Menu Close

Chú Cuội & Jack O’ Lantern

Trung Thu vừa qua tiếp đến Halloween khiến nhớ đến những chiếc đèn lồng và hai nhân vật biểu trưng: Chú Cuội và Jack O’Lantern. Hôm nay, nhân buổi thu về nhàn hứng, người viết xin nhìn lại và bàn phiếm về hai anh chàng này.

 

 

Hẳn người lớn chúng ta ở đây dẫu đã giã biệt tuổi thơ và xa cách quê nhà từ lâu lắm, vẫn còn nhớ ca từ bài Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương:

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng cuội già
Ôm một mối mơ
Lại đây ta nói cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi…

Cũng như ký ức chúng ta còn ghi mãi những câu đồng dao trẻ con thường hát khi nhìn lên vầng trăng sáng:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thời cầm bút cầm nghiên
Bà thời cầm tiền đi chuộc lá đa.

Theo Wikipedia, Thằng Cuội hay Chú Cuội là một hình ảnh trên Mặt Trăng do người xưa và các em nhỏ nghĩ ra, dựa trên một truyền thuyết thường được nhắc đến trong ngày Rằm tháng Tám.

Ngày xưa có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp với bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Vừa lúc đó, cọp mẹ về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn, Cuội quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao nhìn xuống, thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về. Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, bứt mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:

– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!

Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi. Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quýt theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn. Tiếp theo con gái của một phú hộ bị chết đuối trên sông cũng được Cuội cứu sống và cô ta xin làm vợ của Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, vợ Cuội bị một toán giặc đi qua nhà chơi ác giết chết moi ruột vứt xuống sông, để Cuội không thể nào cứu được. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu vì không có bộ ruột để hấp thụ. Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Nhờ đó người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quýt với nhau hơn xưa.

Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn, nói đâu quên đó. Đã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Đông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay. Một chiều, chồng đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, nhằm vào gốc cây quý mà đái. Chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.

Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên Mặt Trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….Một nhà văn Việt Nam, ông Vũ Khắc Khoan từng viết một vở kịch ngắn rất thơ mộng, có tên là Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa. Vở kịch ngắn này được Vũ Khắc Khoan viết ra giữa thập niên 40 (khoảng 1946-1947) và đã được công diễn tại nhà hát lớn Hà Nội. Ở hải ngoại, vở kịch cũng đôi lần được trình diễn vào dịp tháng 9 nhân tưởng niệm Vũ Khắc Khoan. Kẻ này thuở còn ở trung học, được xem trình diễn một lần trên sân khấu trường Khải Định (Quốc Học – Huế). Nội dung vở kịch nhằm cắt nghĩa tại sao Cuội mang tiếng là nói dối (nói dối như Cuội – kẻ này cũng được hân hạnh mang tên Cuội nữa đấy): chỉ vì Cuội thấy được những điều mà người khác không thấy. Vở kịch để lại ấn tượng sâu sắc trong trí óc kẻ này cho dù đã nửa thế kỷ trôi qua. Và hình ảnh thằng Cuội vẫn còn hiện diện đâu đó trong tiếng dế, dưới ánh trăng…

Bây giờ xin nói về nhân vật Jack O’Lantern

Theo một thần thoại Ái Nhĩ Lan, Jack-O’-Lantern là biệt hiệu của một gã tên Jack. Anh chàng này rất lém lỉnh, rắn mắt, chỉ thích đi lừa người khác. Gặp ai gã cũng lừa và quỷ cũng chẳng chừa. Một lần Jack lừa một con quỷ trèo lên cây sau khi nó định cướp lấy linh hồn của Jack. Quỷ trèo lên cây rồi, Jack khắc hình thánh giá quanh thân cây. Quỷ không thể trèo xuống vì nó rất sợ hình chữ thập, thế là quỷ bắt đầu van xin. Nó thề sẽ không bao giờ cướp linh hồn Jack nữa nếu gã chịu xóa hết các hình thánh giá trên cây để nó leo xuống.

Cuối cùng thì Jack cũng phải chết, thiên đường không mở cửa cho gã bởi quá khứ toàn đi lừa người thế là gã lủi thủi đi xuống địa ngục. Nhưng khi tới cổng địa ngục, quỷ nhận ra Jack và nhớ tới thỏa thuận khi xưa nên Jack không được vào trú ngụ. Thế là linh hồn của Jack chẳng còn nơi định cư và cứ quanh quẩn chẳng biết đi về đâu, cứ phải quờ quạng trong đêm tối, và Jack phải xin quỷ chút lửa để soi đường. Cuối cùng quỷ thương tình ném cho anh chàng hòn than lấy từ bếp lửa địa ngục không bao giờ tắt.  Và Jack lấy một củ cải đỏ (turnip) đem khoét rỗng thành hình mặt quỷ, bên trong đặt hòn than. Và cứ thế mà Jack mãi lang thang trong lằn ranh thực-hư, giữa thiên đường và địa ngục, với chiếc lồng đèn trên tay…Sau này vào thế kỷ 19 khi người Ái Nhĩ Lan di cư đến Mỹ thì củ cải được thay thế bằng bí ngô và hình tượng ấy đến giờ đã trở thành biểu trưng của Hallowen trên khắp toàn cầu. Tất nhiên, bây giờ chàng Jack tội nghiệp vẫn còn đi trong đêm với chiếc lồng đèn. Các bạn ơi, cứ mở cửa ra trong đêm Halloween là sẽ thấy Jack thôi. Jack với lồng đèn trái bí soi sáng đường đi.

Qua hai câu chuyện Chú Cuội và Jack O’Lantern, người đọc nhận thấy điều này: Chuyện nào cũng hay nhưng chuyện Chú Cuội thì vui, thơ mộng và đầy tính nhân ái còn chuyện kia tình tiết cũng hấp dẫn nhưng kết cục buồn quá. Nói rằng giải trí cho trẻ em thì chuyện Jack O’Lantern có hơi nặng nề. Dẫu sao thì trong lễ hội trăng rằm và mùa Halloween những chuyện như Chú Cuội và Jack O’ Lantern cũng đem lại cho trẻ em một bầu khí đặc biệt để trẻ vui chơi với những chiếc lồng đèn rực rỡ.

 

TN