Menu Close

Thôi giã từ chốn trần ai khốc liệt

Tôi và Anh, chưa quá gần để gọi thân tình; và không xa quá để là hai kẻ xa lạ. Những lần gặp gỡ anh ở Dallas, tôi đếm, không quá mười ngón tay. Nhiều nhất, có lẽ là những lúc anh xẹt qua tòa soạn, lấy về vài cuốn báo Trẻ.

Tôi nhớ anh, và câu chào hỏi quen thuộc, “Mỹ Hạnh, mạnh hỉ?”; kèm theo động tác kéo ghế cái rẹt, rồi thì mươi phút lê mông tán ngẫu.

Những lần gặp, nhìn anh luôn xuề xòa, lỏng le trong cái T-shirt phất phơ như cờ trước gió. Một lần, tôi ngó cặp giò như đôi xương ống xỏ vô cái quần short của anh, rồi mưu toan với những ý nghĩ trêu chọc. Anh cũng chỉ hề hà, mặc nhiên với những lời chọc đùa của tôi (hay bất kỳ của ai đó, có lẽ.)

alt

Phải kể cái mác “dăng sĩ” của nhà văn Nguyên Nhi cũng luôn là đề tài đầy ngẫu hứng trong những tranh minh họa của họa sĩ Bảo Huân. Bảo Huân vẽ anh giống hệt, tôi hỏi, sao thiếu mất cái nốt ruồi to tướng trên lỗ mũi. Hoạ sĩ nói, cần chi, nhìn cũng biết Nguyên Nhi rồi. Ra thế, nên cũng một dịp tạt ngang Trẻ, anh vừa bước vô phòng đã liền “hăm he” tay họa sĩ rằng, “Xin hỏi anh là ai?  Sao… vẽ tui chẳng chút nương tay!”

Lần đầu gặp, anh Hoàng Định Nam giới thiệu, “đây là Đặng Mỹ Hạnh, anh biết không?” Nhìn tôi,  anh (hẳn) đang ậm ừ với cái dấu hỏi to tướng, “who’s the hell are u?” – như chưa từng nghe qua cái tên cúng cơm này.  Tôi biết văn trước người. Đã tậu sẵn hai cuốn tuỳ bút và truyện ngắn “Lẽ ra…mùa mận”, “Con gái người gác đèn biển” của nhà văn Nguyên Nhi. Anh thì- là “nhà dăng”. Anh không biết tôi, cũng đúng. Vì tôi không là “nhà” chi cả, homeless mà; cũng đang ngóng cổ chờ cái “hộ khẩu” trong giới cầm bút đây chớ!  
Lần gặp lại thì anh kể, cũng đã xẹt ngang cái “bờ lốc của Hạnh” (blog), để coi tôi (biết) viết chi. “Mỹ Hạnh viết khá lắm!”, anh gật gù, nói. Cũng may, nhờ vào nhận xét đó mà tôi đương nhiên trở thành “bạn văn” của nhà văn; chưa kể còn được thêm “bản tặng” của hai cuốn Phiếm, Trèo lên cây bưởi; rồi mới, Bước xuống vườn cà. Anh còn ý nhị kèm theo cái notes, “cám ơn đã hỏi.”

alt

Trích đoạn Góc Bảo Huân

Tôi chưa gọi là tình thân nhưng anh thì đã rất cởi mở để gởi tôi mấy cái email, và hỏi “Mỹ Hạnh nè, xem giùm anh mấy cái hình. Anh dốt đặc về nghệ thuật nhiếp ảnh, hu hu…” Lỡ nhận hai cái bản tặng (giỡn chút nhe anh!), nên tôi cũng ráng moi móc chút kiến thức còm về nhiếp ảnh để giải thích. Thực, tôi và anh đã quý mến nhau qua chữ nghĩa. Hơn hết, là tính cách.

Lần cuối gặp. Trời chưa lập Thu mà trông anh đã héo úa. Tôi lo ngại, “anh Nguyên Nhi nhìn trầm cảm quá!”. Anh nói, chỉ không được khỏe.

Nhìn anh, tôi cảm giác những ẩn khuất  trong tâm thức. Mỗi đời sống dường như ẩn giấu một định mệnh.

Và những ngày sau ấy, nghe tin sức khoẻ anh sa sút. Tôi chút hoang mang. Vài người bạn ghé thăm anh tại tư gia, sau đó thì ở bệnh viện. Tôi muốn thăm anh, bị từ chối không cho quá giang. (huhu)

Kỷ niệm về anh, chỉ vỏn vẹn trong vài lần gặp gỡ, và những dòng email ngắn ngủi. Nhưng có lẽ, tâm hồn tôi vẫn đa mang những dòng văn Đẹp – Thế giới của anh – Những trang sách. Rồi, sự im lặng tột cùng dẫn đến một nỗi buồn. Hình ảnh của “Nó” (cái chết) đã vẫn rất kề cận trong những ngày nằm chờ ở trạm Z. Cái trạm cuối đời.

alt

Góc Bảo Huân

Nhận cái text message của một người bạn gởi qua. Tôi cảm giác sự ám ảnh đang hiển hiện, khi chẳng thể nhận ra anh với hình ảnh cuối cùng đang ngoi ngóp trên giường bệnh. Tôi đọc tiếp cái text message:

“Nguyên Nhi đang nằm trên deadbed.
Đang ngáp lấy dưỡng khí liên tục.
Như thèm khát sự sống.
Tuyệt vọng cùng cực ở biên giới của sự sống và chết.
Nhưng có lẽ chàng rất hạnh phúc và không còn biết gì hết.
Cái tuyệt vọng của bản năng, không phải của ý thức.”

Tôi nghe lòng chì nặng- nghĩ đến anh-  đến giấc ngủ cuối cùng của đời người. Không, đó chỉ là sự thức tỉnh cuối cùng. Một sự tan biến hoàn toàn của tâm thức… Có lẽ.

Tôi xem lại cái video clip, được biết thêm về anh. Tâm tư chợt rưng rức bởi hệ luỵ cuộc đời. Và đây cũng là lần đầu, tôi biết anh, qua thơ:

 “ Thôi khiêu khích thần linh,
Thôi gây hấn cuộc đời,
Thôi lục vấn đến tâm cuồng, trí loạn,
Thôi chia lìa những bốc não sớm mai,
Thôi chia lìa bao chiều hôm thổ huyết,
Thôi giã từ chốn trần ai khốc liệt,
Và thôi bất lương như kẻ làm thơ.”
(Nguyên Nhi)

Tôi nghe Bảo Huân nói với HĐN, “Ông cũng là nhà thơ mà. Nhớ làm cho Nguyên Nhi một bài thơ đi chớ cha nội!”  

alt

“Người đàn ông lý tưởng” chuyên mục Giao Tiếp – Minh họa Bảo Huân