi, dằn vặt, Raskolnikov đã đến tòa tự thú và được giảm nhẹ hình phạt bị đi đày biệt xứ 8 năm khổ sai ở Siberia.

 Nhà văn Dostoevsky, ở thời điểm này đã mở ra cho nhân vật chính một lối thoát. Sự trừng phạt của pháp luật, hiển nhiên. Nhưng hình phạt tàn khốc nhất mà một con người phạm tội phải chịu đựng là sự cật vấn của lương tâm. Ở Siberia, Raskolnikov đã tìm thấy cứu cánh trong tôn giáo.

Những dẫn dắt từ những khía cạnh đời sống, một câu chuyện, một cuốn phim hay thiên tiểu thuyết của đại văn hào. Với tôi, thì cảm thức tội lỗi không chỉ là sự dằn vặt – kết án, mà còn là một nhắc nhủ cần thiết của lương tri. Sự can đảm sửa đổi những lầm lỗi, sẽ giải thoát con người trước những áp lực ngược lại với luân lý đạo đức nhân bản.

Chúa Giêsu đã từng dùng những lời nghiêm khắc, rằng “Ngài sẽ sai các thiên thần tới để ‘lượm’ tất cả những kẻ làm điều gian ác (…), và quẳng chúng vào lò lửa bừng bừng.”

Hỏa ngục cũng hết chỗ!

alt

Đinh Cường


ĐMH