Andy thông báo, The Eagles sẽ ghé Dallas. Welcome to the Hotel California… Tôi đã từng mơ ước một ngày, được nghe-thấy nhóm The Eagles trình diễn bản nhạc “tủ” bất hủ “Hotel California”. Và giấc mơ ấy vừa trở thành sự thật.

Quang cảnh American Airlines Center.
Đêm tháng Mười. Dallas, Thu chưa vàng đủ để úa lòng kẻ sĩ. ž Hai fan “cuồng nhiệt” của The Eagles đã có mặt tại American Airlines Center, chỉ “sớm” hơn giờ diễn có 2 tiếng đồng hồ. Vậy mà, hàng ngàn fans đã có mặt, và hàng ngàn nữa vẫn đang tiến vô cửa. Tôi cảm giác mình đang thở giữa một bầu không khí đầy “tinh thần âm nhạc”.
Eagles T-shirt $40, các “fan” vẫn lũ lượt sắp hàng mua…
Ban nhạc thành công nhất của thập niên 1970
Tôi, cũng như những “fans” mộ điệu nhạc The Eagles, hiểu thêm tiểu sử để yêu mến, ngưỡng mộ hơn nhóm nhạc tài năng này.
Thành lập vào năm 1971 bởi các nghệ sĩ Glenn Frey, Don Henley, Bernie Leadon, và Randy Meisner. Album đầu tay của Eagles có lối sáng tác ảnh hưởng nặng nề của dòng nhạc Country nhẹ, phần lớn bởi tay guitar Leadon. Cho cuốn album thứ nhì (1973) của Eagles, Henley và Frey hợp tác trong việc sáng tác đa số những ca khúc. Và họ bắt đầu một khuynh hướng mới cho ban nhạc Eagles, và tiếp tục cho đến ngày nay.
Đến album thứ ba (1974), họ mời thêm một tay lead guitar vào ban nhạc – Don Felder.
Album thứ tư (1975) cũng là album cuối cùng có tiếng đàn của Leadon. Leadon bị “mập mờ” với hướng đi của ban nhạc, chuyển “rơ” từ “gu” Country của ông sang kiểu rock-and-roll hợp thời hơn. Nhưng rồi Leadon được thay thế bởi tay guitar Joe Walsh, một người bạn với nhóm Eagles trong nhiều năm.
Đầu năm 1976, ban nhạc Eagles cho xuất bản album tổng hợp đầu tiên của họ, “Their Greatest Hits 1971-1975”. Album bán được 29 triệu bản trong nước Mỹ và 42 triệu trên toàn thế giới, đã trở thành album bán chạy nhất trong thế kỷ 20.

The Eagles (2013, từ trái qua phải): Timothy B. Schmit, Glenn Frey, Don Henley, Joe Walsh
Thành công là mẹ của tan rã!
Album thứ năm của Eagles (1976) cũng là album thành công nhất của họ. Bài hát nổi tiếng nhất của họ được dùng làm tựa của album này. Don Felder sáng tác một đoạn nhạc, rồi đem đến một buổi dợt cho mọi người trong ban nhạc nghe qua. Henley và Frey sáng tác lời nhạc. Và, bản nhạc bất hủ “Hotel California” được ra đời với giọng hát của Don Henley, và phần song tấu lead guitar giữa Felder và Walsh. Hai bài hát trong album này đã thắng giải Grammy, “Hotel California” và “New Kid in Town”.
(Viết đến đây, tôi như đang cảm giác “phiêu” được cái đoạn nhạc solo guitar – Hotel California mà tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở niên thiếu.)
Năm 1977 đánh dấu sự ra đi của tay bass Randy Meisner sau một trận ẩu đả tơi bời giữa Meisner và Frey phía sau cánh gà ở một show diễn. Ban nhạc đem tay Timothy B. Schmit vô để thay thế Meisner. Schmit chơi bass và hát bè, và là một thay thế xuất sắc!
Eagles vô phòng thâu một lần nữa và đã cho ra album thứ sáu, The Long Run (1979). Nhưng quá trình làm việc quá căng thẳng đã làm mọi người rất mỏi mệt và chán nản.
Một đêm đang diễn tại Long Beach, California năm 1980, tay Felder và Frey không ngớt “hăm he” nhau trên sân khấu là sẽ cho nhau “một trận nhừ tử” khi hết chương trình.
Đây là cây đinh cuối cùng dẫn đến sự tan rã của The Eagles.

Đám đông fans sắp hàng vào cửa khán đài American Airlines Center.
Quầy bán Eagles T-shirt $40 vẫn tấp nập trước giờ biểu diễn.
Tái xuất giang hồ
Sau 14 năm “không nhìn mặt nhau”, các thành viên của nhóm Eagles đã nuốt tự ái và trở lại trong năm 1994 với một album “live”. Thành phần của Eagles gồm năm thành viên từ thuở thành công nhất của họ – Frey, Henley, Walsh, Felder, và Schmit – phụ họa bởi vài nhạc công khác. Những shows của họ “bị” nổi danh với giá vé phá kỷ lục. Hơn $100 một vé – chuyện chưa bao giờ nghe tới ở thời điểm này.
Nhưng khán giả hâm mộ vẫn hăm hở mua vé đi coi Eagles, vé vẫn sold out. Dựa vào thành công này, Eagles vẫn tiếp tục biểu diễn live từ năm này sang năm khác, qua nhiều thành phố, tiểu bang. Một lần nữa Felder lại có xích mích với ban nhạc, và đã bị “trục xuất” ra khỏi “đại bàng” đầu năm 2001. Anh đã bị thay thế bởi một tay lead guitar “đánh mướn” Steuart Smith.
Cơ hội ngàn vàng
Đầu năm 2013, The Eagles đã cho xuất bản một bộ tài liệu về suốt chiều dài sự nghiệp của họ với mệnh đề “History of the Eagles”, và đã tuyên bố rằng, có lẽ đây sẽ là “chuyến biểu diễn cuối cùng chúng tôi”. Họ mời cả hai thành viên “gốc gác bự” (Leadon và Meisner) tham gia cùng họ trong tour diễn này. Tuy nhiên, Meisner không thể tham dự (vì lý do sức khỏe).
Hai fan cà tửng, thực hiện xong cái “văn hóa xếp hàng” để tậu thêm cái T-shirt cho đủ bộ Eagles collection. Rồi rút túi cái iPhone đi làm “phóng sự”.
Xong “phóng sự ảnh”, tới chỗ ngồi vài phút trước giờ bắt đầu… Chờ đợi, Tôi gọi phone “khoe” với ông anh là tôi đang có mặt để coi Eagles biểu diễn. Giọng ông anh, vẻ như, “giỡn hoài, thiệt hả?!” Tôi nghe khoái tỉ vì ông anh là “big fan” của Eagles mà. Tôi hứa sẽ “tường thuật” cặn kẽ, cho ông anh ngồi ở nhà, mơ ké!

“Saturday Night” mở màn với hai thành viên ‘gà nòi’ của Eagles – Henley và Frey – 66 tuổi mà vẫn hát khỏe và hay.
Tiết mục thứ ba gồm có luôn cả Schmit (trái) và Leadon (phải).
“Hotel California” với Frey (guitar thùng) và Henley vừa hát vừa đánh trống.
Khi những ngọn đèn vừa tắt…
Khán giả ồ lên chào mừng, như vỡ rạp.
Bước lên sân khấu chỉ có Don Henley và Glenn Frey, hai thành viên “gà nòi” của Eagles từ những ngày đầu, và đã có công tạo hướng đi cho ban nhạc. “Saturday Night”, bản nhạc mở đầu. Dù chỉ với hai cây guitar thùng và hai giọng bè, họ hát vẫn rất khỏe. Vẫn khó thể ngờ để so sánh như hai ông “cụ” đang tuổi về hưu (66 tuổi). Dần sau mỗi bản nhạc, từng thành viên khác được lần lượt giới thiệu. Và đầy đủ toàn ban nhạc “xuất hiện” dưới ánh đèn màu.
Chủ trương của nhóm Eagles là lối biểu diễn “live” mà có thể tạo những âm thanh hệt như bạn đang nghe trong dĩa CD. Họ chỉ là những nghệ sĩ, không chỉ chuyên luyện ở trình độ sử dụng nhạc cụ mà còn với một chất giọng tuyệt như những ca sĩ chuyên nghiệp. Cùng nhau, họ phối hợp hòa âm, đầy như biển cả! 5 giọng bè, amazing harmonies!
Một listening pleasure, trên cả tuyệt vời. “Heartache Tonight”, “Lyin’ Eyes”, “Take It Easy”, “One of these Nights”, “The Long Run”, “Take It To The Limit”…
Tôi nghe hồn mình… thổn thức! Những bản nhạc của hồi ức tuổi thơ chúng tôi. Tôi gởi liền ông anh cái text message, “Anh Hải, Eagles đang chơi bản “I Can’t Tell U Why”. Timothy B. Schmit hát hay nhức nhối. Bè quá tuyệt!”
“Love that song. Anh nhớ lúc đó anh đang thất tình, thấm thía thiệt!” Tôi đọc xong mấy dòng text message, bật cười ha hả. Thuở nhỏ, tôi bị “thấm” nhạc Eagles vì bị tra tấn ngày đêm bởi cuốn cassette nhạc tuyển “Y gồ” của ông anh tôi.

The Eagles với 5-phần bè hơn cả tuyệt vời, hết chỗ chê.
Cạnh bên, tay Andy vẫn đang bận rộn với cái Samsung Galaxy để thâu hình. Ban nhạc đang chơi bản “New Kid in Town”. 5 cây guitar, không một nốt chỏi, phần phối bè luôn tuyệt vời – âm thanh với một chiều sâu khó tả. Tôi bị cuốn hút, như say. Too exiciting, tôi text tiếp, “Anh Hải, New Kid in Town, hay không chịu nổi.”
Ông anh cũng lịch sự, không để tôi tường thuật hoài nên chấm hết với cái text. “Hahaha. Wish I was there. Enjoy them for me too.”
Trục trặc kỹ thuật, tiếng đàn của Joe Walsh bị cắt đứt bất ngờ giữa bài “Life in the Fast Lane”, đúng ngay phần guitar solo của Joe. Tội nghiệp, ông có vẻ “xìu” hẳn. Không khí cũng hơi bị chùn xuống. Nhưng phần đông khán giả không hề hay biết, vì ban nhạc đã gắng “che lấp”, chuyên viên kỹ thuật chạy ná thở tới lui trên sân khấu. Tiếng đàn Joe trở lại, tiếp nối những bài hát quen thuộc như một cuộc diễn hành Thanksgiving Parade.
The Eagles, những người nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng với tính cách gần gũi với khán giả. Người đứng trước microphone nhiều nhất và là “MC không chính thức” của ban nhạc, một Glenn Frey lưu loát, uyên bác. Tay Don Henley, mỗi lần lên mic thì nghiêm nghị và đi “thẳng vô đề”. Có lúc, ông tỏ vẻ bực bội khi thấy nhiều khán giả tay cầm điện thoại để chụp hình hoặc quay “video” ban nhạc. Joe Walsh thì ngược lại, hài hước và giọng nói nghe như bị “ngọng”, dường như là một nhân vật “weird” nhất trong ban nhạc. Timothy trẻ trung hơn (so với mấy tay kia) nhưng khiêm tốn, và dễ chịu. Steuart ít nói, nhưng để tiếng đàn điêu luyện của anh ta lên tiếng giùm!
Cạnh bên tôi, một “fan” tuổi teen, tóc vàng hoe. Cái đầu cứ gục gặc, sau mỗi bài nhạc là tiếng chặc lưỡi tặc tặc, như biểu lộ của một sự ngưỡng mộ quá thể. “Em cũng biết Eagles hả?” Tôi thích thú, hỏi. “Từ cha tôi, ổng mở Eagles nghe suốt?” Tôi ồ à, nhưng cũng chẳng mấy ngạc nhiên câu trả lời của cậu trai, cái thế hệ của cậu, làm gì có “Đại bàng âm nhạc” để thưởng thức. “Ba em cùng đi chớ hả?”, tôi hỏi thêm. “Không, ổng phải đi làm. Tôi phải ‘quay’ lại để cho ổng coi.” Dứt lời, cái đầu vàng hoe lại gục gặc.
Andy “gossip”, vé chợ đen hàng ghế đầu, giá chỉ 3,000 đô!
Gần cuối chương trình, tôi vẫn đang lóng ngóng “Hotel California”. Và, khi những nốt guitar của câu dạo “Hotel California” cất lên. Cả cái sân vận động như muốn sập! Tôi nghe lùng bùng giữa tiếng reo hò của 22 ngàn khán giả như một làn sóng âm thanh nổi. Don Henley vừa đánh trống vừa hát. Hòa âm 7 phần guitar trong CD được “gánh vác” bởi 5 tay guitar trên sân khấu, không thiếu một nốt nào.
Cao trào ở đoạn guitar solo… Phiêu diêu. Độc đáo. Tinh tuý! Tuyệt như những âm thanh bạn đang thưởng thức trong CD. Khán giả bắt đầu “quơ đèn” và hò hét. Một truyền thống đi xem concert của dân Mỹ để biểu lộ lòng cảm mến nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu. Thời đại 2013 – cell phone thay thế cho những cái hộp quẹt Zippo, hoặc diêm quẹt. Hàng ngàn cái iPhone và Galaxy với màn ảnh mở sáng; trông như ngàn vì sao lấp lánh.
The Eagles, những linh hồn – huyền thoại âm nhạc của thế kỷ! Quả không ngoa!
Tôi nhìn lên màn hình… Don Henley, tóc bạc, râu bạc. Phong cách giản dị, hát “Desperado” như một lời chào tạm biệt. Âm điệu ballad tuyệt vời. Tôi nghe da diết một nỗi nhớ không tên. Hồi ức thì phải.
Tôi quay qua, nói với Andy, “Chắc chắn sẽ phải đi coi Eagles một lần nữa, trước khi chết!”

Tác giả chụp một pose với The Eagles.
www.hanhphoto.com