Nhiều từ ngữ thông dụng và phổ biến rộng rãi thường được viết tắt cho đỡ mất thì giờ. OK nằm trong trường hợp đó ngay thời thập niên 1830 ở vùng Boston, tiểu bang MA, là chữ viết tắt từ “oll correct” hoặc “ole kurreck”. Những chữ viết tắt khác thông dụng thời kỳ đó là NG (“no go”), GT (“gone to Texas”) và SP (“small potatoes”). Một số chữ tắt còn cố ý viết sai chính tả với mục đích hài hước, chẳng hạn: tiền thân của OK là OW (“oll wright”).
OK được dùng rộng rãi sau đó là do những người ủng hộ ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ tên là Martin Van Buren, còn được gọi dưới tên Old Kinderhook. Họ đặt ra khẩu hiệu tranh cử rất ăn khách: “Vote for OK”. Ông trở thành Tổng Thống thứ 8 của Mỹ trong nhiệm kỳ 1837-1841. Từ đó, OK được dùng khắp cả nước Mỹ.
Martin Van Buren
Ở nhiệt độ bên trong nhà, sáp ong giữ thể rắn, nhưng dễ tan chảy và cháy chậm, tỏa ra ít khói mà lại tiết ra mùi thơm. Đó là những đặc tính lý tưởng để làm thành nến đốt. Lúc ban đầu, người ta làm nến từ mỡ động vật. Nến loại này có mùi khét và cháy quá mau, do đó sáp ong được dùng thay thế. Ngày nay, có nhiều chất liệu được dùng thay sáp ong, phổ biến nhất là sáp paraffin. Paraffin rẻ tiền, sạch và không mùi. Một vật liệu khác cũng khá phổ biến là sáp lấy từ đậu nành (soybean wax).
Tại sao con voi khóc?
Mọi sinh vật có vú đều tạo ra được nước mắt từ những hạch trong mắt để làm trơn tru giác mạc (cornea) và làm trôi chảy ra ngoài các bụi bặm. Nhưng khóc để biểu lộ tình cảm thì chỉ con người mới có. Nhiều người thấy voi chảy nước mắt, trông giống như khóc, nhưng ta không biết được tình trạng tâm tư của voi lúc đó ra sao. Vả chăng, vì mặt voi trông đã buồn bã rồi, nên thấy nước mắt chảy ra ta bảo là voi khóc?
Michael Trimble, nhà chuyên khoa thần kinh về tâm tính con người, cho rằng khóc tiến hóa theo những khả năng tâm trí cao, cho chúng ta nhận thức được thảm cảnh của cuộc sống, trong khi loài thú chỉ có những xúc cảm căn bản của giống vật như sợ hãi, đói khát, đau đớn. Khóc, theo ông, gần như là một hình thức làm nhẹ bớt phiền muộn.
Mọi người đều có trái cổ cả, nhưng dễ nhìn thấy hơn nơi phái nam. Nó là một cục u ở cổ, chuyển động khi ta nuốt. Người Tây phương gọi là trái táo Adam, lấy tích truyện trong Thánh Kinh cho rằng thủy tổ loài người bị mắc kẹt một miếng táo ở cổ khi ăn trái Chúa Trời cấm. Thực ra nó chỉ là một chỗ u lên trên miếng sụn lớn – sụn tuyến giáp trạng (thyroid) – chung quanh thanh quản. Miếng sụn tuyến giáp trạng hình cái khiên, còn trái táo Adam ở phía trước. Nhưng tại sao nó nhô lên nhiều nơi nam giới? Một phần vì cổ đàn ông xương xẩu hơn nên dễ thấy, phần khác vì thanh quản phát triển khác nhau ở tuổi dậy thì: các cậu con trai bắt đầu có những sợi dây thanh quản dài hơn, dầy hơn nên tiếng nói khàn đục hơn con gái.