Ngủ – một từ ngữ rất đỗi bình yên, có phải vậy chăng? Nó gợi lên hình ảnh thật êm đềm: đôi mắt nhắm, hơi thở khoan thai, những giấc mơ và sự thư giãn… Nhưng khi bạn ngủ, các hệ thống trong cơ thể thực hiện những điều kỳ lạ, khiến tâm trí ta có thể ngạc nhiên:

1. Thân nhiệt hạ xuống
Ngay trước khi rơi vào giấc ngủ, nhiệt độ trong người bắt đầu hạ thấp, đó là dấu hiệu cho não bộ tiết ra chất melatonin, ảnh hưởng đến chu kỳ thức ngủ (circadian rhythm). Thân nhiệt xuống thấp nhất khoảng 2 giờ 30 sáng, nên nếu có thể được, nên lập trình chiếc thermostat cao hơn một hoặc hai độ khi tới giờ đó, nếu không, ta sẽ quờ quạng kéo chăn mền của ông xã/bà xã đang ngủ bên cạnh để đắp cho ấm, khiến cho mất lòng.
2. Giảm cân:
Một lý do nên cân buổi sáng chứ đừng cân buổi chiều là vì ban đêm ta mất nước (do ra mồ hôi, hoặc thở ra không khí ẩm). Chuyện này cũng xảy ra ban ngày; nhưng vì lúc thức, ta ăn uống, nên làm vô hiệu sự giảm cân. Nếu chỉ ngủ 4 hay 5 giờ một đêm, bao nhiêu công lao vận động hoặc ăn kiêng ban ngày đều không còn kết quả. Để giảm cân, mỗi đêm phải ngủ ít nhất 7 giờ.
3. Cao hơn
Dĩ nhiên bạn không thấy cao hơn khi thức dậy, nhưng trong giấc ngủ, các đĩa xương sống – hoạt động như những chiếc đệm giữa các xương với nhau – lại có thêm nước và lớn hơn, vì trọng lượng cơ thể không còn đặt trên chúng như khi bạn đứng.
4. Huyết áp và mạch tim giảm
Khi ta nghỉ ngơi, thân thể không cần hoạt động mạnh và bơm nhiều máu, do đó cả hệ thống trong người chậm lại. Ban đêm, huyết áp cần giảm để bắp thịt tim và hệ thống tuần hoàn có thời gian thư giãn. Những người có huyết áp cao cần ngủ ít nhất mỗi đêm 7 tiếng đồng hồ nhằm giảm thiểu nguy cơ bị bệnh tim. Và nếu bị khó thở khi ngủ, cần điều trị ngay, vì tình trạng này có thể làm gia tăng huyết áp lúc ban đêm.
5. Các bắp thịt tạm thời bị tê liệt
Nghe thì có vẻ đáng sợ, nhưng quả thật tình trạng này giữ cho ta không thể thực hiện được các động tác trong giấc mơ. Người bị mộng du, đi lại khi đang ngủ một cách vô thức, có thể không ở trong trạng thái này. Nếu thực hiện được tất cả các ý tưởng trong đầu óc lúc ta ngủ thì nguy hiểm vô cùng. Do đó, tình trạng tê liệt tạm thời cũng là điều ta muốn.
6. Mắt bị giật
Trong giấc ngủ mệnh danh là REM (rapid eye movement, mắt chuyển động nhanh), mắt chúng ta đảo qua đảo lại từ phía này sang phía kia, các nhà khoa học chưa biết chính xác tại sao. Nếu mơ mộng xảy ra trong giấc ngủ như thế khi thức giấc ta có thể thấy người bàng hoàng.
7. Hưng phấn về tình dục
Tình trạng hưng phấn về tình dục xảy ra cả cho cả nam và nữ trong giấc ngủ ban đêm. Não bộ hoạt động nhiều hơn khi bạn mơ mộng trong giấc ngủ, vì thế não cần nhiều oxygen hơn, kết quả là lượng máu luân lưu khắp cơ thể gia tăng, gây nên tình trạng kích thích cơ quan sinh dục.
8. Có thể trung tiện (đánh rắm)
Nghe thì không thanh tao chút nào, nhưng ban đêm, các bắp thịt ở hậu môn dãn ra ít nhiều, làm cho hơi từ đó thoát ra một hai lần. May là bạn (và cả người phối ngẫu) không ngửi thấy không nghe thấy vì khi ngủ khả năng khứu giác cũng như thính giác của ta bị giảm.
9. Có thể bị co rút tòan thân
Có tới 70% số người trải qua tình trạng các bắp thịt bỗng nhiên co rút (hypnic jerk) lúc đang ngủ. Một số chuyên gia cho rằng có thể là do lo âu phiền muộn hoặc giờ giấc đi ngủ không đều đặn, nhưng đây gần như là điều không thể tránh. Vì thế nếu khi ngủ bạn có thói quen xích lại gần người phối ngẫu, nên cẩn thận để khỏi làm vợ/chồng bạn thức giấc.
10. Da sản xuất thêm collagen
Collagen là một chất protein có đặc tính tăng cường sức mạnh cho các mạch máu và làm cho da có tính cách đàn hồi. Khi ngủ, vì không ăn uống gì, nên hormone tăng trưởng được tiết ra để báo cho các tế bào béo phóng ra các năng lượng dự trữ. Do đó, hormone tăng trưởng cũng kích thích cho collagen thêm nhiều. Vì collagen tăng trong giấc ngủ, nếu có dùng những loại kem xức mặt có chứa retinol và retinoid cho khỏi bị khô, thì nên dùng trước khi đi ngủ, vì những sản phẩm này làm tăng trưởng số lượng collagen, chống lại các sắc tố làm da bị đổi màu, cũng như các vết nhăn trên mặt.