Hôm chúng tôi đi thăm thành phố Boston, đạo diễn Hồ Đắc Vũ cho biết Phố Tàu Boston đang bị thu hẹp dần. Một vài con phố người Hoa xưa kia sầm uất nay đã nhượng lại cho người Mỹ. Lời nhận xét trên làm tôi ngạc nhiên. Có thể đó là hiện tượng của một vài đại gia Hoa kiều bán đi những căn phố để đầu tư sang lĩnh vực khác có lợi nhuận cao hơn. Thế nhưng hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Boston mà còn xuất hiện ở nhiều khu Phố Tàu khác trên toàn nước Mỹ.
Một thủa Chinatown

Khởi đầu Phố Tàu San Francisco, Los Angeles. Hai Phố Tàu có mặt và phát triển từ lâu đời khi người Hoa đến Mỹ trong thời kỳ đi tìm vàng và xây dựng đường xe lửa. Tiếp theo New York, Boston, Chicago và nhiều nơi khác. Trải qua hơn 150 năm, đến nay có hơn 3.5 triệu người Hoa sinh sống trên toàn nước Mỹ. Người Hoa giỏi bán buôn và có tính đoàn kết trong cộng đồng rất cao. Đi đến bất kỳ đâu, họ cũng chọn trung tâm thành phố làm nơi sinh sống. Họ thường không xây dựng phố mới mà từng bước làm chủ những dãy phố cũ của dân bản địa, và gần như để nguyên tình trạng cũ kỹ mở những cửa tiệm buôn bán, ăn uống, dịch vụ…
Phố Tàu nghiễm nhiên đóng vai trò là nơi dung nạp, tập trung người Hoa cũ và mới theo từng giai đoạn di dân đến xứ cờ Hoa đi tìm đất sống.

Trước đây, đúng là vậy. Nhưng giờ thì lại khác khi tôi tình cờ đọc một công trình nghiên cứu của giáo sư Wei Li, thuộc đại học Arizona, nói rằng các Phố Tàu truyền thống đang thay đổi, không còn là trung tâm của tất cả cộng đồng người Hoa như trước kia. Mặc dù, hiện nay những Phố Tàu này vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng với những di dân mới đến. Thế nhưng, chi phí cuộc sống đắt đỏ về nhà ở ngày càng gia tăng tại những khu trung tâm thành phố khiến những di dân mới không có khả năng tài chánh đáp ứng được, buộc phải chuyển hướng dần sang các cộng đồng thiểu số khác, nơi có thể mang lại sinh hoạt tốt hơn về mọi mặt cho cuộc sống của họ.

Người Hoa buôn bán nhỏ ở phố Tàu New York, trong khi phải chi phí cho nhà ở quá cao
Có thể thấy rõ sự phân chia giữa lớp di dân cũ và mới xuất hiện tại các thành phố lớn khác trên nước Mỹ trong những thập niên sau này, chẳng hạn như cộng đồng người Hoa tại Houston. Những người Việt cố cựu sống tại đây từ năm 1975 cho biết, dễ dàng phân biệt được ranh giới tạm thời trên trục đường Bellaire. Từ xa lộ vòng đai 8 về hướng downtown, nơi hồi thập niên 80 của thế kỷ trước thuộc hẳn người Hoa sinh hoạt bán buôn, và từ xa lộ 8 về hướng Tây Nam thuộc về cộng đồng người Việt sống tập trung với các khu trung tâm thương mại hình thành sau này. Thực tế, những trung tâm thương mại của người Hoa và người Việt hoặc người Hàn đã trộn lẫn vào nhau, không còn tách biệt bằng những cánh cổng tam quan đặc trưng của người Hoa theo truyền thống ở các khu Chinatown xác lập ranh giới rõ ràng như ở New York hay San Francisco nữa. Nhiều thành phố lớn khác trên cả nước cũng xuất hiện hiện tượng tương tự như vậy. Sự hòa nhập các cộng đồng châu Á mang lại hiệu quả kinh tế hơn giá trị tinh thần tương thân tương ái, vốn là một đặc tính của người Hoa dành cho nhau để hỗ trợ cuộc sống của người đồng hương.

Phố Tàu Los Angeles, một trong những phố Tàu sầm uất nhất ở Mỹ
Một điều lý giải khác minh chứng cho sự thu hẹp các khu Chinatown là trong hai thập niên qua, sự lớn mạnh từng bước của nền kinh tế vượt lên đứng thứ nhì thế giới tại mẫu quốc đã khiến người Hoa sống trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ quay về cố hương làm ăn sinh sống. Theo một thống kê không chính thức từ Trung Quốc, con số này lên đến gần bốn trăm ngàn người. Bên cạnh đó, số người Hoa di dân đến Mỹ cũng giảm dần, vì dẫu sao hoàn cảnh kinh tế đã thay đổi nhiều so với đầu thập niên 80 khi Trung Quốc bắt đầu giai đoạn phát triển kinh tế một cách ngoạn mục với mức tăng trưởng 10% mỗi năm. Thống kê dân số tại Mỹ năm 2010 cho thấy, trong 5 năm qua, số người nhập cư Trung Quốc tới Mỹ trên đà giảm, từ 87,307 người năm 2006 xuống 70,863 người năm 2010. Ông Demetrios Papademetriou, giám đốc Viện Chính sách Nhập cư, một nhóm nghiên cứu có trụ sở ở Washington, D.C., đã đăng tải một báo cáo về nhân khẩu học Trung Quốc đến năm 2030, trong đó nói, việc di cư như một sự dịch chuyển chỉ có một hướng là không thực tế. Thực ra các dòng dịch chuyển này năng động hơn nhiều. “Về mặt lịch sử, hơn 50% người Trung Quốc tới đây vào nửa đầu của thế kỷ 20 đã trở về mẫu quốc. Vào nửa sau của thế kỷ, dòng người di cư trở về giảm xuống còn 25-30%. Nhưng ngày nay, khi chúng ta nói về Trung Quốc, những gì bạn chứng kiến thật sự là ngày càng nhiều người trở về… Điều này có thể vẫn là một dòng chảy nhỏ giọt, nhưng nhu cầu lao động trí thức và các điều kiện chính sách được duy trì tốt hơn ở Trung Quốc, số người trở về quê hương sẽ tăng cao”.
Việc hồi cư đã từng xảy ra với người Nhật sau Thế chiến thứ Hai. Một phần vì chính sách an ninh của Hoa Kỳ tập trung giam lỏng người Nhật tại vùng núi Colorado trước trận chiến Trân Châu Cảng bất ngờ diễn ra khiến Nhật kiều cảm thấy thất vọng khi một dân tộc có nền kinh tế đang phát triển lại bị xem là công dân hạng hai tại Mỹ. Nước Nhật bước vào thập niên 50 của thế kỷ 20 đã phát triển vượt bậc so với các nước châu Âu, xứng đáng với con rồng châu Á trong mọi lãnh vực, từng khiến các nhà kinh tế gọi đây là “phép lạ Đông Á”. Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới tạo được mức tăng trưởng bền vững liên tục (hơn 10%/năm) từ giữa thập niên 1950 cho tới đầu thập niên 1980. Vào giai đoạn này, kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và giá trị các tài sản như địa ốc, chứng khoán tăng vọt, khiến nền kinh tế vươn lên đứng thứ hai sau Mỹ. Chính sự phát triển kinh tế tại đất nước “Mặt trời mọc” đã nâng cao tinh thần tự hào dân tộc của Nhật kiều trỗi dậy. Họ quyết định rời bỏ quê hương mới trở về cố quận làm ăn sinh sống. Tại Nhật, cuộc sống vật chất của họ không thua gì ở Mỹ. Vậy tại sao họ phải bám lấy cuộc sống xa quê hương bên kia bờ đại dương?

Các khu buôn bán của người Hoa ở Houston hòa lẫn vào các cộng đồng khác
Trung Quốc đi vào giai đoạn phát triển kinh tế trong một bối cảnh không khác Nhật Bản là mấy. Từ năm 1991, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 15% mỗi năm. Tất nhiên ta không thể đem so sánh thu nhập bình quân của Trung Quốc trong năm 2010 là 7,500 USD với thu nhập bình quân của người Nhật 34,000 USD. Với mức tăng trưởng đều đều của Trung Quốc, thì chỉ cần hai hay ba mươi năm nữa, hơn 1.3 tỷ người Trung Quốc chắc chắn có cuộc sống đủ đầy. Và điều này sẽ không phải khiến họ di cư đi tìm cuộc sống mới. Như vậy Phố Tàu, từ nào giờ được xem là cảng tiếp nhận đồng hương di dân, sẽ không còn tồn tại trên mặt lý thuyết. Thực tế sẽ không phải như vậy.

Phố Tàu ở San Francisco
Hiện các Phố Tàu ở San Francisco và New York đang dần thưa người. Đó là dấu hiệu cho thấy các Phố Tàu gần như đang rơi vào thời kỳ suy vong. Phố Tàu đã từng một lần suy vong trước đây, vào nửa đầu của thế kỷ 20, khi các hành động ngăn chặn khác nhau đã hạn chế người nhập cư. Chỉ sau khi Đạo luật Nhập cư và Nhập tịch 1965 giở bỏ những ràng buộc thì người Hoa mới có cơ hội phục hồi được các Phố Tàu trên khắp cả nước. Tuy nhiên, giờ đây những bảng hiệu chữ Hoa màu đỏ rực rỡ trên các con phố trung tâm nhộn nhịp đang được thay dần bằng những cửa hàng thời trang của người da trắng. Rồi đây, một ngày nào đó, những cánh cổng tam quan truyền thống, cửa ngõ vào khu Phố Tàu chỉ còn là một ký ức của người Mỹ gốc Hoa.
NL