Quởn, tôi lên mạng đọc truyện. Tiểu thuyết, nhân vật chính là một cô gái bất bình thường với “một đôi chân ngắn củn bằng một nửa mình trên.” Nàng Nấm với hình thể dị biệt của tác giả Y Ban – được “ bù trừ” bằng một “trí tuệ sáng láng.” Tình yêu, với người đàn bà này chỉ là ảo tưởng, ví như một sự khao khát xa xỉ của con tim.

Đinh Cường
Tôi đọc vì tò mò hơn là bị lôi cuốn bởi văn phong. Hẳn nhiên, vẫn muốn biết “số phận” của người con gái bị trời bắt xấu mang cái tên Nấm! Tình tiết truyện đơn giản, tâm lý nhân vật thường được “biểu cảm” bằng nhiều nước mắt như sự uẩn ức của mặc cảm số phận. Tình dục ở đây, còn được diễn đạt như một sự “khao khát” của nàng Nấm; và trở thành “nỗi ám ảnh” ghê tởm của người anh rể nàng, khi nói với cô vợ mình rằng, “ …Em đã bao giờ nhìn thấy ánh mắt của một con thú bị xích, khao khát tự do chưa. Anh đã nhìn thấy ánh mắt đó trong cái nhìn của Nấm. Nếu em không chịu quyết định dứt khoát ngay bây giờ thì em sẽ phải ân hận đó…”
Cuộc đời nàng Nấm rồi cũng phải chuyển sang một ngã rẽ khác. Xong đại học, nàng nhận việc làm.
“…Khi người đàn bà xinh đẹp trong phòng khoe những món quà được tặng, nàng Nấm cũng ước mơ có một món quà như thế. Khi người đàn bà ở trong phòng phàn nàn rằng chẳng được ai tặng quà- ngay cả người chồng được sống tới hai mặt con cũng chẳng khi nào biết tặng quà…”
Đọc tới đây, tôi hơi cũng thắc mắc. Có phải, với phái mày râu, việc “tặng quà” cho người khác phái không chỉ vì nàng xấu hay đẹp? (!) Dù rằng, cái con số thống kê đã cho biết rằng hết 80% đàn ông chỉ thích nhìn đàn bà đẹp (nhưng không phải để tặng quà. Đừng ngộ nhận!)
Cũng có những triết luận cho rằng, đàn ông thường bảo rằng họ chỉ yêu vẻ đẹp của tâm hồn phụ nữ, nhưng là một phụ nữ… đẹp. Còn một tâm hồn đẹp của một đa diện lồi lõm bất đối xứng, thì không phải là điều họ quan tâm.
Thế nên, nàng Nấm vẫn mong chờ cái xác suất may mắn trong một phần triệu triệu sẽ xảy đến với nàng như một câu chuyện cổ tích. Dù đó, chỉ là một ước mơ có được một món quà từ hơi ấm của một người đàn ông.
Và rồi nàng cũng tìm được cho mình một người đàn ông trong mơ ước trên mạng. Ngàn dặm mù khơi dẫu chỉ bằng những dòng email, những cú phone…“ …Nàng muốn trở thành tuyệt sắc giai nhân để có một tình yêu đẹp. Bởi chưa có sách nào viết rằng người đàn bà xấu xí mà có tình yêu đẹp bao giờ…” Câu chuyện tới đây, tưởng rằng đã quá đẹp để nàng Nấm có được một bóng hình để ấp ủ, để khao khát được sà vào đôi cánh tay rắn chắc của một chàng Việt kiều chân dài, 1m 72. Dẫu vậy, nàng vẫn chưa hề nghĩ tới người đó sẽ yêu mình, và chỉ mong được một lần gặp trong đời.
Nếu đời chỉ đơn giản cho thanh thản, thì nàng Nấm chẳng phải đêm ngày “vùi lệ” trên gối, khóc thương mình, hay khóc si tình… Cái mặc cảm ngày càng “éo le” hơn khi nàng, trong một lần loã thể trước mặt một gã đồng nghiệp say xỉn mà vẫn từ chối “mỡ đến miệng mèo”, bằng hai cái xá lạy. “Nấm cứng đờ không biết phải làm gì, đến một kẻ say rượu cũng nhận ra sự tật nguyền của Nấm mà tỉnh rượu.”
Đến cái “dục” của con người, cũng chẳng thuận theo quy luật của tự nhiên. Chi tiết có hơi “cường điệu hoá” về gã đồng nghiệp có cái tên viết tắt H., (chắc cũng) chưa đến nỗi xỉn quắc cần câu!
Nghệ thuật dung hoà của tạo hoá – sự đối lập của của cái Đẹp với cái xấu; ít nhiều cũng có những tác dụng so sánh – làm cho cái đẹp trở nên đẹp hơn – (và ngược lại). Nên chàng Việt kiều, khi trở về Việt Nam để gặp nàng Nấm, cũng phải… tỉnh mộng khi đối diện với diện mạo của nàng. Một câu chuyện kết thúc không hậu. Để rồi, “…Có những lúc Nấm tự hỏi, có thật đã có một người đàn ông thường gọi điện cho Nấm về đêm và nói với những lời thật ngọt ngào âu yếm…”
Cái đoạn kết, cũng chẳng đem lại sự bất ngờ. Dù chẳng ai kết cho cái tội danh “xấu xí”, nhưng cũng trở thành mặc định. Cũng may, nàng vẫn chưa tự tử! Tôi nghĩ.
Kết thúc hay mở ra một số phận, thì rồi cũng… “Một đêm Nấm nhớ lại chuyện tình của mình. Và chẳng bao giờ còn mơ ước những điều kỳ diệu mà người đàn ông đó sẽ mang đến cho Nấm. Những con chữ lại trào ra. Trở dậy. Nấm bắt tay vào tác phẩm có tựa đề: Đàn bà xấu thì không có quà.”
Hết!
Đọc xong truyện, tôi lên net, “lượm” lại cái bài thơ “Em là con gái trời bắt xấu”. Cũng lại tò mò đọc thử, biết thử xem “em xấu đến cỡ nào”.
“…Vì Thượng-Đế đày tôi làm Thi-sĩ
Nên tâm tình trao ngọn bút thành thơ
Dâng riêng anh, anh nhận lấy, hững hờ
Tôi hổ thẹn bực mình đăng báo
Thiên hạ đọc bảo nhau rằng tôi láo
Đẹp như tiên vờ nói xấu vô duyên
Buồn không anh? Một số kiếp truân chuyên
Làm con gái không bạc vàng nhan sắc
Tôi yêu anh nhưng hoài thắc mắc
Người ta sao? Không nói chuyện ân tình
Hẹn hò rồi còn nỡ để một mình
Tôi đứng đợi suốt chiều mưa Chúa Nhật
Lần sau nhé bận gì anh cứ khất
Xin sẵn sàng đứng đợi vạn mùa Đông
Bạn bè đi qua trao vội thiếp hồng
Tôi vẫn mặc để chờ anh trọn kiếp.”
(Lệ Khánh)
Tác giả Lệ Khánh, đời thực, thì em là “ con gái trời bắt… đẹp.” Là, “đẹp như tiên và vờ xấu vô duyên”; một nhan sắc của cô gái Huế xinh đẹp từng làm ngẩn ngơ nhiều chàng trai xứ Quảng.
Nàng đẹp, mà vẫn bị chữ tình ruồng rẫy. Huống chi.
Trở lại cái đề tài, tôi ngẫm đến cái nhận xét của tiến sĩ, chuyên gia sắc đẹp Judith Robin, “Vẻ đẹp mà chúng ta muốn có không tồn tại trên thực tế. Và mỗi người đẹp trên thực tế, khi mỗi sáng thức dậy cũng chẳng khá hơn chúng ta.” Hoa hậu là cái icon của sản phẩm sắc đẹp. So sánh cũng chỉ để tự an ủi thôi.
Cái đẹp, dẫu có phụ thuộc tri thức, hay sự rung cảm của tâm hồn, hoặc “tuỳ người đối diện”. Người đàn bà, muôn thuở vẫn khao khát được yêu thương. Có phải vậy?
Cả hai trường hợp trên đều là sự “bất hạnh.”
Vậy ai bảo, chỉ có “đàn bà xấu thì không có quà”!

Đinh Cường